Đây là năm tuyển sinh thứ hai của trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn. Đề thi môn Ngữ văn vẫn theo cấu trúc của đề thi chuyên, gồm hai phần là Nghị luận xã hội (4 điểm) và Nghị luận văn học (6 điểm).
Đề thi Ngữ văn lớp 10 chuyên trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn. |
Ở phần Nghị luận xã hội, đề bài có tính tranh biện rõ nét khi đưa ra hai ý kiến trái chiều là “Cứ sai đi vì cuộc đời cho phép” (phỏng theo lời bài hát “Vì tôi còn sống”) và ý kiến “Không nên coi sai lầm là phép thử cho cuộc đời của bạn”.
Nhiệm vụ của học sinh là bày tỏ quan điểm cá nhân bằng những lập luận chặt chẽ và bằng những trải nghiệm của bản thân và kiến thức xã hội. Hai ý kiến tưởng chừng đối lập, nhưng với trình độ của học sinh chuyên Văn tương lai, các em sẽ không khó để nhận ra hai ý kiến này bổ sung, tương trợ cho nhau để bàn luận về giá trị, ý nghĩa sự thất bại đối với con người.
Chúng ta cần hiểu đúng đắn khái niệm “sai lầm” và “phép thử” là gì. Danh ngôn có câu “Thất bại là mẹ thành công”, sai lầm thất bại là điều không thể tránh khỏi trong cuộc đời. Vấn đề là con người học hỏi được gì từ sai lầm để có bài học kinh nghiệm trong cuộc sống.
Chúng ta coi sai lầm, thất bại là bài học để thử thách lòng kiên trì, ham học hỏi và ý chí vươn lên, hay coi đó là “phép thử” như môn học, cứ sai lại thử, dẫn đến lãng phí thời gian, tuổi trẻ, tiền bạc, tri thức và có thể phung phí cả niềm tin vào chính mình.
Xu hướng ra đề mở có tính tranh biện như đề thi năm nay chắc chắn sẽ đánh giá được năng lực, hiểu biết xã hội cũng như quan điểm của học sinh. Tuy nhiên, các em học sinh nên khéo léo lập luận và đưa dẫn chứng cụ thể, phù hợp với đề bài.
Đề thi Nghị luận văn học đề cập đến tính sáng tạo, tính cá thể hóa trong thơ ca. Bên cạnh đặc trưng thơ xuất phát từ tình cảm, thơ ca cần có sự sáng tạo, in đậm dấu ấn sáng tác của mỗi nhà thơ, đòi hỏi có giọng điệu riêng.
Nam Cao đã khẳng định “Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những ai biết đào sâu, tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có”.
Mỗi tâm hồn thi nhân là một “vương quốc riêng”, mỗi bài thơ là một đứa con tinh thần riêng của người nghệ sĩ, rất khó tìm thấy sự trùng lặp trong sáng tạo.
Vì “tầm thường là cái chết của nghệ thuật”, sự lặp lại tẻ nhạt là cái chết của thơ ca. Độc đáo luôn là yêu cầu muôn đời của văn chương nghệ thuật. Học sinh cần hiểu đúng vấn đề và bằng trải nghiệm văn học của bản thân để lấy minh chứng với tác phẩm thơ ca phù hợp.
Ở đây, đề bài không giới hạn phạm vi tác phẩm, học sinh có thể phân tích tính cá thể, sự sáng tạo trong nhiều bài thơ chọn lọc của chương trình, lưu ý tránh đưa quá nhiều dẫn chứng sẽ dẫn đến viết lan man, dàn trải.
Các câu hỏi nằm trong chương trình Ngữ văn 8 và 9 là chủ yếu. Cấu trúc đề quen thuộc, đề thi có độ khó thử thách đối với học sinh và phù hợp trong thời gian làm bài 150 phút.
“Đề thi Văn chuyên THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn của Hà Nội năm nay có sự nâng cao về chất lượng và cách thức ra đề, không chú trọng nhiều vào kiểm tra kiến thức mà đánh giá toàn diện kỹ năng của học sinh”, cô Trang đánh giá.
Cô Đỗ Khánh Phượng, giáo viên Ngữ văn trường Phổ thông Hermann Gmeiner (Hà Nội), cho rằng đây là đề có cấu trúc và hình thức quen thuộc, hoàn chỉnh với hai phần Nghị luận xã hội và Nghị luận văn học.
Về phần Nghị luận xã hội, cô Phượng nhận định đây không phải đề khó. Nhưng để làm tốt, học sinh phải biết cách bảo vệ quan điểm cá nhận, biết cách lập luận bác bỏ. Đồng thời, các em cần có những dẫn chứng thực tế để bài viết hấp dẫn.
“Câu nói thứ nhất khiến con người được truyền cảm hứng để dũng cảm dấn thân, thậm chí sáng tạo và liều lĩnh. Có thất bại mới trân quý thành công. Nhưng quan trọng là phải biết sửa sai và không được phép lặp lại cùng một lỗi sai đã mắc phải. Và cũng đừng lấy lý do được phép sai để bào chữa cho sự sai lầm vô tội vạ của mỗi cá nhân”, cô Phượng nói.
Ở phần Nghị luận văn học, đề thi yêu cầu học sinh làm rõ vai trò của người nghệ sĩ trong sáng tạo văn học với nhiều yếu tố, bao gồm: Phong cách sáng tác với tính cá thể, sự riêng biệt; Sự khám phá, sáng tạo điều mới mẻ độc đáo (cả trong nội dung và hình thức); sự đề cập những vấn đề mang tầm vóc thời đại, phù hợp thẩm mỹ quần chúng mới là sáng tạo chân chính.
Vấn đề được đưa ra trong nhận xét của Xuân Diệu cũng đồng quan điểm với M. Go-rơ-ki: “Nghệ sĩ là người biết khai thác những ấn tượng riêng chủ quan của mình, tìm thấy những ấn tượng đó có giá trị khái quát và biết làm cho những ấn tượng đó có hình thức riêng”.
Đề không hạn chế tác phẩm, giai đoạn văn học nên học sinh có thể thỏa mãn sức viết. Tuy nhiên các em cần lưu ý phân bổ thời gian phù hợp với 150 phút.
Cô Phượng nói thêm, đây là đề có sức phân loại cao, thỏa sức cho học sinh chuyên Văn tương lai thể hiện năng lực của mình, từ đó trường sẽ tuyển chọn được những học sinh thực sự chất lượng.