Trong tiếng Việt, phần đất nằm gần ao, sông, hồ được gọi là bờ ao, bờ sông, bờ hồ, còn phần sát mép nước thì gọi là rìa. Thế nhưng vì sao bờ hồ của hồ Hoàn Kiếm (hay hồ Gươm) lại để chỉ chính cái hồ đó?
Đi chơi Bờ Hồ như một thói quen văn hóa ở Hà Nội. Ảnh: Phương Lâm, Minh Quân. |
Vào những ngày nghỉ cuối tuần, dù không có sự kiện văn hóa diễn ra quanh hồ Gươm thì khu vực này vẫn đông đúc, nhộn nhịp hơn ngày thường. Không chỉ nam thanh nữ tú mà cả người già, trẻ nhỏ cứ đều bước chân dạo quanh hồ, mỏi thì nghỉ.
Ngày Quốc khánh 2/9 và đêm Giao thừa, quanh hồ Gươm là biển người, đông hơn bất kỳ nơi nào ở Hà Nội. Nếu có bắn pháo hoa thì dù người chen người nhưng sự vất vả lo toan thường nhật dường như biến mất, chỉ thấy những khuôn mặt nhẹ nhõm vui vẻ dạo chơi.
Thời bao cấp, người dân các tỉnh thường nói với nhau: Đến Hà Nội mà chưa ra Bờ Hồ, chưa vào Bách hóa tổng hợp Tràng Tiền coi như chưa biết Hà Nội. Đi chơi Bờ Hồ như một thói quen văn hóa ở Hà Nội mặc định từ bao năm nay.
Khi chưa làm đường quanh hồ, tức là trước năm 1893, khu vực phố Đinh Tiên Hoàng hiện nay là phần đất phía sau của các gia đình ở phố Cầu Gỗ. Họ làm nhà vệ sinh, đổ nước thải và quăng rác ra đó, thành ra không có ai ra hóng gió mùa hè ở đây cả.
Con đường quanh hồ khánh thành vào dịp Tết Nguyên đán năm 1893. Nhân ngày khánh thành, Công sứ Beauchamp Laurent cho tổ chức nhiều trò chơi dân gian như: bịt mắt đập niêu, đấu vật, leo cột mỡ, liếm chảo, đua thuyền thúng, đốt pháo bông… Dù bị nhiều người đánh giá một hình thức mị dân song đây là sự kiện vui chơi giải trí mở đầu thời kỳ Pháp chiếm Hà Nội.
Cùng với làm con đường này, trước đó chính quyền cho xây dựng vườn hoa Bốn Tòa (năm 1887 gọi là vườn hoa Paul Bert, nay là vườn hoa Lý Thái Tổ). Năm 1893, chính quyền cho xây thêm nhà lục giác trong vườn hoa làm chỗ cho ban nhạc binh chơi kèn vào những ngày cuối tuần, phục vụ người Pháp và một bộ phận nhỏ người Việt tò mò.
Năm 1894, Hoàng Cao Khải cho dựng tượng vua Lê Thái Tổ bên bờ phía tây của hồ như một cách cụ thể hóa truyền thuyết và cũng để làm đối trọng với tượng công sứ Paul Bert ở vườn hoa mang tên ông ta bên bờ phía đông. Từ đó, vào những ngày nghỉ, quanh hồ Gươm trở thành nơi vui chơi, giải trí.
Vì đường sát hồ nên phần đất công cộng gần hồ rất ít, đường tàu điện từ chợ Mơ có thể đi thẳng lên phố Cầu Gỗ rồi rẽ trái chạy sang phố Hàng Gai. Hội đồng thành phố rất muốn có đất làm vườn hoa quanh hồ nhưng số tiền đền bù cho các nhà dân quá lớn nên quyết định áp dụng phương án lấp hồ.
Năm 1925, Hội đồng thành phố ra nghị quyết lấp hồ với lý do là: “Chiểu theo nguyện vọng của dân chúng Hà Nội muốn có một không gian rộng rãi để vui chơi, vì thế cần thiết phải mở rộng quảng trường Négrier (nay là quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục)”.
Hội đồng thành phố đã họp và thống nhất phương án lấp 20 m hồ ở đầu phố Francis Garnier (phố Đinh Tiên Hoàng hiện nay) và 10 m ở phía tây (phố Lê Thái Tổ hiện nay) để trồng cây, làm tiểu cảnh.
Tháng 3/1925, dự án được thực hiện. Công việc đang tiến hành thì Viện Viễn Đông bác cổ có công văn hỏa tốc gửi Thống sứ Bắc Kỳ, kiến nghị cho dừng, lý do “phá hoại các di tích lịch sử ven hồ”.
Ngay lập tức ngày 1/5/1925, Thống sứ Bắc Kỳ J. Krautheimer có công văn gửi đốc lý Hà Nội yêu cầu tạm dừng việc lấp hồ. Nhưng đốc lý Louis Frédéric Eckert vẫn cho san lấp. Giám đốc Viện Viễn Đông bác cổ Leon Finot tức tốc gửi tiếp công văn thông báo cho thống sứ với nội dung “đốc lý Hà Nội vẫn tiếp tục lấp hồ”.
Trong công văn trả lời thống sứ, đốc lý Hà Nội cho rằng: “Nghị định của toàn quyền Đông Dương giao quyền quản lý các di tích lịch sử cho Viện Viễn Đông bác cổ vẫn chưa ký và chưa đăng trên công báo nên không thể áp dụng vào việc thành phố đang làm. Mặt khác nếu nghị định được ký thì bờ hồ cũng không thể xếp vào di tích lịch sử”.
Đốc lý Eckert đề nghị thống sứ thu hồi lệnh cấm. Trước lý lẽ đó, thống sứ Bắc Kỳ đành phải cho phép thành phố tiếp tục công việc. Và Viện Viễn Đông bác cổ cũng gửi công văn thông báo họ “không chịu trách nhiệm về những gì thành phố đã làm đồng thời yêu cầu thành phố thông báo những công việc tiếp theo là gì”.
San lấp xong, thành phố cho kè hồ trồng cây, hoa, lát vỉa hè, lắp đèn điện công cộng. Dân chúng các phố xung quanh thấy sạch sẽ nên mùa hè ra hồ hóng gió. Hồ Gươm với họ giống như hồ của phố mình, nên khi ra hồ hóng gió hay đi dạo họ nói tắt là ra Bờ Hồ. Người ở các phố khác cũng bắt chước, dần dần trở thành quen thuộc và phổ biến.
[…]
Trong cuốn sách của mình, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến cho thấy vẻ đẹp trong những điều nhỏ bé, thân quen của Hà Nội. Ảnh: Đ. T. |
Năm 1954, Hiệp định Genève được ký kết, Pháp phải rút quân khỏi Đông Dương nhưng vĩ tuyến 17 đã chia cắt hai miền. Miền Bắc sống trong hòa bình, Mỹ nhanh chóng thay chân Pháp nhảy vào miền Nam. Trong khi nhiều người miền Bắc di cư vào Nam thì cũng rất nhiều cán bộ, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc.
Năm 1960, Ủy ban Thống nhất Trung ương thành lập câu lạc bộ Thống Nhất ở số 16 phố Lê Thái Tổ và câu lạc bộ này trở thành nơi sinh hoạt chính trị, văn hóa, tìm kiếm đồng hương của người Nam tập kết.
Địa chỉ 16 Lê Thái Tổ cũng chính nơi bà con liên hoan, đón Giao thừa, nghe Bác Hồ chúc Tết trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Đón Giao thừa xong, những người con miền Nam chưa lập gia đình đi chơi quanh hồ Gươm như để kìm nén nỗi nhớ quê, nhớ người thân.
Để chung vui đồng thời cũng chia sẻ với bà con miền Nam, nhiều người Hà Nội, nhất là thanh niên cũng ra hồ Gươm chơi qua Giao thừa, và thế là từ đó trở thành nét văn hóa độc đáo: đi chơi Giao thừa quanh hồ Gươm. Nét văn hóa này đã hơn nửa thế kỷ và chắc chắn nó sẽ còn mãi.
Vốn từ của một người có thể cho biết người đó ở miền quê nào. Người Hà Nội thường nói đi chơi Bờ Hồ, nếu ai nói đi chơi hồ Gươm hay hồ Hoàn Kiếm, hoặc đi ăn bún chả gọi chả viên mà không nói chả băm, thì chắc chắn người đó mới về sống, làm việc hoặc đến du lịch ở thành phố này.