“Tôi không sâu” – một lần Honoré de Balzac tự nhận xét – “nhưng rất rộng”. Không rõ câu nói dí dỏm này ám chỉ điều gì: Ngoại hình của ông hay các tác phẩm văn học của ông (hoặc cả hai).
Balzac chắc chắn là một trong những nhà văn “nặng ký” nhất thế giới với chiều cao chỉ 1,6 m.
Nhà quý tộc tự phong
Balzac nổi tiếng với thói ăn uống vô độ, trang phục lập dị […]. Có bằng chứng cho thấy ngày nọ, khi dùng bữa trong một nhà hàng ở Paris, ông đã ăn hết một tá cốt lết thịt cừu, một con vịt hầm củ cải, một con cá bơn, hai con gà gô và hơn một trăm con hàu. Và kết thúc bữa tối là món tráng miệng gồm mười hai quả lê và đủ loại đồ ngọt, trái cây, thức uống.
[…] Ngoài ra, Balzac còn tiêu thụ đến 50 cốc cà phê đen đậm đặc mỗi ngày. Cà phê là nguồn sức mạnh to lớn giúp ông làm việc liên tục, nhưng cũng chính là thứ tàn phá cơ thể ông.
Ngộ độc caffeine cùng thói phàm ăn đã khiến ông qua đời ở tuổi 51.
Nhà văn Pháp Honoré de Balzac (1799-1850). Ảnh: Vanvn.vn. |
Sức làm việc phi thường
Sinh ra trong một gia đình nông dân, Honoré Balzac đã thay đổi họ của mình và thêm vào phía trước phụ từ “de” để được coi là một nhà quý tộc.
Cho dù những người đương thời nghĩ gì về cá tính của Balzac, không ai dám phủ nhận ông là một trong những nhà văn vĩ đại nhất thế giới. Bộ tiểu thuyết đồ sộ Tấn trò đời của ông là bức tranh toàn cảnh về xã hội Pháp thời hậu Napoléon.
Tuy nhiên, sáng tác bộ tiểu thuyết này không phải là mục đích chính của đời ông. Ban đầu, Balzac coi mình là tác giả của các bi kịch.
Thế nhưng, cuộc đời đã đối xử với vở kịch về lãnh tụ cách mạng tư sản Anh Oliver Cromwell (1599-1658) của ông không kém phần khắc nghiệt so với chính nhà độc tài Cromwell đối xử với dân tộc Anh. Một giáo sư sau khi đọc vở kịch này đã nói với mẹ của Balzac rằng con trai bà có thể chọn bất kỳ nghề nào, trừ văn chương.
Tuy nhiên, Balzac không hề nao núng. Ông tiếp tục thử ngòi bút trong lĩnh vực văn học đại chúng bằng việc xuất bản 5 cuốn tiểu thuyết liền vào năm 1822.
Những cuốn sách này không nổi bật, giống như những bút danh mà ông dùng để viết chúng. Một trong số đó, Lord R’Hoone, chỉ là phép đảo chữ đơn giản của tên ông (Honoré).
Sức làm việc của Balzac thật đáng kính nể. Mỗi ngày ông dành 15 giờ để viết, khi viết, ông mặc áo tu sĩ và uống cà phê liên hồi để giữ sức. Chất kích thích duy nhất mà Balzac không dùng đến là thuốc lá – nhà văn cho rằng thuốc lá gây suy nhược.
Một lần, cùng nhà thơ Charles Baudelaire, Balzac quyết định thử hút thuốc phiện, dưới sự giám sát của một bác sĩ tâm thần quen thuộc. Câu chuyện diễn ra tại một điền trang sang trọng thế kỷ 17 có cửa sổ nhìn ra sông Seine thơ mộng.
Nhưng kết quả không tuyệt vời như phong cảnh xung quanh. Balzac không hài lòng với tác dụng của thuốc phiện, nó không gây cho ông những cảm giác thần tiên mà ông mong đợi.
Balzac thu thập tài liệu cho các cuốn tiểu thuyết của mình ở tất cả cuộc gặp gỡ, tiếp khách và liên hoan – đôi khi một mẩu đối thoại tình cờ nghe được cũng đủ cho ông sáng tác một cuốn tiểu thuyết tiếp theo.
Trong 20 năm lao động văn học, Balzac đã viết 97 tác phẩm với tổng số hơn 11.000 trang. Một số trong đó gần như sách khiêu dâm. Số khác gần như kỳ quặc. […]
Đời tư của Balzac ít kỳ quặc hơn, mặc dù không kém phần thú vị. Ông quan hệ với hàng trăm phụ nữ, nếu chúng ta lưu ý rằng ngoại hình của ông vốn khiêm tốn, đã thế ông lại ở bẩn, thì đây là một thành tích đáng kinh ngạc.
Balzac vung tiền không tiếc tay. Ông cho rằng mình nên sống phóng khoáng như một nhà quý tộc thực sự, ngay cả thu nhập khiêm tốn của ông cũng không thể ngăn cản điều này. Kết quả là Balzac nợ như chúa chổm. Sau đó, ông gặp Ewelina Hanska, một phụ nữ quý tộc Ba Lan giàu có, đây chính là điều ông cần.
Cho dù rất hâm mộ tài năng của nhà văn, Ewelina Hanska hiểu rằng tính hoang phí của Balzac có thể làm cho bà phá sản. Họ kết hôn chỉ vài tháng trước khi nhà văn qua đời, khi sức khỏe suy giảm khiến Balzac trở nên vô hại và đáng thương.
Trở về Paris sau đám cưới, Balzac phát hiện ra gã người hầu đã tận tụy phục vụ ông nhiều năm liền, bị điên trong thời gian chủ vắng mặt. “Đây là một điềm gở! – nhà văn thốt lên. “Mình sẽ chết trong ngôi nhà này”.
Và ông đã không sai. Chỉ vài tháng sau, trái tim ông, vốn đã suy yếu vì thói ăn uống vô độ và nhiều năm lao động khổ sai, đã ngừng đập. Cuối đời, Balzac dường như chìm sâu vào thế giới tác phẩm của mình.
Trong lúc hấp hối, ông lẩm bẩm: “Hãy gọi Bianchon… chỉ ông ấy mới có thể cứu được tôi”, nhà văn nhắc tới nhân vật bác sĩ trong Tấn trò đời của mình.
Cuốn sách Tấn trò đời của nhà văn Pháp được xuất bản tại Việt Nam. Ảnh: Tri thức trẻ Books. |
Thiên tài nhịn đói
Mặc dù Balzac tự xưng là một nhà quý tộc, ông lại rất gần gũi với cuộc sống nghèo khổ. Vào những năm tháng khó khăn nhất, ông sống trong một căn phòng tồi tàn không có lò sưởi và đồ đạc.
Mặc dù vậy, nhà văn vĩ đại đã không đánh mất tinh thần lạc quan và bù đắp những thiếu thốn của nội thất căn phòng bằng trí tưởng tượng phong phú của mình.
Ông lấy bút viết lên tường tên những đồ vật mà ông muốn nhìn thấy trong căn phòng của mình. Trên một bức tường, ông viết nguệch ngoạc: “Ốp bằng gỗ hồng đào”. Trên một bức khác: “Thảm và gương Venice”. Còn trên bếp lò lạnh trống trải ông đề “Tranh của Raphael”!
Căn phòng xập xệ của Balzac nằm trên tầng cao nhất của ngôi nhà tại một trong những khu nghèo của Paris. Đối với một người có nhu cầu ở mức như ông, những điều kiện sống như vậy thật là khủng khiếp.
Balzac nghèo đến nỗi bữa trưa bình thường của ông chỉ là một cái bánh mì khô mà ông phải nhúng vào cốc nước cho mềm. Một người bán sách ở Paris quyết định không đặt mua cuốn tiểu thuyết mới của Balzac sau khi nhìn thấy ông tá túc trong một cái hang như vậy.
Chuyện kể rằng một đêm nọ, khi nhà văn đang ngủ, có tên trộm lẻn vào nhà ông phá khóa ngăn kéo bàn viết của ông để lấy tiền. Tỉnh dậy, Balzac không nhịn được cười : “Ban đêm tìm tiền trong ngăn bàn phỏng có ích gì”, ông nói, “nếu như ban ngày chủ nhân hợp pháp của nó cũng không moi được xu nào!”.