Vào ngày 10/3/1948, tiếng hò reo vang vọng khắp sân thi đấu Quảng trường Madison cũ, New York, Mỹ. Khoảng 15.000 người hâm mộ đã phát cuồng vì một trận đấu bóng rổ chuyên nghiệp và truyền cảm hứng của những vận động viên đặc biệt, bị liệt dưới thắt lưng và phải sử dụng xe lăn.
Họ là những cựu binh trong Thế chiến hai và đã trải qua quá trình điều trị tại bệnh viện đa khoa Halloran trên đảo Staten và bệnh viện đa khoa Cushing ở Framingham, Massachusetts.
Những trận thi đấu này mang lại rất nhiều cảm xúc cho người xem. Ảnh: Wheels of Courage. |
Trong số những người mặc màu áo của đội đảo Staten có Selig Boshnack, một thanh niên 22 tuổi đến từ The Bronx, người đã bị nhiều mảnh đạn văng vào khi là trung sĩ tại tiền tuyến. “Cha tôi và các đồng đội của ông ấy là những vận động viên thực thụ”, Mark Boshnack, con trai của Selig chia sẻ với tờ The Post về cha mình, người đã qua đời năm 2008.
Cuốn sách ra mắt ngày 25/8. Ảnh: Amazon. |
Trận đấu này được lên trang bìa của Newsweek, là một khoảnh khắc đột phá cho môn bóng rổ xe lăn.
Và như cuốn sách mới Wheels of Courage của tác giả David Davis giải thích, môn thể thao này đã mang lại cuộc sống mới cho những người bị liệt.
Davis nói: “Điều đó cho thấy họ có thể tham gia vào cuộc sống. “Những người này chơi bóng rổ, có công ăn việc làm và có gia đình”.
Việc rèn luyện cho môn thể thao này được khởi đầu tại bệnh viện quân đội Birmingham ở Van Nuys, California năm 1946, khi các bác sĩ đưa những cựu binh liệt nửa người đến phòng tập để rèn luyện thân trên.
“Một trong hai người đã lăn xe qua sân bóng rổ trống trải, nhặt một quả bóng và ném từ… chiếc xe lăn của anh ta”, Davis khắc hoạ lại khung cảnh lúc đó.
Nhà vật lý trị liệu Bob Rynearson đã nghĩ ra 11 quy tắc cho trò chơi bóng rổ mới. Tác giả Davis chia sẻ: “Mọi thứ bắt đầu như một hình thức phục hồi và dần mang tính thi đấu”.
Sau chiến tranh, nhiều người cho rằng những người tàn tật không thể đóng góp gì thêm cho xã hội. Sự kỳ thị đã ăn sâu đến mức việc chơi thể thao cũng bị coi là lạc lõng đối với “một cơ thể tàn tật”.
Vượt lên cái nhìn coi thường này, những người tham gia không muốn dễ dãi với bản thân. Davis nói: “Ném bóng vào khung rổ cao 10 feet (khoảng 3 m) từ một chiếc xe lăn rất khó. Có người nói về việc hạ thấp rổ, nhưng những vận động viên này muốn chơi với các quy tắc giống như những người không bị thương”.
Đối với Armand “Tip” Thiboutot, người bị liệt và mất một chân do tai nạn xe hơi khi còn phục vụ trong quân đội, cơ hội để chứng tỏ dũng khí là rất quan trọng.
Thiboutot, hiện 83 tuổi, trước đây là giáo viên tiếng Pháp tại Đại học Boston, cho biết: “Tôi cảm thấy thoả mãn khi được cạnh tranh. Những người khác nghĩ rằng cái chân bị cụt của tôi sẽ khiến tôi trở thành một tay ném bóng tồi. Tôi thích thể hiện mình giỏi như thế nào. Thường thì tôi là người ném rổ tốt nhất trong đội”.
Thiboutot (người giữ bóng) đã chia sẻ về những suy nghĩ của ông. Ảnh: Wheels of Courage. |
Đến năm 1964, môn thể thao này đã lan rộng ra toàn cầu và được đưa vào danh sách hạng mục thi đấu tại Paralympic, diễn ra song song với Olympic ở Tokyo. Các đội từ bốn quốc gia đã tham gia thi đấu, và Mỹ đã mang về chiếc huy chương vàng. Selig Boshnack nằm trong danh sách vận động viên của tuyển Mỹ lúc đó và Mark vẫn giữ huy chương của cha mình trong phòng ngủ.
Trên toàn thế giới, môn bóng rổ xe lăn hiện có hơn 100.000 vận động viên, họ thi đấu và tham gia trong các kỳ Paralympic. Davis nói: “Đó là một phần tiếp nối trong thể thao của chúng tôi. Đó là di sản của những cựu binh”.