Bước ra khỏi cái bóng của “anh Chánh Văn” một thời, tác giả Hoàng Anh Tú (sinh năm 1978) đã ghi dấu ấn trong lòng bạn đọc bằng nhiều đầu sách về hôn nhân – gia đình.
Anh là người sáng lập diễn đàn “Tiệm sửa chữa hôn nhân” với 26.000 thành viên trên Facebook, giúp độc giả có một nơi để gửi gắm tâm sự về cuộc hôn nhân của mình và tìm ra giải pháp.
Trong tháng 2 vừa qua, Hoàng Anh Tú đã cho ra mắt bộ sách Gửi người tôi yêu gồm hai tác phẩm Hướng dẫn sử dụng hôn nhân và Em muốn một cuộc tình già với anh – cuốn sách từng tái bản nhiều lần trước đó.
Nhân dịp này, tác giả Hoàng Anh Tú chia sẻ với Zing những suy nghĩ về hôn nhân và gia đình trong cuộc sống hiện đại.
Tác giả, nhà báo Hoàng Anh Tú. Ảnh: FBNV. |
Sửa chữa hôn nhân là giữ lại nụ cười của trẻ thơ
– Hành trình từ “anh Chánh Văn” của báo Hoa Học Trò đến tác giả Hoàng Anh Tú, “tổng đài” tư vấn, sửa chữa hôn nhân của anh diễn ra như thế nào?
– Đó là một hành trình tự nhiên khi tôi phải lớn lên theo độc giả của mình. Phần đông những cô bé, cậu bé 7X, 8X thuở tôi làm Chánh Văn báo Hoa Học Trò (2000 – 2012) sau gần 20 năm đều đã có gia đình, đã bước vào cuộc hôn nhân của mình rồi.
Và họ vẫn tìm đến tôi như thuở còn học trò. Thêm một lý do nữa, tôi đang sở hữu một cuộc hôn nhân hạnh phúc, thế nên anh Chánh Văn năm nào giờ đã thành “Thợ sửa chữa hôn nhân” vậy.
Lập ra diễn đàn “Tiệm sửa chữa hôn nhân”, tôi rất may mắn khi diễn đàn đã thu hút số lượng người tham gia đông đảo đến thế. Cũng nhờ diễn đàn này, tôi nhận ra nhiều vấn đề trong hôn nhân của người Việt. Đó là việc nhiều phụ nữ cô đơn hơn tôi nghĩ.
Hiện chúng ta có nhiều hội nhóm hay các cơ quan hỗ trợ, bảo vệ phụ nữ rồi nhưng dường như vẫn chưa đủ. Phụ nữ vẫn cô đơn ngay trong chính cuộc hôn nhân của họ, và sự cô đơn ấy là thuốc độc giết chết nhiều cuộc hôn nhân.
– Việc đón nhận những thắc mắc, sẻ chia, tâm sự của bạn đọc về đề tài hôn nhân – gia đình đem lại cho anh điều gì?
– Nhiều lắm! Khi là anh Chánh Văn, giải đáp thắc mắc đôi khi chỉ để giải toả cảm xúc cho các cô bé, cậu bé mới lớn.
Còn bây giờ, những ca tư vấn mang ý nghĩa quan trọng hơn. Nó không chỉ là giải toả mà còn là giải pháp. Sửa chữa được cuộc hôn nhân nào là giữ lại được nụ cười hồn nhiên trên môi những đứa trẻ con cái họ.
Tôi đã có thêm rất nhiều người bạn sau mỗi lần sửa chữa, cả vợ lẫn chồng. Tôi không mơ mộng rằng mình có quyền năng sửa chữa được mọi cuộc hôn nhân, mà chỉ mong mỗi người trước khi đặt bút ký đơn ly hôn có thể dừng lại, nghe tôi chia sẻ vài điều trước khi đưa ra quyết định.
Thật lòng, tôi ghét phải khuyên ai đó ly hôn. Hôn nhân với tôi là sửa chữa mỗi ngày chứ không phải là thay mới.
– Trong các câu chuyện được bạn đọc gửi về, có câu chuyện nào khiến anh thay đổi quan điểm hay có cái nhìn khác về tình yêu, hôn nhân và gia đình?
– Có chứ! Với tôi, đưa ra lời khuyên cho người khác cũng là cho chính mình một cơ hội để soi chiếu lại cuộc hôn nhân của bản thân.
Tôi hạnh phúc trong hôn nhân cũng là nhờ được nhìn thấy nhiều cuộc hôn nhân khác, nghe được nhiều tâm sự của những người phụ nữ khi họ tìm đến tôi. Nhờ có câu chuyện của bạn đọc bốn phương, tôi biết lắng nghe và hiểu hơn về vợ mình, yêu cô ấy nhiều hơn.
Để yêu ai đó, trước hết xin hãy yêu chính mình
– Theo quan niệm cũ của ông bà ta, tình nghĩa thường quan trọng hơn tình yêu trong hôn nhân. Theo anh, quan niệm này có còn đúng?
– Một câu hỏi hay! Nó vẫn đúng ở thời hiện đại, nhưng đúng thôi chứ không phải là chân lý.
Hoàng Anh Tú coi mình là một “thợ sửa chữa hôn nhân”. Ảnh: FBNV. |
Nó giúp hôn nhân không bị thay mới ngay lập tức, nhưng không phải là chân lý bởi tình nghĩa chỉ giúp gắn kết các mối quan hệ khác, như đồng chí – đồng nghiệp – đồng bọn…
Hôn nhân cần thứ quan trọng hơn: Tình yêu. Nếu không còn tình yêu, tình nghĩa sẽ khiến mối quan hệ này thành bạn bè rồi.
Tôi muốn mọi người thay thế tình nghĩa thành tình thương. Có thương mới có yêu, có yêu mới có thương.
Bởi hôn nhân nào cũng thế, luôn có những biến cố xảy đến, nên nếu chỉ tình yêu thôi thì không đủ. Nó cần tình thương nữa.
Tình thương giúp người ta còn níu kéo nhau lúc chớp tắt mưa giông.
– Việc phụ nữ chăm lo mọi thứ cho gia đình mà quên đi bản thân có ảnh hưởng tới đời sống hôn nhân?
– Suốt 20 năm qua, tôi luôn đi theo triết lý này: Giáo dục con trai bằng trách nhiệm – Giáo dục con gái bằng giá trị.
Một người phụ nữ hiểu, trân trọng và nỗ lực xây dựng giá trị bản thân sẽ ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn, có giá trị hơn và không cho phép ai coi thường mình, rẻ rúng mình, bạo hành mình, bỏ rơi mình trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Khi tiếp xúc với những người phụ nữ yếu thế, là nạn nhân của một mối quan hệ độc hại, tôi mong họ thương lấy bản thân mình, nghĩ đến mình nhiều hơn. Tôi không khuyên ai ly hôn dù có thể ly hôn là việc họ phải làm. Hãy để họ quyết định cuộc đời họ, bởi mỗi người đều nên tự quyết định cuộc đời mình thay vì nghe theo lời khuyên của người ngoài cuộc.
– Với những trường hợp người vợ và người chồng không còn có thể chung đường, lời khuyên mà anh đưa ra là gì?
– Tôi chỉ mong hai chữ “văn minh” trong cách chúng ta ứng xử với nhau, bởi ly hôn không có nghĩa là chia đất – cắt đôi đường.
Chúng ta vẫn còn con cái, còn hai bên gia đình chịu sự ràng buộc của sợi dây tình cảm. Như mẹ chồng đáng ghét thì vẫn là bà nội của con, bố vợ ra sao thì vẫn là ông ngoại của bé.
Ly dị xin đừng là hắt đổ bát nước đi, phủ nhận và xóa sổ những giá trị gia đình.
Khi cha mẹ ly hôn, tội nhất vẫn là những đứa trẻ. Hãy để chúng được hạnh phúc, chứ đừng gắn lên chúng cái nhãn “sinh ra trong một gia đình khuyết thiếu”.
Con trẻ không có lỗi trong việc bố mẹ ly dị, nên làm ơn đừng vì ghét bố hay mẹ chúng mà bắt chúng ghét theo.
Tôi phản đối những ai vì con mà không ly dị, nhưng tôi càng phản đối hơn những ai ly dị xong rồi thì con mình cũng bị “xé làm đôi” như thế.
Hai cuốn sách về chủ đề hôn nhân gia đình của tác giả Hoàng Anh Tú. Ảnh: Đ.T |
– “Em muốn một cuộc tình già với anh” từng được tái bản nhiều lần. Độc giả có thể mong chờ điều gì ở lần tái bản này cũng như cuốn sách mới “Hướng dẫn sử dụng hôn nhân”?
– Có một chương mới được viết riêng lần tái bản này, với tên “Đọc kỹ trước khi ký đơn ly hôn”. Tôi đã dồn mọi tha thiết mong sửa chữa hôn nhân vào chương này, với ước mong ai đọc nó cũng sẽ dừng lại một chút để suy nghĩ và cân nhắc.
Tôi hy vọng rằng, kể cả khi vẫn quyết định ký đơn ly hôn thì chương sách này cũng sẽ giúp người vợ, người chồng đó chuẩn bị cho mình một tâm thế mới. Bởi sau ly hôn không phải là kết thúc cuộc đời mà là hạnh phúc lần nữa.
Cuốn Hướng dẫn sử dụng hôn nhân, có một câu slogan là “Love is You”. Điều đó có nghĩa là sự trân trọng chính bản thân mình. Một trong những quan điểm mà tôi “truyền bá” suốt 20 năm qua tới các bạn nữ là hạnh phúc tự thân. Muốn có một hạnh phúc tự thân thì mỗi phụ nữ phải biết trân quý chính bản thân mình.
Tình yêu không phải là “anh ấy” – Tình yêu chính là “bạn”. Để yêu được ai đó, xin hãy bắt đầu bằng yêu chính bản thân mình. Nếu không yêu được bản thân thì làm sao bạn có thể bắt ai đó yêu mình?