Trong một công ty ở vùng đồi San Marcos, phía bắc San Diego ở California, một cuộc cách mạng công nghệ đang diễn ra. Ở đó, một nhóm các chuyên gia trí tuệ nhân tạo (AI) đang phát triển một nữ robot mới có thể mỉm cười, cử động mi mắt, nói chuyện và nhớ tên anh chị em của bạn. Được đặt tên là Harmony (tạm dịch là Hòa hợp), robot này vượt cả mong đợi về một búp bê tình dục và có thể trở thành một người bạn, người yêu và bạn đời tiềm năng.
Một mẫu robot Harmony tại triển lãm năm 2020 ở Las Vegas. Ảnh: Getty Images. |
Bên cạnh việc khám phá nhà máy này, cuốn Sex Robots & Vegan Meat của Jenny Kleeman cũng đi sâu vào những sự đổi mới công nghệ hứa hẹn sẽ thay đổi cách chúng ta yêu nhau, ăn uống, sinh sản và chết đi trong tương lai. Trong lời đầu sách, Jenny viết: “Những gì bạn sắp đọc không phải là khoa học viễn tưởng. Chúng ta đang trên bờ vực thời đại mới, khi mà công nghệ sẽ định nghĩa lại các yếu tố cơ bản của sự tồn tại”.
Đứng đầu trong danh sách thay đổi này là việc sản xuất các robot tình dục được trang bị AI có thể tùy theo mọi nhu cầu của khách hàng. Quá trình viết sách đã đưa tác giả đến với công xưởng của Abyss Creations, trái tim rộn ràng của ngành công nghiệp sản xuất búp bê siêu chân thực.
Con người tự quyết định sinh, tử
Bên cạnh ngành công nghiệp robot tình dục đang phát triển, Kleeman cũng đi sâu tìm hiệu cuộc đua sản xuất “thịt sạch”, một loại thực phẩm làm từ tế bào động vật được phát triển trong phòng thí nghiệm. Nếu quá trình này diễn ra theo kế hoạch thì ngành chăn nuôi trị giá hàng triệu USD trên toàn thế giới có thể trở nên thừa thãi.
Thịt từ phòng thí nghiệm một ngày nào đó có thể thay đổi tương lai ngành chăn nuôi thế giới. Ảnh: Eyevine. |
Trong tương lai, con người thậm chí có thể nhìn thấy sự phát triển của các loại “túi sinh học” – một dạng tử cung nhân tạo có thể giúp sinh con đơn giản như khi mở một chiếc túi Zip hay việc thị trường đang phát triển các bộ dụng cụ trợ tử để giúp người già, nếu họ mong muốn, có thể tử vong không đau đớn.
Kleeman đã tìm gặp các doanh nhân tạo ra bánh mì kẹp thịt bò nhân tạo và các nhà khoa học chế tạo các thiết bị mang thai ngoài tử cung. Tác giả cũng trò chuyện với Philip Nitschke, được gọi là “Elon Musk trong ngành trợ tử”, kiến trúc sư chính của Sarco, đơn vị sản xuất một thiết bị trợ tử thông minh sử dụng nitơ lỏng cho phép khách hàng có thể đưa ra quyết định cho tử vong của mình.
Cuốn sách vừa được ra mắt ngày 9/7. Ảnh: Amazon. |
Cùng với những câu chuyện về thịt nhân tạo, thiết bị mang thai hay trợ tử, xuyên suốt cuốn sách là mong muốn của con người trong việc giải quyết những nhu cầu của bản thân theo một hình thức mới. Chúng ta biết ngành công nghiệp thịt độc hại với môi trường, nhưng thay vì từ bỏ bánh mì kẹp thịt vì lợi ích cho sức khỏe thì chúng ta tìm đến các sản phẩm thay thế.
Tương tự như vậy, ngành công nghiệp búp bê tình dục cũng tìm cách đáp ứng ham muốn tình dục của những người hiện phải kìm chế điều đó. Một vài buổi trị liệu điều tiết tâm lý sẽ rẻ hơn rất nhiều so với một robot tình dục, nhưng điều đó sẽ khiến khách hàng của McMullen mất đi niềm vui thú và đó là điều họ không hề muốn.
Thay vì điều tiết bản thân thì có lẽ sự phát triển của công nghệ càng khiến nhu cầu của con người tăng lên và tất cả những bản ngã cuối cùng có thể sẽ được bộc lộ ra ngoài.