Connect with us

Sách hay

Làm gì để mang văn chương ra thế giới?

Được phát hành

,

Quảng bá văn chương ra thế giới là mong muốn của nhiều nước, nhưng để làm việc này, không chỉ trông đợi vào các hội nhà văn hay dịch giả mà còn cần một tầm nhìn chiến lược của chính phủ.

Làm gì để mang văn chương ra thế giới? - Ảnh 1.

Một thành viên trong nhóm chuẩn bị gian hàng sách của Indonesia đứng cạnh kệ sách của nước này dự Hội chợ sách Frankfurt 2016 – Ảnh: Jakarta Post

Có thể thấy hầu như các nước đều có ngân sách cho việc dịch và giới thiệu văn học, nhưng quy mô và chiến lược rất khác nhau. Trong tuần lễ hướng về Ngày sách và văn hóa đọc, chúng ta cùng xem cách Hàn Quốc (một nước phát triển) đã có chiến lược lâu dài và Indonesia (một nước đang phát triển ở Đông Nam Á chỉ vừa khởi động chiến lược chưa đầy 10 năm) đã có những bước đi và thành quả đáng tham khảo ra sao trong câu chuyện này.

Quảng bá sách nên là một phần trong công tác ngoại giao ở các đại sứ quán của chúng ta trên toàn thế giới. Sách có thể ảnh hưởng tới mọi người, giống như những tác phẩm sáng tạo khác, có thể được xem như một phần trong nỗ lực của chúng ta để củng cố sức mạnh mềm của quốc gia, theo đó nâng cao hơn nữa vị thế quốc tế của đất nước.

Nhà văn Okky Madasari (Indonesia)

Hàn Quốc và hơn 1/4 thế kỷ

Năm ngoái, Viện Dịch thuật văn chương Hàn Quốc (LTI Korea) kỷ niệm 25 năm thành lập với tiền thân là Quỹ Dịch thuật văn chương Hàn Quốc – ra đời năm 1996, với sứ mệnh quảng bá văn chương của xứ sở kim chi ra thế giới.

“Mục tiêu hiện nay của chúng tôi là kiến tạo văn chương Hàn Quốc như một phần của văn chương thế giới” – bà Sooyun Yum, trợ lý điều hành của LTI Korea, chia sẻ với tạp chí Asymptote.

Cho tới năm 2021, LTI Korea gồm 4 bộ phận khác nhau với 57 nhân viên đã bao quát tất cả những việc cần làm để kết nối, phổ biến văn chương. Kể từ sự kiện đầu tiên năm 2006 đến nay, Liên hoan Nhà văn quốc tế Seoul do LTI Korea tổ chức đã mời hơn 240 nhà văn từ 54 quốc gia tới Hàn Quốc.

Trong năm 2021, LTI Korea chi khoảng 1,8 tỉ won (1,5 triệu USD) cho các dịch giả, nhà xuất bản, các tổ chức/viện văn học. Họ cũng chi 1,6 tỉ won (1,3 triệu USD) cho việc dịch và xuất bản các tác phẩm của Hàn Quốc,

160 triệu won (135.000 USD) cho các NXB quốc tế để làm các sự kiện tiếp thị và quảng bá. Ngoài ra, LTI Korea cũng cấp 60 triệu won (50.000 USD) để tổ chức những sự kiện quảng bá văn chương Hàn Quốc. Năm 2020, đơn vị này hỗ trợ 159 dự án dịch thuật, 170 dự án xuất bản và 86 sự kiện văn chương quốc tế.

Cũng theo bà Sooyun Yum, LTI Korea có 5 chương trình tài trợ cho việc dịch thuật và xuất bản văn chương Hàn Quốc dành cho dịch giả của mọi ngôn ngữ có mong muốn chuyển ngữ một tác phẩm văn chương nào đó của Hàn Quốc sang một ngôn ngữ chưa được dịch.

Làm gì để mang văn chương ra thế giới? - Ảnh 3.

Bìa vài tác phẩm văn học Hàn Quốc, Indonesia đã xuất bản tại VN

Indonesia và “cú hích Frankfurt”

8 năm trước, tháng 3-2014 Indonesia thành lập Ủy ban Sách quốc gia (National Book Committee – KBN). Và cũng kể từ đó, quốc gia Đông Nam Á này mới có chương trình tài trợ cho dịch thuật văn học bằng ngân sách chính phủ.

Việc thành lập KBN được thôi thúc từ thực tế năm 2015 Indonesia được chọn là khách mời danh dự tại Hội chợ sách Frankfurt (Đức) sau hàng thập niên theo đuổi mục tiêu bất thành. 18 tháng trước khi hội chợ diễn ra, KBN ra đời với nhiệm vụ chuẩn bị sách cũng như các hoạt động khác. 

Theo số liệu trên trang web của UNESCO, Chính phủ Indonesia đã chi khoảng 11 triệu USD cho việc tham gia và quảng bá sách của họ tại Hội chợ sách Frankfurt 2015 và khoảng 300.000 USD cho Hội chợ sách quốc tế Indonesia cùng năm đó.

Từ “cú hích Frankfurt”, KBN tiếp tục duy trì hoạt động ổn định dưới sự quản lý của Bộ Văn hóa và giáo dục Indonesia. Theo chia sẻ của bà Laura Prinsloo, chủ tịch KBN, với báo Jakarta Post (Indonesia), KBN có chương trình tài trợ cho các NXB nước ngoài đã mua bản quyền dịch tác phẩm của Indonesia có tên I-LIT. 

Chẳng hạn, năm 2018 KBN chọn được 70 tựa từ 131 đề cử, gồm các tác phẩm dịch ra 6 ngôn ngữ tại hơn 10 quốc gia. Những tác phẩm chọn sẽ được hưởng tài trợ 100% chi phí dịch thuật. “Tài trợ dịch thuật đã khuyến khích các NXB nước ngoài in tác phẩm của Indonesia tại nước họ”, bà Prinsloo nói.

Việt Nam cần chiến lược phát triển quỹ dịch thuật

* Dịch giả Lệ Chi, phó chủ tịch Hội đồng văn học dịch, Hội Nhà văn TP.HCM: Đã đến lúc cần nghiêm túc nhìn nhận tầm quan trọng của việc thành lập, phát triển quỹ dịch thuật để đưa sách bản địa ra thế giới và cần một chiến lược cụ thể, kỹ càng cho nó.

Nếu quỹ dịch thuật được cung cấp hằng năm, ban đầu có thể kinh phí có hạn, số tác phẩm được dịch chưa nhiều, nhưng dần dần con số này sẽ tăng lên hằng năm. Chỉ khi có sản phẩm dịch trong tay, chúng ta mới có thứ mang đi giới thiệu và giúp các nước bạn hiểu mình.

* Dịch giả Hiền Nguyễn, chủ tịch Hội đồng văn học dịch, Hội Nhà văn TPHCM: Hội đồng văn học dịch thuộc Hội Nhà văn TP.HCM ra mắt hôm 8-4-2022 là khởi đầu quan trọng trong tiến trình toàn cầu hóa văn học Việt Nam nói chung và giới thiệu văn học khu vực miền Nam ra thế giới nói riêng. Theo tôi, hội đồng này cần xây dựng chiến lược phù hợp theo từng giai đoạn.

Giai đoạn đầu (2022 – 2023) cần tăng cường các hoạt động giao lưu văn chương song phương và đa phương, phát triển và hỗ trợ đội ngũ (dịch giả, chuyên gia, công ty đại diện bản quyền…), xây dựng giải thưởng văn học dịch, xây dựng mạng lưới giữa các bên liên quan, xây dựng thư viện văn học dịch…

Giai đoạn tiếp theo (2024 – 2025) nên tập trung đẩy mạnh hoạt động dịch và xuất bản văn học Việt Nam ra các ngôn ngữ khác (khi đã có nguồn nhân lực và tài lực), xây dựng nền tảng giới thiệu và quảng bá văn học dịch Việt Nam và thế giới, xây dựng các chương trình đào tạo ngắn hạn về dịch văn học…

* Một số tác phẩm văn học Hàn Quốc đã được dịch sang tiếng Việt: Cô gà mái xổng chuồng, Người ăn chay, Hãy chăm sóc mẹ, Bố con cá gai, Thác mặt trời, Ở đâu đó có điện thoại gọi tôi… Ngoài Người ăn chay (The Vegetarian) của Han Kang giành Giải Booker quốc tế năm 2006, tập thơ Hysteria của Kim Yideum là một thành công bất ngờ khác của văn học Hàn Quốc ở Mỹ vì đã giành Giải thưởng dịch thuật quốc gia Mỹ và Giải dịch thuật châu Á Lucien Stryk năm 2019; tiểu thuyết The Disaster Tourist (Du lịch thiên tai) của Yun Ko-eun giành Giải Dao găm dịch thuật của Hiệp hội Nhà văn tội phạm (CWA) tại Anh năm 2021.

* Một số tác phẩm văn học Indonesia đã ra mắt độc giả Việt Nam: Chiến binh cầu vồng, Đẹp là một nỗi đau…. Trong đó, Chiến binh cầu vồng đã bán được trên 5 triệu bản, được dịch ra 26 thứ tiếng và là một trong những đại diện xuất sắc nhất của văn học Indonesia hiện đại.

Nguồn: https://tuoitre.vn/lam-gi-de-mang-van-chuong-ra-the-gioi-20220424083752038.htm

Sách hay

‘Bản đồ’ cơ thể người

Được phát hành

,

Bởi

Được biên soạn công phu, giáo trình y khoa “Sobotta Atlas giải phẫu người (đầu, cổ, chi trên, ngực, bụng, chi dưới)” có thể hỗ trợ hiệu quả cho công tác nghiên cứu, khám chữa bệnh.

Theo GS.TS Đào Văn Dũng, giải phẫu học tuy là môn cơ bản bắt buộc đối với những ai học khối ngành sức khỏe, nhưng lại là môn khó học. Giải phẫu đầu mặt cổ, giải phẫu thần kinh trung ương và ngoại biên nằm trong chương trình năm nhất của sinh viên y khoa, đồng thời liên hệ mật thiết với các môn học bệnh học về sau này.

Do đó, giáo trình giải phẫu học cần đảm bảo sự hấp dẫn để lôi cuốn sinh viên, giảm cảm giác nhàm chán trong quá trình học tập. Atlas giải phẫu học cơ thể người vì vậy đã ra đời.

Trước đây, trong trường y của nước ta, môn Giải phẫu học giảng dạy bằng tiếng nước ngoài. Atlas giải phẫu in trắng đen, chú thích bằng tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Latin. Điều này ít nhiều gây khó dễ cho người học, nhất là với những sinh viên trình độ ngoại ngữ còn những hạn chế nhất định.

“Có những cuốn atlas giải phẫu người chính xác về mặt chuyên môn, chuẩn về mặt thuật ngữ bằng tiếng Việt, lại in màu đẹp là ước mơ của người học trong khối ngành sức khỏe”, GS Dũng cho hay.

sobotta anh 1

Sách Sobotta Atlas giải phẫu người (đầu, cổ, chi trên, ngực, bụng, chi dưới). Ảnh: Đ.A.

Theo đánh giá của Hội đồng Giảm khảo Giải Sách Quốc gia hạng mục Sách Khoa học Tự nhiên và Công nghệ, Sobotta Atlas giải phẫu người(đầu, cổ, chi trên, ngực, bụng, chi dưới) in lần thứ 14 bản dịch tiếng Việt đã đáp ứng được những yêu cầu trên.

Sobotta Atlas giải phẫu người(đầu, cổ, chi trên, ngực, bụng, chi dưới) vốn là kiệt tác do nhà giải phẫu học nối tiếng người Đức, GS Giải phẫu học Johannes Sobotta (1869-1945) biên soạn. Sách đã được dịch ra 20 thứ tiếng trên thể giới, qua nhiều lần chỉnh lý, bổ sung với sự tham gia của nhiều nhà giải phẫu học nổi tiếng khác của các trường đại học khối ngành sức khoẻ nước Đức. Trong lần in thứ 14, sách được chỉnh lý, bổ sung hoàn thiện và do hai GS giải phẫu học R. Putz và R. Pabst hiệu đính.

Sách do Elsevier – một công ty xuất bản học thuật, chuyên tài liệu y học và khoa học – in và giữ bản quyền. Bản dịch tiếng Việt do các giảng viên Bộ môn Giải phẫu học, Khoa Y Đại học Y Dược TP.HCM thực hiện. Trong đó có BS Nguyễn Hoàng Vũ, GS.TS.BS Lê Văn Cường, PGS.TS.BS Dương Văn Hải, TS.BS Võ Văn Hải, ThS.BS Nguyễn Xuân Anh, ThS.BS Nguyễn Phước Vĩnh, ThS.BS Trang Mạnh Khôi, ThS.BS Nguyễn Trường Kỳ, ThS.BS Võ Thành Nghĩa, BS Nguyễn Trung Hiếu.

Sobotta Atlas giải phẫu người có phần hướng dẫn sử dụng sách rất chi tiết và khoa học. Sách gồm 13 chương, các mục nhỏ được ký hiệu bằng 3 chữ số. 148 nội dung chi tiết với hơn 2.000 hình ảnh được trình bày khoa học, ngắn gọn, dễ hiểu. Mỗi chương được in bằng một màu xác định có sơ đồ tổng quan ngay từ những trang đầu để người đọc tra cứu, theo dõi.

Mô tả rất chi tiết cấu trúc giải phẫu người nhưng sách không làm mất đi tính tổng thể của giải phẫu người. Theo GS Dũng, nét đặc sắc này giúp người học tham khảo trong quá trình học tập và áp dụng vào hoạt động lâm sàng về sau.

GS.TS Nguyễn Khoa Cường nhận định bản dịch thể hiện được chính xác nội dung khoa học, đồng thời vẫn giữ lại các thuật ngữ tương ứng bằng tiếng Anh, tạo thuận lợi cho người đọc khi tra cứu, đối chiếu.

Đặc biệt, với mục đích giải phẫu học phục vụ thực hành lâm sàng, các nội dung biên dịch được bổ sung các hình ảnh lâm sàng, tích hợp các kĩ thuật hình ảnh học mới như chụp X – quang, chụp cộng hưởng từ, cắt lớp điện toán…, các hình nội soi, ảnh màu trong lúc mổ, ảnh bệnh nhân với các triệu chứng điển hình – được thiết kế phù hợp với mọi chương trình học.

Với giá trị khoa học, thực tiễn của mình, Sobotta Atlas giải phẫu người (đầu, cổ, chi trên, ngực, bụng, chi dưới) được đề cử tại Giải thưởng Sách Quốc gia 2024.

Hội đồng giám khảo cho rằng cuốn sách có nội dung phù hợp, rất cần thiết cho học tập, nghiên cứu trong đào tạo đại học, sau đại học… Sách đặc biệt có ý nghĩa với hoạt động giảng dạy theo module và áp dụng vào lâm sàng. Theo đó, công trình này sẽ giúp đội ngũ y bác sĩ chẩn đoán bệnh được chính xác hơn, nhất là chẩn đoán định khu, phẫu thuật thực hành và trong thực hành các kỹ thuật của y học truyền thống (châm cứu, bấm huyệt…).

Nguồn: https://znews.vn/ban-do-co-the-nguoi-post1513256.html

Tiếp tục đọc

Sách hay

Điều ẩn sâu trong thế giới lượng tử

Được phát hành

,

Bởi

Theo nhà vật lý lý thuyết Sean Carroll, cơ học lượng tử và thuyết đa Vũ Trụ không chỉ mang lại tri thức khoa học mà còn góp thêm một góc nhìn để trả lời câu hỏi triết học ngàn đời: Ta là ai?

Sự phát triển của cơ học lượng tử trong những năm đầu thế kỷ XX, với những cái tên như Planck, Einstein, Bohr, Heisenberg, Schrödinger, và Dirac là thành tựu trí tuệ vĩ đại trong lịch sử loài người.

The gioi luong tu anh 1

Sách Điều gì đó ẩn sâu. Ảnh: ML.

Chúng ta chưa thực sự hiểu đúng về cơ học lượng tử

Cơ học lượng tử là lý thuyết tốt nhất để giúp chúng ta hiểu về thế giới vi mô, nó mô tả cách thức nguyên tử và các hạt tương tác thông qua các lực của tự nhiên, đem lại những tiên đoán thực nghiệm với độ chính xác đáng kinh ngạc. Các nhà vật lý thiên văn, vật lý hạt, vật lý nguyên tử, vật lý laser – tất thảy họ ngày ngày đều sử dụng cơ học lượng tử. Chất bán dẫn, transitor, vi mạch, laser và bộ nhớ máy tính đều hoạt động dựa trên cơ học lượng tử.

Tuy nhiên, trong cuốn Điều gì đó ẩn sâu Sean Carroll lại chỉ ra một điều nghe có vẻ thật lạ lùng nhưng lại đang diễn ra trong ngành vật lý lý thuyết đó là cơ học lượng tử là lĩnh vực ai cũng “kinh sợ”.

Nguyên nhân của sự “kinh sợ” này là các nhà vật lý chân chính thừa nhận rằng chúng ta chưa thực sự hiểu đúng về cơ học lượng tử, dù chúng ta đang sử dụng khoa học lượng tử để thiết kế những công nghệ tiên tiến và tiên đoán kết quả thử nghiệm.

Theo Sean Carroll, từ thuở bình minh của lĩnh vực này cho đến nay, các nhà vật lý vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về nền tảng thực sự của cơ học lượng tử và vẫn chưa đi đến thống nhất về cơ học lượng tử thực sự nói gì.

Các nhà vật lý có xu hướng sử dụng cơ học lượng tử để giải thích thế giới. Tuy nhiên, chúng ta chưa thể làm được điều đó, bởi có những cách xử lý phổ biến có khuynh hướng cường điệu hóa rằng cơ học lượng tử mang tính huyền bí, khó giải thích, không thể thấu hiểu. Điều này đi ngược với những nguyên tắc căn bản của khoa học, trong đó bao gồm quan niệm cho rằng thế giới về cơ bản là có thể hiểu được.

Điều này cũng dẫn tới tình trạng nhiều cơ sở nghiên cứu không coi trọng việc tìm hiểu ý nghĩa của cơ học lượng tử. Các nhà khoa học chỉ coi trọng những kết quả hữu hình – những công nghệ mới lạ, những tiên đoán cụ thể, có khả năng thương mại hóa.

Trước thực trạng này, tác giả đặt ra câu hỏi: Vậy ai sẽ tìm hiểu về bức tranh toàn cảnh, mà nếu không có nó, ngành Vật lý rất khó đi được xa thêm?

The gioi luong tu anh 2

Nhà vật lý lý thuyết Sean Carroll. Nguồn: preposterousuniverse.

Cơ học lượng tử và thuyết đa Vũ Trụ

Điều gì đó ẩn sâu là nỗ lực của Sean Carroll trong việc lấy lại vị thế của cơ học lượng tử. Sách cố gắng làm cho cơ học lượng tử dễ hiểu – ngay cả khi chúng ta vẫn chưa hiểu được nó – và việc đạt được những hiểu biết như vậy phải là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của khoa học hiện đại.

Cơ học lượng tử là độc nhất vô nhị trong số các lý thuyết vật lý nhằm mô tả sự khác biệt rõ ràng giữa những gì chúng ta quan sát thấy với những gì mới là thực tại. Điều đó đặt ra thách thức đặc biệt đối với tư duy của các nhà khoa học (và toàn thể những người còn lại), những người đã quá quen thuộc với lối suy nghĩ về những gì chúng ta quan sát thấy là “thực tế” không phải bàn cãi và cố gắng giải thích mọi thứ cho phù hợp.

Nhưng đó không phải là chướng ngại vật không thể vượt qua, và nếu giải phóng được tư duy của mình khỏi lối tư duy trực giác và lạc hậu thì chúng ta sẽ thấy rằng cơ học lượng tử không hề huyền bí một cách tuyệt vọng hoặc không thể giải thích được. Nó chỉ đơn thuần là vật lý mà thôi.

Điều gì đó ẩn sâu cũng chỉ ra những bước tiến trong việc thấu hiểu cơ học lượng tử đã đạt được, theo cách tiếp cận mà tác giả cho là con đường nhiều triển vọng nhất: Cách diễn giải Everett (*) hay đa Vũ Trụ về cơ học lượng tử.

Theo tác giả sách, cơ học lượng tử là rường cột chống đỡ các định luật khoa học mô tả hành vi bất thường của photon, electron hay bất kỳ hạt nào tạo nên Vũ Trụ.

Còn đa Vũ Trụ – giả thuyết về các Vũ Trụ tồn tại song song như trong phim khoa học viễn tưởng, nơi tồn tại bản sao của con người Trái Đất – là “phương pháp thuần khiết nhất” để hiểu cơ học lượng tử. Đó cũng chính là đích đến nếu chúng ta bước trên cung đường có ít sự chống cự nhất khi bàn về các hiện tượng lượng tử một cách nghiêm túc.

Bằng những câu chuyện hay cuộc đối thoại, Carroll dẫn dắt người đọc kết nối những kinh nghiệm thường ngày của chúng ta với một thế giới đa Vũ Trụ.

Theo Carroll “Tất cả đều là lượng tử”; những lý thuyết về hàm sóng và đa Vũ Trụ không chỉ mang lại tri thức khoa học mà còn góp thêm một góc nhìn để trả lời câu hỏi triết học ngàn đời: Ta là ai? Ta đang ở đâu? Ta sẽ như thế nào?

Ví dụ ta là chính ta của ngày hôm qua nhưng đồng thời cũng khác, và sẽ một phần, nhưng không phải toàn bộ, của ta ngày mai. Và cùng một thời điểm này, theo đa Vũ Trụ, sẽ có rất nhiều “ta” ở những Vũ Trụ khác nhau. Những bản sao không ngừng được sinh ra.

Điều gì đó ẩn sâu cũng nêu lên những lý thuyết đề xuất mới mẻ, chưa hoàn toàn được công nhận, trong nỗ lực tìm hiểu bản chất của không – thời gian, và nguồn gốc cùng với số mệnh sau cùng của Vũ Trụ. Đồng thời, sách cũng xem xét các nghiên cứu quan trọng khác từ góc độ cơ học lượng tử, ví dụ như những công bố về lỗ đen của Stephen Hawking.

——————–

*. Ý tưởng đa Vũ Trụ ban đầu do nhà vật lý Hugh Everett viết trên một tờ báo vào năm 1957.

Nguồn: https://znews.vn/dieu-an-sau-trong-the-gioi-luong-tu-post1513275.html

Tiếp tục đọc

Sách hay

Chỉ có bạn mới trả lời được câu hỏi của cuộc đời mình

Được phát hành

,

Bởi

108 chủ đề được bàn luận trong sách đều là những vấn đề rất thiết thực, gần gũi, đặc biệt trong giai đoạn nhân loại chịu nhiều tổn thất sau đại dịch Covid, như: cách điều khiển những cảm xúc tiêu cực; cách lắng nghe tâm trí và thân thể mình; cách đặt ra lằn ranh cho bản thân; cách để ngừng trì hoãn và thực hiện những điều mình yêu thích, v.v…

Khi bạn trao cho người khác quyền được quyết định xem bạn có đáng được yêu thương hoặc có giá trị hay không, bạn đã tự phản bội chính mình rồi.

Sự hài lòng đến từ bên trong

Nếu có thể dành cho chính mình lúc trẻ một lời khuyên, thì tôi sẽ bảo rằng: Sự hài lòng không nằm ở đâu xa vời cả; nó ở ngay trong mình.

Khi bạn trao cho người khác quyền được quyết định xem bạn có đáng được yêu thương hoặc có giá trị hay không, bạn đã tự phản bội chính mình rồi, bạn thân yêu ạ. Khi bạn hướng tới người khác để đạt được sự công nhận rằng mình đã “đủ giỏi” hay đang làm “tốt”, bạn chỉ đang tự tạo khoảng cách với con người thật của mình.

Hãy nhìn vào sâu bên trong và lắng nghe bản thân.

Hai long anh 1

Ảnh minh hoạ. Nguồn: BBC.

Bạn là người duy nhất hiện diện mọi ngày trong cuộc đời của bạn. Khi đưa ra những quyết định dựa trên những gì hợp lý hoặc không đối với mình, bạn đã kiến tạo một cuộc đời chân thật của riêng mình. Mọi ý kiến khác sẽ dần phai đi một khi bạn trân trọng và tin tưởng vào những điều mang lại cho bạn ý nghĩa và hạnh phúc.

Khi những tiếng ồn của thế giới bên ngoài trở nên quá náo nhiệt – điều chắc chắn sẽ xảy ra – hãy nhớ ngừng lại, đứng yên, và tự hỏi mình:

Điều gì phù hợp và chân thành nhất đối với mình?

Hãy để câu hỏi đó chín muồi cho tới khi câu trả lời từ từ hiện ra. Và rồi thực hiện điều đó.

Tận dụng tài năng của mình

Tôi từng trò chuyện với một tiểu thuyết gia về cuốn sách cô ấy đã ấp ủ suốt mười năm (tận mười năm!). Khi tôi hỏi cuốn sách đã được viết đến đâu rồi và khi nào tôi có thể đọc thử, cô ấy bảo, “Ồ, tớ không biết nữa. Có quá nhiều tiểu thuyết đã được viết rồi. Tớ không biết có đáng để viết không. Đằng nào thì cũng đã có người thực hiện nó rồi.”

Trong mọi nỗi sợ liên quan đến niềm thôi thúc và ước mơ mà tôi từng được nghe kể, “Đã có người thực hiện rồi” là thứ khiến tôi đau lòng nhất.

Dĩ nhiên, đúng là đã có hàng triệu quyển sách, bộ phim và các phát minh được sáng tạo trên thế giới này. Nhưng bạn có muốn biết thêm một sự thật không?

Chưa thứ nào trong số đó được sáng tạo bởi bạn.

Khi truyền tải những kinh nghiệm sống, góc nhìn và cảm xúc của mình vào một tác phẩm – một thứ gì đó phản ánh lòng hiếu kỳ và chuyện đời của bạn – những gì bạn tạo ra sẽ chân thật, nguyên bản và độc nhất.

Vì vậy, mỗi khi bạn chùn bước vì nghĩ rằng “đã có người thực hiện điều đó rồi” – hãy nhớ lấy điều này:

Có thể nó đã được thực hiện. Nhưng nó chưa được thực hiện bởi bạn.

Tận dụng tài năng của mình sẽ mang lại rất nhiều điều kì diệu, niềm vui và bất ngờ cho cuộc sống của bạn – nếu bạn chấp nhận chúng. Hãy xem như đây là lời mời gọi bạn tiến một bước nhỏ đến điều đang thôi thúc mình ngày hôm nay.

Tìm sự tường tận trong hành động

Một dược sĩ từng tìm đến tôi với mong mỏi được kết nối với bản chất nghệ sĩ bên trong mình. Khi chia sẻ những hoài bão và ước mơ với tôi, cô ấy luôn kéo theo sau một chuỗi các câu hỏi “lỡ như”:

Lỡ như tôi không thích làm điều đó? Lỡ như tôi không giỏi làm điều đó? Lỡ như nó không thành công? Lỡ như hoá ra nó khác với những gì tôi nghĩ? Lỡ như tôi đang phí phạm thời gian của mình?

Lỡ như…Lỡ như…Lỡ như…

Cuộc trò chuyện đó khiến tôi nhớ lại quãng thời gian chuẩn bị tiến một bước trọng đại ở một hướng đi mới, nhưng lại bị mắc kẹt ở giai đoạn chuyển giao, cố gắng hiểu tường tận mọi thứ trước khi dám cất bước đầu tiên.

Dù là rời khỏi thế giới công nghệ để theo đuổi con đường nghệ thuật, chuẩn bị “chời bài ngửa” trong một mối quan hệ, hay tạo ra một thay đổi lớn trong việc kinh doanh của mình – tôi từng nghĩ rằng một khi có được “kế hoạch hoàn hảo” thì mới có thể bắt đầu được.

Sự thật là như thế này: Không có kế hoạch nào là hoàn hảo cả. Sự rõ ràng sẽ đến khi ta hành động. Chúng ta không thể biết chắc được điều gì thành công hay thất bại, có thích hợp hay khôgn, cho đến khi tự mình nhìn thấy, chạm vào trải nghiệm. Chỉ khi đó ta mới có được sự khôn ngoan và hiểu biết để tự điều chỉnh và phát triển – rồi từ đó đưa ra các lựa chọn sáng suốt hơn để bước tiếp.

Bạn có đang chờ một kế hoạch hoàn hảo để bắt đầu theo đuổi điều gì đó? Thay vào đó, bước đầu tiên bạn có thể làm là gì?

Hãy nhớ rằng: Sự rõ ràng theo sau hành động. Từng bước, từng bước một.

Nguồn: https://znews.vn/ai-la-nguoi-ban-can-lam-hai-long-nhat-post1513431.html

Tiếp tục đọc

Xu hướng