Trong thư ngỏ góp ý dự thảo điều lệ nhà trường gửi Bộ GD&ĐT, PGS.TS Hoàng Thị Tuyết, nguyên giảng viên Đại học Sư phạm TP.HCM, giảng viên Đại học Mở TP.HCM, giám đốc Công ty Cổ phần Quốc tế Giáo Dục Khai Phóng – Trung tâm Phát triển Văn hóa đọc và Kỹ năng sống Hướng Dương Việt, cho rằng văn hóa đọc của một xã hội chỉ tình trạng đọc sách và tài liệu thông tin đều đặn, mang đặc tính thói quen của cộng đồng xã hội.
Được sự đồng ý của PGS.TS Hoàng Thị Tuyết, Zing đăng tải ý kiến của bà về vấn đề này.
Học sinh hào hứng khi tham gia chương trình do dự án Sách hay cho học sinh tiểu học. |
Văn hóa đọc trong mỗi cá nhân hiển lộ ở niềm yêu thích, hứng thú đọc, ở mức độ đọc rộng và việc sử dụng, phân phối thời gian đọc của cá nhân mỗi ngày. Phát triển văn hóa đọc trong nhà trường, từ lâu, được xem là chiến lược, chính sách hữu hiệu để nền giáo dục của quốc gia phát triển bền vững.
Đọc tạo nền tảng cho quá trình học vấn của mỗi cá nhân đi đến thành công. Thói quen đọc sách và năng lực đọc làm cho mỗi người trở thành người học suốt đời. Do vậy, phát triển văn hóa đọc là vấn đề mang ý nghĩa chiến lược của mọi quốc gia trong xây dựng xã hội học tập, nâng cao dân trí, và phát triển nguồn nhân lực.
Fredrick Otike (2011), trong nghiên cứu về phát triển văn hóa đọc tại Kenya, quê hương của ông, đã cho thấy: Do Kenya thiếu một chính sách Nhà nước hệ thống và cứng rắn, hầu hết trường đã không có thư viện hoặc không có đủ tài liệu cho học sinh đọc. Việc nuôi dưỡng và phát triển văn hóa đọc cho học sinh chủ yếu dựa vào tiết thư viện, những sự kiện hàng năm mang tính phong trào hay lễ hội.
Không có cơ hội đọc mở rộng, kiến thức trên lớp không được củng cố. Vì thế, học sinh không thể phát triển kỹ năng định vị, chọn lựa, tổ chức, vận dụng, đánh giá và xử lý thông tin, không phát triển thói quen đọc, cũng như động lực đọc. Nghĩa là văn hóa đọc/thói quen đọc trong học sinh được phát triển trong “khoảng chân không”.
Cần tập huấn, hỗ trợ giáo viên dạy học sinh cách đọc. Trên thực tế, các phương pháp giảng dạy, lâu nay, dựa trên một bộ sách giáo khoa – sách giáo viên tương ứng – ít hiệu quả với việc tiếp cận dạy học dựa vào sách, đọc tra cứu thông tin.
PGS.TS Hoàng Thị Tuyết
Việt Nam đã và đang hình thành chính sách phát triển văn hóa đọc một cách hệ thống: Quyết định 329/QĐ-TTg.
Quyết định của Thủ tướng về việc phê duyệt Đề án phát triển Văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Luật Thư viện số 46/2019/QH14 đã được Quốc hội chính thức thông qua ngày 21/11/2019.
Nay, nội dung phát triển văn hóa đọc trong nhà trường đang được Bộ GD&ĐT tổ chức trao đổi, lấy ý kiến rộng rãi của cộng đồng, để chính thức đưa nội dung này vào Điều lệ trường phổ thông – một khung pháp lý hoạt động của nhà trường.
Việc chính sách được triển khai thông qua kế hoạch quốc gia có tính tổng thể đang cho thấy ngày càng có sự tham gia tích cực của các tổ chức xã hội dân sự. Tôi rất tâm đắc vì thực tế đó.
Với thư ngỏ này, cho phép tôi góp vài ý kiến nhằm giúp chủ trương phát triển văn hóa đọc trong nhà trường của Bộ GD&ĐT được thể hiện chính thức trong Điều lệ nhà trường, sẽ đạt hiệu quả cao, bền vững trong phạm vi lớp học, trên từng và mọi học sinh.
Thứ nhất, cần đưa ra quy định cụ thể để ngăn chặn tuyệt đối xu hướng thực hiện việc phát triển văn hóa đọc trong nhà trường, như hoạt động mang tính phong trào, sự kiện thi đua – lễ hội hoặc chương trình hoạt động khuyến khích số ít học sinh đạt điểm cao hay phần thưởng, đạt danh hiệu, huy hiệu.
Tập trung tiến trình chia sẻ giữa mọi thành viên trong nhà trường về tầm nhìn – mục đích chính của phát triển văn hóa đọc trong trường học, là làm cho mọi thành viên thấu cảm rằng đọc để học tập – phát triển, để giải trí, trở thành thói quen đáng yêu, đáng quý, đáng xem trọng; rằng đọc phải trở nên được yêu chuộng và trở thành một sở thích suốt đời của mỗi cá nhân. Nói cách khác, đọc phải vui, hữu dụng và giải trí đối với mỗi người.
Thứ hai, cần giúp giáo viên tìm kiếm thực hiện nhiều phương pháp giảng dạy thích hợp hơn như phương tiện nâng cao văn hóa đọc, làm quá trình giảng dạy trên lớp, giúp học sinh dần trở thành người đọc độc lập như chương trình giáo dục phổ thông của nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay đang thực hiện.
Cần tập huấn, hỗ trợ giáo viên dạy học sinh cách đọc. Trên thực tế, các phương pháp giảng dạy, lâu nay, dựa trên một bộ sách giáo khoa – sách giáo viên tương ứng – ít hiệu quả với việc tiếp cận dạy học dựa vào sách, đọc tra cứu thông tin.
Điều này có nghĩa thay cho việc đọc truyền thống bài đọc/ngữ liệu duy nhất trong sách giáo khoa, học sinh cần được tạo cơ hội đọc, tra cứu nhiều loại sách, tài liệu thông tin liên quan nhu cầu, sở thích, nội dung học tập và cuộc sống thực tế của các em.
Phương pháp giảng dạy này của giáo viên là làm cho học sinh thay đổi nhìn nhận của mình, xem việc đọc như công việc nhà trường bắt buộc; làm cho các em dần trở thành người có thói quen đọc, có hứng thú và kỹ năng đọc để tư học và học suốt đời.
Phương diện này rất quan trọng, vì văn hóa đọc nhất định không thể “nở hoa” nếu bị học sinh xem là bắt buộc phải làm, chứ không phải việc làm các em thích làm và muốn tận hưởng.
Khi việc đọc được xem như “enjoyment – sự tận hưởng vui thú”, học sinh có thể dùng việc đọc trong những phần khác của cuộc đời mình, từ đó, đọc có thể trở thành một phần thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày của các em.
Thứ ba, triển khai điều khoản về phát triển văn hóa đọc trong Điều lệ nhà trường, cần yêu cầu trường đề ra chính sách, thường quy, và chương trình lớp học ở đó tạo cơ hội cho học sinh tra cứu, sử dụng tài liệu tại thư viện ít nhất một tuần một lần.
Giáo viên đòi hỏi học sinh tìm sách đọc, tra cứu thông tin để khuyến khích các em đọc trước và mở rộng những điều đã học trên lớp. Đọc để làm các dự án, bài tập áp dụng tổng hợp nội dung đã học.
Thông qua việc sử dụng nguồn sách đọc mở rộng có kế hoạch như vậy, học sinh có thể sử dụng thời gian của mình tại thư viện, sẽ tiếp xúc nhiều loại ngữ liệu đọc khác nhau, khuyến khích họ ngày càng tự giác dấn thân vào đọc như những người đọc độc lập – người tự học.