Đẹp là mỗi nỗi đau của Eka Kurniawan bắt đầu bằng sự sống dậy của một xác chết sau 21 năm dưới mồ, một người đàn bà sống xuyên qua gập ghềnh lịch sử của đất nước Indonesia, từ thời thuộc địa Hà Lan, đến khi bị Nhật Bản chiếm đóng, thời hậu chiến với giai đoạn lên ngôi và thoái trào của chủ nghĩa Cộng sản tại Indonesia.
Thời khắc bóng ma thức tỉnh, cả một dòng thác ký ức ập về đằng đẵng, ma mị, với đầy những nhấc nháo của thời đại. Khi con người tự mình nhảy vào hố thẳm, điên cuồng sống, điên cuồng chết.
Dòng chảy lịch sử trong gia đình một người đàn bà làm điếm
Dewi Ayu bị bắt làm điếm khi đang là tù nhân chiến tranh. Nàng đã phải hầu hạ lũ lượt những người lính Nhật suốt nhiều năm để đổi lấy sự sống. Khi độc lập nàng mong muốn được trở về sống cuộc sống bình thường, nhưng số phận đã định nàng phải làm điếm, và nàng sẽ sinh ra những đứa con bị nguyền rủa như nàng.
Sách Đẹp là một nỗi đau. Ảnh: The Booksmith. |
Dewi Ayu là một ả điếm được cả vùng Halimunda kính trọng, bởi nàng quá đẹp, nàng đẹp đến mức bất kể người đàn ông nào cũng sẵn sàng trả giá mọi thứ để được ngủ với nàng. Trong kỹ viện của má mì Klong, nàng như một nàng công chúa và Klong như một nữ hoàng. Nàng được má mì yêu chiều, sẵn sàng phủ lên người nàng tất cả mọi thứ lấp lánh xa hoa của đời sống.
Căn phòng tiếp khách của nàng nơi kỹ viện chính là địa điểm chính quy tụ những kẻ có máu mặt, có vai trò định danh lịch sử vùng đất lúc bấy giờ. Cứ lần lượt họ đến nằm lên trên nàng, và rời đi, bất kể nàng đau khổ, hạnh phúc, hay vô cảm, thì nàng vẫn có thể khiến mọi người đàn ông bật khóc vì sung sướng. Âm đạo của Dewi Ayu là nơi bắt đầu cuộc chiến dục vọng và sa đọa của những người đàn ông.
Gia đình Dewi Ayu với ba cô gái xinh đẹp đến nghẹt thở, đã có ba người con rể, cũng là đại diện cho những giai tầng cơ bản nhất trong xã hội Indonesia: Shodancho – đại diện cho quân đội chính phủ, Kliwon – một đảng viên Cộng sản ưu tú, Maman Gendeng – đại diện cho lũ côn đồ phiến loạn. Mối quan hệ đầy va đập của ba người đàn ông trong gia đình này, đã khắc họa sinh động những mâu thuẫn của xã hội Indonesia trong giai đoạn lịch sử đầy thăng trầm ấy. Họ thù hận nhau, họ yêu quý nhau, họ sát bên nhau, họ ruồng bỏ nhau. Để rồi cuối cùng, vòng xoáy của chết chóc cuốn đi tất cả.
Nơi cái đẹp bị nguyền rủa
Những người phụ nữ trong Đẹp là một nỗi đau đều cuồng đắm trong một thứ nhục dục hoang tàn. Ba người đàn bà và ba người đàn ông làm tình với nhau suốt ngày đêm, cuốn phăng mình trong dòng thác nhục cảm, tội lỗi.
Cái đẹp trở thành nỗi nguyền rủa, hiện thân của sa đọa, tội ác, chết chóc, được tác giả bủa vây bằng những câu chuyện đầy hư huyễn, mê vọng, chờn vờn giữa cõi âm và cõi dương. |
Trong cuốn tiểu thuyết, tác giả nhắc nhiều lần đến tình yêu, người đàn ông nào cũng van rên tình yêu, nhưng giữa không khí đặc quánh nhục dục, trần trụi, ngạt thở ấy lại hoàn toàn thiếu vắng cảm giác về tình yêu. Cái đẹp hiện thân lên những người phụ nữ và thu nhỏ lại trong vòng âm đạo của họ. Cái đẹp trở thành thứ bị vầy vò, bởi những người đàn ông luôn chực chờ chiếm đoạt.
Không khí u mê, ảm đạm, thê thiết cứ tràn mãi qua từng ngõ ngách của câu chữ, gào thét trong một nỗi đau bất tận. Những người đàn bà trong Đẹp là một nỗi đau không phải là hiện thân trong cái buồn đầy mỹ miều như những đóa hoa, họ là chính họ, khao khát yêu, khao khát sống, để rồi bị cuốn vào vòng xoáy của của chà đạp, của đau đớn.
Cái đẹp trở thành nỗi nguyền rủa, hiện thân của sa đọa, tội ác, chết chóc, được tác giả bủa vây bằng những câu chuyện đầy hư huyễn, mê vọng, chờn vờn giữa cõi âm và cõi dương. Nơi mảnh đất này, những bóng ma sống lại, những bóng ma đeo đẳng trả thù, cứ lê lết khắp miền đất, thả ra tiếng rên, như tiếng rên của dục vọng, hủy diệt.
Môt tác phẩm đầu tay gây sửng sốt
Eka Kurniawan hoàn thành Đẹp là một nỗi đau khi chưa đầy ba mươi tuổi, và đây là cuốn tiểu thuyết đầu tay của anh. Cuốn sách ra đời đã tạo nên một cơn sóng sửng sốt với độc giả Indonesia, cũng như nhiều quốc gia khác, không chỉ bởi sự đồ sộ của cuốn sách, với nội dung độc đáo, hấp dẫn, mà kỹ thuật viết của tác giả cũng là một trong những điểm nhấn đặc sắc.
Giới phê bình luôn lấy Trăm năm cô đơn để làm điểm nhìn phân tích cuốn tiểu thuyết này. Eka Kurniawan quả thật đã học hỏi được rất nhiều từ bậc thầy Gabriel Garcia Marquez. Ở Trăm năm cô đơn, Marquez dựng nên lịch sử Colombia từ câu chuyện đầy hoang đường và truyền kỳ về dòng họ loạn luân mang nặng nghiệp chướng Buendia. Trong khi Đẹp là một nỗi đau tái dựng lịch sử của một quốc gia từ lịch sử của một gia đình đầy âm tính, quái dị với những người nữ xinh đẹp bị nguyền rủa nơi vùng duyên hải Halimunda.
Tác giả Eka Kurniawan. |
Kỹ thuật viết hiện thực huyền ảo nhuần nhuyễn của Eka Kurniawan được thể hiện trong Đẹp là một nỗi đau với đầy ắp những chi tiết phi lý, ngồn ngộn những trường đoạn mê mị như cơn hoang tưởng của những người “phê thuốc”. Những nhân vật của Đẹp là một nỗi đau đều mang đầy nét kỳ quái, vừa như người lại vừa như ma, có thể xuất hiện, có thể biến mất, như con gió lạnh biến vào hư vô. Những ám ảnh ấy rượt đuổi độc giả, ám ảnh đến khắc khoải về sự trần trụi, đau đớn đối với những thân phận người nơi ấy.
Khi tác giả dần tiết lộ người khai sinh ra vùng đất Halimunda là nàng công chúa xinh đẹp cùng chồng nàng, một con chó đực đẹp đẽ, dự cảm về những điên loạn, quái dị, và ấp ủ ngọn mầm quỷ dữ đã tồn tại ở đó, bủa vây độc giả, khiến độc giả bước vào cuốn tiểu thuyết như bước vào một vùng đất bị nguyền rủa.
Eka Kurniawan đã tạo nên một cuốn tiểu thuyết gây sửng sốt, và giúp văn chương Indonesia thoát ra khỏi “vùng trũng”. Năm 2016, Eka Kurniawan trở thành nhà văn Indonesia đầu tiên, nhà văn Đông Nam Á đầu tiên được đề cử giải thưởng Man Booker International.