Khi Steve Jobs thiết kế văn phòng cho Pixar, ông đã xây một giếng trời lớn ở trung tâm tòa nhà và sau đó bố trí phòng nhận thư, nhà ăn, phòng họp và phòng tắm cạnh cấu trúc lộ thiên này.
Steven Kotler viết trong cuốn sách The Art of the Impossible: A Peak Performance Prime rằng thiết kế này “buộc nhân viên từ khắp các phòng ban ngẫu nhiên đụng độ nhau, làm tăng tính mới mẻ”. Những yếu tố này khiến não sản xuất nhiều dopamine, một chất dẫn truyền thần kinh quan trọng khiến con người cảm nhận được niềm vui, động lực, trí nhớ và sự chú ý. Kết quả là sự sáng tạo và năng suất được nâng cao và Pixar trở thành một công ty lớn mạnh như ngày nay.
Steve Jobs tìm cách tăng cường sự tương tác trong đội ngũ nhân viên. Ảnh: AFP/Getty. |
Các tương tác ngẫu nhiên này cũng kích hoạt trạng thái làm việc và sự tập trung ở mức tốt nhất có thể. Kotler lưu ý, trạng thái này có thể giúp chúng ta hoàn thành những kỳ tích dường như không thể thực hiện được và có thể tăng khả năng hoạt động của năng lực tinh thần lên tới 500%.
Kotler, cũng là một nhà báo được đề cử giải Pulitzer, viết: “Trong mọi lĩnh vực, bất cứ khi nào điều không thể trở thành có thể, trạng thái trên luôn đóng vai trò quan trọng”. Những công ty lớn ở Thung lũng Silicon cũng tìm cách khai thác trạng thái trên để tối ưu hóa thời gian và sáng tạo trong đội ngũ nhân viên.
Vận động viên lướt sóng huyền thoại Laird Hamilton đã chìm trong trạng thái đó khi vượt qua những con sóng cao gần 100 feet. Lực lượng SEAL của quân đội Mỹ cũng được đưa vào trạng thái này khi hoàn thành các nhiệm vụ tối mật với độ chính xác cao.
Nhưng làm thế nào để tiến vào trạng thái này? Các nhà nghiên cứu đã xác định được 22 “yếu tố kích hoạt”, bao gồm có mục tiêu rõ ràng, phản ứng ngay lập tức, môi trường tác động phong phú và mục tiêu thách thức kỹ năng của chúng ta vừa đủ. “Trạng thái tập trung cao nhất chỉ có thể được kích hoạt khi tất cả sự chú ý của chúng ta hướng vào một thời điểm”, Kotler viết.
Đam mê và sẵn sàng thất bại
Tìm kiếm điều bạn thực sự đam mê là trọng tâm để đạt được trạng thái này. Kotler viết: “Đừng chỉ quan tâm đến bóng đá hoặc đồ ăn, hãy tò mò về cơ chế chặn đường chuyền cần thiết hay tiềm năng để châu chấu trở thành nguồn thực phẩm chính của con người trong 10 năm tới”. Và dù bạn đang ở giai đoạn nào trong việc khám phá sở thích của mình, Kotler chia sẻ rằng mọi thứ đều đòi hỏi sự học hỏi liên tục và sách là dạng thông tin cô đọng nhất. Ông viết: “Tất cả, từ những gã khổng lồ công nghệ như Bill Gates, Mark Zuckerberg và Elon Musk đến những biểu tượng như Oprah Winfrey, Mark Cuban và Warren Buffett, đều ghi nhận thành công đáng kinh ngạc nhờ niềm đam mê sách vở”.
Bill Gates nổi tiếng với sở thích đọc sách. Ảnh: Getty. |
Kotler cũng cảnh báo không nên định hình đam mê quá sớm, cho dù bạn đang ở giai đoạn đầu trong sự nghiệp của mình hay đang tìm kiếm một con đường mới sau này. Nghiên cứu cho thấy những người đạt thành công lớn đều thử nhiều công việc khác nhau trước khi tìm được công việc hoàn toàn phù hợp với sở thích và kỹ năng của mình. “Số lượng công việc khác nhau trong một lĩnh vực nhất định là một trong những yếu tố tốt nhất để dự đoán về thành công của một CEO”, Kotler viết.
Cuốn sách ra mắt ngày 19/1. Ảnh: Amazon. |
Bob Iger, cựu CEO của Walt Disney, bắt đầu làm nhiều việc lặt vặt ở tuổi 13. Ở tuổi 20, ông làm việc tại đài truyền hình ABC với vai trò giám sát trường quay và tiếp tục làm hơn 20 công việc khác nhau tại ABC trước khi leo lên bậc thang thành công.
Một điều khác là sự sẵn sàng thất bại. Những người kém thành công có xu hướng tìm kiếm những con đường tắt. Kotler nhớ lại cách huyền thoại trượt ván Rodney Mullen ban đầu là người tiên phong trong lĩnh vực trượt ván tự do. Nhưng khi phong cách này không còn hợp thời vào cuối những năm 1980, Mullen chuyển sang trượt băng đường phố, một phong cách năng động hơn và đòi hỏi nhiều kỹ năng hoàn toàn khác. Mullen đi ra ngoài đường phố Los Angeles vào ban đêm để luyện tập ở nơi không ai nhìn thấy và cuối cùng đã thành công.
Quyết tâm theo đuổi mục tiêu
Những người đạt được thành tích cao cũng nhờ vào sự kiên trì và quyết tâm theo đuổi mục tiêu. Kotler viết về cách thần đồng cờ vua Josh Waitzkin tin tưởng vào việc “học cách trở thành người giỏi nhất khi bạn kém nhất”. Ông viết: “Nếu tôi có thể nghe rõ ràng khi leo lên vách đá thì tôi có thể nghe mạch lạc trong bất kỳ điều kiện nào”. Một khía cạnh khác của sự kiên trì là xác định và rèn luyện điểm yếu của bạn, điều mà hầu hết chúng ta không muốn làm. Kotler viết: “Điểm yếu của chúng ta thường là những thứ chúng ta ít thích nhất và ít có động lực rèn luyện nhất”. Arnold Schwarzenegger đã bắt đầu các buổi tập tạ bằng cách tập trung rèn luyện những cơ yếu nhất.
Những người xuất sắc không chỉ chấp nhận thử thách, họ còn sợ hãi. Kotler ban đầu ngạc nhiên khi biết rằng Hamilton không phải là một kẻ liều lĩnh không biết sợ mà luôn sống trong sợ hãi. Kotler viết: “Mọi người thành công mà tôi từng gặp đều đang chạy nhanh như họ đang hướng về thứ gì đó. Sợ hãi là một động lực tuyệt vời. . . học cách coi nỗi sợ hãi như một thách thức để vươn lên thay vì một mối đe dọa phải tránh có thể tạo ra sự khác biệt sâu sắc trong cuộc sống của chúng ta”.
Bằng cách hiểu rõ hơn về cách bộ não của chúng ta hoạt động, chúng ta có thể làm việc ít hơn nhưng đạt được nhiều hơn.