Nhắn tin đến từng học sinh mời chào nhập học, gửi giấy trúng tuyển hàng loạt sau khi xét học bạ THPT là những cách tuyển sinh của một số trường đại học ngoài công lập hiện nay. Nhiều trường còn áp dụng tặng điểm cho thí sinh nộp hồ sơ nguyện vọng sớm.
Một số chuyên gia cho rằng có thể mở đầu vào nhưng vẫn cần có ngưỡng để đảm bảo chất lượng, tránh tuyển sinh ồ ạt bằng phương thức cạnh tranh thiếu lành mạnh.
Xét tuyển học bạ là phương thức phổ biến. Một số chuyên gia cho rằng cần tránh việc hạ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để đảm bảo chất lượng. Ảnh minh họa: Việt Hùng. |
Bài toán số lượng hay chất lượng
Trao đổi với Zing, TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng ĐH FPT, cho rằng các trường có thể chọn phương án chất lượng hoặc số lượng khi tuyển sinh. Nếu chọn chất lượng, trường ấn định mức điểm nhận hồ sơ từ đầu, minh bạch tiêu chí để thí sinh biết mình có đủ điều kiện đăng ký xét tuyển không.
Ông thông tin đây là cách thức ĐH FPT tuyển sinh. Trường đặt điểm sàn chất lượng, xét tuyển đầu vào.
Thí sinh truy cập đường link do trường cung cấp, nhập điểm học bạ hoặc điểm thi tốt nghiệp THPT để tra cứu. Nếu nằm trong nhóm 50% điểm cao, các em mới đủ điều kiện đăng ký xét tuyển.
Ông Tùng đánh giá để lọt nhóm này, thí sinh phải đạt từ 21 điểm trở lên theo tổ hợp 3 môn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trường sẽ giữ nguyên ngưỡng này, kể cả tuyển không đủ chỉ tiêu.
TS Lê Trường Tùng cho hay thực tế, một số trường vẫn chạy theo số lượng, tìm cách tuyển đủ chỉ tiêu như kế hoạch. “Quan niệm này tồn tại ở cả trường công lẫn trường tư. Một số trường hạ điểm chuẩn, thậm chí xuống rất thấp, vì tuyển không đủ”, ông Tùng nói.
Việc chọn chất lượng hay số lượng, các trường cần cân nhắc. Nếu theo chất lượng, trường có thể tuyển không đủ chỉ tiêu. Chọn số lượng, chất lượng không đảm bảo, sớm muộn xã hội cũng phát hiện. Lúc đó, việc tuyển sinh càng khó.
Nếu chọn chất lượng, trường có thể gặp khó khăn ban đầu nhưng định hình được uy tín trong xã hội. Hơn nữa, tuyển sinh không phải vấn đề đáng ngại khi chỉ tiêu một trường chỉ chiếm 1-2% số thí sinh có nguyện vọng học đại học của cả nước.
“Phát triển trường đại học là việc lâu dài. Vì thế, năm nay, trường có thể tuyển ít một chút để đảm bảo chất lượng, tạo đà cho các năm tiếp theo. Bây giờ, trường chạy theo số lượng sẽ ‘chết’ ở các năm sau đó”, ông Tùng nêu quan điểm.
TS Lê Trường Tùng chia sẻ vận hành một trường đại học cần nguồn lực lớn. Nhờ đó, trường chấp nhận những thời điểm tuyển sinh không như ý muốn, nguồn thu không đủ, vẫn có thể xây dựng trường, từng bước khẳng định tên tuổi. Nếu chỉ cần một vài năm không tuyển đủ, trường hết nguồn thu, lúc đó dễ tuyển sinh đủ bằng mọi cách. Những trường như vậy sẽ khó tồn tại.
Tuyển ồ ạt khó làm chặt đầu ra
TS Lê Trường Tùng cho rằng nên coi trọng đầu ra hơn đầu vào nhưng điều đó không có nghĩa thả lỏng hoàn toàn. Việc tuyển sinh có thể không quá chặt vì trường và sinh viên còn 4 năm để “sửa sai”, hỗ trợ đảm bảo chất lượng. Hơn nữa, chuyện đầu vào đôi khi “học tài thi phận”.
Ông nhấn mạnh đầu ra phải rất chặt chẽ. Tấm bằng sinh viên nhận được là minh chứng cho chất lượng của trường. Nếu sinh viên tốt nghiệp, chất lượng kém, các nhà tuyển dụng nhận ra ngay. Vì thế, trường có quyền không cho thí sinh tốt nghiệp nếu không đảm bảo chất lượng.
Những trường tuyển sinh kiểu “vơ bèo vạt tép”, tôi nghi ngờ họ thả lỏng quá trình dạy, bằng cấp có vấn đề.
TS Lê Trường Tùng
“Một vài em kém, trường có thể dồn nguồn lực đào tạo. Nhưng quá nhiều em kém, trường lấy đâu ra giáo viên kèm cặp sinh viên. Nếu cho trượt môn, sinh viên lại lãng phí thời gian, tiền bạc”, ông phân tích.
Vì thế, về mặt nguyên tắc, ở khâu tuyển sinh, trường cần có ngưỡng đảm bảo chất lượng. Nếu hạ thấp để tuyển đủ, cả bộ máy sẽ phải vật lộn để đảm bảo chất lượng. Hoặc tệ hơn, các trường thả nổi nốt đầu ra.
Ông nói thêm thực tế, trường quan tâm đầu ra không dám thả lỏng đầu vào. Đầu vào – ra là chuỗi quan hệ tổng thể, không tách bạch được.
Với những trường tuyển sinh kiểu “vơ bèo vạt tép”, ông nghi ngờ họ thả lỏng quá trình dạy, “làm lung tung từ đầu đến đuôi”. Sau đó, bằng cấp cho sinh viên cũng có vấn đề.
Xét tuyển phải xuất phải từ nguyện vọng học sinh
TS Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng ĐH Phú Xuân (Thừa Thiên – Huế), cũng ủng hộ việc mở đầu vào. Ông đánh giá ở nước ta, vào đại học tương đối khó trong khi học lại dễ. Điều này ngược lại với các nước khác. Họ mở đầu vào.
Nhiều nơi, thí sinh chỉ cần đăng ký là có thể vào học. Song, nếu học không tốt, sinh viên không thể tốt nghiệp, bị đào thải hoặc phải chuyển hướng khác.
“Sinh viên nước ta vào đại học khó. Nhiều khi, buộc thôi học một sinh viên là quyết định rất nặng nề cho các trường”, TS Minh nói.
Ông cho biết thêm sắp tới, Bộ GD&ĐT trả về cho các trường tự tuyển sinh, tức là không còn phụ thuộc điểm thi. Lúc đó, các trường tuyển sinh như nước ngoài. Làm nghiêm túc, trường có thêm căn cứ từ bài luận, phỏng vấn. Xét tuyển học bạ vẫn là xu hướng. Phương thức này đơn giản, phù hợp những ngành yêu cầu bình thường.
Cũng theo ông Miinh, mở đầu vào, trường vẫn cần đến ngưỡng đảm bảo chất lượng. Đặc biệt, với những ngành khó, trường không thể lấy đầu vào quá thấp vì sinh viên không học được.
Về công tác tuyển sinh, ông Minh đánh giá trường công lập hay tư thục đều giống nhau, có trường tuyển tốt, có trường gặp khó khăn. Để thu hút thí sinh, các trường đại học thường tư vấn tuyển sinh ở trường THPT, lấy thông tin, cho học sinh điền phiếu.
Tuy nhiên, việc xét tuyển phải xuất phát từ nguyện vọng của thí sinh. Các em nộp hồ sơ, bảng điểm về trường. Lúc đó, trường mới làm thủ tục xét và cấp giấy báo nếu thí sinh trúng tuyển.