Connect with us

Văn mẫu 7

Kiến thức về bài thơ “Tiếng gà trưa”

Được phát hành

,

I. NHỮNG TRI THỨC BỔ TRỢ

– Xuân Quỳnh (1942 – 1988) quê ở làng La Khê, ven thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội), là nhà thơ nữ xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại, thuộc thế hệ các nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ. Thơ Xuân Quỳnh thường viết về những tình cảm gần gũi, bình dị trong đời sống gia đình và cuộc sống thường ngày, biểu lộ một trái tim phụ nữ đa cảm, chân thành, đằm thắm, giàu yêu thương và cũng đầy khát vọng.

Song đáng tiếc là Xuân Quỳnh đã từ giã cuộc đời trong lúc sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật đang ở độ chín rực rỡ vì một tai nạn ập đến bất ngờ đã cướp đi sự sống gần như của cả gia đình bà. Để ghi nhận những đóng góp cho văn học, năm 2001, Xuân Quỳnh được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

– Khi còn nhỏ, tuổi thơ ấu của Xuân Quỳnh đã thiếu vắng tình cảm yêu thương: mẹ mất sớm, cha đi làm xa, hai chị em sống trong sự yêu thương đùm bọc của bà. Kỉ niệm về những năm tháng ấy đã trở thành một kí ức sâu đậm không bao giờ quên, hình ảnh tuổi ấu thơ nhiều lần xuất hiện trong sáng tác của Xuân Quỳnh. Bài thơ Tiếng gà trưa được viết trong thời kì đầu cuộc kháng chiến chống Mĩ và được in lần đầu trong tập Hoa dọc chiến hào (1968). Bài thơ trước hết chính là sự ùa dậy những kí ức tuổi thơ của Xuân Quỳnh.

II. SUY NGHĨ VỀ TÁC PHẨM

1. Bố cục của bài thơ

Theo mạch cảm xúc của nhân vật trữ tình, bài thơ có thể chia làm ba đoạn:

– Đoạn 1 (từ đầu đến “Nghe gọi về tuổi thơ”): Tiếng gà trưa khơi gợi những cảm xúc và kỉ niệm của người chiến sĩ.

– Đoạn 2 (tiếp theo đến “Giấc ngủ hồng sắc trứng”): Những kí ức tuổi thơ

– Đoạn 3 (còn lại): Người chiến sĩ suy ngẫm về bà và ý nghĩa những kỉ niệm tuổi thơ.

2. Mạch cảm xúc của bài thơ bắt đầu từ âm thanh của tiếng gà trưa trên đường hành quân xa của người chiến sĩ
Bài thơ mở đầu như một lời tự sự mộc mạc: Trên đường hành quân xa, khi dừng chân bên một xóm nhỏ, nghe thấy tiếng gà trưa, người chiến sĩ bỗng thấy ùa về trong tâm hồn mình biết bao cảm xúc và những kỉ niệm tuổi thơ. Đó là tiếng gà “cục cục tác cục ta”, tiếng một con gà mái nhảy ổ. Tiếng gà trưa vang lên vào lúc người chiến sĩ sau những phút giây hành quân mệt mỏi, dừng bên một xóm nhỏ để nghỉ ngơi. Âm thanh ấy là âm thanh quen thuộc ở bất cứ làng quê nào, nhưng nó lại là âm thanh dễ gợi cho con người nỗi buồn và sự hoài niệm. Lưu Trọng Lư cũng đã từng nghe tiếng gà trưa trong những ngày nắng mới mà nhớ về người mẹ, nhớ về tuổi lên mười thân thương của mình:

Mỗi lần nắng mới hắt bên song,

Xao xác gà trưa gáy não nùng

Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng,

Chập chờn sống lại những ngày không.

Những năm tháng tuổi thơ nghe tiếng gà nhảy ổ, âm thanh ấy đã trở nên quá thân thuộc, để rồi khi lớn lên, dẫu có đi xa, nhưng bất chợt lại nghe được tiếng gà ở một làng quê khác, con người như trở lại quá khứ, về những năm tháng tuổi thơ của mình. Cho nên, khi nghe Tiếng gà ai nhảy ổ, người chiến sĩ cảm thấy nắng trưa như xao động, bàn chân anh như được nâng bước, xua tan đi mệt mỏi sau chặng đường dài, và biết bao nhiêu kỉ niệm đẹp của tuổi thơ cũng được gọi về. Những từ tượng thanh “Cục… cục tác cục ta” mô phỏng tiếng gà làm khổ thơ như có một điểm nhấn, lời thơ trở nên bình dị, gần với cuộc sống đời thường. Với điệp từ “nghe” tác giả đã sử dụng phép ẩn dụ chuyển đổi cảm giác, lấy thính giác (nghe) thay cho thị giác (thấy), lặp liên tiếp ba lần ở ba câu cuối khổ thơ nhấn mạnh cảm xúc, tâm trạng của tác giả trước những âm vang của tiếng gà trưa.

3. Tiếng gà trưa khơi gợi bao kỉ niệm tuổi thơ

Hình ảnh đầu tiên người chiến sĩ nhớ tới trong kỉ niệm tuổi thơ là hình ảnh ổ rơm đầy ắp những quả trứng hồng và hình ảnh những con gà mái mơ, mái vàng:

Tiếng gà trưa

Ổ rơm hồng những trứng

Này con gà mái mơ

Khắp mình hoa đốm trắng

Này con gà mái vàng

Lông óng như màu nắng

Hình ảnh ổ trứng và những con gà được miêu tả thật bình dị, nhưng cũng sống động và đẹp như một bức tranh đầy màu sắc: màu hồng của những quả trứng, màu hoa đốm trắng của con gà mái mơ, màu vàng óng như màu nắng của con gà mái vàng. Những màu sắc như còn tươi rói trong kí ức tuổi thơ của người chiến sĩ.

Tiếng gà trưa gợi lại trong kí ức người chiến sĩ về người bà. Nhớ về người bà, anh như vẫn nghe văng vẳng tiếng mắng đầy yêu thương của bà:

Tiếng gà trưa

Có tiếng bà vẫn mắng

Gà đẻ mà mày nhìn

Rồi sau này lang mặt!

Cháu về lấy gương soi

Lòng dại thơ lo lắng

Bà thương cháu, quan tâm đến cháu thì mới mắng cháu. Sự thật thì nhìn gà đẻ không thể lang mặt. Nhưng bà tin theo quan niệm của thế hệ bà. Thế là cháu về soi gương và lo lắng vì lời “mắng” của bà. Cái lo lắng của tuổi thơ dại cùng tình thương ấm áp mà bà dành cho cháu sao mà đến giờ vẫn thấy đáng yêu đến thế.

Nhớ về bà, cháu cũng không bao giờ quên được hình ảnh bà tần tảo, chắt chiu những quả trứng hồng cho gà mái ấp:

Tiếng gà trưa

Tay bà khum soi trứng

Dành từng quả chắt chiu

Cho con gà mái ấp

Soi trứng để kiểm tra chất lượng quả trứng gà ấp. Bàn tay khum khum cầm quả trứng soi lên ngọn đèn, nếu trứng tốt, nhìn thấy nguyên khối cầu của lòng đỏ nếu trứng bị hỏng (gọi là trứng ung) sẽ không thấy khối cầu của lòng đỏ. Hình ảnh bàn tay bà khum soi trứng nói về sự chắt chiu, tần tảo của bà, về bao nỗi lo toan từ mỗi quả trứng nhỏ đưa lên soi, liệu có quả nào bị hỏng.

Lo cho trứng ấp thành gà con, nhưng bà vẫn chưa hết lo. Cháu quên sao được nỗi bà lo đàn gà “toi” khi mùa đông tới:

Cứ hằng năm hằng năm

Khi gió mùa đông tới

Bà lo đàn gà toi

Mong trời đừng sương muối

Để cuối năm bán gà

Cháu được quần áo mới

Ngay cả khi những quả trứng đã nở thành đàn gà rồi, bà vẫn còn phải lo gió mùa đông tới, gió mùa và sương muối sẽ làm đàn gà “toi”. Nỗi lo lắng ấy cứ trở đi trở lại theo năm tháng, cứ hằng năm hằng năm, bởi năm nào đến mùa đông mà chẳng có gió mùa và sương muối. Bây giờ cháu lớn khôn, đã hiểu được vì sao bà chắt chiu từng quả trứng, vì sao bà lo cho đàn gà mỗi khi gió mùa đông thổi. Thì ra từ đàn gà ấy mà cháu sẽ có quần áo mới. Bàn tay già nua của bà để dành, chắt chiu, nâng đỡ từng ước mơ, hạnh phúc bé nhỏ của cháu. Cháu hạnh phúc vô bờ khi được xúng xính trong bộ quần áo ấy, để bây giờ khi đã lớn khôn, cháu vẫn nhớ như in từng cảm giác:

Ôi cái quần chéo go

Ống rộng dài quét đất

Cái áo cánh trúc bâu

Đi qua nghe sột soạt.

Chỉ là cái quần chéo go, chỉ là cải áo cánh trúc bâu bộ quần áo may bằng thứ vải dệt thủ công, ngày xưa chỉ có nhà nghèo mới may bằng vải ấy vì rất dày và cứng, nhưng với cháu là cả một niềm vui khó tả bởi chúng chứa đựng bao tình yêu thương của bà. Ngày xưa, khi Tết về trẻ con được may áo quần mới cũng là niềm hãnh diện và hạnh phúc với bạn bè. Nên hình ảnh một đứa trẻ xúng xính trong bộ quần áo vừa dài, vừa rộng thùng thình, mỗi bước đi lại sung sướng nghe tiếng vải sột soạt vừa gợi ra những nét thơ ngây của đứa trẻ, vừa là một ấn tượng không bao giờ quên về thứ hạnh phúc bình dị của tuổi ấu thơ. Chính vì vậy mà giấc mơ của cháu suốt tuổi thơ vẫn là sắc hồng của những quả trứng gà, tiếng gà trưa xôn xao mang cho cháu biết bao hạnh phúc. Từ cảm thán Ôi như một sự xúc động và niềm hạnh phúc vẫn còn đọng lại mãi trong kí ức tuổi thơ của cháu: Cả đoạn thơ kể về tuổi thơ của người chiến sĩ, dường như ta không thấy có bóng dáng của người cha người mẹ, chỉ thấy có bà chăm sóc, lo cho cháu mà thôi. Dẫu thiếu vắng tình thương và sự chăm sóc của cha mẹ, cháu vẫn may mắn và hạnh phúc vì có bà chăm sóc, bù đắp yêu thương cho cháu. Bà đã cố gắng hết sức để khi Tết đến xuân về, cháu cũng có được niềm vui khi được quần áo mới, không phải tủi thân trước bạn bè. Tấm lòng nhân hậu, đức hi sinh của bà thật cao đẹp biết bao.

Qua những kỉ niệm của người chiến sĩ về người bà, có thể thấy đó là một người bà nghèo nhưng tần tảo, giàu đức hi sinh, luôn hết lòng vì con, vì cháu. Phẩm chất của bà cũng là phẩm chất truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Những kỉ niệm trong sáng ấy còn cho ta thấy tình bà cháu thắm thiết. Bà yêu thương, chăm lo cho cháu; cháu yêu quý, kính trọng và biết ơn bà. Cuộc đời người bà trong bài thơ có bóng dáng người bà của nhà thơ Xuân Quỳnh. Nhà thơ mồ côi mẹ từ nhỏ, nhưng may mắn được sống trong sự cưu mang của bà ngoại – người mà Xuân Quỳnh nặng tình nhất.

4. Những suy ngẫm của người chiến sĩ về mục đích chiến đấu hôm nay

Quay về với thực tại, anh chiến sĩ đã xác định đúng đắn:

Cháu chiến đấu hôm nay

Vì lòng yêu tổ quốc

Vì làng xóm thân thuộc

Bà ơi, cũng vì bà

Vì tiếng gà cục tác

Ổ trứng hồng tuổi thơ.

Điệp từ “vì lặp lại ba lần vừa nêu lí do, vừa nêu mục đích ý nghĩa của cuộc chiến đấu của người cháu: Cháu cầm súng chiến đấu trước tiên vì “lòng yêu Tổ quốc vì làng xóm, và cũng là vì người bà yêu thương và vì “tiếng gà”, “ổ trứng hồng” – vì những kỉ niệm đẹp của tuổi thơ. Bảo vệ Tổ quốc cũng chính là bảo vệ những kỉ niệm tuổi thơ. Hình ảnh “tiếng gà” và “ổ trứng hồng” giờ đây đã trở thành biểu tượng cuộc sống bình yên, cho những ước mơ, hạnh phúc bình dị của mỗi con người. Giáo sư Đinh Trọng Lạc đã từng nhận xét: “Cả hai đều là hình tượng, song cái đầu mới là hình tượng đẹp, bất ngờ của thế giới hiện thực, cái sau đã là hình tượng nghệ thuật lung linh của thế giới tâm tưởng, mãi mãi được lưu giữ trong kí ức, như một ngọn nguồn tình cảm sâu xa của con người đem đến một sức mạnh tinh thần to lớn để chiến đấu cho những mục đích cao đẹp của cuộc đời. Như vậy, chỉ từ âm thanh bình dị, quen thuộc của làng quê, từ những kỉ niệm thân thương của tuổi thơ bên bà, nhà thơ đã khái quát nên một chân lí lớn lao: Tình yêu gia đình, yêu quê hương là khởi nguồn cho một tình yêu lớn – tình yêu đất nước. Đó cũng là động lực giúp cho người chiến sĩ vững bước trên bước đường hành quân, vững tay súng chiến đấu nơi chiến trường.

5. Đặc sắc về nghệ thuật

Bài thơ sử dụng thành công thể thơ năm chữ đậm chất tự sự, phù hợp với việc kể lại những kí ức và hoài niệm. Ngôn ngữ, hình ảnh thơ bình dị, trong sáng, giàu sức gợi cảm. Lời thơ thủ thỉ, tâm tình, gây xúc động cho người đọc, đặc biệt là cách sử dụng điệp ngữ “tiếng gà trưa” được lặp lại ba lần xuyên suốt bài thơ, lại đứng độc lập thành một câu thơ riêng như một sự biến thể đầy sáng tạo của thể thơ năm chữ, có tác dụng kết nối các ý thơ, tạo âm thanh vang vọng của hoài niệm, góp phần làm bài thơ thêm giàu cám xúc.

* Thành công của bài thơ là Xuân Quỳnh đã khai thác cảm xúc từ những điều gần gũi, những kỉ niệm của chính mình nên tình cảm thể hiện trong bài thơ rất chân thành, giàu cảm xúc. Từ những kỉ niệm và những tình cảm riêng, bài thơ đã hướng vào chủ đề chung của thời đại chống Mĩ cứu nước là lòng yêu Tổ quốc. Bài thơ cũng khơi dậy ở mỗi người đọc những tình cảm cao đẹp với gia đình, quê hương, đất nước những kỉ niệm bình dị mà đẹp của tuổi ấu thơ. Hình ảnh người bà trong bài thơ là hình ảnh tiêu biểu cho phẩm chất truyền thống của người phụ nữ Việt Nam: tần tảo, chịu thương chịu khó, giàu tình yêu thương, đức hi sinh, giàu nghị lực. Đằng sau đó, người đọc cũng cảm nhận được một tâm hồn tinh tế, một trái tim đằm thắm, thiết tha của nữ sĩ Xuân Quỳnh.

Tiếp tục đọc

Văn mẫu 7

Biểu cảm về loài cây em yêu: cây bàng

Được phát hành

,

Bởi

Trước sân nhà em có một cây bàng. Trường em cũng rất nhiều bàng. Hai bên hè phố nơi em ở lại là những dãy bàng xanh ngút ngái. Những cây bàng đứng đó, nhìn em lớn lên và lưu giữ bao kỷ niệm ấu thơ. Em yêu cây bàng như yêu một người bạn gần gũi nhất, thân thương nhất và không bao giờ vắng mặt trong cuộc sống của em.

Vào mùa nào, cây bàng cũng có một vẻ đẹp riêng, khi trẻ trung xanh mướt khi già cỗi, sắt siu. Cây bàng lúc tươi tắn, lúc trầm ngâm, lúc vui, lúc buồn như con người vậy.

Em thích nhất là ngắm nhìn cây bàng vào xuân. Đó là mùa hồi sinh của vạn vật. Trong làn mưa bụi, hơi lạnh se se, những chồi non chúm chím hé nở trên những nhành cây gầy mảnh vươn dài, xoè rộng. Màu xanh non nớt, mượt mà ấy làm dãy phố sáng bừng lên sau một mùa đông dài xanh xám. Có lúc em thấy cây bàng đang cháy lên những ngọn nến xanh. Có lúc em lại thấy dường như bàng là một cô gái đang múa đèn duyên dáng. Cây bàng biến hoá với bao hình dáng kỳ diệu.

Những chồi bàng lớn rất nhanh. Khi trong những vòm lá bắt đầu lấp ló nhánh hoa li ti ấy là lúc mùa xuân sắp tàn nhường quyền tạo hoá cho mùa hè rực rỡ. Mùa hè sang mang đến cho cây bàng một sức sống mạnh mẽ. Cả phố phường ngợp bóng mát xanh um của những tán bàng toả rợp. Em lại được nô đùa chơi đồ hàng, chơi nhảy dây với lũ bạn dưới gốc bàng. Cây bàng đu đưa, rì rào hiền như một người bạn lớn tốt bụng xoè rộng cánh tay cầm ô che nắng cho chúng em vui chơi. Và mỗi buổi trưa hè, em lại mở cửa sổ ngủ dưới tiếng ve bàng râm ran êm ả, dưới vòm hương lá bàng nồng dịu và những chùm quả xanh non chao chao trong nắng.

Lũ trẻ trong xóm em bao giờ cũng háo hức đón cây bàng vào thu. Bởi khi ấy những chùm quả bàng bắt đầu chín toả hương thơm nồng nàn ngai ngái phảng phất quyến rũ khắp phố phường. Em còn nhớ một buổi chiều đi lao động ở trường, cả cô trò tụ tập dưới gốc bàng to nhất sân trường đẩy bàng chín ăn. Cô cứ đẩy được chùm nào cả bọn lại xúm xút tranh nhau. Em cắn ngập răng vào quả chín cảm nhận cái vị ngọt rất riêng, bùi ngùi như vị của nắng thu mà thêm yêu da diết cây bàng thân quen ấy. Cây bàng sần sùi, nâu xám. Mỗi vết nám là một kỷ niệm học trò được lưu giữ. Một ngày nào đó, khi em xa rời mái trường yêu dấu, em sẽ về đây đặt tay lên những vết chai sần này để tìm lại bao ký ức đẹp tuổi thơ.

Thương nhất là khi cây bàng vào đông. Dãy bàng ngoài phố thỉnh thoảng lại rùng mình khi cơn gió lạnh lướt qua. Trong nắng đông hao hao, những chiếc lá bàng đỏ sạm buồn buồn. Bà bán xôi đầu ngõ gói xôi bằng chiếc lá đỏ ấy cầm gói xôi vừa thổi vừa ăn, em mới thấy cây bàng dù khi tươi tốt hay khi tàn úa vẫn luôn luôn có ích cho đời. Dưới gốc bàng đơn côi, trơ trọi khẳng khiu ngoài phố, quán cóc mọc lên nhiều hơn, lũ trẻ xóm em ít ngồi chơi hơn. Còn ở sân trường thì thật vắng vẻ. Chúng em chẳng muốn ra ngoài vì lạnh. Lúc ấy trông cây bàng thật tội. Cái dáng gầy guộc, khô se thỉnh thoảng lại lay lay như muốn gọi chúng em “Lại đây chơi với tôi đi, tôi buồn lắm”! Nhưng chắc chắn bàng sẽ vượt qua mùa đông buốt giá một cách dễ dàng thôi. Trong cái giá rét ấy, những nhánh cây ngày nào cũng giơ ngón tay gầy gom nắng đông lại chăm chút, ấp ủ một cái gì đó để khi mùa xuân về thì tách lên những búp nõn xanh tươi. Cây bàng lại hồi sinh, lại bắt đầu một vòng sống mới đẹp đẽ hơn, rực rỡ hơn. Em rất khâm phục sức sống bất diệt của cây bàng.

Em yêu cây bàng như yêu một người bạn lặng thầm bình dị và gần gũi. Người bạn ấy lúc nào cũng ở bên cạnh em, có mặt trong cuộc sống của em. Một ngày nào đó, em không còn được ăn trái bàng chín thơm nồng, không được cầm gói xôi bọc lá bàng đỏ đầu đông nóng hổi, không được nghe tiếng ve bàng rộn rã thì cuộc sống khi ấy sẽ tẻ nhạt biết bao. Cây bàng là nhà ở, là phố phường, là trường học, là kỷ niệm… là tất cả những gì mà em gắn bó và yêu quý.

Tiếp tục đọc

Văn mẫu 7

Biểu cảm về loài cây em yêu: cây dừa

Được phát hành

,

Bởi

Có một loài cây từ lâu đã trở thành sự sống của người dân và trở thành hình tượng bất tử của nhiều vùng quê Việt Nam. Loài cây ấy cũng là nỗi nhớ mong trong lòng của tôi về tuổi thơ êm đềm nơi quê ngoại. Cây dừa ơi! Tôi mãi gọi tên dừa như gọi tên quê hương mình.

Quê ngoại tôi là xứ sở của dừa. Ở đây không chỉ có vài cây, vài rặng dừa mà là cả liếp dừa nối tiếp nhau nhìn xa xa như một cánh rừng. Cây dừa thân to tròn như một chiếc cột lớn giữa nhà. Lá dừa như những ngọn gươm khua xào xạc có lúc lại mềm mại như bàn tay cầm quạt của cô gái đang múa hát. Tôi yêu cái dáng đứng thẳng của dừa và cái ngẩng đầu thách thức dù mưa giông, bão tố. Hứng chịu bao cơ cực của cuộc đời, dừa lại chắt lọc những gì tinh tuý nhất vào quả của mình. Có lần tôi đã nghĩ quả dừa giống như những hủ rượu ngàn năm của Tề thiên đại thánh bỏ quên nơi trần gian. Chỉ khác một điều chắc gì rượu quý kia lại thơm ngon bằng nước dừa. Tôi thích thú với những chiếc rễ dừa to to vươn lên mặt đất. Ngày đó, tôi chưa học dừa là loại cây rễ chùm, chỉ biết rằng bộ rể đồ sộ kia lại có sự sống bền bỉ và bám chặt vào đất giành lấy sự sống của mình.

Làm sao có thể kể hết những lợi ích mà loài cây này mang đến cho con người. Ở quê ngoại tôi, dừa chính là nguồn lợi lớn nhất giúp người dân thoát nghèo, có cuộc sống đầy đủ hơn. Nước dừa vừa ngọt vừa thanh lại là thức uống bổ, rẻ nên được hầu hết mọi người ưa chuộng. Thân dừa già làm gỗ, lá dừa, cọng dừa khô làm củi, chiếc chổi bà tôi quét nhà cũng được làm từ những sóng lá nhỏ….Hình như người dân chúng tôi không bỏ đi thứ gì kể cả vỏ trái dừa. Hiếm có loài cây nào lại hữu ích đến thế và cũng hiếm loài cây nào được người dân chúng tôi trân quý đến thế. Hễ thấy một trái dừa khô nào ra mọng là bà tôi lại chọn một nơi tốt nhất để trồng.

Đối với chúng tôi, dừa là cả một miền thơ mộng. Dưới gốc dừa mát rượi, chúng tôi chơi trốn tìm, chơi nhảy dây, chơi nhà chòi. Có khi lại thích thú cuộn những chiếc lá dừa thành kèn rồi thổi tí te vui tai. Tôi yêu dừa như yêu những đứa bạn thân cùng xóm, yêu người dì tốt bụng gần nhà. Ai biết một ngày có cô bé nhớ mẹ ngồi khóc dưới gốc cây, mẹ đi chợ về mua ít bột, lấy nải chuối chín cây, bẻ thêm trái dừa khô làm bánh. Cô quên làm sao được cái hương vị thơm béo của nước cốt dừa hoà vào từng miếng bánh ngọt lịm ăn mãi vẫn không biết ngán. Ôi, cái hương vị của tuổi thơ là những ngọt, bùi của dừa mang lại khiến bao năm tháng trôi qua vẫn không thể nào quên.

Ai dám bảo mình chưa bao giờ thử uống một ngụm nước dừa thanh mát? Ai dám bảo mình sẽ quên hình bóng một loài cây của quê hương? Tôi có cố nhớ đâu sao cái dáng dừa soi bóng nước những trưa hè vẫn in hằn trong trí nhớ. Phải chăng đó sẽ mãi là kí ức, là kỉ niệm tươi đẹp trong đời. Cảm ơn dừa đã cho tôi bóng mát giữa đời thường và cho tôi những ngày tháng tuyệt vời của tuổi thơ.

Tiếp tục đọc

Văn mẫu 7

Biểu cảm về loài cây em yêu: cây đa làng em (1)

Được phát hành

,

Bởi

Đầu làng em có một cây đa có lẽ đã vài trăm tuổi. Thân cây lớn lắm! Rễ đa ngoằn ngoèo như những con trăn khổng lồ uốn khúc. Xung quanh gốc chính là hàng chục gốc phụ khiến cho cây thêm bề thế và vững chãi. Cách xa hàng cây số đã nhìn thấy bóng đa cao vượt khỏi luỹ tre làng, sừng sững in trên nền trời xanh biếc.

Bóng đa che mát một khoảng đất rộng. Chim chóc làm tổ trên cành, suốt ngày ríu rít. Đang đi trên đường nắng chang chang, khách ghé chân vào quán tranh nghỉ tạm, uống một bát nước chè tươi hãm đặc, tận hưởng cơn gió nồm nam lồng lộng thổi, quả là không có gì sung sướng bằng, bao nhiêu mỏi mệt đều tan biến hết.

Tuổi thơ chúng em cũng tìm được ở cây đa nhiều điều kì thú. Lá đa to, dày và xanh bóng đem cuộn tròn lại, xé hai bên mép lá làm sừng, buộc một mẩu dây chuối khô vào cuống rồi luồn vào trong, khe khẽ kéo… Thế là đã được một con trâu lá đa, cặp sừng cong cong, cái đầu gục gặc như sẵn sàng nghênh chiến. Nào là trâu bố, trâu mẹ, nghé tơ… nằm quây quần bên nhau, nhìn mới thích làm sao!

Những chiếc búp đa khô quăn queo màu nâu rơi trên mặt cỏ có thể nhặt về làm kèn. Kèn búp đa ngậm vào miệng rồi phồng má thổi, nó kêu “toe” lên một tiếng, kèm theo chuỗi cười trong, trẻo vang xa.

Chiều hè, chúng em thường túm năm tụm bảy dưới gốc đa để thi thả diều. Bờ con mương chạy ngang cảnh đồng lang là nơi thả diều lí tưởng. Những cánh diều chấp chới bay cao; tiếng sáo diều vi vu ngân nga giữa không trung bát ngát.

Ông em kể rằng cây đa đã chứng kiến bao sự kiện buồn vui của làng. Lá cờ đỏ sao vàng đầu tiên phất phới bay trên ngọn đa. Cuộc mít tinh đầu tiên của dân làng thành lập chính quyền cách mạng cũng diễn ra dưới gốc đa. Trong hai cuộc chiến tranh chông Pháp và chống Mĩ, những cuộc tiễn đưa thanh niên lên đường nhập ngũ cũng được tổ chức ở đây… Rồi chuyện làm ăn hằng ngày, chuyện đổi mới không ngừng của làng của nước, bà con trao đổi với nhau dưới bóng mát cây đa. Cây đa cổ thụ quả đúng là nhân chứng lịch sử của làng.

Tiếp tục đọc

Xu hướng