Theo Bộ GD&ĐT, các trường THPT chịu trách nhiệm hướng dẫn thí sinh chuẩn bị hồ sơ và điền vào phiếu đăng ký dự thi để nộp từ ngày 27/4 đến hết ngày 11/5.
Phiếu phải điền đầy đủ, đúng thông tin; rà soát hồ sơ đăng ký xét công nhận tốt nghiệp THPT, đặc biệt thông tin về diện ưu tiên để được cộng điểm ưu tiên (nếu có). Các đơn vị tuyệt đối không tiếp nhận hồ sơ không hợp lệ.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay có phương thức thi như năm ngoái. Ảnh: Tiền Phong. |
Bảo mật thông tin tài khoản
Khi đăng ký dự thi, thí sinh phải kê khai đảm bảo chính xác các thông tin về mã tỉnh, mã trường THPT… Nghiên cứu kỹ hướng dẫn thực hiện Quy chế tuyển sinh trình độ ĐH, tuyển sinh trình độ CĐ. Thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT chỉ được đăng ký 1 bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (KHTN) hoặc Khoa học xã hội (KHXH).
Đối với bài thi Ngoại ngữ, thí sinh có thể chọn một trong 7 ngôn ngữ. Các trường hợp được miễn bài thi Ngoại ngữ trong xét công nhận tốt nghiệp THPT gồm thành viên đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế môn Ngoại ngữ; thí sinh có một trong các chứng chỉ ngoại ngữ hợp lệ, có giá trị ít nhất đến ngày 6/7 và đạt mức điểm cụ thể.
Ví dụ, Tiếng Anh (TOEFL IPT 450 điểm), (TOEFL iBT 45 điểm), Tiếng Pháp (TCF 300-400 điểm), Tiếng Nhật (JLPT cấp độ 3)…
Sau khi thời hạn đăng ký dự thi kết thúc, thí sinh sẽ không được thay các thông tin về bài thi, môn thi đã đăng ký.Khi làm thủ tục dự thi, thí sinh phải có Căn cước công dân, do đó phải chuẩn bị trước khi nộp phiếu đăng ký dự thi. Trường hợp không có thẻ căn cước, thí sinh sẽ được cấp một mã số.
Sau khi nộp phiếu đăng ký dự thi, thí sinh sẽ được cấp một tài khoản và mật khẩu để đăng nhập vào hệ thống quản lý thi qua mạng kể từ khi đăng ký dự thi đến xem kết quả thi, xét công nhận tốt nghiệp, xét tuyển ĐH.
Bộ GD&ĐT lưu ý, để an toàn, khi nhận tài khoản và mật khẩu, thí sinh nên thay đổi mật khẩu cũng như bảo mật thông tin của mình. Nếu quên tài khoản và mật khẩu, có thể liên hệ đơn vị đăng ký dự thi để được cấp lại.
Lưu ý điện thoại, tô mã đề thi
Bước vào kỳ thi, ngay sau khi được phát đề, thí sinh phải kiểm tra tình trạng đề thi. Nếu phát hiện đề thiếu trang hoặc rách, nhòe, mờ thì lập tức báo cáo giám thị để xử lý.
Nếu để quá 10 phút, kể từ giờ phát đề đối với Toán, Ngoại ngữ; 5 phút đối với bài thi Ngữ văn và bài thi tổ hợp, thí sinh sẽ phải tự chịu trách nhiệm. Bộ GD&ĐT cũng lưu ý thí sinh khi làm bài thi trắc nghiệm phải tô đúng mã đề ghi trên phiếu.
Về bài thi tổ hợp, các môn thi thành phần trong mỗi bài thi tổ hợp có cùng mã đề thi. Thí sinh làm bài các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp theo lịch thi trên cùng một phiếu trả lời trắc nghiệm. Hết thời gian làm bài của môn thi thành phần cuối cùng, cán bộ coi thi mới thu phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh.
Cũng trong bài thi tổ hợp, thí sinh chỉ thi 2 môn thành phần không liên tiếp. Sau khi hoàn thành môn thi thứ nhất, phải nộp đề thi, giấy nháp, ngồi nguyên vị trí chờ môn thi tiếp theo. Trong thời gian nghỉ chờ làm thủ tục thi giữa 2 môn thành phần bài thi tổ hợp, thí sinh phải có lý do đặc biệt mới được xem xét cho ra ngoài phòng thi.
Ông Nguyễn Ngọc Trung, Trưởng phòng Quản lý chất lượng, Sở GD&ĐT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, nói rằng mặc dù có quy định rõ về thời gian nộp hồ sơ đăng ký dự thi nhưng những năm trước vẫn có tình trạng thí sinh tự do nộp hồ sơ chậm trễ.
Một số học sinh ở vùng sâu, vùng xa sai sót trong phần điền khu vực, chế độ ưu tiên. Thí sinh thường mắc một số lỗi như: tô sai mã đề, mang điện thoại vào phòng thi…
“Về mã đề, trong quá trình ôn luyện, thí sinh nên tô thử để làm quen, không nên để vào phòng thi mới lần đầu tô, dễ sai sót”, ông Trung nói.
Bộ GD&ĐT lưu ý, các đơn vị đăng ký dự thi cần chuẩn bị điều kiện về cơ sở vật chất, tổ chức kiểm tra chéo thông tin thí sinh. Cần lưu ý thông tin về diện ưu tiên, điểm khuyến khích trong xét công nhận tốt nghiệp THPT.