Connect with us

Văn mẫu 6

Kể diễn cảm truyện dân gian Nga “Ông lão đánh cá và con cá vàng”

Được phát hành

,

I. DÀN Ý

1. Mở bài:

* Giới thiệu chung:

– Ngày xưa, ở nước Nga, có hai vợ chồng ông lão đánh cá nghèo khổ.

2. Thân bài:

* Diễn biến của truyện:

+ Ông lão đánh cá thả cá vàng:

– Ông lão kéo lưới ngoài biển, bắt được cá vàng.

– Cá vàng van xin ông thả ra và hứa sẽ đền ơn.

+ Ông lão bị mụ vợ bắt buộc phải tìm cá vàng đòi đền ơn:

– Lần thứ nhất: đòi một cái máng cho lợn ăn.

– Lần thứ hai: đòi một toà nhà đẹp.

– Lần thứ ba: đòi làm nhất phẩm phu nhân.

– Lần thứ tư: đòi làm nữ hoàng.

– Lần thứ năm: đòi làm Long Vương ngự trên mặt biển, bắt cá hầu hạ.

3. Kết bài:

* Kết thúc truyện:

+ Cá vàng trừng trị thói tham lam bội bạc của mụ vợ ông lão:

– Lâu đài, cung điện biến mất.

– Trở lại túp lều nát ngày xưa.

– Mụ vợ ngồi trước cái máng lợn sứt mẻ.

II. BÀI LÀM

Ngày xửa ngày xưa, ở tận bên nước Nga xa xôi, có hai vợ chồng ông lão đánh cá nghèo khổ sống trong một túp lều nát ven biển. Hôm nào cũng vậy, ông lão chèo thuyền ra khơi đánh cá; còn bà vợ ở nhà kéo sợi, nuôi lợn và lo cơm nước.

Một buổi sáng đẹp trời, ông lão quăng lưới. Lần đầu kéo lên chỉ có bùn. Lần thứ hai chỉ thấy mấy cây rong biển. Lần thứ ba kéo lên thì bắt được một con cá vàng.

Chợt con cá cất tiếng kêu van:

– Ông lão ơi! ông sinh phúc thả tôi trở về biển. Tôi xin đền ơn ông. Ông muốn gì cũng được.

Thấy cá vàng nói được tiếng người, ông lão ngạc nhiên lắm. Ông thả cá vàng xuống biển và bảo:
– Trời phù hộ cho ngươi! Ngươi trở về biển khơi mà vùng vẫy. Ta không đòi gì cả và ta cũng chẳng cần gì.

Về nhà, ông kể chuyện thả cá vàng cho vợ nghe. Mụ vợ cau mày mắng:

– Đồ ngốc! Sao không bắt cá vàng đền ơn? Đòi một cái máng mới cho lợn ăn không được à? Cái máng cũ đã gần vỡ rồi!

Thế là ông lão đi ra biển. Biển trong xanh, gợn sóng êm ả. Ông cất tiếng gọi cá vàng. Con cá bơi lên hỏi:

– Ông lão ơi! ông cần gì thế?

Ông lão chào con cá và đáp:

– Cá ơi! Giúp tôi với! Mụ vợ tôi cứ càu nhàu mãi. Mụ đòi một cái máng lợn mới.

Cái máng cũ sứt mẻ cả rồi.

Cá vàng trả lời:

– Ông lão đừng băn khoăn nữa! ông cứ về nhà đi! Tôi sẽ giúp ông có được cái máng mới.

Về đến nhà, ông lão thấy trước cửa có một cái máng mới tinh. Nhưng mụ vợ lại trợn mắt quát to hơn:

– Đồ ngu! Chỉ đòi một cái máng thật à? Một cái máng lợn thì thấm vào đâu! Đi tìm con cá vàng và đòi một cái nhà rộng!

Thế là ông lão lại đi ra biển. Biển xanh nổi sóng, ông lão cất tiếng gọi cá vàng. Cá vàng bơi lên hỏi:

– Ông lão ơi! ông cần gì thế?

Ông lão chào con cá và nói:

– Giúp tôi với cá vàng ơi! Mụ vợ tôi mắng tôi là đồ ngu. Mụ đòi cá vàng phải cho mụ cái nhà thật to, thật đẹp!

Cá vàng khuyên:

– Đừng băn khoăn nữa ông lão ạ! Tôi sẽ cầu trời phù hộ cho ông. Ông sẽ có cái nhà vừa to vừa đẹp.

Tin lời cá vàng, ông lão trở về nhà. Ô! Lạ thay! Túp lều rách nát quen thuộc đã biến đâu mất. Thay thế vào đó là một ngôi nhà lớn, có cổng bằng gỗ lim, bên trong đẹp đẽ, sáng sủa, có cả lò sưởi quét vôi trắng xoá. Mụ vợ đang ngồi hóng gió bên cửa sổ. Thấy ông lão về, mụ mắng xơi xơi:

– Ông đúng là đồ ngu! Ngốc sao ngốc thế cơ chứ! Chỉ đòi một cái nhà thôi ư? Lão đi ngay ra biển, bảo cá vàng rằng tôi không muốn làm một mụ nông dân quèn nữa mà tôi muốn trở thành nhất phẩm phu nhân!

Ông lão nghe mụ vợ nói mà hoảng cả hồn. Trời đất ơi! Mụ mà đòi làm nhất phẩm phu nhân?! Đang chần chừ suy nghĩ thì ông lão lại thấy mụ quát to hơn nên đành lật đật đi ra biển.

Biển xanh nổi sóng dữ dội. Ông lão khẩn khoản gọi cá vàng. Cá vàng bơi lên hỏi:

– Ông lão ơi! ông cần gì thế?

Ông lão đáp giọng buồn rầu:

– Cá vàng ơi, hãy giúp tôi! Mụ vợ tôi phát khùng lên, đòi làm nhất phẩm phu nhân. Mụ ta làm cho tôi không thể sống yên được nữa!

Cá vàng trả lời:

– Ông lão đừng lo lắng quá! Tôi sẽ cầu trời phù hộ cho ông!

Về đến nhà, ông lão thấy trước mắt mình là một lâu đài nguy nga, tráng lệ. Mụ vợ khoác áo lông sang trọng, đầu đội mũ nhiễu hoa, cổ đeo chuỗi ngọc và hai bàn tay đeo đầy nhẫn. Xung quanh mụ, kẻ hầu người hạ lăng xăng, tíu tít, còn mụ thì luôn mồm quở mắng gia nhân, ông lão cúi đầu chào:

– Xin kính chào phu nhân! Chắc bây giờ bà thoả nguyện rồi chứ?

Mụ trợn mắt quát ông lão một thôi một hồi và bắt ông xuống quét dọn chuồng ngựa.

Chỉ được vài tuần, mụ lại gọi ông đến, giận dữ sai ông đi tìm cá vàng:

– Này lão già! Ta không muốn làm nhất phẩm phu nhân nữa! Ta muốn làm nữ hoàng kia!

Ông lão thất kinh hồn vía, vội van xin:

– Trời đất ơi! Mụ nói gì vậy? Mụ có lú lẫn không đấy? Mụ đi chẳng biết đường đi, nói chẳng biết đường nói mà lại đòi làm nữ hoàng?! Mụ không sợ thiên hạ cười vào mặt ư?

Mụ vợ nổi cơn lôi đình, dang thẳng cánh tay tát vào mặt ông lão:

– A! Lão già hỗn láo! Dám cãi lại ta ư? Lão phải đi ngay ra biển tìm gặp cá vàng! Nếu không, ta sẽ cho người lôi đi đấy!

Không còn cách nào khác, ông lão đành lủi thủi đi ra biển. Biển nổi sóng mù mịt thật đáng sợ. Ông già gọi hồi lâu, cá vàng mới bơi lên hỏi:

– Ông lão ơi! ông cần gì thế?

Ông lão than thở:

– Cá vàng ơi, thương tôi với! Mụ vợ lẩm cẩm của tôi lại nổi cơn điên! Mụ chán làm nhất phẩm phu nhân rồi! Mụ đòi làm nữ hoàng! Thế có khổ tôi không cơ chứ!

Cá vàng an ủi:

– Ông yên tâm, đừng lo lắng nữa! Cứ về đi! Trời sẽ phù hộ cho ông. Mụ vợ ông sẽ là nữ hoàng.

Ông lão về đến nhà thì thấy trước mắt là một cung điện vàng son lộng lẫy. Mụ vợ đã trở thành nữ hoàng đang ngồi bên bàn tiệc. Đám thị vệ cung kính dâng cho mụ những ly rượu quý. Ông lão cất tiếng:

– Xin kính chào nữ hoàng! Chắc nữ hoàng đã thoả nguyện rồi chứ!

Mụ kênh kiệu vác mặt lên không thèm nhìn và ra lệnh đuổi ông lão đi. Đám vệ binh còn rút gươm doạ chém. Mọi người chế giễu ông lão thấy người sang bắt quàng làm họ.

Vài tuần sau, mụ vợ lại nổi cơn thịnh nộ, sai lính đi tìm ông lão về và ra lệnh:

– Này lão kia! Ta chán làm nữ hoàng rồi! Ta muốn làm Long Vương ngự trên mặt biển để bắt con cá vàng hầu hạ và làm theo mọi ý muốn của ta!

Không dám trái lời mụ, ông lão lại đi ra biển. Giông tố ầm ầm, biển nổi sóng dữ dội. Ông lão cất tiếng van xin:

– Cá vàng ơi! Tôi chết mất! Mụ vợ tai ác của tôi lại đòi làm Long Vương ngự trên mặt biển để bắt cá vàng hầu hạ và làm theo ý mụ!

Cá vàng không nói gì, quẫy đuôi lặn xuống biển sâu. Ông lão chờ mãi, đợi mãi không thấy cá nổi lên trả lời, đành lủi thủi trở về. Ông kinh ngạc khi thấy chẳng còn lâu đài, cung điện gì cả. Mụ vợ ông lại ăn mặc rách rưới, ngồi trên bậc cửa túp lều nát ngày nào, trước mặt là cái máng lợn sứt mẻ. Ông thầm nghĩ mọi chuyện xảy ra vừa rồi cứ như là trong một cơn ác mộng.

Nguồn: Những bài làm văn lớp 6 (Dùng cho Phụ huynh, giáo viên tham khảo, Bồi dưỡng học sinh giỏi), Trần Thị Thìn, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2013

Tiếp tục đọc

Văn mẫu 6

Cảm nghĩ của em về đoạn văn “Sông nước Cà Mau” (1)

Được phát hành

,

Bởi

Em rất thích xem bộ phim Đất rừng phương Nam chiếu trên màn ảnh nhỏ. Đây là bộ phim được dàn dựng từ tác phẩm nổi tiếng của Đoàn Giỏi – một nhà văn chuyên viết về đề tài thiên nhiên và con người vùng đồng bằng miền Tây Nam Bộ thời kì chống Pháp xâm lược.

Tác phẩm Đất rừng phương Nam được sáng tác vào năm 1957, sau khi nhà văn Đoàn Giỏi tập kết ra Bắc. Tác giả đã đem đến cho người đọc những hiểu biết mới mẻ và phong phú, từ đó thêm yêu mến thiên nhiên và con người ở mảnh đất tận cùng của Tổ quốc. Đoạn văn Sông nước Cà Mau trích từ chương XVIII của tác phẩm nói trên.

Qua đoạn văn này, em nhận thấy rằng đất mũi Cà Mau có vẻ đẹp rộng lớn, hùng vĩ và đầy sức sống hoang dã. Chợ Năm Căn là hình ảnh tiêu biểu cho cuộc sống tấp nập, trù phú, độc đáo ở vùng đất tận cùng phía Nam Tổ quốc.

Đọc đoạn văn này, em có cảm tưởng như được cùng với chú bé An (nhân vật chính của truyện) ngồi trên con thuyền len lỏi qua các kênh rạch chằng chịt như mạng nhện của rừng u Minh để rồi đổ ra sông Cửa Lớn, xuôi về Năm Căn. Cả một không gian rộng lớn được bao phủ bởi một màu xanh bất tận: trên thì trời xanh, dưới thì nước xanh, chung quanh cũng chỉ toàn một sắc xanh cây lá.

Âm thanh đặc trưng của xứ sở này là tiếng rì rào bất tận của những khu rừng đước bạt ngàn, cùng tiếng sóng ì ầm từ biển Đông và vịnh Thái Lan ngày đêm không ngớt vọng về trong hơi gió muối…

Tên đất, tên sông ở đây thật mộc mạc, giản dị: gọi là rạch Mái Giầm vì hai bên bờ rạch mọc toàn những cây mái giầm cọng tròn xốp nhẹ, trên chỉ xoà ra độc một cái lá xanh hình chiếc bơi chèo nhỏ; gọi là kênh Bọ Mắt vì ở đó tụ tập không biết cơ man nào là bọ mắt, đen như hạt vừng, chúng cứ bay theo thuyền từng bầy như những đám mây nhỏ… Gọi là kênh Ba Khía vì ở đó hai bên bờ tập trung toàn những con ba khía, chúng bám đặc sệt quanh các gốc cây… Còn như xã Năm Căn thì nghe nói ngày xưa trên bờ sông chỉ độc có một cái lán năm gian của những người tới đốn củi hầm than dựng nên, cũng như Cà Mau là nói trại đi theo chữ “tức khơ mâu” tiếng Miên, nghĩa là “nước đen”

Hình ảnh gây ấn tượng rất mạnh cho em là hình ảnh của dòng sông Năm Căn mênh mông, nước ầm ầm đổ ra biển ngày đêm như thác, cá bơi hàng đàn đen trũi, nhô lên hụp xuống như người bơi ếch giữa những đầu sóng trắng. Thuyền xuôi giữa dòng con sông rộng hơn ngàn thước, trông hai bên bờ, rừng đước dựng lên cao ngất như hai dãy trường thành vô tận. Cây đước mọc dài theo bãi, theo từng lứa trái rụng, ngọn bằng tăm tắp, lớp này chồng lên lớp kia ôm lấy dòng sông, đắp từng bậc màu xanh lá mạ, màu xanh rêu, màu xanh chai lọ… loà nhoà ẩn hiện trong sương mù và khói sóng ban mai.

Chợ Năm Căn nằm sát bên bờ sông, ồn ào, đông vui, tấp nập – nơi tập trung đặc điểm của những chợ nổi họp trên mặt sông của vùng đồng bằng miền Tây Nam Bộ. Vẫn là cái quang cảnh quen thuộc của một xóm chợ vùng rừng cận biển thuộc tỉnh Bạc Liêu, với những túp lều lá thô sơ kiểu cổ xưa nằm bên cạnh những ngôi nhà gạch văn minh hai tầng, những đống gỗ cao như núi chất dựa bờ, những cột đáy, thuyền chài, thuyền lưới, thuyền buôn dập dềnh trên sóng…

Ngoài những thứ đó, chợ Năm Căn còn có một nét rất riêng mà các chợ khác không có được. Đó là cái bề thế của một trấn “anh chị rừng xanh” đứng kiêu hãnh phô phang sự trù phú của nó trên vùng đất cuối cùng của Tổ quốc.

Chợ Năm Căn phong phú về hàng hoá, về các món ăn chứng tỏ Cà Mau là nơi đất lành chim đậu. Các dân tộc Việt, Hoa, Miên, Chà Châu Giang… chung sống thành một cộng đồng đoàn kết với đủ mọi giọng nói líu lo, đủ kiểu ăn vận sặc sỡ, đã điểm tô cho Năm Căn một màu sắc độc đáo, hơn tất cả các xóm chợ vùng rừng Cà Mau.

Đất mũi Cà Mau đẹp như một bức tranh. Mảnh đất này đã đi vào thơ ca, nhạc hoạ và nổi tiếng anh dũng kiên cường trong những cuộc kháng chiến chống xâm lăng, bảo vệ Tổ quốc. Cảm ơn nhà văn Đoàn Giỏi đã cho em một chuyến du lịch đầy bất ngờ và thú vị qua những trang sách tuyệt vời của ông. Mong rằng có một dịp nào đó, em sẽ được đặt chân đến nơi mà Xuân Diệu đã hết lời ca ngợi qua những vần thơ:

Mũi Cà Mau: mầm đất tươi non

Mấy trăm đời lấn luôn ra biển…

Và so sánh:

Tổ quốc tôi như một con tàu

Mũi thuyền xé sóng – mũi Cà Mau.

Tiếp tục đọc

Văn mẫu 6

Cảm nghĩ của em về đoạn văn “Sông nước Cà Mau” (2)

Được phát hành

,

Bởi

Trải khắp mọi nẻo đường trên đất nước Việt Nam, có 54 tỉnh thành. Với mỗi nơi, ta lại cảm nhận được một nét đẹp trong sinh hoạt đời sống và con người của mỗi vùng miền. Ví như, người Hà Nội thanh tao, lịch lãm, lời nói đĩnh đạc đúng mực, hay vùng đất miền trung quanh năm mưa lũ nhưng con người nơi đây lại luôn chăm chỉ, bền bỉ và giỏi giang hơn so với bất cứ vùng đất nào, và miền Nam thì lại là thiên đường nhiệt đới. Đâu đâu cũng có những nét đẹp riêng. Và hôm nay, chúng ta hãy cùng nhau cảm nhận vẻ đẹp của phía cuối cùng của Tổ quốc- mũi Cà Mau qua tác phẩm Sông nước Cà Mau (trích Đất rừng phương Nam) – tác giả Đoàn Giỏi nhé.

Cà Mau – vùng đất cuối cùng của Tổ quốc là một vùng đất bằng phẳng với rất nhiều kênh rạch và những khu rừng ngập mặn trải dài, bao trùm cả một vùng rộng lớn. Tác giả Đoàn Giỏi đã miêu tả cả nơi đây như có sự hoà quyện, giao thoa giữa những màu xanh: màu xanh lục của cỏ cây, hoa lá, của những cánh rừng ngập mặn, màu xanh trong của làn nước dưới mỗi mạn thuyền hoà lẫn cùng màu thiên thanh của cả vùng trời rộng lớn. Ngày đêm, những cơn gió mang theo âm thanh của đất trời, của núi rừng khiến cho lòng người cảm thấy như được gần gũi với thiên nhiên hơn bao giờ hết. Ở kênh rạch Cà Mau có rất nhiều những con kệnh có những cái tên khác nhau, mỗi cái tên lại có một sự tích, một đặc điểm của riêng nó. Nhưng điểm chung giữa chúng chính là những cái tên ấy vô cùng gần gũi với những người con Cà Mau.

Nổi bật ở nơi đây chính là dòng sông Năm Căn. Tác giả miêu tả dòng sông với hình ảnh rộng lớn và hùng vĩ. Ngày ngày, nước ở con sông lại đổ về biển ầm ầm như thác, mang trong mình biết bao những tài nguyên, những đàn cá lớn hàng đàn giữa những đầu sóng trắng. Thế mới biết, thiên nhiên nơi đây vẫn còn hoang sơ và trong lành tới mức nào. Bao quanh phía ngoài của dòng sông chính là rừng đước với bạt ngàn biết bao những cây đước dựng đứng như thành trì bảo vệ cả dòng sông. Từng hàng, từng hàng nối tiếp nhau như bảo bọc, như thách thức. Đây chính là vẻ đẹp hoang sơ của dòng sông và khu rừng mà hiếm nơi đâu có thể có được. Bằng con mắt tinh tế và sống động, nhà văn đã sử dụng cả thị giác và thính giác của mình để nhìn ngắm và lắng nghe sự sống trong những cánh rừng đước trải dài kia. Ông đã sử dụng rất nhiều những động từ như “thoát qua”,” đổ ra”,”xuôi giữa dòng” mà chúng ta đã có được cái nhìn tổng quát về phong cảnh ở nơi đây. Đi qua kênh rạch nơi đây cũng không phải là việc đơn giản, có những chỗ dòng nước chỉ nhẹ nhàng trôi, nhưng cũng có những nơi phải khó khăn và vất vả lắm mới có thể đi qua được. Ta cũng cảm thấy  như những con kênh rạch này cũng giống như hỉnh ảnh khái quát trong cuộc đời của mỗi người, có những khi chúng ta được dễ dàng làm những điều mình muốn nhưng cũng có những lúc mọi thứ trở nên khó khăn, vất vả. Không chỉ miêu tả cảnh vật mà tác giả còn tập trugn nhìn vào những hoạt động của con người. Đó chính là khu chợ Năm Căn và hình ảnh con người Cà Mau được tập trugn miêu tả sinh động. “chợ nằm sát sông, ồn ào, đông vui, tập nập”, với biết bao hoạt động của con người qua những chi tiết liệt kê như “những chiếc thuyền đáy, thuyền chài, thuyền lưới, thuyền buôn dập dềnh trên sóng…”. Điều đó đã đủ để cho chúng ta thấy được cuộc sống của những con người nơi đây trù phú và giàu có như thế nào. Ai tới đây cũng có thể mua được tát cả mọi thứ mà có thể không cần phải đi ra khỏi thuyền của mình, bởi những chiếc ghe nhỏ lúc nào cũng len lỏi được vào những góc nhỏ nhất để buôn bán: nào hoa quả, nào vải, nào hoa,… giúp cho không khí của chợ Năm Căn càng thêm phần tươi mới, rực rỡ.

Cả đoạn văn là một bức tranh thiên nhiên hoang sơ  nhưng cũng rất phong phú, sinh động giúp cho chúng ta càng hiểu rõ hơn về mũi Cà Mau của tổ quốc chúng ta, cho chúng ta càng thêm yêu thêm quý từng tấc đất Viêt Nam.

Tiếp tục đọc

Văn mẫu 6

Cảm nghĩ của em về đoạn văn “Sông nước Cà Mau” (3)

Được phát hành

,

Bởi

Bài văn Sông nước Cà Mau trích từ chương XVIII truyện Đất rừng phương Nam (1987) của nhà văn Đoản Giỏi. Đây là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của văn học thiếu nhi nước ta, được nhiều thế hệ bạn đọc nhỏ tuổi yêu thích. Tác phẩm được in lại nhiều lần, được dựng thành phim khá thành công. Bộ phim Đất Phương Nam ra đời đã chiếm được tình cảm mến mộ của công chúng. Tuy trích từ một tác phẩm truyện nhưng văn bản này có thể xem là miêu tả khá hoàn chỉnh về cảnh quan sông nước vùng Cà Mau ở cực nam của Tổ quốc.

Đoàn Giỏi miêu tả cảnh quan sông nước vùng Cà Mau theo một trình tự: bắt đầu từ những ấn tượng chung về thiên nhiên vùng đất Cà Mau, rồi tập trung miêu tả và thuyết minh về các kênh rạch, sông ngòi với cảnh vật hai bên bờ. Cuối cùng là cảnh chợ Năm Can họp ngay trên sông nước. Với trình tự tự nhiên, hợp lý những hình ảnh trong bài văn được hiện lên như trong khuôn hình của một cuốn phim, lúc lướt nhanh, lúc chậm lại, có đoạn đặc tả cận cảnh, có chỗ lùi xa bao quát toàn cảnh. Điếm nhìn để quan sát và miêu tả của người kể chuyện là “trên con thuyền” xuôi theo các kênh rạch và dừng lại ở chợ Năm Căn.

Mở đầu “cuốn phim” là đoạn văn nêu ấn tượng chung ban đầu về vùng sông nước Cà Mau. Tác giả chưa miêu tả một hình ảnh cụ thể nào mà chỉ là những hình ảnh khái quát được cảm nhận qua thị giác và thính giác của nhà văn. Đó là ấn tượng về một vùng không gian rộng lớn mênh mông với sông ngòi, kênh rạch bủa giăng chi chít như mạng nhện và tất cả được bao trùm trong màu xanh của trời của nước, và tiếng rì rào bất tận của rừng cây, của sóng và gió. “Màu xanh” đã thành một ấn tượng nổi bật: trên thì trời xanh, dưới thì nước xanh, xung quanh mình cũng chỉ toàn một sắc xanh cây lá tạo nên cái quang cảnh chỉ lặng lẽ một màu xanh đơn điệu. Và tiếng rì rào cũng thành một thứ âm thanh đơn điệu, triền miên ru ngủ thính giác: đó là tiếng rì rào bất tận của những khu rừng xanh bốn mùa, cùng tiếng sóng rì rào từ biển Đông và vịnh Thái Lan ngày đêm không ngớt vọng về trong hơi gió muối….

Tiếp theo là cảnh kênh rạch vùng Cà Mau được kể lại qua những cái tên lạ và những lời giải thích thú vị: rạch Mái Giầm, kênh Bọ Mắt, kênh Ba Khía… Qua cách đặt tên, ta thấy thiên nhiên ở đây còn rất tự nhiên, hoang dã, phong phú và con người sống rất gần với thiên nhiên, nên họ giản dị, chất phác ngay từ cách đặt tên cho kênh rạch, đất đai không phải bằng những danh từ mĩ lệ, mà cứ theo đặc điểm riêng biệt của nó mà gọi thành tên.

Dòng sông Năm Căn hiện lên với một vẻ đẹp riêng: rộng lớn, hùng vĩ mà hoang dã. Cải nét rộng lớn, hùng vĩ được nhà văn tập trung miêu tả trong nhiều chi tiết gây ấn tượng: con sông mênh mông rộng lớn hàng ngàn thước, nước ầm ầm đổ ra biển ngày đêm như thác, cá nước bơi hàng đàn đen trũi nhô lên, hụp xuống như người bơi ếch giữa những đầu sóng trắng, rừng đước dựng lên cao ngất như hai dãy trường thành vô tận…. Còn cái vẻ “hoang dã” thì được vẽ lại tài tình trong cái màu xanh rừng đước hai bên sông với những mức độ, sắc thái khác nhau: Cây đước mọc dài theo bãi, theo từng lứa trái rụng, ngọn bằng tăm tắp, lớp:rày chồng lên lớp kia ôm lấy dòng sông, đắp từng bậc màu xanh lá mạ, màu xanh rêu, màu xanh chai lọ… loà nhoà ẩn hiện trong sương mù và khói sóng ban mai. Những “bậc” màu xanh ấy đã miêu tả các lớp cầy đước từ non đến già, tiếp nối nhau từ bao đời nay vẫn như thế! Nhà văn không những đã quan sát tinh tế mà còn miêu tả lại một cách tài tình bức tranh phong cảnh thiên nhiên, thể hiện qua cách dùng tính từ chỉ màu sắc. Trong cách dùng động từ cũng vậy: thuyền chúng tôi cheo thoát qua kềnh Bọ Mắt, đổ ra con sông Cửa Lớn, xuôi về Năm Căn. Các động từ “thoát qua”, “đổ ra”, “xuôi về” đều chỉ hoạt động của con thuyền nhưng không thể thay đổi trình tự các động từ ấy trong câu: “thoát qua” nói con thuyền vượt qua một nơi khó khăn, nguy hiểm; “đổ ra” diễn tả con thuyền từ kênh nhỏ ra dòng sông lớn; còn “xuôi về” là lúc con thuyền nhẹ nhàng xuôi theo dòng nước êm ả trên sông Năm Căn.

Chỉ nửa trang văn mà tác giả đã làm sống lại như thật trước mắt ta cảnh sắc của cái chợ ở vùng đất cuối cùng của Tổ quốc với vẻ đẹp riêng vừa trù phú, vừa độc đáo. Sự trù phú được thể hiện qua khung cảnh rộng lớn, tấp nập, hàng hoá phong phú, thuyền bè san sát, với các chi tiết tiêu biểu: những đống gỗ cao ngất như núi, những bến vân hà nhộn nhịp dọc dài theo sông, những ngôi nhà bè ban đêm ánh đèn măng sông chiếu rực trên mặt nước mui những khu phố nổi…. Tác giả đã sử dụng thành công biện pháp liệt kê với điệp từ “những” để gây ấn tượng về sự trù phú của chợ trên sông, “những”…, rồi lại “những”… cả đoạn văn có đến 12 chữ “những”. Tuy nhiên, không chỉ trù phú, chợ Năm Căn còn có vẻ đẹp độc đáo: “một xóm chợ vùng cận biển” có cái bề thế của một trấn “anh chị rừng xanh” đứng kiêu hãnh phô trương sự trù phú của nó trên vùng đất cuối cùng của Tổ quốc. Chợ họp ngay trên sông nước với những nhà bè như những khu phố nối và những con thuyền bán hàng len lỏi mọi nơi, có thể có mọi thứ mà không cần bước ra khỏi thuyền, với sự đa dạng về màu sắc, trang phục, tiếng nói của người bán hàng thuộc nhiều dân tộc: Những người em gái Hoa kiều bán hàng xởi lởi, những người Chà Châu giang bán vải, những cụ già người Miên bán rượu, với đủ các giọng nói líu lô, đủ kiểu ăn vận sặc sỡ, đã điểm tô cho Năm Căn một màu sác độc đáo, hơn tất cả các xóm chợ vùng rừng Cà Mau.

“Cuốn phim” được khép lại sau cảnh chợ Cà Mau, nhưng lại gợi ra những suy nghĩ cho người xem. Phải chăng đó là bức tranh Sông nước Cà Mau với những vẻ đẹp riêng độc đáo của nó, tác giả không chỉ đem lại cho độc giả những hiểu biết mới, những phát hiện thú vị về vùng đất này, mà quan trọng hơn, nhà văn đã truyền cho chúng tã tình yêu đất nước để ta càng thêm yêu mảnh đất cực nam của Tồ quốc, bởi một lẽ giản dị rằng: đất nước ta, nơi nào cũng đẹp, cũng đáng yêu!

(Bài làm của một học sinh giỏi Văn tỉnh Bắc Giang)

Tiếp tục đọc

Xu hướng