Tôi còn nhớ thuở học tiểu học, tôi được bố mua cho hai tập Truyện cổ Andersen, rất dày và giấy đen xì. Tôi nằm bò trên giường, lấy một cái gối nhỏ kê tay, hướng ra khung cửa sổ có đồng lúa xanh phía bên ngoài và mê mải đọc, có khi mải đọc làm cháy cả nồi cơm.
Nàng Li dơ và bầy chim thiên nga, nàng tiên cá, nữ thần băng giá, những mụ phù thủy… trong thế giới truyện cổ của Andersen đã làm cho tuổi thơ thiếu thốn sách vở của tôi thêm nhiều màu sắc. Đã mấy chục năm qua, tôi vẫn nhớ rõ những câu chuyện đó trong đầu.
Tranh vẽ nhà văn Andersen. Nguồn: Revistacambio. |
Khi nhà văn là “kho báu quốc gia”
Nhã Nam vừa phát hành bộ Truyện cổ Andersen toàn tập, in bìa cứng rất đẹp. Nhưng trước Nhã Nam cũng đã có nhiều đơn vị khác xuất bản rồi, như Kim Đồng, Đông A, Liên Việt, Đinh Tị. Nghĩa là trên thị trường xuất bản hiện nay có nhiều bộ Andersen lưu hành. Điều đó có nghĩa rằng Truyện cổ Andersen vẫn được trẻ em yêu mến và chưa bao giờ mất đi giá trị của nó.
Hans Christian Andersen là nhà văn nổi tiếng người Đan Mạch. Ông sinh năm 1805, mất năm 1875, tác giả của nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ, và đặc biệt là những câu chuyện cổ tích được yêu mến trên toàn thế giới.
Anderen sinh ra trong gia đình nghèo, bố là thợ giày, chỉ học hết tiểu học, mẹ là thợ giặt, mù chữ. Bố của ông thích đọc và những cuốn sách trong nhà đã nuôi dưỡng tình yêu văn chương cho con trai. Năm Andersen 11 tuổi, cha mất, mẹ tái giá, Andersen được gửi vào một trường học cho trẻ em nghèo.
Từ đây, ông bắt đầu phải tự nuôi thân. Ông làm thợ học việc cho một người thợ dệt, rồi thợ may. 14 tuổi, Andersen tới thủ đô Copenhagen kiếm việc. Ông muốn trở thành một ca sĩ, bởi sở hữu chất giọng cao vút hiếm thấy. Ông được nhận vào Nhà hát Hoàng gia Đan Mạch nhưng đến tuổi vỡ giọng thì giấc mơ âm nhạc đành phải dừng lại, bởi giọng hát không còn như trước. Từ đây, Andersen tập trung việc viết.
Mới đây, năm 2012, người ta tìm thấy một tác phẩm cũng được cho là đầu tay của Andersen có tên Cây nến quý báu, viết trong giai đoạn 1819-1825, khoảng giữa thập niên 1820. Năm 24 tuổi, ông bắt đầu nổi tiếng với các truyện ngắn và thơ.
Từ năm 1835, tức năm 30 tuổi, Andersen bắt đầu viết các câu chuyện cổ tích, một thể loại mới trong sự nghiệp viết của ông. Tuy nhiên, những câu chuyện ban đầu không được giới phê bình đón nhận. Họ không thích phong cách của ông mà họ cho là thiếu chuẩn mực, thậm chí vô đạo đức, vì bấy giờ quan niệm văn học cho trẻ con là để giáo dục chứ không phải để giải trí.
Gặp sự phê bình khắc nghiệt nhưng Andersen không dừng lại và vẫn xuất bản tiếp. Tuy giới phê bình không ca ngợi, độc giả cả người lớn và trẻ em đều thích mê các câu chuyện ông viết. Tác phẩm của ông được đón nhận trong nước, khắp châu Âu và thế giới, khiến Andersen được hưởng vinh quang của nghề viết ngay khi còn sống mà không phải nhà văn nào cũng có được.
Andersen mất năm 1875, chính phủ Đan Mạch tôn vinh ông là “kho báu quốc gia”. Từ năm 1956, Tổ chức quốc tế về sách cho người trẻ IBBY đã thành lập Giải Hans Christian Andersen. Đây được coi là giải thưởng cao nhất dành cho văn học thiếu nhi, thậm chí còn được gọi là giải Nobel cho văn học thiếu nhi. Năm 1967, Tổ chức quốc tế về sách cho người trẻ IBBY đã chọn ngày 2/4 hàng năm – ngày sinh của Andersen – là Ngày Sách Thiếu nhi Quốc tế.
Sách Truyện cổ Andersen. Ảnh: NN. |
Muôn kiểu viết truyện cổ tích
Cổ tích là sáng tác dân gian, được truyền miệng hoặc ghi chép, có từ rất lâu đời. Đây là truyện hư cấu và có yếu tố thần kỳ. Truyện cổ tích thường mang trong nó một bài học đạo đức nào đấy, răn dạy con người ta sống lương thiện, tử tế, kết thúc câu chuyện thường có hậu, nghĩa là cái ác bị tiêu diệt và người tốt được đền bù và có cuộc sống viên mãn.
Nhưng có nhiều nhà văn cũng viết truyện cổ tích dựa trên một vài đặc trưng của thế loại này. Chúng ta có thể kể đến một vài nhà văn viết cổ tích nổi tiếng như. Charles Perrault người Pháp thế kỷ 17, các truyện nổi tiếng là Người đẹp ngủ trong rừng, Cinderella – Lọ Lem, Cô bé quàng khăn đỏ – kể lại một cách văn chương câu chuyện có từ trong dân gian. Còn có Joseph Jacobs người Australia thế kỷ 19, nổi tiếng với Ba chú heo con, Jack và cây đậu thần…
Ở châu Á, Nhật Bản có Yei Theodora Ozaki, nữ văn sĩ sinh năm 1870, viết bộ Truyện cổ tích Nhật Bản. Trung Quốc có một đại diện, một nhà văn đương thời nổi bật là Trịnh Uyên Khiết, sinh năm 1955, được coi là ông vua của truyện cổ tích hiện đại, và tác phẩm được in ở Việt Nam khá nhiều.
Ở Việt Nam, trước đây, chúng ta có những cuốn như Chuyện ngày xưa – Một trăm cổ tích của Tô Hoài viết lại các truyện cổ tích cũ. Hoặc Những ngọn gió Hua Tát của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, là những truyện mang sắc màu cổ tích rất đậm nét.
Nhưng trong những nhà văn viết truyện cổ tích thì Andersen là đại diện nổi bật. Ông có khối lượng sáng tác bề thế, ít viết lại các câu chuyện dân gian mà viết mới, và lấy cảm hứng từ cả văn học dân gian lẫn đời sống đương thời. Truyện của Andersen rất giàu chất thơ, nhạc, nhưng lại không kém phần duyên dáng, hài hước, giễu nhại. Các nhân vật của ông không giản đơn một chiều như thường thấy trong cổ tích dân gian mà sinh động, đa chiều hơn, người hơn.
Các câu chuyện phiêu lưu ly kỳ thì thực sự ly kỳ, với nhiều tình tiết bất ngờ đầy hồi hộp. Phần kết thúc trong các truyện cổ tích của ông không nhất thiết lúc nào cũng là có hậu, tức là cái thiện thắng cái ác thua, hoặc là phải hiểu sự có hậu đó ở một tầng bậc tinh tế sâu sắc hơn. Đấy là những lý do vì sao mà truyện của Andersen người lớn và trẻ con đều đọc được và thấy thú vị.