Bình Nguyên Lộc lúc còn trẻ, đang tập tành theo nghiệp thơ văn, thường viết thư cho các nhà văn và nhà thơ mà ông phục tài. Trong bài viết cuối cùng Gặp lại bạn xưa trước khi mất ông cho biết có ba người mà ông viết thư dai dẳng nhất là Nguyễn Tuân, Nhất Linh và Nguyễn Nhược Pháp.
Nhà văn Nguyễn Tuân thì không bao giờ trả lời thư, Nhất Linh chỉ trả lời một bức mà lời lẽ có vẻ đùa cợt, chế giễu còn Nguyễn Nhược Pháp thì “trả lời đều đều, ban đầu chỉ đủ lịch sự thôi, nhưng càng ngày càng thân mật, mặc dầu thuở ấy tôi vẫn cứ còn ở trong bóng tối của đời công chức tập sự.
Người nầy cùng tuổi với tôi, chớ không phải cao niên hơn tôi như Nguyễn Tuân và Nhất Linh. Có lẽ vì thế mà anh ấy dễ thông cảm với tôi chăng?
Nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp. Ảnh tư liệu. |
Mặc dù còn trẻ như tôi, nhưng anh ấy đã vang danh rồi. Đó là nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp, tác giả tập thơ bất hủ Ngày xưa. Một nhà thơ đã nổi danh mà bằng lòng làm bạn hàm thụ với một ký toán-viên tối tăm của Ngân khố Sài Gòn thì thật là chuyện hy hữu vậy”.
Bất thình lình Nguyễn Nhược Pháp qua đời. Nhà văn Bình Nguyên Lộc mất đi một người bạn. Một thời gian ngắn sau nhà văn Bình Nguyên Lộc có bài văn đầu tiên xuất hiện trên báo và khi đọc lại bài văn ông bỗng nhớ lại nhà thơ từ phương xa đã động viên ông nỗ lực.
“Tôi đã nỗ lực, giờ có chút ít kết quả rồi thì người ấy lại không còn nữa, để mà thấy tôi không phụ lòng ai? Tôi xúc động quá, lấy bút viết ra ngay bài thơ dưới đây, bị bỏ quên từ 43 năm nay, trong tủ của tôi mà giấy má chồng chất vô trật tự.
Trong cái tháng mà tôi đoán biết rằng tôi sắp lên đường ly hương, tôi xốc xáo tất cả giấy tờ cũ, vì nhiều mục đích. Tôi gặp lại bài thơ bỏ quên nầy, khiến tôi ngồi đó mà hồn đi vắng hằng giờ. Những hồn ma cũ lũ lượt lướt qua trong trí tôi, trong lòng tôi. Một thời quá khứ, một thời xuân trẻ đã qua, chẳng bao giờ trở lại cả. Hồn người xưa đâu rồi?”.
Bình Nguyên Lộc lúc trẻ. Ảnh tư liệu. |
Bài thơ Với hồn Nguyễn Nhược Pháp có đoạn:
“Anh và tôi đều sanh cùng năm
Ta trưởng thành, anh nổi tiếng tăm,
Tôi thì chỉ bắt đầu tập viết,
Thỉnh thoảng làm gan gởi thơ thăm.
***
Đồng niên, tôi mặc cảm học trò,
Ham chường mặt báo, lại cứ lo…
Anh cười, anh chế văn thơ dở,
Tác phẩm xong rồi, giữ bo bo.
Sao anh vụt chết? Dốt lý do…
***
Tôi đành cởi bỏ áo học trò,
Múa lia ngòi bút cùn công chức,
Mơ hão tiếp lời thi sĩ to
[…]
Nếu có linh hồn anh ở đâu?
Xin về báo mộng kẻ đi sau.
Đi xa? Đi ngắn? Xin cho biết
Để tớ dừng chơn hoặc vụt lao.
[…]
Thật là trùng hợp một cách buồn bã khi hồi ký Gặp lại người xưa dành cho tạp chí Đời nhưng chưa kịp gửi bài đi thì nhà văn Bình Nguyên Lộc đã vội đi tìm Nguyễn Nhược Pháp.