Hội nghị trực tuyến triển khai công tác xuất bản, phát hành và định hướng công tác cơ quan chủ quản nhà xuất bản (NXB) năm 2020 diễn ra sáng 23/4.
Hội nghị do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức.
“Sách của chúng ta ngày càng phong phú”
Ông Lê Mạnh Hùng – Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương – đã chúc mừng kết quả của ngành xuất bản năm 2019.
Ông nói: “Sách của chúng ta ngày càng phong phú, đa dạng, thực sự là binh chủng trong tuyên truyền đường lối chủ trương của Đảng, chính sách Nhà nước, bộ, ngành, địa phương trên mọi mặt, phục vụ đời sống tinh thần cho người dân”.
Bên cạnh đó, ông Lê Mạnh Hùng nhận định ngành xuất bản vẫn còn đối mặt những khó khăn, thách thức. Một số NXB muốn chuyển đổi mô hình theo hình thức doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu theo mô hình này, thuế đất rất cao, sợ các NXB khó đáp ứng.
Điểm khó khăn nữa là cơ quan chủ quản đôi khi chưa chú trọng đào tạo nhân lực, giao nhiệm vụ, kinh phí cho NXB.
Công nghiệp văn hóa, công nghiệp xuất bản đã hình thành nhưng còn manh mún.
Sách của chúng ta ngày càng phong phú, đa dạng, thực sự là binh chủng trong tuyên truyền đường lối chủ trương của Đảng, chính sách Nhà nước, bộ, ngành, địa phương trên mọi mặt, phục vụ đời sống tinh thần cho người dân.
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng
“Tham quan các hội sách thế giới, ta thấy thị trường, công nghệ của họ vượt xa chúng ta rất nhiều. Ngoài nội dung, hình thức làm sách phải gắn liền các đối tượng, hấp dẫn để đáp ứng yêu cầu bạn đọc, nhất là sách điện tử. Dường như, chúng ta còn lúng túng trong vấn đề này. Thị trường cần gì, ta bán cái đó”, ông Lê Mạnh Hùng nói.
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết thêm 2020 là năm Việt Nam có nhiều sự kiện quan trọng. Ông đề nghị các NXB tập trung khai thác đề tài phục vụ nhiệm vụ, nhất là sách với đề tài giao lưu, hội nhập, học hỏi quốc tế.
Ông Hoàng Vĩnh Bảo – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam – khẳng định năm 2019, ngành xuất bản có những bước phát triển ấn tượng, là năm thứ hai liên tiếp tăng trưởng 2 con số.
Kết quả kinh doanh của các NXB tăng, doanh thu tăng; số đơn vị, số tiền thua lỗ giảm.
Nhiều đơn vị mở rộng cơ sở phát hành liên tỉnh, quan tâm phát hành online, trở thành chuỗi cung ứng uy tín. Các công ty chủ động mua bản quyền những cuốn giá trị để xuất bản. Tuy vậy, ngành vẫn còn những tồn đọng. Nhiều cơ quan chủ quản chưa chú trọng công tác cán bộ NXB.
Ông Hoàng Vĩnh Bảo – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam – tại hội nghị. Ảnh: Việt Hùng |
Ngành sách tiếp tục tăng trưởng
Tại hội nghị, ông Nguyễn Nguyên – Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông – báo cáo công tác năm 2019.
Theo báo cáo của Cục Xuất bản, năm 2019, các NXB đã thực hiện nộp lưu chiểu 37.100 xuất bản phẩm với 441 triệu bản.
Tổng doanh thu toàn ngành đạt 2.775 tỷ đồng (tăng 10,7% so với năm 2018), nộp ngân sách 165,412 tỷ đồng (giảm 11,6% so với năm 2018). Lợi nhuận sau thuế của các nhà NXB đạt 230,632 tỷ đồng.
2019 ghi nhận tăng trưởng trong công tác xuất nhập khẩu sách. Xuất khẩu 421,7 nghìn bản sách, hơn 6,5 triệu tờ báo, tạp chí, đạt tỷ lệ tăng 2,5% so với năm 2018.
“Chất lượng nội dung xuất bản phẩm có nhiều chuyển biến tích cực”, ông Nguyễn Nguyên nói.
Đặc biệt, các NXB đã tập trung xuất bản phục vụ kịp thời công tác tuyên truyền các ngày lễ kỷ niệm lớn, các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, như 40 năm chiến thắng chiến tranh biên giới Tây Nam, 40 năm bảo vệ biên giới phía Bắc, 50 năm thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 75 năm ngày Quân đội Nhân dân và 30 năm Ngày Quốc phòng toàn dân với 1.606 cuốn, hơn 2,4 triệu bản.
Các NXB cần tập trung xuất bản sách tuyên truyền theo đúng chủ trương, đường lối cho một năm có nhiều sự kiện quan trọng. Các cơ quan chủ quản ưu tiên kinh phí, nhân sự cho hoạt động xuất bản, báo chí.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo
2019 cũng đánh dấu sự thay đổi trong xuất bản sách giáo khoa. Thực hiện Luật Giáo dục 2019, ngoài NXB Giáo dục Việt Nam, NXB Đại học Sư phạm và NXB Đại học Sư phạm TP.HCM tham gia làm sách giáo khoa.
Sự xuất hiện thêm các NXB tham gia xuất bản sách giáo khoa tạo chuyển biến quan trọng trong phương thức đầu tư, góp phần đổi mới cả về nội dung và hình thức sách giáo khoa, bước đầu được xã hội và dư luận hưởng ứng.
Tổng kết 5 năm thực hiện Ngày sách Việt Nam, các hoạt động hội chợ, triển lãm trong nước thu hút đông đảo bạn đọc đến với sách, tạo phong trào đọc sách trong cộng đồng.
Công tác triển lãm, hội chợ sách nước ngoài có nhiều chuyển biến tích cực, huy động vốn cộng đồng, xã hội hóa để tham gia những hội sách lớn trên thế giới.
Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ hai tổ chức thành công, tạo tiếng vang, khuyến khích người làm sách, thúc đẩy văn hóa đọc.
Năm 2019, tuy số lượng xuất bản phẩm có nội dung vi phạm chiếm tỷ lệ thấp và giảm so với năm 2018, “tính chất, mức độ vi phạm có biểu hiện nghiêm trọng hơn, trong đó có các đầu sách liên quan trực tiếp tư tưởng chính trị, tập trung ở một vài nhà xuất bản” – trích báo cáo của Cục Xuất bản, In và Phát hành.
Một số cơ sở phát hành xuất bản phẩm chưa thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo cơ quan quản lý Nhà nước theo quy định. Vẫn còn cơ sở phát hành bày bán xuất bản phẩm không rõ nguồn gốc, không có chứng từ, hóa đơn hợp lệ.
Nhiều đơn vị phát hành gặp khó vì thuế sử dụng nhà đất tăng cao. Cửa hàng, trung tâm, siêu thị sách phải chuyển đổi sang kinh doanh mặt hàng khác mang lại lợi nhuận cao hơn.
Ông Nguyễn Nguyên – Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông – báo cáo tổng kết năm 2019. Ảnh: Việt Hùng. |
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào xuất bản, phát hành
Tại hội nghị, các đại biểu đề ra những phương hướng, nhiệm vụ của ngành sách trong năm 2020.
Ông Hoàng Vĩnh Bảo nói các NXB cần tập trung xuất bản sách tuyên truyền theo đúng chủ trương, đường lối cho một năm có nhiều sự kiện quan trọng. Các cơ quan chủ quản ưu tiên kinh phí, nhân sự cho hoạt động xuất bản, báo chí.
Nhận định năm 2020 chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, ngành sách cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa, vượt qua khó khăn, thách thức, bám sát thực tiễn, hành động quyết liệt để hoàn thành các nhiệm vụ đề ra.
Cơ quan quản lý Nhà nước cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong xuất bản, triển khai sơ kết thi hành Luật Xuất bản, thực hiện và triển khai thông tin, nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của luật này.
Tạo điều kiện để xuất bản phẩm điện tử phát triển. Hỗ trợ các NXB nghiên cứu công nghệ giúp làm nhiều sách điện tử chất lượng. Quan tâm thỏa đáng tới phát hành theo hình thức thương mại điện tử.
Các NXB chú trọng chất lượng xuất bản phẩm, kiểm soát chặt chẽ quy trình liên kết xuất bản. Ý thức bản quyền phải được nâng cao.
Phát hành cần mở rộng thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế. Nói không với sách vi phạm bản quyển, sách lậu. Quan tâm đặc biệt với phát hành sách giáo khoa. Tăng cường xuất khẩu xuất bản phẩm, đưa nhiều sách Việt Nam ra quốc tế.