Trao đổi với Zing, đại diện giới xuất bản ở Singapore, Myanmar, Malaysia, Philippines đều bày tỏ sự ủng hộ Việt Nam làm chủ tịch luân phiên Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á (ABPA). Đồng thời, họ đề xuất những giải pháp cho ngành sách phát triển.
Đại diện Hội Xuất bản Việt Nam trong lễ chuyển giao chức chủ tịch luân phiên Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á nhiệm kỳ 2022-2023 hôm 15/12. Ảnh: Việt Linh. |
Chung tay đưa ngành sách thoát khỏi đại dịch
Ông Myint Htun – Chủ tịch Hội Xuất bản Myanmar – cho biết ông đã đến thăm Hà Nội hai lần để tìm hiểu thị trường xuất bản và nhận thấy những tín hiệu khả quan giúp ngành sách Việt Nam có thể vươn xa hơn ra thế giới.
“Tôi yêu thích sự sang trọng của phố sách Hà Nội. Cả khu phố được thiết kế với phong cách mang đẳng cấp thế giới với rất nhiều sách được trưng bày. Tôi cũng quan sát thấy khá nhiều bạn đọc đến tham quan và mua sách”, ông Myint Htun kể.
Trong khi đó, ông Arief Hakim Sani Rahmat – Chủ tịch Hội Xuất bản Malaysia – chia sẻ rằng ông đã không đến Việt Nam trong vài năm gần đây. Nhưng dựa trên những điều tìm hiểu qua các kênh thông tin và hội thảo trực tuyến với thành viên giới xuất bản trong khu vực, ông nhận thấy ngành xuất bản Việt Nam “đang có những bước tiến vượt lên hậu quả của đại dịch”.
Theo chủ tịch Hội Xuất bản Malaysia, Covid-19 ảnh hưởng mọi mặt đời sống, trong đó có ngành sách. Song, giới xuất bản Việt Nam vẫn duy trì tốt hoạt động của mình.
“Thị trường dịch thuật ở Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng rất lớn, cùng đó là sự đi lên của tầng lớp trí thức. Ngoài ra, điểm mạnh của Việt Nam là sự đón đầu công nghệ của các đơn vị xuất bản trong nước. Cả hai điều này tạo tiền đề cho việc giao dịch bản quyền sách”, ông Arief Hakim Sani Rahmat nêu quan điểm.
Sau nhiều lần hợp tác, người đứng đầu giới xuất bản Malaysia cũng tin rằng ngành xuất bản Việt Nam “đang trên đà dẫn đầu trong khu vực Đông Nam Á”, bởi “Việt Nam có thị trường nội địa lớn, sự đầu tư cho giáo dục và con người ngày càng tăng”.
Bà Sonia A. Santiago – Giám đốc Hội Xuất bản Philippines – cũng cho hay thông qua các cuộc họp, báo cáo thường niên của Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á, bà đánh giá tình hình xuất bản ở Việt Nam có nhiều điểm sáng.
“Trong nhiệm kỳ hai năm tới đây, Việt Nam giữ chức chủ tịch luân phiên Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á. Tôi tin rằng các bạn và những quốc gia thành viên còn lại trong khu vực sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ đưa ngành sách thoát khỏi ảnh hưởng nặng nề của đại dịch”, bà Sonia A. Santiago bày tỏ.
Hình ảnh ở phố sách Hà Nội năm 2020. Ảnh: Việt Linh. |
Những đề xuất cho ngành sách Đông Nam Á
Ông Myint Htun – Chủ tịch Hội Xuất bản Myanmar – nói thực trạng ngành xuất bản ở Myanmar đang chịu tác động từ nhiều phía.
“Tôi hy vọng khi Việt Nam là chủ tịch luân phiên ABPA, các bạn và những thành viên còn lại trong khu vực sẽ tìm hiểu tình hình của chúng tôi, để từ đó có biện pháp hỗ trợ lẫn nhau. Tôi đặc biệt mong trong nhiệm kỳ này, Hội Xuất bản Việt Nam sẽ hợp tác nhiều hơn nữa với Hội Xuất bản Myanmar”, ông Myint Htun nói.
Bên cạnh đó, ông Myint Htun cũng bày tỏ niềm tin Hội Xuất bản Việt Nam có thể thực hiện tốt sứ mệnh của mình trong việc kết nối các thành viên.
Bà Cecilia Woo – Giám đốc điều hành Hội Xuất bản Singapore – cũng cho rằng Hội Xuất bản Việt Nam sẽ mang lại quan điểm và hướng đi mới cho Hiệp hội Xuất bản ASEAN trong nhiệm kỳ 2022-2023.
“Chúng tôi kỳ vọng Việt Nam sẽ đưa ABPA tăng trưởng và phát triển thông qua việc tổ chức nhiều sự kiện và hoạt động hơn nữa cho các thành viên trong khu vực dưới cả hình thức trực tuyến lẫn trực tiếp”, bà Cecilia Woo chia sẻ.
Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á sẽ mang ‘lớp áo mới’ trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch thông qua việc cùng nhau thực hiện chuyển đổi số trong xuất bản.
Ông Arief Hakim Sani Rahmat – Chủ tịch Hội Xuất bản Malaysia
Bên cạnh đó, ông Arief Hakim Sani Rahmat – Chủ tịch Hội Xuất bản Malaysia – cũng tin tưởng một trong những thế mạnh nữa của Hội Xuất bản Việt Nam là sự hỗ trợ từ chính phủ.
“Điều này mang lại cho các bạn sự tự tin và tiền đề vững chắc để lên kế hoạch cho một sự kiện hoặc dự án có chiến lược lâu dài”, ông Arief Hakim Sani Rahmat nói thêm.
Đại diện giới xuất bản Malaysia cho rằng Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á sẽ mang “lớp áo mới” trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch thông qua việc cùng nhau thực hiện chuyển đổi số trong xuất bản.
Theo đó, ông Arief Hakim Sani Rahmat đề xuất Hội Xuất bản Việt Nam (trên cương vị làm chủ tịch ABPA) tổ chức các hội chợ sách trong nước và khu vực trên cả môi trường số và thực địa để thu hút bạn đọc hơn nữa. Qua đó, các quốc gia thành viên cũng sẽ tìm thấy cơ hội hợp tác, học hỏi lẫn nhau.
Bà Sonia A. Santiago – Giám đốc Hội Xuất bản Philippines – kỳ vọng Hội Xuất bản Việt Nam tiến hành nhiều hoạt động như: Hội thảo trực tuyến về xu hướng xuất bản, giao dịch bản quyền, trao đổi kinh nghiệm chuyển đổi số, quyền dịch thuật, xuất bản điện tử, bảo vệ bản quyền sách…
Ngày 31/8/2005, Hội Xuất bản Việt Nam cùng hội xuất bản các nước Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Singapore, cùng thành lập Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á (ASEAN Book Publishers Association – ABPA). Tới nay, hiệp hội này đã kết nạp thêm ba thành viên là Brunei, Lào và Campuchia.
Mục tiêu của Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á là phối hợp, hỗ trợ cung cấp và chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về hoạt động xuất bản của từng nước thành viên, cũng như hoạt động xuất bản ở khu vực và trên thế giới.