Nuôi dạy con cái trưởng thành là điều mà bất cứ bậc làm cha mẹ nào cũng mong muốn. Tuy vậy, nhiều người quá tập trung vào dạy con học giỏi, xuất sắc trong một kỹ năng nào đó mà quên đi khía cạnh tập cho con độc lập, trưởng thành.
Sách 36 thói quen cần tránh để trẻ thực sự trưởng thành nêu ra những phương pháp giúp cha mẹ tham khảo trong quá trình nuôi dạy con.
Sách 36 thói quen cần tránh để trẻ thực sự trưởng thành. Ảnh: FN. |
Thói quen nhỏ, hậu quả lớn
Tác giả Eiko Tajima cho rằng mục đích đầu tiên của việc nuôi dạy con là chăm lo cho trẻ khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần. Dù đứa trẻ sinh ra trong hoàn cảnh nào, chúng cũng cần phải được nuôi dưỡng để có cuộc sống bình thường, khỏe mạnh. Khỏe mạnh về thể chất và tinh thần chính là nền tảng của tất cả.
Sau đó, cha mẹ cần giúp con hiểu biết cơ bản về cuộc sống, hoàn thiện nhân cách, biết cách ứng xử xã hội trong những môi trường tập thể như gia đình, trường học… Con cần được trang bị kiến thức, kỹ năng, năng lực phán đoán và năng lực hành vi để sống độc lập.
Trong khoảng 20 năm, trước khi con cái đủ khả năng sống độc lập, cha mẹ có thể nuôi dưỡng, rèn luyện con trưởng thành. Tác giả cho rằng bên cạnh việc tập thói quen tốt, cần nhận diện và loại bỏ điều xấu.
Bởi vậy, thay vì tập trung danh sách những việc nên làm, tác giả chỉ ra điều cần tránh để cha mẹ hướng dẫn con hình thành nếp sống, lối tư duy tốt. 36 thói quen nên tránh được tác giả chia làm 5 nhóm, dựa trên những hậu quả mà chúng sẽ gây ra cho tương lai của con trẻ.
Những thói quen không tốt khiến trẻ có nguy cơ trở thành: Người không được xã hội xem trọng, người luôn tránh việc, người khó kết giao, người không có duyên thành công, người khó có gia đình hạnh phúc.
Mỗi nhóm hậu quả ấy, tác giả chỉ ra một số thói quen tưởng chừng vụn vặt không đáng lưu tâm trong đời sống hàng ngày. Bằng kinh nghiệm của người nuôi dạy con thành đạt, một chuyên viên giáo dục, Eiko Tajima phân tích tại sao thói quen tưởng chừng vô thưởng vô phạt ấy lại ảnh hưởng tương lai của con cái.
Tác giả cũng phân tích những sai lầm trong quan niệm của cha mẹ đối với thói quen đó và đề xuất cách khắc phục. Một box nhỏ được đúc kết cô đọng dành cho cha mẹ ở cuối mỗi phần sẽ giúp người đọc khắc ghi điểm cơ bản nhất nhằm loại bỏ thói quen xấu.
Ví dụ, với thói quen để cha mẹ gọi con dậy vào mỗi sáng, nhiều người thường băn khoăn khi con mấy tuổi thì có thể tự thức dậy? Sách nêu: “Đến khi người mẹ ngừng gọi con dậy thì chúng sẽ tự thức dậy được thôi”.
Tác giả cho rằng chính cha mẹ là người quyết định thời điểm nào con nên tự thức dậy, coi đó là mục tiêu con cần đạt được. Tuy vậy, cha mẹ không nên đột nhiên thông báo ngày mai con phải tự dậy và bỏ mặc con có thể ngủ quên, muộn giờ học. Trong những ngày đầu, cha mẹ cần theo dõi và hướng dẫn trẻ những biện pháp giúp tỉnh táo thay vì trực tiếp đánh thức con.
Từ thói quen tự thức dậy vào mỗi sáng, tác giả đúc kết: “Trẻ con thường đặt mục tiêu trở thành mẫu người mà cha mẹ kỳ vọng. Khi cha mẹ buông tay khỏi con chính là lúc đứa trẻ bắt đầu tự lập”.
Lối sống của cha mẹ ảnh hưởng tới thói quen của con. Ảnh: Quỳnh Huỳnh. |
Cha mẹ thay đổi thói quen xấu để làm gương cho con
Với cha mẹ, con cái luôn bé nhỏ, cần được che chở. Cuốn sách đưa ra hành động, suy nghĩ mà nhiều bậc phụ huynh và con cái vẫn làm hàng ngày như: Con không đánh răng vào ngày không phải đến trường, nhịn đi vệ sinh do sợ cô, giúp con chuẩn bị đồ cá nhân, con cái không biết chia sẻ việc nhà, con nói nhỏ khi giao tiếp với thầy cô…
Những việc tưởng vụn vặt ấy lại có thể tạo nên tính cách, tư duy, số phận khi đứa trẻ lớn lên. Thói quen tuy nhỏ, tác hại gây ra có thể lớn. Tiếp tục duy trì những thói quen ấy, về lâu dài sẽ biến con trở thành người có tính ỉ lại, ảnh hưởng việc rèn luyện tính tự lập cho trẻ.
Ngoài việc hình thành thói quen tốt, lập tức loại bỏ thói quen xấu, sách cũng đề cao vai trò của cha mẹ trong việc hình thành tương lai con cái. Cha mẹ không phải người cho con mọi điều, con cái còn học hỏi từ nhiều nguồn khác, từ nhiều người con sẽ gặp trong cuộc đời như thầy cô giáo, bạn bè, đồng nghiệp… Tuy vậy, trẻ sẽ nhìn cách sống của cha mẹ mà lớn lên.
“Người ta thường nói thói quen của con cái phản ánh lối sống của cha mẹ. Vì vậy, để giúp con từ bỏ thói quen xấu, chính chúng ta cần phải nhận ra và thay đổi thói quen xấu của bản thân”, tác giả viết trong sách.
Cuốn sách cũng kêu gọi cha mẹ thôi áp đặt suy nghĩ cũ, hãy thật sự nghĩ cho tương lai của con. Nhiều bậc phụ huynh thường hướng con theo suy nghĩ, kinh nghiệm của bản thân. Ngay cả khi không nói ra, họ vẫn truyền đạt quan điểm đó cho con theo những cách khác nhau.
Bởi vậy, cha mẹ cần từ bỏ những quan niệm cố hữu. “Suy nghĩ về tương lai bằng quan niệm cố hữu chính là nguồn gốc của không ít sai lầm”, sách viết. Điều mà cha mẹ nên làm là giúp con tạo ra những giá trị được xem trọng trong bất kể thời đại nào.
Bằng việc rèn luyện những thói quen tốt hàng ngày, trẻ em có thể dần hình thành nên nếp sống, nếp nghĩ, chuẩn bị cho mình những giá trị khi bước vào đời.