Tác giả Nguyễn Thị Thu Hòa là chủ nhân của Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội. Bà luôn dành tình yêu và bỏ công nghiên cứu dòng tranh dân gian Việt Nam.
Hơn 8 năm qua, bà cùng các cộng sự cho ra đời nhiều ấn phẩm về chủ đề này như: Dòng tranh dân gian Đông Hồ, Dòng tranh dân gian Kim Hoàng, Dòng tranh dân gian Hàng Trống… và được công chúng đón nhận. Một số cuốn đã được trao Giải thưởng Sách quốc gia.
Tiếp tục mạch nghiên cứu đó, mới đây, tác giả Nguyễn Thị Thu Hòa cho ra mắt 2 ấn phẩm: Tranh dân gian Huế và Tranh dân gian đồ thế Việt Nam.
Những chia sẻ xoay quanh dòng sách tranh được đưa ra thảo luận chiều 22/4 tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội) với sự tham gia của đông đảo người yêu mến và có sở thích sưu tầm tranh dân gian.
Nhà nghiên cứu, tác giả Nguyễn Thị Thu Hòa chia sẻ tại sự kiện chiều 22/4. Ảnh: Thu Huệ. |
Tiếp cận gần gũi với văn hóa, tín ngưỡng
Để thực hiện Tranh dân gian Huế, tác giả Nguyễn Thị Thu Hòa đã tìm hiểu tư liệu, khảo sát thực địa ở Thừa Thiên – Huế. Ấn phẩm cho thấy vẻ đẹp, kỹ thuật thực hiện và giá trị của dòng tranh dân gian làng Sình, tranh vẽ tay, gương kính, thêu hay bích họa.
Bên cạnh đó, cuốn sách nói lên đóng góp thầm lặng của những nghệ nhân đã bền bỉ lưu giữ nghề làm tranh truyền thống; từ đó, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa lâu đời của người Việt.
Ông Phạm Trần Long – Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Thế Giới (đơn vị xuất bản nhiều cuốn sách về chủ đề này) – chia sẻ: “Gần như mỗi năm, tác giả Nguyễn Thị Thu Hòa lại đưa cho chúng tôi một tập bản thảo dày dặn, đáng kinh ngạc. Là người cuối thế hệ 7X nhưng đôi khi tôi vẫn cảm thấy mơ hồ về dòng tranh dân gian. Những công trình nghiên cứu như thế này giúp thế hệ độc giả ngày nay có thể tiếp cận gần gũi, dễ dàng hơn với văn hóa dân tộc”.
Theo ông Long, Tranh dân gian Huế, Tranh dân gian đồ thế Việt Nam hay Dòng tranh dân gian Đông Hồ là các ấn phẩm góp phần phát huy, gìn giữ và bảo tồn văn hóa, tín ngưỡng truyền thống của người Việt.
Trong quá trình điền dã ở khắp vùng, miền trên Tổ quốc, nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa dự định thực hiện một xuất bản phẩm toàn tập về tranh dân gian Việt Nam. Nhưng khi tìm hiểu về từng dòng tranh, bà nhận thấy cần có công trình nghiên cứu riêng cho từng dòng. Từ đó, những cuốn sách về tranh Đông Hồ, dân gian Huế, Hàng Trống, Kim Hoàng… liên tiếp ra đời.
Ấn phẩm nghiên cứu về dòng tranh đồ thế Việt Nam. Ảnh: Thu Huệ. |
Bám sát đời sống tín ngưỡng của người Việt
Hai nhà nghiên cứu người Pháp đã truyền cảm hứng cho tác giả Nguyễn Thị Thu Hòa là Maurice Durand và Henri Oger qua bộ bách khoa toàn thư bằng tranh Kỹ thuật của người An Nam và Tranh dân gian Việt Nam. Đó là những tư liệu quý giúp tác giả thực hiện được mong muốn đóng góp vào việc gìn giữ những mẫu tranh dân gian Việt Nam.
Trong quá trình điễn dã, bà cho rằng dòng tranh có tuổi đời lâu nhất là dân gian đồ thế Việt Nam. “Dòng tranh này bám chặt vào đời sống của con người nên dù trải qua bao đời, nó vẫn có sức sống mạnh mẽ trong nghi lễ, tín ngưỡng, tôn giáo của dân tộc”, tác giả nhận định.
Cuốn sách Tranh dân gian đồ thế Việt Nam ra đời với ý nghĩa đó. Sách gồm hơn 1.000 ảnh minh họa, in màu toàn bộ và được chia thành 5 nội dung chính: Đồ thế của các nước trên thế giới và Việt Nam; Địa lý – Tôn giáo – Tín ngưỡng Việt Nam; Tranh đồ thế Bắc Bộ; Tranh dân gian đồ thế Trung Bộ; Tranh đồ thế Nam Bộ.
Tư tưởng, tôn giáo, tín ngưỡng của người Việt được thể hiện sâu sắc trong tranh dân gian đồ thế, có thể kể đến như: Tín ngưỡng giải hạn cầu an, thờ cúng ông Công – ông Táo, cúng chúng sinh…
Chia sẻ tại buổi giao lưu, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình – người sáng lập câu lạc bộ Đình làng Việt – cho rằng tranh dân gian đồ thế Việt Nam có giá trị thẩm mỹ cao, có thể ứng dụng vào các sản phẩm mỹ thuật hiện đại.
Khác biệt lớn nhất của dòng tranh dân gian đồ thế với các dòng tranh khác nằm ở công dụng của nó trong đời sống. Cụ thể, dòng tranh này có thể sử dụng để trang trí các sản phẩm ứng dụng, làm vỏ bọc quà tặng, sách, đồ lưu niệm hay may mặc.
“Tôi hy vọng từ những cuốn sách của mình, các họa sĩ, nhà thiết kế sẽ có thêm tư liệu tham khảo để tạo ra nhiều sản phẩm, mẫu mã có diện mạo mới mẻ, bắt mắt. Khi thực hiện những ấn phẩm này, tôi đã cố gắng giải thích ý nghĩa của từng bức tranh nhằm phổ biến phong tục, tín ngưỡng của từng lễ nghi để thế hệ trẻ tiếp thu giá trị của tranh dân gian”, bà Thu Hòa nói.
Chia sẻ về dự định sắp tới, tác giả cho biết sẽ tiếp tục thực hiện những cuốn sách về tranh dân gian bích họa và gương kính.
“Chúng ta cần nỗ lực, cố gắng để bù đắp những thiếu sót trong nghiên cứu tranh. Nhiều người nước ngoài sang đây và rất đam mê tranh Việt Nam. Bản thân là người Việt, tôi nghĩ mình có trách nhiệm phải lan tỏa niềm tự hào đó đến đông đảo bạn đọc ngày nay”, tác giả nói thêm.