Tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều du học sinh Việt không thể trở về nước đón Tết Nguyên đán. Xa gia đình, các bạn trẻ đang học tập ở nước ngoài cùng nhau chuẩn bị mâm cỗ ngày Tết gồm canh chua, thịt kho…
Thay vì mua bánh chưng trên thị trường với giá đắt đỏ, Dương Hoàng Minh Nghi – du học sinh Việt ở Nga – và bạn cùng phòng tự gói bánh chưng theo cách riêng – gói bằng giấy bạc.
Bánh chưng được Minh Nghi và bạn cùng phòng gói bằng giấy bạc. Ảnh: Minh Nghi. |
Gói bánh chưng đón Tết
Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cộng đồng du học sinh Việt ở thành phố Kazan (Liên bang Nga) chỉ tổ chức các cuộc thi trực tuyến, nhằm tạo không khí Tết. Một số nhóm nhỏ thì hẹn nhau làm tất niên.
Minh Nghi – sinh viên trường Kazan Federal University (Nga) – đã lên kế hoạch chuẩn bị mâm cỗ ngày Tết cùng bạn bè. Các món ăn gồm thịt kho, canh chua, bánh cuốn, nem rán và bánh chưng.
Tuy nhiên, trước đêm giao thừa, tòa nhà ở ký túc xá của Minh Nghi có ca dương tính với SARS-CoV-2. Nhiều bạn khác không thể mang đồ đến “góp Tết”, nữ sinh và bạn cùng phòng tự gói bánh chưng theo cách riêng của mình.
Giấy bạc, giấy nến, màng bọc thực phẩm được thay cho lá rong, lá chuối. Màu xanh của rau chân vịt, ngâm cùng gạo nếp, tạo nên màu xanh đặc trưng của bánh. Các nguyên liệu khác là đậu xanh và thịt. Nhóm nữ sinh gói bánh trong khoảng một giờ, luộc bánh trong 3 giờ.
Công đoạn gói bánh của Nghi mất khoảng 1 tiếng đồng hồ. Ảnh: Minh Nghi. |
Cùng cảnh đón Tết xa quê, Nguyễn Đặng Tiểu Kiều – du học sinh tại Hàn Quốc – lại chọn đi làm thêm ở quán ăn. Quê của Kiều ở Bình Phước, năm nay, cô đón giao thừa một mình ở nơi làm thêm.
Kiều cho biết, do giá bánh chưng ở Hàn Quốc đắt gấp 5 đến 7 lần ở Việt Nam, nên cô không mua, chỉ đón Tết bằng những món ăn thường ngày.
Không có bánh chưng, Trần Minh Ánh (21 tuổi) – du học sinh ở Phần Lan – và bạn bè đã quây quần bên nhau với các món ăn như canh xương, chả giò chiên, thịt kho tàu, gỏi gà.
Hai năm xa gia đình, Ánh cho hay cô chưa quen với cảm giác đón Tết một mình. Những ngày Tết, Ánh thèm món ăn do mẹ nấu, bánh chưng và gỏi gà Huế.
Những cuộc gọi từ gia đình ngày Tết
Do tình hình dịch Covid-19 nên Nguyễn Thị Minh Hiền – du học sinh Việt ở Hàn Quốc – phải ở lại đón Tết xa quê lần thứ ba. Mỗi lần gọi điện thoại cho gia đình, Hiền không kìm được cảm xúc.
“Nhìn bố mẹ ngày một lớn tuổi, mình bật khóc. Khi thấy cả nhà quây quần, mình lại thấy chạnh lòng. Mong ước của mình và các du học sinh xa nhà là người thân yêu luôn mạnh khoẻ” – Hiền nói.
Minh Hiền và bạn cùng phòng chuẩn bị hạt bí và các món ăn để đón giao thừa. Ảnh: Minh Hiền. |
Chung hoàn cảnh, Minh Nghi cũng không thể về quê đón Tết như dự tính. Đối với Nghi, những cuộc gọi từ gia đình vào dịp Tết Nguyên đán chính là “liều thuốc chữa lành” nỗi nhớ nhà.
Nghi chia sẻ: “Tuần trước, bà ngoại gọi điện thoại cho mình. Bà hỏi mua được bánh chưng chưa, có tổ chức ăn uống với bạn bè không, đủ tiền tiêu xài không. Khoảnh khắc đó, mình vừa thương, vừa nhớ, vừa tha thiết mong được về nhà”.
Đón Tết xa nhà lần thứ hai, giao thừa nào, cô cũng gọi về gia đình. Đây là cách giúp nữ sinh cảm nhận được không khí Tết quê hương và bớt tủi thân ở nơi xứ người.
Cô đã xin nghỉ làm thêm vào ngày mồng 1 Tết để có thời gian gọi điện thoại về gia đình.
“Năm 2021, hy vọng tình hình dịch bệnh có thể nhanh chóng qua đi để những người con xa quê sớm có cơ hội được hồi hương. Mong gia đình và người thân có thêm nhiều sức khỏe và bình an” – Minh Nghi nói.