“Truyện dị thường” Nam thiên chí dị là tác phẩm thứ hai sau Kỳ ảo đất phương Nam, và cũng là tác phẩm cuối cùng của cố tác giả B.S. Kỳ Hương (tên thật là Nguyễn Bửu Sơn), vừa được NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành.
Theo chia sẻ của người con gái cố tác giả, Nam thiên chí dị được ông thai nghén đồng thời với Kỳ ảo đất phương Nam, tác phẩm đầu tay xuất bản năm 2016.
Điểm dễ nhận thấy trong hai tác phẩm này là ở không gian truyện khi đều cùng lấy bối cảnh và chủ đề về những truyện kỳ ảo có tính chất kinh dị ở miền Tây Nam Bộ và Sài Gòn vào thời điểm trước và sau năm 1975.
Tuy nhiên, điểm khác biệt của Nam thiên chí dị so với Kỳ ảo đất phương Nam ở chỗ đây là “tuyển tập các truyện thuộc dạng tiểu thuyết ngắn (novella) đến rất ngắn”.
Truyện dị thường Nam thiên chí dị do NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành. Ảnh: Đình Ba. |
Để hình thành nên tác phẩm này, tác giả đã có sự gia công, thu thập tư liệu một thời gian dài mà theo chia sẻ trong phần “Thay Lời tựa” thì đó là những câu chuyện được nghe kể từ thuở ấu thơ với nhiều thể loại như chuyện đường rừng, chuyện truyền kỳ, chuyện xưa tích cũ để hù dọa con nít…
Chất liệu tạo tác nên các truyện trong Nam thiên chí dị còn được tác giả rút tỉa từ kinh nghiệm bản thân, những kỷ niệm đã qua hay từ những cuốn sách, bộ phim mà ông xem rồi ghi nhớ, gạn lọc các tình tiết phù hợp.
Xem Nam thiên chí dị, dễ nhận thấy thoảng đâu đó tùy mức độ đậm nhạt khác nhau của từng truyện, là chất liêu trai, kinh dị được tác giả dụng tâm đan cài. Bên cạnh đó là sự gia công của tác giả nên truyện lúc nhấn nhá chậm rãi, lúc lại cao trào ở tình tiết gay cấn, đủ để độc giả mắc nghiện mà không rời tay sách.
Đậm chất xưa cũ về miệt đất Tây Nam Bộ có thể kể đến các truyện như Hương Cả Cọp, Giáng Tiên lâu, Phạm Thị Ngộ… Mỗi truyện mang trong nó không chỉ đơn thuần là chất dị thường khiến người đọc sởn gai ốc, rợn tóc gáy hay lành lạnh sống lưng, mà còn ẩn tàng trong đó là phong tục, lối sống, và cả cái nghĩa đạo lý nữa.
Đọc truyện Hai cái đèn lồng kể về sự anh Ba Muôn mê đọc truyện Tàu, được làng giao canh cọp dữ đã thành tinh hóa người để lừa con mồi. Độc giả có lúc dễ “chết giấc” vì sự tinh quái của cọp, mà cũng tủm tỉm vì cái sự mê đọc truyện Tàu của anh Ba Muôn giúp anh biết được tích ông Tề giấu đầu lòi đuôi trong Tây du ký nên không bị cọp lừa.
Ở một chiều thời gian khác gần hơn với thực tại là những truyện thời bao cấp như Quasimodo, Khô lâu lộ xỉ; lại có những truyện kinh dị nhưng đậm chất hiện đại, gần gũi với cuộc sống thường ngày đang chảy trôi như Mùa thu Paris, Cái gương chiếu hậu…