Trong những năm cuối đời, khi nghỉ hưu trong nhà tổ tiên của làng Đại Yên, là khoảng thời gian mà Hoàng Đạo Thúy đã sáng tác rất nhiều tác phẩm về Hà Nội.
Tản bộ qua những góc phố
Trong Hà Nội thanh lịch, Hoàng Đạo Thúy dành nhiều trang viết về những đường phố cũ, nơi sinh sống nhộn nhịp của người Hà Nội. Từ những góc phố ấy, bao nét thanh lịch của một thành phố đã được thể hiện.
Người Hà Nội có tính cách dân thành thị, gồm những người sản xuất và buôn bán nhỏ. Những người ở khu vực xung quanh triều đình thường làm nghề chữ nghĩa.
Người Hà Nội cũng hay làm nhà kiểu “chồng diêm”. Tầng trân là gác xép, có cửa sổ thật nhỏ, không chui vào được. Tầng dưới, bên trong cánh cửa chính cũng có khoét thêm cái cửa sổ bằng miệng bát.
Theo phân tích của tác giả, nhà ở Hà Nội cũng thể hiện đặc trưng ứng với công việc của người dân sống trong đó. Có thể thấy với các gia đình làm lò rèn, nhà ở thành phố đều chật chội, bên ngoài bán hàng, bên trong chỗ ngủ rất tạm bợ. Đây chỉ là chỗ làm ăn. Đến mùa gặt hoặc đến tết thì về quê.
Bước vào sách Hà Nội thanh lịch của Hoàng Đạo Thúy, cũng giống như đang đi dạo qua các ngõ phố của Hà Nội. Đó là phố Hàng Đào nhuộm màu đỏ. Ở đây, cửa nhà san sát, tủ kính bóng bẩy, các cô ngồi bán hàng lịch sự.
Sách Hà Nội thanh lịch. Ảnh: PL. |
Phố Hàng Gai “cổ kính”, được biết là phố “văn nhã”. Người dân ở đây không ít thì nhiều, đều liên quan nghề in và bán sách. Phố được tiếng là “phố văn học”.
Những tên phố, ngõ thân quen với người Hà Nội, đã được nhắc nhớ trên trang viết của Hoàng Đạo Thúy. Những Hàng Khay, Hàng Hòm, Hàng Trống, Hàng Bạc… đều lưu dấu linh hồn của biết bao thế hệ người Hà Nội. Nhịp điệu của phố phường cũng là nhịp điệu của thời gian, con người.
Từ nơi góc phố ấy, người Hà Nội gặp nhau, yêu nhau, sinh sống và phát triển. Hoàng Đạo Thúy từng bước đi sâu vào góc phố, lắng nghe, quan sát và kể lại những câu chuyện duyên dáng, sống động, còn mãi trong tim người Hà Nội.
Nét đẹp trong đời sống sinh hoạt
Điểm nổi bật trong cuốn sách Hà Nội thanh lịch của Hoàng Đạo Thúy chính là đi sâu ca ngợi những nét đẹp trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của người Hà Nội.
Người Hà Nội vốn xem trọng nét sinh hoạt như ăn, nói, đi, đứng. Dù là ở nhà hay ngoài phố, họ đều giữ được sự cẩn trọng, thanh lịch.
Thế nên, ở Hà Nội, khách đến nhà không bao giờ “cởi trần” ra tiếp, cũng không được mời khách nước chè thứ ba. Khi đi ra đường, họ không ăn mặc cẩu thả. Áo quần không cần quý giá nhưng phải chỉnh đốn. Mặc áo vá không sao, nhưng không mặc áo rách…
Trong chuyện ăn uống, người Hà Nội ở chỗ “phồn hoa” mà ăn uống vẫn cứ “thanh đạm”.
Ông dẫn dắt người đọc đi một vòng, hít hà những món ăn ngon trên các quán hàng rong của Hà Nội xưa, với bún bung, bún chả, bún riêu cua, bánh đúc gạo, bánh đúc ngô…
Những món ăn của một thời xưa cũ, gợi nhắc biết bao dư vị. Nó là dấu cũ, hồn xưa của người Hà Nội.
Hoàng Đạo Thúy cũng nhắc về tục “ăn trầu” của các cụ. Nhai trầu, cầu, phải thêm “rễ” vỏ đỏ. Lá trầu trồng nhiều ở Quốc Oai. Thứ ngon nhất là trầu quế. Cau có thể dùng tươi hoặc khô đều được. Người kỹ tính sẽ chọn thứ “cau liên phòng”, tức là cây cau có quả suốt năm, hạ buồng nọ có buồng kia tiếp.
Những điểm rất nhỏ trong đời sống, nhưng đã tạo nên nét đẹp đẽ, duyên dáng riêng cho người Hà Nội. Những điều được truyền qua nhiều thế hệ, được dung dưỡng và phát huy, để tạo nên một Hà Nội thật thanh lịch.
Qua mỗi trang viết của mình, Hoàng Đạo Thúy đã thể hiện được tâm lòng yêu thương và nâng niu những giá trị tốt đẹp của Hà Nội. Ở Hà Nội thanh lịch, người đọc có thể thấy cụ Hoàng Đạo Thúy râu tóc đã bạc đang nhẩn nha tản bước nhìn ngắm suy nghĩ về phố phường, và những câu chuyện của con người nơi đây.
Hoàng Đạo Thúy cũng thể hiện nỗi lòng trăn trở cùng sự tiếc nuối sâu kín khi chứng kiến sự mai một của những điều được coi là hồn cốt Hà Nội thuở xưa. Cuốn sách này cũng là tiếng nói tha thiết tác giả gửi đến người đọc, mong sao có thể lưu giữ và phát huy được những nét đẹp trong đời sống thanh lịch của người Hà Nội.
Cuốn sách Hà Nội thanh lịch không phải là sách khảo cứu mà là cuốn sách tập hợp những câu chuyện gần gũi, sống động thể hiện tâm hồn của người Hà Nội. Những câu chuyện mang hơi thở của chuyện đời, chuyện người. Đúng như nhà văn Tô Hoài từng nhận định: “Hà Nội thanh lịch thật sự là bộ sử dân gian của thủ đô”.
Sách Hà Nội thanh lịch bản mới nhất do Nxb Kim Đồng phát hành năm 2020.
Hoàng Đạo Thúy xuất thân trong gia đình nhà Nho yêu nước tại làng Kim Lũ, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ông học trường Bưởi, tốt nghiệp Thành chung, sau đó dạy học tại trường Tiểu học Sinh Từ. Hoàng Đạo Thúy là thủ lĩnh phong trào Hướng đạo sinh Việt Nam tại Bắc Kỳ; giữ nhiều chức vụ quan trọng trong quân đội và là đại biểu Quốc hội khóa 1, 2…
Hoàng Đạo Thúy làm báo, viết văn, nhưng chuyên tâm nhất là khảo cứu. Ông đặc biệt ưa thích tìm hiểu và giới thiệu vẻ đẹp đất nước. Các tác phẩm Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội, Người và cảnh Hà Nội, Đi thăm đất nước ta, Phố phường Hà Nội xưa… đã cung cấp nguồn tư liệu lớn, quý báu về lịch sử, địa lý và văn hóa nước ta. Với nhiều cuốn được nhận giải thưởng của Hà Nội, Hoàng Đạo Thúy đã trở thành một trong những nhà Hà Nội học tâm huyết.