Những suy tính về trường học cho con xuất hiện trong kế hoạch của vợ chồng tôi khi hai con trai Bin, Bon lên 4 tuổi. Lúc đó, chúng tôi có ít lựa chọn, chưa dám xác định do kinh tế còn eo hẹp. Mọi phương án chỉ ở dạng 50/50.
Xác định cố gắng vì việc học của con, chúng tôi nỗ lực hơn. Sau hơn một năm, gia đình có thêm lựa chọn song vẫn chưa quyết định mà còn chờ sang năm, đến tận trường khảo sát rồi mới chắc chắn gửi con vào trường nào.
Vợ chồng chị Thu Hiền xem xét việc chọn trường từ lúc Bin, Bon (hai bé trai trong hình) lên 4 tuổi. Ảnh: T.H. |
Hàng loạt câu hỏi khi con vào lớp 1
Cũng như mọi ông bố bà mẹ khác, tôi mong muốn cho con môi trường tốt. Vì thế, việc chọn trường có nhiều yếu tố cần cân nhắc như chương trình học, giáo viên, cơ sở vật chất, không gian trường học và cả vị trí địa lý… Vấn đề học phí cũng rất quan trọng.
Nhà có hộ khẩu ở Hà Nội, tức con có thể học đúng tuyến tại trường công. Mà trường công hay trường tư đều có ưu, nhược điểm. Hiện tại, cơ sở vật chất ở trường công được đầu tư tạm ổn, giáo viên nhẹ nhàng, trình độ cũng khá hơn trước. Học phí rẻ, tính cả các khoản phí thì tổng cũng khoảng 2 triệu đồng/tháng cho cả học phí và các chương trình phụ trợ như múa, vẽ, học võ….
Tuy nhiên, nhược điểm của nó ở chỗ số lượng học sinh quá đông. Giáo viên không thể quan tâm hết. Thêm vào đó, lượng kiến thức ở lớp nặng, tan học, con còn phải học thêm. Chưa kể đến, trường công không có dịch vụ trông muộn – bất tiện cho phụ huynh.
Trường tư có thể giải quyết vấn đề này song học phí cao hơn hẳn. Tôi lập danh sách một số trường phù hợp rồi tìm hiểu, thấy tổng chi phí một tháng cũng rơi vào 8-10 triệu đồng. Gia đình tôi hai con sinh đôi nên chi phí cũng gấp đôi.
Chúng tôi ước tính chi phí học tập cho hai con khoảng 200 triệu đồng/năm học. Cũng may, tạm thời, dịch bệnh chưa tác động gì đến kinh tế gia đình. Cho con học trường tư, gia đình sẽ giảm bớt ở các chi phí khác.
Học phí cao nhưng bù lại, trường tư vừa cho học theo chương trình của Bộ GD&ĐT vừa chú trọng thêm Tiếng Anh, có các chương trình dã ngoại, hoạt động ngoại khóa, ít học sinh, giáo viên quan tâm chu đáo, học sinh được rèn nhiều kỹ năng…
Ngoài ra, tôi còn tham khảo một số phụ huynh từng cho con học trường công và tư, lên website tìm hiểu. Tuy nhiên, tôi chưa đến tận các trường tự khảo sát. Do đó, mọi thông tin mới chỉ mang tính tham khảo.
Hiện tại, tôi đang nhắm mục tiêu đến một trong 3 trường là Thăng Long Victory, Newton và Tuệ Đức. Một số trường khác gần nhà, có thể tôi sẽ xem xét thêm. Con cái là trung tâm cuộc sống nên mọi lựa chọn quan trọng như cho con học ở đâu phải được cân nhắc kỹ.
Đầu năm học tới, tôi sẽ đến từng trường mình nhắm tới, khảo sát cơ sở vật chất, quan sát giáo viên, xem chương trình học cụ thể, hoạt động ngoại khóa, thực đơn, ưu đãi học phí…
Họ đặt mục tiêu cho con trải qua những năm học tiểu học vui vẻ. Ảnh: T.H. |
Chỉ cần con vui vẻ
Hiện tại, Hà Nội có nhiều trường tư, phụ huynh có nhiều lựa chọn. Điều quan trọng, chúng tôi cần xác định nhu cầu của gia đình. Trường tốt chưa chắc đã phù hợp.
Tôi ưu tiên chọn trường gần vì tôi nghĩ trẻ em không nên dành quá nhiều thời gian cho việc di chuyển đến trường. May mắn, khu tôi ở mới mở một số trường trong hệ thống trường tư thục khá ổn.
Việc dạy các con hòa nhập môi trường mới cũng là điểm khiến tôi lo lắng. Hai con đang rất vui vẻ với ngôi trường hiện tại, không hề biết chỉ học thêm ở đây một năm nữa. Do đó, chúng tôi sẽ phải nói chuyện để con hiểu lý do ba mẹ chọn cho con trường khác.
Chương trình dạy cũng là yếu tố quan trọng nhưng tôi nhận thấy hai con không phải kiểu tài năng, nhiều lúc còn rất ngô nghê. Chương trình tốt mà con không có tố chất để theo cũng mệt.
Do đó, mục tiêu của cả hai vợ chồng là con làm quen với môi trường mới. Ở tiểu học, việc học chỉ bình thường, chơi là chủ yếu. Chúng tôi cùng hướng tới mục tiêu cho con có tuổi thơ đúng nghĩa, vui chơi thoải mái, nô đùa với các bạn. Nếu được, con học thêm kỹ năng sống kỷ luật, nề nếp, biết tiếng Anh, có kỹ năng nói chuyện hoặc tự tin hơn một chút vì hai con tính hơi rụt rè.
Chúng tôi không kỳ vọng con phải học hành giỏi giang, mạnh khỏe, tự tin là được. Việc học hành chỉ cần biết đọc, viết, cộng trừ theo đúng lứa tuổi. Vì thế, tôi không cho con học lớp tiền tiểu học hay luyện chữ đẹp.
Cũng may, trong vấn đề nuôi dạy con, hai vợ chồng có chung quan điểm – chỉ mong con sống vui vẻ, khỏe mạnh, học theo năng lực. Sau này, con phát triển theo con đường con chọn, kể cả làm thợ sửa xe. Chúng tôi chỉ định hướng con cần học tốt tiếng Anh và Tin học.
Việc cho con thi học sinh giỏi hoàn toàn không nằm trong kế hoạch. Nhờ vậy, cả gia đình đều thoải mái, đỡ đau đầu khi chọn trường cho con học lớp 1.