Xuyên qua giáo dục từ cái nhìn vào chính bên trong nhìn ra, cuốn sách Dạy học trong cách mạng Công nghiệp lần thứ tư chứa đựng những đối thoại lạc quan, chia sẻ đam mê: Làm sao cho giáo dục trở thành trải nghiệm chuyển đổi đích thực, thúc đẩy công nghệ kết nối, cùng niềm tin luôn có giải pháp cho mọi khó khăn học tập.
Sách Dạy học trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Ảnh: NL. |
Những câu chuyện truyền cảm hứng
Thành viên Tổ công tác Giáo dục Mục tiêu Toàn cầu Ngô Thành Nam quyết tâm mang đến cho học sinh lớp 5 cơ hội vận dụng khả năng sáng tạo của mình.
Thông qua các dự án và hội nghị trực tuyến, học sinh của anh đã làm việc với học sinh ở mọi phần châu lục có nhiều người sinh sống để tìm ra giải pháp cho tình trạng khan hiếm và ô nhiễm nguồn nước, các vấn đề về bình đẳng giới và phòng chống lạm dụng tình dục trẻ em.
Học sinh của anh hiểu được sự cần thiết phải tăng khả năng sáng tạo, học để phát triển và áp dụng kiến thức thu thập được từ trường học để trở thành những nhà cải cách xã hội.
Trong suốt quyển sách, nhiều câu chuyện về các giáo viên ở vị trí tiền tuyến được kể lại. Inés Bukacio ở Argentina dạy cho những đứa trẻ ở bệnh viện, Belinda ở Canada tạo cơ hội cho học sinh bản địa kết nối với cội nguồn văn hóa, chống lại sự bất công mà các em nhìn thấy trên đất nước mình.
Tracy-Ann Hall, giáo viên ở đảo quốc Jamaica tập trung sự đồng cảm vào từng học sinh, lấy kinh nghiệm từ chứng khó đọc của mình, Tracy đã giúp các học sinh bị gạch tên ra khỏi hệ thống vì quá nghèo vượt qua được những nhận thức tiêu cực về mình và bắt đầu thành công.
Santhi ở Ấn Độ phát triển một chương trình mang tính đột phá nhằm tăng cường kỹ năng giao tiếp xã hội và sự tự tin của học sinh. Cũng ở Ấn Độ, Robin Chaurasiya xây dựng môi trường học tập từ các em học sinh mà nhiều người trong số họ là nạn nhân của nạn buôn người, hoặc con của gái mại dâm.
Tất cả đều nhờ vào công nghệ, tất cả đều khuyến khích trẻ em sử dụng việc học tập của mình để giúp đỡ người khác. Những trẻ em của “thế hệ Z” phải được tiếp cận với công nghệ. Ở đó, có thầy cô giáo hỗ trợ kiến thức, kỹ năng, năng lực và sự đồng cảm để vượt qua các vấn đề mà các em sẽ phải đối mặt.
Những giáo viên như Maggie, Belinda, Robin, Nam, Kunle, Tracy-Ann, Sathi và Ines đã thiết kế được những bài giảng thấy đáo, truyền cảm hứng và đầy tác động.
“Những bức tranh lớn” cho giáo viên, học sinh
8 chương sách được viết bởi Armand Doucet, Jelmer Evers, Elisa Guerra, tiến sĩ Nadia Loperz, Michael Sokil và Koen Timmers. Các tác giả này nằm trong số những giáo viên đứng lớp có ảnh hưởng và sáng tạo trên thế giới, đến từ nhiều quốc gia khác nhau, những người từng đoạt giải thưởng danh giá Giáo viên Toàn cầu.
Trong mỗi bài viết và qua những mẫu hình sinh động từ thực tiễn dạy học, các tác giả nêu ra những kinh nghiệm và băn khoăn của họ, vốn cũng là những quan tâm chung của giáo viên khắp thế giới, dù ở nước phát triển hay đang phát triển.
Nhiều câu hỏi lý thú đã được đem ra thảo luận: Liệu có thể thay thế giáo viên bằng công nghệ? Làm cách nào giáo viên có thể dạy học cho những học sinh vốn thành thạo về công nghệ hơn cả chính mình? Làm cách nào nâng cao vị thế của giáo viên, trao thêm quyền cho giáo viên, triển khai việc cá thể hóa trong học tập, đào tạo lại giáo viên, chuẩn bị học sinh cho những thách thức việc làm trong tương lai?
Vấn đề tưởng vẫn như cũ nhưng lại vô cùng mới mẻ do những thách thức của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Sách đưa ra cái nhìn về dạy học trong thời công nghệ. Ảnh: NL. |
Như nhận định của những nhà giáo này, nền giáo dục hiện nay đang ở trên bờ vực thẳm do những sáo mòn của quá khứ (việc bám theo giáo khoa, việc học để thi cử, việc thiếu giáo viên giỏi, tiền lương thấp và việc thiếu đào tạo, các hệ thống quan liêu trong giáo dục…).
Câu hỏi được đặt ra là phải làm thế nào khi đứng trước bờ vực thẳm đó? Câu trả lời khá đơn giản: Chúng ta chỉ có thể nhảy xuống đó hoặc… bay lên.
Vậy nên, 8 chương sách có thể là những chủ dẫn cho giáo viên “biến đổi”mình như thế nào. Cũng như cho cả những phụ huynh đứng trước lựa chọn của thời đại, có nên áp đặt chủ kiến của mình lên việc dạy và học cùng con.
Giáo dục nhấn mạnh sự đồng cảm, như cách tác giả Michael nói ở chương 1, hay như bản tường thuật về một “Bộ ảnh chụp nhanh” của Elisa ở chương 2, để ta nghe được tiếng nói của các giáo viên và chuyên gia khắp nơi trên thế giới.
Mô hình “Teach Me” trong chương 4 của Armand cung cấp cái nhìn tổng quan về việc đẩy mạnh tri thức, năng lực hay tính cách của lớp học, dựa trên 4 trụ cột của Unesco: Học để biết; Học để làm; Học để làm người: Học để chung sống.
“Teach Me” giúp giáo viên thiết kế lớp học để chuẩn bị học sinh cho một thế giới nơi các em sẽ làm việc và sinh sống giữa những người có nguồn gốc văn hóa, tôn giáo và chủng tộc đa dạng.
Hay như chương 8 “Lật ngược hệ thống”, nhiều giáo viên giờ đây đang xây dựng giáo án của mình dựa trên mô hình được gọi là lớp học đảo ngược, giáo viên sẽ quay bài giảng của mình và đưa lên mạng cho học sinh truy cập. Thời gian thực tế trên lớp là lúc để thảo luận và học thêm.
Không ai biết trước được tương lai, cũng như “Không thể ngăn chặn bước đi của công nghệ. Dù trường học nằm ở bất kỳ đâu”. Tuy nhiên, “Công nghệ không phải là giáo viên. Nó chỉ ở đó để hỗ trợ giáo viên mà thôi. Nếu bạn khăng khăng rằng công nghệ sẽ thay thế giáo viên thì cũng giống như bạn nói chiếc búa sẽ thay thế người thợ mộc vậy”.
“Trẻ em cần một nét nghệ thuật của sự kết nối con người để đạt được tiềm năng độc đáo của chúng. Điều đó đến từ một giáo viên, phụ huynh hoặc cả hai”, trích cuốn sách.
Phải chăng “Giáo dục chân chính phải sóng đôi với bản chất con người; nó phải chạm đến trái tim, tinh thần và đôi tay”, nhưng hơn hết thảy, điều đó cũng phải khiến cho con em chúng ta cảm thấy hạnh phúc và khỏe mạnh.