Trong Đại Việt sử ký tục biên, bên cạnh biết bao chi tiết, sự kiện kiểu biên niên về người, về việc, về vua quan, có một chi tiết ghi việc xảy ra Giáp Tuất (1754) trở thành một cứ liệu lịch sử đắt giá và không thể chối cãi:
“Tám người thuộc đội Hoàng Sa xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi đi thuyền nhỏ vào bãi Hoàng Sa giữa hai đảo tìm lấy hai vật, bị gió dạt vào cửa sông Thanh Lan, huyện Văn Xương, phủ Lô Châu [nước Thanh]. Quan địa phương đó xét hỏi đúng sự thực rồi đưa trả về đúng nguyên quán. Chúa Thế Tông [Nguyễn Phúc Khoát] sai Cai bạ Thuận Hóa là Thức Lượng hầu viết thư đáp lại nước Thanh (Ngoài biển xã An Vĩnh có các đảo lớn gồm 130 cái, cách nhau hoặc đi một ngày thuyền, hoặc vài trống canh. Trên đảo có suối nước ngọt. Trong đảo có bãi cát vàng (Hoàng Sa) dài ước hơn 30 dặm, nước trong. Đảo ấy có vô số tổ yến, ở bãi cát lại có ốc vằn, tục gọi là ốc tai voi, ốc xà cừ, ốc hương và hải trùng, hải sâm, đồi mồi… Đặt đội Hoàng Sa gồm 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào đội ấy, cắt lượt nhau đi thuyền đến xứ ấy mò tìm báu vật. Mỗi năm cứ tháng 3 ra đi, mang lương ăn 6 tháng, đi thuyền ra biển 3 ngày 3 đêm mới về đến đảo. Ở đấy tha hồ tìm nhặt, được sản vật gì, bao nhiêu, đến kỳ tháng 8 thuyền về cửa Eo, đem đến Phú Xuân nộp. Trong khoảng ấy cũng có người mò được tiền bạc, chì, thiếc, và nồi đồng, súng, khí giới, ngà voi, bát bằng đá…)”.
Thuyền buồm dùng đi Hoàng Sa. |
Ghi chép lịch sử ấy cho thấy ngay từ giữa thế kỷ 18 về sau, chúa Nguyễn đã có ý thức xác lập chủ quyển biển đảo tổ quốc với việc lập đội Hoàng Sa gồm 70 suất hàng năm dong thuyền vượt biển ra Hoàng Sa canh giữ biển đảo, khai thác sản vật. Trên cái nền lịch sử có thật ấy, nhà văn Đặng Ngọc Hưng với tình yêu lịch sử dân tộc cùng ngòi bút văn chương biến ảo, tác giả đã tái hiện lại lịch sử xác lập chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa cùng những gian lao của cha ông trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo ấy qua tiểu thuyết lịch sử Hùng binh.
Với tâm niệm “luôn nghĩ rằng viết về lịch sử dân tộc là cách tỏ lòng biết ơn và tôn vinh công sức, trí tuệ của cha ông thiết thực nhất”, tiểu thuyết Hùng binh đã được thành hình, đưa độc giả ngược dòng thời gian mà về với tiền nhân qua đội thuyền hùng binh Hoàng Sa làng An Vĩnh (Chương 3), đội Bắc Hải (Chương 14) qua câu hát ru Lý Sơn khảng khái chẳng tiếc mạng mình, miễn sao tất thành cho xong nghĩa vụ với vua, với nước:
Hoàng Sa đi có về không,
Lệnh vua sai phái quyết lòng ra đi.
Tiểu thuyết lịch sử Hùng binh. Ảnh: Trần Đình Ba. |
Tiểu thuyết Hùng binh được mở đầu với sự khốc liệt của thiên nhiên: Cơn bão biển. Ngoài biển Hoàng Sa, những chiếc ghe câu, phương tiện để đội hùng binh Hoàng Sa vượt sóng vượt gió mà đến với biển đảo đất nước, giờ đây trước sự giận dữ của mẹ thiên nhiên, sức người hoàn toàn bất lực để những con người rất can trường ấy chỉ còn biết vái thần biển, cầu Ngư Ông Nam Hải nhưng vẫn không thoát khỏi kiếp nạn vùi thân vào lòng biển sau. Công cuộc xác lập và bảo vệ chủ quyền nơi biển cả, cái lẽ hy sinh như một điều tất nhiên vậy. Mà nào đã hết, đội hùng binh Hoàng Sa của làng An Vĩnh không chỉ đối mặt với những nguy nan của tự nhiên (Chương 1: Cơn bão biển), mà còn là cả sự xâm nhập bất hợp pháp, âm mưu của kẻ thù (Chương 11: Một vụ cướp ghe; Chương 16: Những chiếc thuyền lạ).
Đọc Hùng binh, ta càng thêm cảm cái nghĩa cả của những dân chài chân chất. Ở quê thân làm ngư phủ mưu sinh, nhưng khi nhận lệnh triều đình, thì đã thân mang mệnh lớn với xã tắc, dù nơi này, nơi kia của Hoàng Sa, sản vật tự nhiên, của cải tàu đắm, hay cả sự hối lộ của bọn thương nhân phương Bắc… vẫn không làm lay chuyển lòng trung với triều đình. Bởi cái suy nghĩ của họ giản đơn, mà cao khiết lắm. Tỉ như khi được gợi ý bán một chiếc ghe cho bọn thương nhân bị đắm thuyền, ông Thái bút đàm thẳng thắn mà rằng:
“- Ghe của chúng tôi là ghe của triều đình Đại Nam cấp cho đi làm nhiệm vụ nên không thể tự ý bán cho các anh được.
– Thì các anh về cứ nói là bị bão làm đắm chìm một chiếc cùng được chứ có ai biết đó là đâu để mà truy xét?
– Chúng tôi là lính của triều đình, ăn lộc của triều đình nên không thể làm như vậy được”.
Tượng đài đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải. |
Chính bởi ý thức thực thi mệnh nước, coi lợi quyền tổ quốc cao hơn hết thảy mà những ham muốn, vụ lợi nhỏ nhen bị gạt bỏ. Tinh thần ấy tiêu biểu cho lòng tự tôn dân tộc vậy. Qua 20 chương của Hùng binh, có lúc ta lâng lâng xúc động với cái tang chung của cả làng An Vĩnh, với những ngôi mộ gió tưởng nhớ những hùng binh (Chương 2: Những ngôi mộ chiêu hồn); có lúc ta lại hừng hực cái tinh thần hùng tráng, nôn nao trong lễ khao lề thế lính Hoàng Sa (Chương 5)… và nhiều, nhiều nữa những xúc cảm, những viễn tượng xa xăm về một quá khứ xưa cũ đầy hào hùng của dặm dài lịch sử khai thác, bảo vệ chủ quyền quần đảo Hoàng Sa thiêng liêng của cha ông.
Lật giở Hùng binh, như lần giở quá khứ đã qua, và cũng là nhắc nhở cho ý thức hiện tại.
Tiểu thuyết lịch sử ‘Hùng binh’ tham dự Giải thưởng Sách Quốc gia Việt Nam 2019. Đây là giải thưởng về sách lớn nhất của Việt Nam để tìm ra những tác phẩm ở mọi thể loại sách. Giải thưởng Sách quốc gia do Hội Xuất bản Việt Nam và Bộ Thông tin & Truyền thông tổ chức. Lễ trao giải sẽ diễn ra vào 20h ngày 26/12 tại Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam, 58 Quán Sứ, Hà Nội. Đơn vị đồng hành: Tập đoàn SUNGROUP và Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên. |