Raymie – Nữ hiệp mộng mơ là cuốn sách thiếu nhi mới của Kate DiCamillo – một trong những người kể chuyện được yêu thích nhất thế giới.
Khúc hát của chim sơn ca
Raymie, Louisiana và Bervely, ba cô bé gặp nhau trong lớp múa gậy với mục đích tham gia và trở thành Hoa hậu Thiếu nhi của hãng lốp xe miền Trung Florida. Ba cô bé, với ba cá tính và ba hoàn cảnh khác nhau được đặt chung trong một hành trình tìm lại những giá trị gia đình.
Ước mơ đoạt giải hoa hậu thiếu nhi của ba cô bé cũng rất khác nhau. Nếu chiến thắng, Raymie có mục đích duy nhất được lên báo và ba sẽ trở về bên cô và mẹ. Louisiana thì lại mong muốn số tiền thưởng sẽ giúp cô bé và bà không bị thiếu ăn và phải thường xuyên trộm cá ngừ hộp từ siêu thị. Còn Bervely lại bỏ nhà ra đi và đang muốn tìm lại cha mình – một cảnh sát làm việc ở New York.
Ba đứa trẻ đã đến lớp múa gậy để chuẩn bị cho cuộc thi nhưng rồi lại rời bỏ vì nhận ra được điều đó không giúp ích gì. Thay vào đó, chúng tìm đến nhà dưỡng lão để làm việc thiện.
Chúng đi tìm chú mèo ngày cũ, cứu chú chó và cùng nhau thú thật câu chuyện đời mình. Từ những ngây ngô ban đầu, ba cô bé dần nhận ra những ngã rẽ khó đón định, ước mơ xa tầm và bắt đầu cảm nhận yêu thương từ những thứ xung quanh.
Cuốn sách Raymie – Nữ hiệp mộng mơ của Kate DiCamillo. Ảnh: Ngô Vinh. |
Những “nữ trại chủ” đi tìm những mảnh ghép thiếu vắng của gia đình, nương tựa vào nhau và vớt vát tình thương dù mới ở tuổi lên mười. Raymie – Nữ hiệp mộng mơ chính là khúc hát của những chú chim sơn ca nhiều hồn nhiên nhưng cũng phủ đầy nỗi buồn. Bản hòa ca ấy cất lên đầy hy vọng, đi cùng nhau đến nốt cuối cùng của sự hạnh phúc.
Dịu dàng này! Tiếng của yêu thương
Ba cô bé với những nỗi niềm riêng, hội tụ về chung một điểm chính là “bất hạnh chẳng khác nào một đứa trẻ, với cảm giác mình vừa bị bỏ rơi”. Phải chăng thời khắc đăng quang trong cuộc thi Hoa hậu thiếu nhi dù chỉ là tưởng tượng, trở thành những que diêm bùng cháy với hy vọng nhỏ nhoi trở thành hiện thực?
Cha của Raymie bỏ đi cùng người phụ nữ khác, cha mẹ Louisiana chết đuối và cô trở thành một đứa trẻ mồ côi hợp cùng Bervely lì đòn, bị chính mẹ mình bạo hành khi những lần cô cố đi tìm cha mình. Trái ngược với ba lát cắt cuộc đời nằm về phía tối, hành trình của ba cô bé là một cuộc phiêu lưu đầy dũng cảm, vui tươi và rực rỡ sắc màu cá tính.
Kate DiCamillo xứng đáng trở thành một trong những nữ tác giả viết truyện thiếu nhi hàng đầu của nước Mỹ. Bà đứng ở góc nhìn của người trưởng thành và đặt lăng kính thấu hiểu khi ngắm nhìn trẻ thơ.
Không lấy trẻ em làm mồi nhử để câu bi kịch, cũng không lấy những êm đềm để tạo nên cổ tích, Kate DiCamillo dựng xây một thế giới mà trẻ con có quyền hy vọng chạm đến ước mơ bằng chính hành trình thấu hiểu, dấn thân và lan tỏa đi những điều tốt đẹp.
Nữ hiệp nào có khác xa người thường. Họ cũng biết yêu, biết ước mơ, biết đau khổ và biết tiến về phía trước dù chỉ là những cô bé thiếu niên:
“Cuộc sống vẫn tiếp tục.
Có người bỏ nhà đi, có người chết, và có người tham dự lễ truy điệu và bỏ cả miếng pho mát to màu cam vào ví của mình. Có người thú nhận với bạn rằng lúc nào họ cũng đói. Và rồi sáng hôm sau bạn thức dậy và già vờ như chẳng có chuyện gì trong số đó đã xảy ra.
… Cuộc sống vẫn tiếp tục, kỳ lạ và khó hiểu làm sao…”
Nhà văn Kate DiCamillo. Ảnh: Melanie Dunea. |
Kate DiCamillo là tác giả của nhiều tập truyện được độc giả thiếu nhi yêu mến, trong đó có hai cuốn được trao Huân chương Newbery: Chuyện Despereaux và Những cuộc phiêu lưu sáng chói của Flora và Ulysses.
Bà lớn lên ở Florida và chuyển sang sống ở Minnesota những năm hai mươi tuổi. Nỗi nhớ nhà và mùa đông lạnh cóng ở Minnesota đã thôi thúc bà viết cuốn sách đầu tiên, Bởi vì Winn-Dixie. Cuốn truyện lọt vào danh sách đề cử nhận huân chương Newbery.
Sau đó bà viết tiếp nhiều tác phẩm đoạt giải thưởng khác, trong số đó có The Tiger Rising, Chuyến phiêu lưu diệu kỳ của Edward Tulane và Con voi của nhà ảo thuật.
Kate Dicamillo được chọn làm Đại sứ Văn học Thiếu nhi Quốc gia Mỹ năm 2014-2015. Bà đã nói về sức mạnh được giao và sức mạnh của tiểu thuyết như sau, “Khi chúng ta cùng nhau đọc, chúng ta gắn kết với nhau. Cùng nhau chúng ta khám phá thế giới. Cùng nhau, chúng ta thấu hiểu nhau”.