Nhà báo Lưu Đình Long vừa tái bản có chỉnh sửa 2 cuốn sách: Tâm kinh mình thuyết cho mình và Lắng nghe hơi thở, NXB Dân Trí và SaigonBooks ấn hành.
Anh cũng thực hiện bộ sách trị liệu tâm lý dành cho người trẻ và những ai muốn chiêm nghiệm tình yêu, tình cảm gia đình, cuộc sống, bao gồm các quyển: Lắng nghe hơi thở, Như mây thong dong, Như gió an lành và Tâm kinh mình thuyết cho mình.
Sắp tới, Bình an mà sống (NXB Thế Giới) sẽ ra mắt vào tháng bảy, là những bình luận thời sự nóng bỏng của một nhà báo, như thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, từ thiện và mạng xã hội…
Tác giả Lưu Đình Long trò chuyện xoay quanh chuyện viết sách, chia sẻ cách trị liệu từ những trang sách mang hương thiền.
Bốn cuốn sách của tác giả Lưu Đình Long. Ảnh: N. P. |
Thời nào con người cũng cần tĩnh lặng để hiểu mình
– Vì sao anh viết những cuốn sách chiêm nghiệm tình yêu, tình thân, cuộc sống qua góc nhìn của thiền?
– Tâm kinh mình thuyết cho mình, Lắng nghe hơi thở là hai cuốn sách của tôi vừa được SaigonBooks “làm mới” cả nội dung và hình thức.
Hai tác phẩm nằm trong chuỗi sách của dòng sách ứng dụng thiền quán trong trị liệu tinh thần – giúp người đọc được an ủi, nuôi dưỡng tâm hồn bị tổn thương. Đó có thể là những đổ vỡ trong tình cảm, hôn nhân, một mối quan hệ, hết duyên với một nơi nào đó…
Tất cả đều được nhìn trong chiều sâu của nhân – duyên – quả, nên có thể phần nào tháo gỡ vướng mắc trong lòng ai đang trải, hoặc đã qua nhưng còn chưa nguôi.
– Anh có trải nghiệm như thế nào khi viết những cuốn sách trị liệu tinh thần theo góc nhìn của thiền?
– Thực ra, những câu chuyện này tôi được nghe nhiều người kể hoặc chính mình gặp phải trong tuổi trẻ, lúc đi tác nghiệp khi làm báo. Tôi đã đưa ra góc nhìn để họ thử làm và vượt qua. Khi gặp vấn đề, tôi cũng đem ứng dụng cho mình và nhẹ nhàng hơn.
Trong thời hiện đại này, với những áp lực trên nhiều phương diện, con người lao đi nhanh hơn nên khả năng sai lầm, vấp váp, trầm cảm rất nhiều. Họ cần được lắng nghe, cần được hiểu và thương.
Đó không nhất thiết là gia đình mà là những người cùng thời, đã trải qua những khổ đau, khó khăn tương tự. Mỗi người một góc nhìn, một chìa khóa, ai thấy hợp phương pháp nào thì ứng dụng, vượt qua.
Tôi nghĩ, mỗi người viết cũng phải học lắng nghe và suy tư cách giải quyết vấn đề, trên hết là cần tập vững chãi, vượt qua khó khăn của tự thân để đúc kết thực tế. Được vậy, những câu chuyện ứng dụng của mình sẽ sâu sắc hơn.
– Dòng sách về tinh thần hiện nay được nhiều người đón nhận. Phải chăng bây giờ người ta cần tĩnh lặng nhiều hơn?
– Tôi nghĩ ở thời đoạn nào, con người cũng cần tĩnh lặng để quan sát chính mình, hiểu người và thương đời sâu sắc hơn. Tôi vẫn hay đọc sách của thầy Thích Nhất Hạnh – người đã giúp cho rất nhiều người trẻ chữa lành vết thương tinh thần.
Ví dụ như cuốn Giận, hay Thiền sư và em bé 5 tuổi,… thiền sư đã gợi ý những phương pháp thực hành khiến ai làm cũng ngay lập tức “bỏ đá trong lòng”. Đến giờ đọc, nghe lại những lời thiền sư giảng, tôi tiếp tục nuôi lớn cội rễ bình an, tĩnh lặng sâu hơn…
Thực tế, rất nhiều thứ cần chúng ta nỗ lực mới có kết quả chứ không phải chỉ dừng lại ở đọc, hiểu. Ngay cả tác giả, tôi nghĩ cũng cần tập sống và giữ vững phong độ giải quyết vấn đề thuận tình, hợp lý theo một “quy trình đúng” – nhân – duyên – quả – thì mới có thể viết lâu và viết sâu được.
Tác giả Lưu Đình Long. Ảnh: N. P. |
Bạn trẻ cần một nơi nương náu nhẹ nhàng
– Hiện tại, nhiều đơn vị theo đuổi dòng sách này, xuất hiện nhiều tác giả mới. Anh nghĩ sao về xu hướng đó?
– Hiện nay, thầy Minh Niệm, Thích Tánh Tuệ, sư cô Suối Thông, Thích nữ Nhuận Bình… cũng có những cuốn sách suy nghiệm, ứng dụng để nhìn cuộc sống nhẹ nhàng, bình an hơn như thế.
Có thể kể đến Hiểu về trái tim, Nhẹ gánh ưu phiền, Đường về chân hạnh phúc, Thả trôi phiền muộn, Sống đời bình an, Bước qua thăng trầm, Gieo mầm hạnh phúc… Dòng sách này thu hút có lẽ vì bạn đọc trẻ cần một nơi để nương náu nhẹ nhàng sau những khoảng lao xao bên ngoài.
– Làm sao để có thể viết tốt đề tài về tâm lý trị liệu mà không khô khan?
– Tôi ra sách đầu tiên, thuộc dòng này từ năm 2012, cuốn Lắng nghe hơi thở. Lúc đó, biên tập viên khá dè dặt và cắt gọt rất kỹ những chi tiết mà tôi viết hơi sâu về Phật giáo.
Họ muốn cuốn sách đến với số đông hơn, nhất là người trẻ qua những ngôn ngữ dễ hiểu hơn. Và có lẽ vì tôi viết ngắn, với những lát cắt nhỏ dễ chạm vào phần nào đó của họ từng trải qua nên dễ được chấp nhận.
Bạn đọc email về chia sẻ rằng những bài trong Lắng nghe hơi thở giúp họ phần nào nhìn rõ được bản thân, có cách suy nghĩ, hành xử tích cực.
Sau này, dòng sách được nhiều nhà xuất bản, công ty sách khác chú trọng, như Thái Hà Books, SaigonBooks… khiến các tác giả viết về ứng dụng, tâm lý trị liệu có “đất” để in.
Năm 2018, tôi ra mắt Như mây thong dong (NXB Văn hóa – Văn nghệ, SaigonBooks) đã được hỗ trợ rất nhiều. Sách nối bản, tái bản với gần 20.000 bản in, một con số bất ngờ với tôi.
Bấy giờ, SaigonBooks muốn định hình hẳn một dòng sách “Phật pháp ứng dụng”, với quan niệm, ai cũng cần đọc để hiểu về Phật giáo, như một triết lý sống chứ không phải tôn giáo.
Trong tinh thần đó, như bà Dương Ngọc Hân, chịu trách nhiệm biên tập của SaigonBooks chia sẻ với tôi – sách không chỉ cho phật tử mà còn hướng tới những người trẻ cần một cẩm nang cuộc sống.
Sách không mang tính thời sự và không lỗi thời bởi nói về những phản ứng bên trong con người khi gặp thuận duyên hoặc bất như ý, cách xử lý, góc nhìn trung dung… mà con người thời đại nào cũng có.