Nếu bạn coi đồ vật là phương tiện để truyền tải “giá trị của bản thân” thì đồ đạc trong nhà bạn sẽ dần tăng lên. Và đương nhiên là đồ đạc càng nhiều thì bạn càng dễ thể hiện được giá trị của mình.
Tuy nhiên, những món đồ đang tăng lên không ngừng đó sẽ không còn là phương tiện mà sẽ trở thành mục đích của việc thể hiện “giá trị của bản thân”. Hay nói cách khác, “đồ vật” đã trở thành chính “bản thân” bạn. Và bạn đã nhầm “đồ đạc” với “bản thân mình”.
Nếu bạn nghĩ đồ đạc là bản thân bạn, bạn sẽ tiếp tục sắm đồ đạc không ngừng nghỉ. Vì “đồ đạc = con người” nên tự nhiên việc tăng đồ đạc cũng chính là tăng giá trị bản thân mình. Cứ như vậy, bạn sẽ tiếp tục tiêu tốn thời gian, tiền bạc, công sức để mua sắm, bảo quản, sắp xếp hết món này đến món khác.
Nói tóm lại, khi coi giá trị của đồ đạc bằng giá trị của bản thân, bạn sẽ coi việc bảo quản, sắp xếp đồ đạc là mục tiêu hàng đầu của mình.
Nhiều người cho rằng càng mua sắm nhiều đồ đạc, càng thể hiện được giá trị của bản thân. Ảnh: giadinh.net. |
‘Tôi đã từng coi giá sách là chính bản thân mình’
Có thể nói đến đây thì bạn sẽ hơi khó hiểu nên tôi sẽ lấy một ví dụ dễ hình dung hơn. Ví dụ như trước đây, tôi có kê trong nhà một giá sách to chất đầy các loại sách. Mặc dù có nhiều sách như vậy, tôi chỉ nhớ mang máng nội dung vài cuốn, hoàn toàn không thể nắm bắt kỹ nội dung từng cuốn được.
Ngay từ hồi sinh viên, tôi đã mua về những quyển sách khá khó. Nhiều cuốn tôi chỉ lướt vài trang. Sau vài năm, mặc dù cũng đọc được kha khá đấy nhưng chẳng bao giờ tôi nhớ kỹ cuốn nào cả. Tôi chỉ nhớ mang máng đấy là những cuốn nói về tư tưởng cận đại hay cuốn tiểu thuyết rất dài, một tác phẩm tiêu biểu của thế kỷ 20.
Đến bây giờ thì tôi đã hiểu lý do vì sao tôi không thể vứt những cuốn sách đi được, kể cả những cuốn tôi không định đọc đến. Tôi đã từng thông qua giá sách này để thể hiện giá trị của bản thân mình.
Nhưng liệu tôi có thực sự muốn truyền tải giá trị của bản thân theo cách này? “Tôi có ngần này sách đấy. Chỉ cần bạn nhìn vào giá sách này sẽ thấy, tôi là người có sở thích khá rộng và là người thích tìm tòi điều mới lạ. Cuốn này tôi biết, cuốn đấy tôi cũng biết. Mặc dù chỉ biết tên thôi nhưng đấy là sở thích của tôi, nên tôi vẫn muốn có nó.
Có thể không hiểu hết được nhưng tôi vẫn đang đọc nó đấy. Một kẻ trông tầm thường, ít nói như tôi nhưng lại có nội tâm sâu sắc, tri thức phong phú đến thế đấy. Tôi chính là người có hiểu biết sâu sắc đấy.”
Nhiều sách vở, giấy tờ, dẫn đến việc dọn dẹp phòng cũng trở nên khó khăn hơn. Ảnh: Daily Health Post. |
Dù chẳng bao giờ đọc kỹ mấy cuốn sách ấy, chẳng bao giờ để chúng thấm sâu vào tâm trí mình, tôi vẫn tiếp tục mua thêm thật nhiều sách. Tôi có cảm giác, giá trị của mình được thể hiện bằng số sách mà tôi có. Và từ lúc nào đó thì tôi đã coi mấy cuốn sách còn mới nguyên ấy chính là “bản thân mình”.
Nhưng thực tế thì hầu hết số sách ấy đều chẳng cần dùng đến. Và những đĩa DVD, CD tôi tích trong nhà cũng vậy. Kể cả những cuốn tạp chí máy ảnh, những bức ảnh dán tường, bộ đồ ăn hay bộ sưu tập máy ảnh cũng thế. Tôi chất đầy chúng trong nhà dù chẳng một lần dùng đến.
Và khi đồ đạc trong nhà quá tải, chúng đã vượt ngoài tầm kiểm soát của tôi. Quá nhiều đồ đạc nên việc dọn dẹp khó khăn hơn, rốt cuộc là tôi để nguyên căn phòng bụi bẩn. Vì thế mà dần dần tôi mất đi niềm tin vào bản thân và không còn động lực làm việc gì nữa. […]