Ngày 27/8, Hội đồng tuyển sinh Đại học Tôn Đức Thắng thông báo ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào các ngành trình độ đại học theo phương thức xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021.
Cụ thể, điểm xét tuyển được tính theo thang 40, là tổng điểm 3 môn tổ hợp (nhân hệ số môn theo tổ hợp, ngành xét tuyển), cộng với điểm ưu tiên đối tượng/khu vực (nếu có), được làm tròn đến 2 chữ số thập phân.
Năm 2021, Đại học Tôn Đức Thắng tuyển sinh cho 40 ngành tiêu chuẩn và 17 ngành chất lượng cao. Điểm sàn xét tuyển cho các ngành dao động từ 21 đến 30. Ngành Dược học lấy điểm sàn cao nhất là 30 điểm.
Ngành Ngôn ngữ Anh, Quản trị kinh doanh, lấy mức điểm 29, cao hơn 1 điểm so với mức sàn năm 2020. Ngành Marketing và Kinh doanh quốc tế vẫn giữ nguyên ngưỡng đầu vào là 29 điểm.
Đại học Tôn Đức Thắng lấy điểm sàn cao nhất là 30. Ảnh: Việt Hùng. |
Cùng ngày, Học viện Ngoại giao Việt Nam công bố điểm chuẩn và điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh đối với thí sinh đăng ký xét tuyển theo phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.
Theo đó, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào năm 2021 đối với thí sinh đăng ký theo phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021 là 22 điểm. Mức điểm này được tính theo thang 30, chưa nhân hệ số và đã bao gồm điểm ưu tiên khu vực và đối tượng.
Nhà trường lưu ý điểm tối thiểu của mỗi môn trong tổ hợp xét tuyển phải lớn hơn 1.
Ngoài ra, đối với phương thức xét tuyển này, Học viện Ngoại giao không sử dụng kết quả miễn thi môn ngoại ngữ; không sử dụng kết quả điểm thi được bảo lưu từ các kỳ thi tốt nghiệp THPT, kỳ thi THPT quốc gia các năm trước để xét tuyển; không cộng điểm ưu tiên thí sinh có chứng chỉ nghề.
Về quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh, nhà trường điều chỉnh cho hai ngành là Kinh tế quốc tế và Ngôn ngữ Anh. Ngành Kinh tế quốc tế nâng tổng chỉ tiêu từ 60 lên 70, trong khi ngành Ngôn ngữ Anh tăng thêm 5 chỉ tiêu, các ngành khác vẫn giữ nguyên, không điều chỉnh.
Thí sinh đăng ký xét tuyển vào Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cần đạt mức điểm từ 18-23, tùy theo từng ngành đào tạo. Nhà trường lưu ý đây là mức điểm cho tổ hợp môn B00 (Toán, Hóa, Sinh) và không nhân hệ số, cộng với điểm ưu tiên (nếu có).
Năm nay, trường tuyển sinh cho 9 ngành đào tạo. Ngưỡng đầu vào cho ngành Y khoa, Răng – Hàm – Mặt và Dược học phải đạt trên 23 điểm. Ngành Điều dưỡng, Kỹ thuật xét nghiệm y học và Kỹ thuật hình ảnh y học lấy điểm sàn 19. Ba ngành còn lại là Dinh dưỡng, Y tế công cộng và Khúc xạ nhãn khoa lấy ngưỡng 18 điểm.
Với ngành Khúc xạ nhãn khoa, thí sinh phải có điểm thi tốt nghiệp THPT 2021 môn Tiếng Anh đạt từ 7 trở lên.
Ngày 26/8, Hội đồng tuyển sinh Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) công bố điểm sàn cho phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT năm 2021. Điểm sàn cho 41 ngành dao động từ 18 đến 20, tùy theo từng ngành đào tạo.
So với năm 2020, ngưỡng xét tuyển của trường vẫn giữ nguyên. Một số ngành lấy mức sàn 20 điểm là Ngôn ngữ Anh, Báo chí, Tâm lý học,…
Hội đồng tuyển sinh cho biết, sau khi kết thúc thời gian điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển, trường sẽ tiến hành xét tuyển từ cao xuống thấp, dựa trên đăng ký và điểm thi của thí sinh. Tùy vào số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào từng ngành, điểm chuẩn có thể bằng điểm sàn hoặc cao hơn.
Trước đó, Đại học Công nghiệp TP.HCM thông báo mức điểm chuẩn cho thí sinh đăng ký tại cơ sở TP.HCM và phân hiệu Quảng Ngãi.
Đối với chương trình đại trà, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cho tất cả ngành là 18,5 điểm. Thí sinh đăng ký chương trình chất lượng cao và liên kết quốc tế cần đạt có tổng điểm 3 môn tổ hợp xét tuyển ít nhất là 17,5.
Riêng tại phân hiệu Quảng Ngãi, mức sàn cho tất cả ngành là 16 điểm.