“Tôi thi đại học năm 2014. Năm đó, hai mẹ con khăn gói từ Hà Tĩnh ra Hà Nội, được anh chị sinh viên tình nguyện hướng dẫn nhiệt tình. Kinh phí của hai mẹ con có hạn, cũng may được mọi người giúp hỗ trợ nên cũng đỡ vất vả”, tài khoản Nguyễn Quỳnh Trang chia sẻ kỷ niệm trước thời khắc diễn ra kỳ thi năm nay.
Trong khi đó, tài khoản Hạnh Híp nhớ lại: “Mình thi đại học năm 2011, số báo danh cũng là 2011. Thật tuyệt vì năm đó mình đã đậu đại học”.
Với thế hệ Y (sinh từ năm 1981 đến 1996), những người từng phải thi tốt nghiệp và đại học riêng, đây là lúc nhớ về một thời đèn sách.
Trần Minh Tú (sinh năm 1995) muốn thi đại học thêm lần nữa. Ảnh: NVCC. |
Kỳ thi đại học đáng nhớ
Trần Minh Tú (sinh năm 1995), cựu sinh viên ngành Luật Kinh tế, Đại học Kinh tế – Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM), là một trong số những thí sinh tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2013. Tám năm đã trôi qua, Tú vẫn nhớ những ngày bước vào trường thi với tâm trạng háo hức, hồi hộp.
Khi đó, Minh Tú và các bạn đồng niên phải dự hai kỳ thi là tốt nghiệp THPT và đại học. Thí sinh phải thi tốt nghiệp 6 môn vào tháng sáu, bao gồm: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Hóa học, Địa lý, Sinh học.
Phần lớn môn thi tốt nghiệp tập trung vào kiến thức lớp 12, ngoại trừ Toán và Tiếng Anh là dạng đề tổng hợp kiến thức của các năm trước trước. Mỗi ngày, các thí sinh thi 2 môn. Đề thi được đánh giá vừa sức với mục đích xét tốt nghiệp.
Đến tháng bảy, sĩ tử bước vào kỳ thi đại học. Minh Tú còn nhớ cháu gái 8 tuổi đã làm chiếc vòng may mắn để tặng cô đi thi. Dù chiếc vòng chưa được hoàn thiện, Tú vẫn mang vào phòng thi và coi đó là chiếc “bùa” may mắn của mình.
Ngày thi đại học, Minh Tú phải đến trường thi ở quận Thủ Đức (TP.HCM), cách nhà khá xa. Hôm đó nắng nóng, phải đi bộ một đoạn đường mới vào đến khu vực thi, cô và các sĩ tử được đội sinh viên tình nguyện hỗ trợ, tặng kẹo ngậm để giữ tỉnh táo khi làm bài. Giám thị phòng thi của cô cũng vui vẻ, thân thiện, nhiệt tình giúp học sinh ổn định tinh thần trước giờ thi.
Minh Tú nhớ lại thời ấy, hầu hết thí sinh đăng ký thi hai khối để nâng cao cơ hội trúng tuyển đại học. Do không có “duyên” với môn Vật lý, cô chỉ nộp hồ sơ đăng ký thi khối D. Kết quả thi khiến Tú cảm thấy hài lòng với 12 năm đèn sách của mình.
Khi được hỏi liệu có muốn tham gia kỳ thi đại học thêm một lần nữa hay không, Minh Tú suy nghĩ trong giây lát rồi trả lời: “Có”.
Cô muốn được quay lại thời điểm ôn thi, cả ngày chỉ xoay quanh luyện đề và sách vở, dù căng thẳng, rất đáng nhớ. Ngoài ra, cô cũng mong được thử sức với đề thi của học sinh khóa mới để nhớ về một thời đèn sách.
Nguyễn Thu Trang vượt quãng đường hơn 30 km để thi đại học. Ảnh: NVCC. |
Cảm động vì được hỗ trợ chỗ nghỉ ngơi
Trong kỳ thi đại học năm 2014, Nguyễn Thu Trang (sinh năm 1996 ở Đông Anh, Hà Nội) được bố chở xe máy vượt quãng đường hơn 30 km lên thành phố Hà Nội. Hai bố con phải dậy từ 5h để sửa soạn, 6h xuất phát đến trường thi ở gần Đại học Mở Hà Nội.
Đối với Thu Trang, kỳ thi đại học gắn liền những ký ức không thể quên. Ngày thi khối A1, bố con cô bị lạc đường, phải mất cả giờ mới tìm được đường về nhà.
Để tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại, sau khi thi môn buổi sáng, Thu Trang và bố quyết định ở lại trường chờ đến chiều thi môn tiếp theo. Một người dân tốt bụng đã mời bố con cô vào nhà nghỉ ngơi.
“Tôi rất cảm động và còn nhớ ơn họ đến bây giờ”, Trang tâm sự.
Thí sinh thi đại học thường được xếp phòng và số báo danh theo tên. Trang được xếp vào phòng thi có 24 thí sinh là nữ, toàn bộ đều tên Trang, chỉ khác tên đệm hoặc họ khiến nhiều câu chuyện dở khóc, cười xảy ra.
Năm đó, Thu Trang đậu cả hai khối D và A1. Cô chọn theo ngành Thương mại quốc tế của Đại học Luật Hà Nội theo tổ hợp thi khối D.
Với nữ sinh năm nào, kỳ thi đại học là một cánh cửa trưởng thành. Sau khi bước qua những áp lực của kỳ thi, học sinh sẽ trở nên mạnh mẽ, kiên cường, không ngại đương đầu thử thách.
“Không việc gì phải sợ thi tốt nghiệp THPT, rồi cuộc đời sẽ mang đến cho chúng ta nhiều kỳ thi khác khó hơn, đáng nhớ hơn. Thí sinh cứ bình tĩnh, tất cả rồi sẽ ổn thôi”, Trần Minh Tú nhắn nhủ.