Có thể nói, đây là một cuốn sách thú vị, rất cần thiết cho bạn đọc khi nhìn sâu vào những vỉa tầng văn hóa – ngôn ngữ Việt Nam.
“Từ dân gian đến nhân gian” nghĩa là thế nào? Tên cuốn sách gợi lên một hành trình đi từ những diễn biến trong sinh hoạt dân gian rồi mở rộng ra là cõi nhân sinh, nơi dấu vết của văn hóa không hề đóng băng, đông cứng mà luôn có sự chuyển hoạt, lưu truyền để thích ứng với điều kiện sinh tồn.
Dấu vết ấy hiện hình qua những câu chuyện cổ, những bài ca dao, những câu tục ngữ, cách xưng hô, những biểu tượng hay các kiến tạo văn học nghệ thuật. Hoàng Kim Ngọc tỏ ra sắc sảo khi nhìn vào thế giới ấy và lần ra những câu chuyện, những thông điệp còn phong nguyên nhịp sống của con người.
Nhịp sống vẫn diễn ra như lẽ thường. Nhưng, đã lúc nào ta dừng lại để nghĩ rằng, tại sao lại là “lẽ thường”? Lẽ thường ấy được hình thành và duy trì như thế nào trong đời sống, để nó là thường mà không phải là biến cố, để nó được nghiễm nhiên chấp nhận? Hoàng Kim Ngọc lý giải cho điều đó bằng hai từ khóa: Lẽ tự nhiên (lẽ trời) và lẽ đời.
Bìa cuốn sách Từ dân gian đến nhân gian. |
Thật thú vị, lẽ tự nhiên chúng ta không cưỡng lại được (Hoa đến thì, hoa nở); lẽ đời là quy luật ứng xử, sinh hoạt được cộng đồng cho là hợp lý (Đò đầy, đò phải sang sông)… Lẽ thường làm nên nhịp điệu của sự sống, thậm chí quy ước sự sống (Đến duyên em, em phải lấy chồng). Con người ý thức được lẽ thường sẽ bớt đi những băn khoăn, suy tư, từ đó có cách ứng xử phù hợp với môi trường tự nhiên, môi trường văn hóa mà mình tồn tại.
Cuốn sách của Hoàng Kim Ngọc có nhiều bài thú vị, là những mảnh gốm mang trong mình câu chuyện của đất đai, văn hóa, ngôn ngữ, con người. Chị tỏ ra thích thú với việc khám phá lối nói, lối nghĩ của dân gian trong cách đặt tên các loại bánh (bánh + x). Thành tố cộng vào có khi là chất liệu, có khi là tính chất, có khi là vùng miền, có khi là mục đích… (bánh đậu xanh, bánh cuốn, bánh ngọt, bánh dẻo, bánh chưng…).
Ngẫm lại những câu ca dao, tục ngữ của cha ông, Hoàng Kim Ngọc phát hiện có nhiều minh chứng về kinh nghiệm ốm đau, chữa bệnh. Quả như vậy thật, dân gian nói có ngoa đâu: “Một quả cà bằng ba thang thuốc” (ăn uống đơn giản, đừng ăn nhiều chất bổ béo), “Thịt gà, cá chép, ba ba / Trong ba thứ ấy liệu mà phải kiêng” (khuyên người đẻ kiêng cữ trong ăn uống), “Thứ nhất phạm phòng, thứ nhì lòng lợn” (những việc, những thức ăn nên kiêng cữ với người mới khỏi ốm, yếu sức).
Là một chuyên gia ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam, Hoàng Kim Ngọc có phương pháp làm việc khá mạch lạc: Tập hợp cứ liệu trong dân gian, xếp chồng-xâu chuỗi để tìm ra những quy luật, phân tích và lý giải, sau đó kết luận về ý nghĩa, giá trị. Đó là cách làm hợp lý, đem đến cho cuốn sách một văn phong sáng rõ, chỉn chu, phù hợp với sự tiếp nhận rộng rãi của đa số độc giả.
Những vấn đề tưởng như bé nhỏ, lẽ thường, nhưng qua cách nêu vấn đề, qua hệ thống cứ liệu bỗng trở nên sinh động, lấp lánh các mã văn hóa. Chẳng hạn, tại sao người Việt lại có nhiều từ xưng hô làm vậy? Đó chính là văn hóa giao tiếp của người Việt, phản ánh các mối quan hệ, các tình huống cụ thể, các vai, các mức độ tình cảm, thái độ, mục đích…
Cùng với đó, Hoàng Kim Ngọc luôn có ý thức xem văn hóa như một thực thể đang sống, đang vận hành và luôn có sự giao thoa, biến cải. Chị nhận ra sự di thực và tái sinh khá độc đáo của các hình tượng dân gian vào trong văn học viết (nhân vật truyện cổ dân gian trong sáng tác văn chương hiện đại; hình tượng cóc trong văn hóa Việt và thơ Việt…).
Từ dân gian đến nhân gian được thiết kế khá gọn, với 15 tiểu luận. Mỗi tiểu luận là một khám phá các vỉa tầng văn hóa – ngôn ngữ đầy thú vị. Như một lời ngỏ ý, cuốn sách dừng lại bên ta để lắng nghe những thông điệp ngày thường, lẽ thường mà bền bỉ.