Connect with us

Sách hay

Lịch sử vú: Chỉ phụ nữ mới có thể làm nổi!

Được phát hành

,

Chỉ phụ nữ mới có thể làm nổi! Đúng vậy! Đó là cảm nhận khi đọc xong 500 trang sách Lịch sử vú – cuốn sách “có chủ đề vô tiền khoáng hậu và thành công ngoạn mục trong việc hòa trộn giữa mỹ học và chính trị”.

Lịch sử vú: Chỉ phụ nữ mới có thể làm nổi! - Ảnh 1.

Ảnh: NGUYỄN THỊ MINH

Đây cũng là cuốn sách thuần nữ: nữ tác giả Marilyn Yalom (Mỹ), nữ dịch giả Nguyễn Thị Minh và Nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam.

Công trình đầy hấp dẫn về vú phụ nữ

Tên sách là Lịch sử vú, nhưng tôi lại muốn gọi là Bách khoa thư về vú bởi vì cuốn sách là công trình khoa học liên ngành rất xuất sắc, thuyết phục và đấy hấp dẫn về vú phụ nữ.

Đọc Lịch sử vú của Marilyn Yalom mới thấy tri thức về vú của mình rất nghèo nàn và hạn hẹp. Thông thường ta nhìn nhận về vú ở chức năng làm mẹ và chức năng tình dục. Nhưng không chỉ thế, thực ra, lịch sử mấy ngàn năm của loài người là lịch sử vú và lịch sử vú là lịch sử của văn minh.

Advertisement

Theo trình tự 9 chương sách: “Vú linh thiêng”, “Vú gợi dục”, “Vú quốc dân”, “Vú chính trị”, “Vú tâm lý”, “Vú thương mại”, “Vú y học”, “Vú tự do” và “Vú trong khủng hoảng”, tác giả cho người đọc nhìn thấy mối liên hệ mật thiết giữa bầu vú người phụ nữ với lịch sử phát triển của nhân loại qua góc nhìn tôn giáo, triết học, nghệ thuật, pháp luật, chính trị, thương mại, y học…

Vú nồng nàn và say đắm trong ly rượu đầu tiên của truyền thống Hy Lạp, vú khêu gợi trong thời kỳ Phục hưng, vú linh thiêng vào cuối thời Trung cổ, vú tự do trong Cách mạng Tư sản Pháp, vú chính trị hóa trong hoạt động tuyên truyền của hai cuộc thế chiến…

Vú “thổi bùng lên ngọn lửa” của thơ ca. Khi các thi sĩ làm thơ về cõi chết, họ gọi nó là nơi “không có vú”.

Vú là nguồn cảm hứng bất tận của hội họa. Với các họa sĩ thời Phục hưng, bầu vú mang lại “một cảm giác mới về vẻ đẹp nữ tính”, bầu vú “là một phần của khuôn mặt”. Vú có thể làm tan chảy những con người sắt đá nhất.

Vú có khả năng thương mại gần như vô tận. Chúng không chỉ sinh ra các sản phẩm liên quan, chẳng hạn như áo vú và kem dưỡng thể, mà khi được đặt bên cạnh xe hơi, đồ uống, nghệ thuật, truyền thông, giải trí và tất tần tật những gì khác, chúng cũng thúc đẩy doanh số bán những mặt hàng đó. “Với một bầu vú, bạn có thể bán bất cứ thứ gì bạn muốn”!

Advertisement

Vú nhận được mối quan tâm của các bác sĩ y khoa trong hai lĩnh vực chính: một lĩnh vực tập trung vào việc cho con bú, lĩnh vực kia là bệnh tật. Theo thời gian, vú đã khoác lên mình rồi cởi bỏ những chiếc áo mang màu sắc tôn giáo, gợi tình, quốc dân, chính trị, tâm lý và thương mại. 

Ngày nay, nó phản ánh cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu khi tỉ lệ người bị ung thư vú ngày một gia tăng. Thật đáng suy ngẫm, khi mà chỉ lúc lâm trọng bệnh, bầu vú mới thực sự là của riêng người phụ nữ. Con cái, chồng, người yêu, người thân, bạn bè chỉ có thể an ủi chứ không thể làm gì hơn.

Chúng ta sẽ thành công trong việc kiểm soát và thậm chí đảo ngược sự phát triển của ung thư vú? Nếu vậy, đây sẽ là một chiến thắng không chỉ cho phụ nữ mà cho tất cả nhân loại – cho bản thân đời sống khi đối mặt với mọi thứ đe dọa hủy diệt ta.

“Hãy cứu lấy bầu vú” là khẩu hiệu mà cả thế giới có thể đồng tình.

Vú là lịch sử, là nhân loại, là thế giới

Advertisement

Đọc xong Lịch sử vú, chợt nhận ra rằng: cao hay thấp, to hay nhỏ, rắn chắc hay lõng thõng, nguyên bản hay can thiệp, mặc nịt vú hay thả rông, vén vú cho con bú ở nơi công cộng hay không… tất cả không chỉ là thị hiếu thẩm mỹ mang tính nhục thể mà đều là những diễn ngôn tinh thần về vú.

Vú là lịch sử, là nhân loại, là thế giới. Từ mỗi góc nhìn, vú là một thực tại khác nhau. Trẻ sơ sinh nhìn thấy thức ăn. Đàn ông thấy tình dục. Các bác sĩ thấy bệnh tật. Doanh nhân nhìn thấy những dấu hiệu của đôla. Những người có quyền uy trong tôn giáo biến vú thành biểu tượng tinh thần, trong khi các chính trị gia chiếm dụng nó vì mục đích dân tộc chủ nghĩa. Những nhà phân tâm học đặt vú vào trung tâm của vô thức. 

Tính đa nguyên này của ý nghĩa gợi ra vị trí đặc quyền của vú trong trí tưởng tượng của con người. Còn chủ nhân đích thực của các bầu vú thì sao?

Bản thân phụ nữ có xem bầu vú của họ là biểu tượng của tình yêu tôn giáo hoặc chính trị không? Họ có chấp nhận quan niệm rằng bầu vú của họ thuộc về miệng trẻ nhỏ và bàn tay nam giới hay không? Người phụ nữ ở đâu trong tất cả những quan niệm này? Họ đã nghĩ gì và cảm thấy thế nào?… Đó là những điều lắng đọng lại trong người đọc từ những suy tư về vú.

Vú của Eva, của Đức mẹ Đồng trinh, của nữ thần Hera – vợ thần Zeus, của nữ thần tình yêu Aphrodite, của Nữ thần Tự Do, của các nữ chiến binh Amazon, của các bà mẹ cho con bú, các nhũ mẫu đủ màu da, các tình nhân hoàng gia, các cô gái thanh lâu, các cô người mẫu, các bệnh nhân ung thư vú…; lúc như quả ngư lôi, lúc mang hình viên đạn; lúc là trái táo, khi là trái dâu tây; lúc càng to càng tốt, khi càng nhỏ càng sang… Vú với vô vàn sắc thái và sự trình hiện khác nhau ngập tràn trong 500 trang sách của Marilyn Yalom.

Advertisement

Với giọng văn khi sôi nổi khi chùng lắng, khi nghiêm túc khi hài hước nhưng luôn sắc sảo và thuyết phục bằng những luận chứng xác đáng từ 283 tư liệu tham khảo và 99 hình ảnh đầy ấn tượng, Lịch sử vú là một công trình đồ sộ giàu tính chinh phục. Cuốn sách được xem là công trình mở đầu cho nghiên cứu liên ngành về cơ thể với nhiều góc nhìn nữ quyền sâu sắc và táo bạo này được làm nên bởi một người phụ nữ suốt đời đam mê học thuật.

Chuyển tải Lịch sử vú sang tiếng Việt một cách thành công khi phải đối mặt với vô số từ ngữ thuộc kiến thức đa ngành, lại viết lời giới thiệu về tác giả và nội dung cuốn sách một cách khúc chiết và đầy cảm xúc, việc này cũng được làm bởi một người phụ nữ – nhà khoa học – nhà giáo – dịch giả trẻ Nguyễn Thị Minh (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM).

Lắng nghe tiếng nói, hơi thở, niềm vui, nỗi đau, khát vọng, các giá trị xã hội của bầu vú trong quá khứ, hiện tại và tương lai qua tác phẩm Lịch sử vú làm tăng giá trị cho Phụ Nữ Tùng Thư khi đặt nó vào tủ sách; việc này cũng chỉ Nhà xuất bản Phụ Nữ mới đủ mẫn cảm, thấu cảm và tâm huyết để thực hiện.

Như thế, quả là chỉ – phụ – nữ – mới – có – thể – làm – nổi!

Dĩ nhiên, về phía người đọc thì bất phân nam nữ, chúng ta hãy cứ đọc đi. Cuốn sách này sẽ cho bạn “suy nghĩ về vú phụ nữ theo cách bạn chưa từng mường tượng trước đây” – như câu mở đầu đầy “khiêu khích” của tác giả.

Advertisement

Tình yêu, sự gần gũi, sự nuôi dưỡng

vu tren boeing

Hình vẽ trên thân máy bay (Boeing B-17, không quân Anh) của Chiến tranh Thế giới thứ hai nhập làm một giữa vú, nguy hiểm, sự hủy diệt và chiến thắng – Ảnh trong sách

Trong suốt thế kỷ xx, vú của phụ nữ đã bị các chính phủ khác nhau chính trị hóa vì nhiều nguyên nhân, đặc biệt là trong thời kỳ chiến tranh. Ở Mỹ, từ năm 1942 đến cuối năm 1945, khoảng sáu triệu bản Esquire có hình người đẹp Alberto Vargas vú trần đã được gửi miễn phí cho binh lính để “nâng cao tinh thần” của quân đội Hoa Kỳ.

Những người đàn ông chiến đấu ở nước ngoài nhìn vào vú phụ nữ như một lời nhắc nhở về những giá trị mà chiến tranh đã hủy hoại: tình yêu, sự gần gũi, sự nuôi dưỡng. Bầu vú trở thành biểu tượng nữ tính truyền cảm hứng cho lòng dũng cảm của nam giới. Đồng thời, bầu vú còn là phần thưởng, là lời hứa hẹn khi chúng sẵn sàng làm vợ và làm mẹ cho người trở về sau cuộc chiến chinh.

Một số hình ảnh trong sách Lịch sử vú:

Lịch sử vú: Chỉ phụ nữ mới có thể làm nổi! - Ảnh 4.
Lịch sử vú: Chỉ phụ nữ mới có thể làm nổi! - Ảnh 5.
Lịch sử vú: Chỉ phụ nữ mới có thể làm nổi! - Ảnh 6.
Lịch sử vú: Chỉ phụ nữ mới có thể làm nổi! - Ảnh 7.
Lịch sử vú: Chỉ phụ nữ mới có thể làm nổi! - Ảnh 8.
Lịch sử vú: Chỉ phụ nữ mới có thể làm nổi! - Ảnh 9.
Lịch sử vú: Chỉ phụ nữ mới có thể làm nổi! - Ảnh 10.
Lịch sử vú: Chỉ phụ nữ mới có thể làm nổi! - Ảnh 11.

Nguồn: https://tuoitre.vn/lich-su-vu-chi-phu-nu-moi-co-the-lam-noi-20220306092511189.htm

Advertisement

Sách hay

Thế giới đa tầng trong thơ Nguyễn Quang Thiều

Được phát hành

,

Bởi

Trong tập thơ mới nhất, Nguyễn Quang Thiều chủ trương mở rộng đề tài, biên giới hiện thực và biên độ cảm xúc của thơ, đổi mới phương thức sáng tạo thơ.

Nguyen Quang Thieu anh 1

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và tập thơ Nhật ký người xem đồng hồ.

Đã có rất nhiều bài viết về Nguyễn Quang Thiều chủ yếu là nói về những đặc điểm về nội dung tác phẩm của ông, chúng tôi nghĩ một điều cần chú ý có thể nói là trước tiên và rất quan trọng đó là tìm hiểu quan điểm sáng tác của ông để từ đó có thể rút ra những vấn đề riêng lẻ khác về thi pháp trong các tác phẩm thuộc các thể loại mà ông tham gia.

Lẻ tẻ trong các phát biểu, bài viết đặc biệt trong các diễn ngôn xoay quanh tập thơ mới xuất bản Nhật ký người xem đồng hồ thì ông nói khá rõ về các quan điểm này. Những ý kiến xoay quanh các vấn đề: sáng tác là khôi phục lại ký ức, sáng tạo có quan hệ đến các giấc mơ, thơ có thể viết về bất cứ cái gì ở khắp nơi trong cuộc đời, hiện thực trong thơ khác với thông tấn của báo chí, nghệ thuật hướng đến cái đẹp…

Trong cảm nhận của chúng tôi, ông chủ trương mở rộng đề tài, biên giới hiện thực và biên độ cảm xúc của thơ. Hiện thực trong thơ có tính đặc thù. Đổi mới phương thức sáng tạo thơ. Chúng tôi thấy Nguyễn Quang Thiều có đổi mới trên các bình diện quan trọng của công việc sáng tạo nghệ thuật, từ đấy toát lên những điều chính yếu mà ít nhiều có khác với những quan niệm của một số người về thực trạng của việc viết lách bấy nay, những người mà ông cho rằng “Chính quan niệm đó làm nhà văn trở nên nghèo nàn và hạn chế”. Thơ ông khá mới, nền thơ nào muốn phát triển cũng cần những nhà thơ tiên phong đi trước dẫn đường cho đội ngũ và nâng cao trình độ nhận thức thẩm mỹ cho công chúng.

Advertisement

Phương thức sáng tạo của Nguyễn Quang Thiều khá đa dạng, chỉ riêng trên bình diện thi ca và cũng chỉ trong tập thơ mới này ta cũng không thể xếp tất cả vào cái khung có sẵn, chúng ta thấy ông cũng đã có gợi ý khi chia tập thơ thành hai: các bài viết về hiện thực gia đình, quê hương, thế sự thuộc phần 1- Nhật ký người xem đồng hồ; các bài giải trí ngẫu hứng thuộc phần 2- Hồ sơ tự khai của đồ vật có trong phòng. Ông chú ý nhiều đến chức năng thẩm mỹ của văn chương.

Có ý kiến cho rằng “Nguyễn Quang Thiều luôn đứng giữ những tranh cãi”. Không ít người cho rằng, nhiều bài thơ của ông chênh vênh giữa hai chức năng “nhận thức” và “giải trí”, những bài thơ nặng về hình ảnh kỳ lạ hơn là chiều sâu tâm lý, đa phần khó hiểu, ít xúc cảm. Bài viết này chúng tôi muốn góp thêm một vài cảm nhận về thơ ông nhân tập thơ Nhật ký người xem đồng hồ mới ra đời trong bối cảnh nền thơ Việt đang cố tạo một bước chuyển và không phải không có những phân vân trước thực tiễn mới.

Vấn đề nổi bật trước tiên là hiện thực trong thơ. Hiện thực thơ là hiện thực tâm trạng, nó khác văn xuôi nói chung đặc biệt là báo chí nói riêng, người ta thường ví như thế này: đời sống là gạo, văn là cơm, còn thơ là rượu, có nghĩa thơ là cái gì mơ hồ còn lại trên sự bay lên từ những cái vật chất cụ thể; có người thì nói cụ thể hơn, báo chí ghi lại đời sống hàng ngày, văn thì những sự kiện tiêu biểu, còn thơ thì ghi lại những dấu ấn trong tim.

Nói như vậy cũng có ý nghĩa tương đối toát lên một cái chung đó là thơ cũng phản ảnh hiện thực, phản ánh thế sự nhưng cái cách phản ánh của thơ nó khác văn ở chỗ một bên phản ánh hiện thực bằng cái hình hài cụ thể còn một bên phản ảnh bằng cái dấu ấn mà nó để lại trong tâm trạng, trong suy nghĩ.

Chỉ mấy câu thơ tâm trạng nhưng Chế Lan Viên đã khái quát được đầy đủ một thời kỳ, một xã hội mà nhà thơ đang sống: Những ngày tôi sống đây là những ngày đẹp hơn tất cả / Dù mai sau đời muôn vạn lần hơn! / Trái cây rơi vào áo người ngắm quả / Đường nhân loại đi qua bóng lá xanh rờn / Mặt trời đến mỗi ngày như khách lạ / Gặp mỗi mặt người đều muốn ghé môi hôn. (Tổ Quốc có bao giờ đẹp thế này chăng?), cũng chỉ một câu thơ Ngoài thềm rơi chiếc lá đa / Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng (Cây) của Trần Đăng Khoa, thể hiện cái vẻ đẹp của làng quê Việt, tình yêu con người với thiên nhiên đặc biệt từ cái linh hồn tạo vật qua xúc cảm tinh tế của tác giả đã thể cuộc sống ung dung thanh thản của con người Việt Nam trong chiến tranh… Hiện thực trong thơ là hiện thực tâm trạng, là cái bóng của hiện thực ngoài đời là vậy!

Advertisement

Thơ của Nguyễn Quang Thiều xoay quanh các chủ đề chính mà ý nghĩa hiện thực, màu sắc thế sự cũng như thái độ tích cực của ông bộc lộ rất rõ. Đó là những hiện thực tâm trạng được thể hiện qua tình yêu quê hương xứ sở, là tình yêu gia đình, tình yêu đối với cái đẹp, sự phê phán cái ác, cái xấu… Những nội dung được thể hiện bằng một lối nói mới mẻ, ông thường sử dụng lối kết cấu phi tuyến tính cùng cách xây dựng hình tượng giàu yếu tố siêu thực cho đến nhạc điệu tự do, ngôn ngữ tạo sinh…, luôn tạo một dấu ấn khác lạ trong tiếp nhận của bạn đọc.

Nhà thơ của Xứ Chùa cổ kính mang nặng những nỗi niềm về cảnh và người nơi mình sinh ra. Quê hương là một cảm xúc lớn thường xuyên trong các tập thơ ông. Bài thơ Lễ tạ (Châu thổ), một bài thơ triết lý sâu xa về quê hương, tứ bài thơ xoay quanh hai biểu tượng hồ nước và con đường. Con đường từ đất quê ra đi, để mong tìm được những giải đáp nhân sinh, tìm được con đường mơ ước, nhưng để rồi câu giải đáp lại ở chính nơi đất quê, nơi “hồ nước cũ” từ đó anh ra đi! Chính cái triết lý giản dị mà sâu sắc này bao nhiêu thế hệ suy tư, xúc cảm. Cám ơn đất quê đã dạy ta bao điều trong cuộc sống để ta trưởng thành. Lễ tạ là lời tạ ơn của con người đối với quê hương, với cha ông.

Cảm nhận về quê hương trong tập thơ mới có khi gián tiếp xa xôi nhưng nồng nàn sâu lắng: Bầu trời rộng lớn / Đang nở mùa pháo hoa / Muôn màu rực rỡ /… Có những người lặng lẽ / Đi dưới cánh đồng pháo hoa / Trong lòng họ cũng đang nở / Một mùa hoa.. (Âm bản).

Và lan tỏa trong tình yêu quê hương là Mẹ – hình ảnh tiêu biểu thân thương nhất Áo xưa mẹ vẫn còn đây / Đêm đêm con mặc vào ký ức (Thư gửi mẹ), là Cha: Cha đã qua tuổi sáu mươi mỗi ngày con lại thấy / Cha gần hơn với chân trời… và lại thấy xa con hơn một chút / Trong không gian số phận những con đường (Cha về trong áng mây bay), là tình yêu đứa cháu nhỏ: Siêu nhân, tàu hỏa, khủng long… / Những đồ chơi của cháu không bao giờ có tuổi / Chỉ có một đồ chơi của cháu / Mỗi ngày một già / Và thi thoảng tỉnh giấc / Nằm nhớ chủ nhân của mình / Đang ngủ ở tầng trên (Đồ chơi của cháu nội). Cùng với một tình cảm đồng loại chân thành tha thiết: Dưới tán cây chiều nay hai người im lặng / Những hạt cây xếp bên nhau chuẩn bị khai mùa / Và bầy chim mỏ ngà từ trời xanh đậu xuống / Tán cây vàng / Nhặt họ / Bay đi (Những hạt cây).

Cảm xúc lớn về sự đa dạng đời sống nổi lên khá đậm trong thơ ông cũng như trong quan niệm thẩm mỹ về thi ca mà nhiều lần ông nói đến. Nhật ký người xem đồng hồ của Nguyễn Quang Thiều trình bày cho ta nhiều mảng màu đời sống. Ông viết về những người thân trong gia đình ông bà, cha mẹ, các con cháu, ông viết về bạn bè, những người quen trong làng xóm, những người chồng, người vợ đã mất con, người điên chạy trong đêm tối, ông viết về cố hương và cả những miền đất lạ, ông viết về những cánh đồng và mùa màng ở nông thôn thời đổi mới, ông viết về cuộc sống thường nhật và cả trong những giấc mơ…

Advertisement

Những hình tượng đan xen nói nhiều đến đời sống cộng đồng trong tập thơ này, từ những ô cửa sổ, những dòng sông, những con cá, những con chim, những đám mây, chuyến đò ngang, những cánh đồng, phiên chợ chiều… đến các em bé, các bà mẹ, Tất cả đều là những biểu hiện của sự sống, họ sống hết mình trong cuộc sống với nhiều va đập nhưng tràn đầy nhân ái, lạc quan, kể cả trước chết chóc, mất mát.… Và một người mở cửa / Cười trong hoa góc vườn / Ngôi nhà vừa nhóm lửa / Mùa đã về reo vang” (Người mở cửa buổi sáng).

Những bài thơ như những bức tranh minh họa rõ nét cho chủ đề Cái đẹp – một cảm xúc nhân văn đa dạng trong một thế giới đa chiều – không phải ở những hội hè, những thành tựu mà chính ở những vất vả, gian truân mà con người âm thầm vượt qua số phận để tồn tại. Tất cả là một tập đại thành về cái thế giới hiện hữu vận động và tồn tại… Đó là cái đẹp của thế giới trong cảm quan nhân văn Nguyễn Quang Thiều mà ông nhiều lần nhắc đến.

Về hình thức nghệ thuật, khuynh hướng nổi bật cách tân ở thơ Nguyễn Quang Thiều tạo một đổi mới đập vào cảm quan người đọc, thoáng qua là cách nói, là sự biểu cảm ngôn ngữ một cách mới lạ trên phương diện cú pháp cũng như từ vựng các nhà nghiên cứu đã nhắc đến.

Nhưng chiều sâu căn bản, theo chúng tôi, trầm tích bên dưới những hình ảnh khác lạ, ngôn ngữ tân kỳ là thủ pháp sáng tạo có sắc màu hư ảo siêu thực tạo sự khác lạ đầy tinh thần duy mỹ, trong chừng mực đã có một sự găp gỡ về lối “cảm nhận huyền ảo” giữa văn học truyền thống dân tộc và phương Tây hiện đại.

Ta bắt gặp các hình ảnh thật lạ trong các câu thơ: …Hai cánh tay đưa lên / Hai cành cây đang mọc…/ Gương mặt thì mở ra / Hoa đang nở trái mùa / Trên cánh đồng đầy tóc (Phạm Long Quận….) hay: Thịt da như là quả / Ngọt dần trong tiếng người /…Chăn gối tan như sương / Người đàn bà ngủ muộn…(Dậy muộn), hoặc là:

Advertisement

Khi đôi mắt Kya mở ra / Bầu trời ngập tràn ánh sáng / Khi giọng Kya vang lên / Trong các vòm cây chim hót / Khi tay Kya xòe ra / Những cánh đồng hoa bùng nở / Và khi Kya ngậm bầu bú mẹ / Có những dòng sông ngủ quên trong đất / Gió thức dậy và tuôn chảy…” (Ngày Kya ra đời).

Nguyễn Quang Thiều, theo chúng tôi, ở một phương diện nào đó đã dung hợp những yếu tố hư huyễn có sẵn trong truyền thống thẩm mỹ dân tộc, điều mà chúng ta cảm nhận rõ là cái quan niệm “vạn vật hữu cảm”, “vạn vật hữu linh” trầm tích ở các tranh khắc, ở các phù điêu nơi đình chùa cũng như trong thơ ca dân gian với các thủ pháp nghệ thuật lạ hóa siêu thực khá phổ biến của nghệ thuật phương Tây hiện đại! Nó tô đậm vóc dáng hình tượng trong thơ cũng như tranh của ông.

Thơ ông khá mới, nền thơ nào muốn phát triển cũng cần những nhà thơ tiên phong đi trước dẫn đường cho đội ngũ và nâng cao trình độ nhận thức thẩm mỹ cho công chúng. Tuy nhiên cái mới, cái đẹp nó khác cái xa lạ với thị hiếu thẩm mỹ công chúng! Cái mới chỉ thực sự có giá trị khi được công chúng tiếp nhận, rung động được trái tim công chúng.

Đúng là trên mặt đất nơi nào cũng có thơ “đại địa văn chương tùy xứ kiến”, cụ Nguyễn Du đã nói thế, nhưng không phải một cảm hứng bất chợt nào cũng là thơ, như câu thơ ông viết …Và trên một đám mây ngũ sắc / Làm bằng quần áo và khăn / Một người đàn ông và một người đàn bà / Làm tình cả khi đã chết (Mây ngũ sắc), có thể mải mê với cái lạ mà tác giả quên cái “gu” thẩm mỹ của công chúng, hay như lời mở của tập thơ: Những bài thơ tôi viết trong tập thơ này để xác lập tôi trong thời khắc ở không gian của tôi và chỉ vừa chứa đủ tôi mà không có khả năng thêm một ai vào đó nữa. Cùng lúc đó bạn xác lập bạn ở một không gian khác trong cùng một thời khắc với tôi. Chúng ta luôn bình đẳng và luôn khác biệt. Chỉ với tinh thần ấy chúng ta mới có thể xác lập được nền độc lập của mình”.

Tác giả nghĩ đề cao “sự độc lập” trong sáng tạo “xác lập tôi trong thời khắc ở không gian của tôi và chỉ vừa chứa đủ tôi” sẽ tạo giá trị của tác phẩm nhưng liệu có thể có sự độc lập trong các sản phẩm tinh thần nhất là văn chương đặc biệt như trong một không gian xã hội dân chủ đầy tính cộng đồng như văn hóa chúng ta hay chỉ tự cô lập hóa thơ mình! Thơ phải tìm đến tâm hồn đồng điệu, tìm đến với công chúng mới có sức sống! Các thi bá xưa nay đều mong thơ mình đến các hang cùng ngõ tối, người ta chỉ cần biết thơ mà có thể quên tên tác giả.

Advertisement

Tiếp cận nghệ thuật Nguyễn Quang Thiều, ta như vừa trải nghiệm một thế giới đa tầng đa phương, một vũ trụ nhân sinh chứa đựng nhiều phức điệu của cuộc đời và con người, xen lẫn những nghịch lý và phi lý. Trên cái nền hiện thực đời sống nhà thơ gửi gắm đức tin vào cái đẹp của cuộc đời.

Đó cũng chính là nét triết lý nhân sinh trầm tích bên dưới các tác phẩm của ông, cái điều mà thế kỷ trước trong sự nhiễu nhương của cuộc sống nhà văn nổi tiếng F. Dostoyevsky (1821- 1881) đã nói “Cái đẹp cứu rỗi thế giới”. Đó chính là giá trị hiện thực và cách tân của thơ ông.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

Advertisement

Nguồn: https://znews.vn/the-gioi-da-tang-trong-tho-nguyen-quang-thieu-post1447115.html

Tiếp tục đọc

Sách hay

Nàng dâu viết về những món ăn mang mùi vị nhớ thương

Được phát hành

,

Bởi

Nhà văn Nguyễn Mỹ Nữ chia sẻ lý do chị viết tập tản văn nói về những món ăn dân dã Bình Định – những món ăn mang mùi vị nhớ thương – là vì mẹ chồng.

Thương quá Nục ởi! là tập tạp văn mới và cũng là cuốn sách thứ 11 của nhà văn Nguyễn Mỹ Nữ. Tập sách gồm 50 bài viết kể về câu chuyện xoay quanh những món ăn thấm tình đậm vị quê mà tác giả gắn bó qua suốt bao nhiêu năm khi làm dâu đất Bình Định.

Nhà văn Nguyễn Mỹ Nữ vốn là người gốc Bắc (quê Hà Nam), chào đời ở Quảng Ngãi và gắn bó với thành phố biển Quy Nhơn từ hồi còn rất nhỏ. Sau chị nên duyên cùng chồng và tiếp tục gắn bó với vùng đất này qua bao nhiêu năm tháng, như một bến đỗ cuộc đời vậy.

Thương quá nục ởi! được Nguyễn Mỹ Nữ gom góp và sắp xếp lại từ rất nhiều bài viết từng xuất hiện trên các trang báo trong nhiều năm cũng như để ghi dấu 35 năm làm dâu Bình Định của mình.

Advertisement

Ở đó, không thể thiếu những món ngon của má chồng yêu quý mà giờ đây chỉ có thể nhớ trong tâm trí với tình yêu thương, trân trọng. Có thể kể đến những món như bánh xèo ở Tam Quan, vỏ bánh trắng tinh được đổ xèo xèo trong khuôn tròn nhỏ trên bếp than đỏ lửa, vỏ mỏng giòn chấm mắm đục (Xèo xèo… vỏ).

Hay món ăn làm mồi lai rai không gì sánh bằng, tai heo sần sật và bùi bùi của thính, thơm của riềng và tỏi, cay cay của tiêu… bó trong lá ổi, lá chuối ngoài cùng là rơm được bó lại, dân dã (Xù xì cây tré xứ này).

Hay món mắm cua làm cho người ăn từ ưa tới ghiền, thật khó diễn tả, có thể là mắm cua kho xôi xổi với sắn hay đậm đà hơn là có thêm cá rô và mỹ vị hơn nữa là thịt ba chỉ kho trên bếp lửa liu riu.

mui vi nho thuong anh 1

Sách Thương quá nục ởi!. Ảnh: Q.M.

Hay món mắm mặn mòi khó quên mà tác giả miêu tả: “Còn nữa chứ! Mắm quê sao có thể đậm đà ý nghĩa, khi không được thưởng thức cùng những người thân khi trời bỗng đổ mưa. Mắm, những hồi đó, đã như thể là chất keo dính kết tình nghĩa gia đình”.

Nhắc tới mắm là nhớ đến chuyện nhờ mắm mà tác giả cùng chồng nên duyên nhờ món ăn dân giã này, thuở đôi mươi. Món mắm cá mương sông Côn – một món ăn cải thiện đời sống thời còn khó khăn – đã gắn kết đôi lứa yêu nhau, thành chồng thành vợ cho đến ngày nay (Thập cẩm… mắm).

Advertisement

Hay là món mứt với nhiều thứ nguyên liệu ít tiền – bình dân như mứt dừa, mứt bí đao, mứt me.. tới sang hơn là mứt hạt sen, mứt mãng cầu, mứt hồng… được chuẩn bị trước. Món mứt thập cẩm là khúc biến tấu hòa trộn của vụn vặt còn lại các loại mứt trên thêm một chút gừng, cà chua, thơm, bí đao… trộn đều vào chậm rãi mà rim (Mứt xà bần).

Hay món ngon gắn liền với cá nục kho sền sệt, nấu canh lá giang, cháo cá, cá chiên chấm nước mắm chua ngọt xoài bằm, canh cá nục kho giằm giằm trái sấu, cá nục hấp nguyên vị để cuốn bánh tráng ăn (Thương quá nục ởi!).

Hay là món “ruốc” làm cho bữa cơm gia đình rộn vui, tiếng bẻ bánh tráng nướng rồm rộp để xúc ruốc, canh ruốc, gỏi ruốc, ruốc xào, ruốc kho, bánh xèo hay bánh căn có ruốc… là món ăn khiến chúng ta bồi hồi một cách dịu êm.

Và còn rất nhiều món quê gây thương nhớ như: cá chuồn kho mít non, bún quậy với tôm hoặc rạm, bánh nổ, chè kho, xu xoa, bánh tráng nướng, bánh rế, món ngon với con nuốt, các loại thịt thưng, mít non trộn gỏi, chả ram, chả ốc, chè ỉ nóng thơm lừng, gié đắng cùng rượu nồng …

Nhà văn Nguyễn Mỹ Nữ chia sẻ lý do viết tập sách này là vì mẹ chồng chị: “Còn má, nào chỉ đơn thuần là má chồng tôi. Bởi chúng tôi đã yêu thương gắn bó và thân thiết với nhau quá chừng. Khi má hãy còn, viết về má, tôi cười. Má đi xa, viết cho má, lòng tôi run khựng… Cảm xúc ấy, tôi vẫn bắt gặp trong suốt những lần viết đi viết lại, chỉnh sửa tới lui cho tập sách này”.

Advertisement

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

Nguồn: https://znews.vn/nang-dau-viet-sach-nhung-mon-an-mang-mui-vi-nho-thuong-post1447062.html

Advertisement
Tiếp tục đọc

Sách hay

Người từng khiến thành La Mã khiếp sợ

Được phát hành

,

Bởi

Hannibal Barca là một tướng lĩnh, nhà cầm quân tài ba của Đế chế Carthage, sinh ra trong một gia đình có truyền thống về quân đội ở thành phố Carthage (ngày nay là Tunisia).

Hannibal Barca anh 1

Sách Hannibal – Kẻ thù vĩ đại nhất của La Mã.

Ông sinh vào khoảng năm 247 TCN. Cha ông là Hamilcar Barca, cũng được biết đến là một vị tướng nổi tiếng trong lịch sử của người Carthage nhờ sự chỉ đạo tài ba trong cuộc chiến Carthage – La Mã đầu tiên (còn gọi là cuộc chiến Punic thứ Nhất).

Hannibal sống trong suốt thời kỳ hỗn loạn tại Địa Trung Hải giữa thế kỷ III và II TCN, khi mà nền Cộng hòa La Mã, sau khi đã củng cố thành công quyền lực tại bán đảo Italy, tiếp tục mục tiêu mở rộng bành trướng lãnh thổ.

Tham vọng thiết lập quyền lực tối cao, quyền cai trị với các nước lớn như: Carthage, Macedonia, Syracuse dẫn đến hàng loạt cuộc chinh phạt của người La Mã với các quốc gia láng giềng, làm gia tăng mâu thuẫn giữa các bên. Đỉnh điểm mâu thuẫn dẫn tới ba cuộc chiến giữa người La Mã và người Carthage.

Advertisement

Khi ấy Hannibal Barca mới 25 tuổi, chàng trai đã thay cha mình tiếp quản, làm chỉ huy quân đội Carthage trong cuộc chiến Punic lần thứ Hai (diễn ra từ 218-202 TCN). Hannibal hứa với cha sẽ không bao giờ chịu khuất phục trước người La Mã, dù phải hy sinh bản thân.

Có lẽ, thành tựu nổi bật nhất của Hannibal trong cuộc chiến Punic lần Hai, là khi ông dẫn một đội quân gồm cả kỵ binh và voi chiến, đi từ vùng Iberia (nay là Tây Ban Nha) băng qua 2 dãy núi Pyrenees và Alps nổi tiếng rồi thẳng tiến vào phía Bắc Italy.

Xuyên suốt cuộc chiến, Hannibal đánh tan tác quân La Mã trong nhiều trận, đặc biệt là chiến thắng tại Cannae vào năm 215 TCN. Chính vì những chiến công này, ông được các sử gia nhận định là một trong những nhà quân sự tài giỏi.

Hannibal – Kẻ thù vĩ đại nhất của La Mã là cuốn sách kể lại những câu chuyện của ông thông qua góc nhìn của chính người dân nơi đây – thành phố Carthage, chứ không phải dưới góc nhìn của người La Mã – khi họ luôn coi ông là kẻ man rợ, tàn ác như một con quái vật thực thụ, đã xâm chiếm quê hương của họ. Nhưng sự thực ông chỉ đang phản kháng, mọi nguyên nhân đều xuất phát từ lòng yêu quê hương và muốn bảo vệ người dân của mình.

Tác giả – sử gia Philip Freeman đã cho chúng ta một bức tranh toàn vẹn về Hannibal. Qua đó, độc giả thấy ông là một con người anh dũng dám đứng lên chống lại sức mạnh áp đảo của đế chế La Mã hùng mạnh, giành nhiều chiến thắng vang dội và suýt phá hủy cả thành Rome.

Advertisement

Tính kỷ luật và lòng quyết tâm của Hannibal trở thành huyền thoại kể từ khi còn là một cậu bé cho đến lúc trưởng thành. Là một nhà lãnh đạo quân sự, giống Alexander Đại đế trước đó và Julius Caesar sau này, ông biết cách chinh phục trái tim binh lính và cực kỳ nhạy bén trong việc xác định điểm yếu của kẻ thù.

Ông được nhiều người coi như một “chàng David” xứ Carthage làm được một kỳ tích là đánh bại được gã khổng lồ Goliath của thành Rome. Nhưng ông không chỉ là thiên tài cầm quân trên chiến trường, mà còn là một chính khách sắc sảo, một nhà ngoại giao lão luyện, một người hết lòng vì gia đình và đất nước, quân đội của mình.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

Advertisement

Nguồn: https://znews.vn/nguoi-tung-khien-thanh-la-ma-khiep-so-post1447108.html

Tiếp tục đọc

Xu hướng