Hai truyện đều không có tác giả (khuyết danh), vì thế ngay trong bản thân mỗi tác phẩm, độc giả có thể sẽ vô tình bắt gặp những thanh âm trong trẻo đại diện cho tiếng lòng và mơ ước của nhân dân một thời vàng son đã qua.
Sách Truyện nàng Suk-Hyang / Truyện nàng thiếu phụ Suk-Yeong. Ảnh: H. T. |
Truyện nàng Suk-Hyang là một đại diện tiêu biểu cho các tác phẩm cổ điển với kết cấu tan hợp – hợp tan. Một câu chuyện tình yêu lãng mạn bất chấp đẳng cấp giữa con quan (chàng Yi Seon) và tiện dân (nàng Suk-Hyang) thấm đẫm tính nhân văn thời Joseon huy hoàng.
Truyện như tiếng lòng của tầng lớp thấp cổ bé họng mong ước tìm được hạnh phúc cho riêng mình và lời nguyện cầu của đôi lứa yêu nhau trong một xã hội bất công phi nghĩa: “Kẻ thù, quả là kẻ thù. Con đường thi cử quả là kẻ thù mà! Thi đậu khoa cử để làm gì, trở thành hàn lâm học sĩ để mà làm gì? Nhìn gương mặt như ngọc của nương tử! Một khắc không gặp tưởng như ba năm, giờ nương tử của ta chết rồi biết thiên thu nào mới tái hợp? Các con còn nhỏ dại biết phải làm sao, không có nương tử từng khoảnh khắc ta biết sống thế nào?” (Truyện nàng Suk-Yeong).
Tương tự như thế, Truyện nàng thiếu phụ Suk-Yeong cũng là cuộc đời khổ ải, trầm luân của người phụ nữ lấy chồng chênh lệch đẳng cấp. Nhưng không may mắn như nàng Suk-Hyang, số phận oan trái của Suk-Yeong chỉ có thể được minh oan bằng cái chết: “Lang quân ơi, hỡi lang quân! Chàng hãy mau quay về chôn cất thân xác của thiếp, làm sáng tỏ nỗi oan khuất của thiếp, để an ủi cho hồn phách chết mà ôm hận không thể giãi bày” (Truyện nàng Suk-Hyang).
Tuy nhiên, thiện căn ở tại lòng, cuối cùng thì Suk-Yeong và cả chồng cô đều được thăng tiên, vui thú trên đỉnh Juryeong-bong của núi Sobaek “nơi thần tiên vui chơi” mãi mãi.
Hai câu chuyện, hai cuộc đời – chứa đựng nhiều giá trị nhân văn và niềm tin vào chính nghĩa. Tập sách được dịch theo bản tiếng Hàn hiện đại của Lee Sang Gu – để độc giả ngày nay dễ nắm bắt.
Tác phẩm khắc họa một cách rõ nét các quan niệm văn hóa tín ngưỡng thời kỳ hậu Joseon. Ảnh: H. T. |
Truyện nàng Suk-Hyang / Truyện nàng thiếu phụ Suk-Yeong mở tấm màn u huyền, bí hiểm của nền văn học cổ điển Triều Tiên xa xăm, đây là hai tác phẩm được yêu thích và truyền đọc rộng rãi nhất thời kỳ hậu Joseon.
Tìm về với nàng Suk-Hyang và Suk-Yeong, để biết rằng: Vẫn còn đâu đó những khát khao trong trẻo, những mơ ước lạc quan, những niềm tin chân thành về niềm hạnh phúc đích thực đang chờ ta vươn đến.
Khắc họa một cách rõ nét các quan niệm văn hóa tín ngưỡng thời kỳ hậu Joseon như hư và thực, người và tiên, người và thú, Truyện nàng Suk-Hyang / Truyện nàng thiếu phụ Suk-Yeong mang đậm tính chất kỳ ảo của nghệ thuật ngôn từ dân gian.
Không nghiêng hẳn về hiện thực như Xuân Hương truyện, cũng không hoàn toàn hư ảo như Kim ngao tân thoại, tác phẩm này có một vị thế cầu nối của riêng, không gì lay chuyển được.