Tuần lễ Vàng diễn ra từ ngày 17/9 – 24/9/1945 với sự hưởng ứng tích cực của nhân dân cả nước, đặc biệt là các nhà tư sản, tầng lớp công thương ở Hà Nội. Với giá trị quy đổi là 370 kg vàng và 20 triệu đồng Đông Dương góp vào Quỹ Độc lập, Tuần lễ Vàng đã giúp Chính phủ lâm thời giải quyết khó khăn bức thiết về tài chính, tạo cơ sở cho công cuộc kháng chiến, kiến quốc.
Vai trò của người giàu trong Tuần lễ Vàng
Trên báo chí đương thời, nhất là báo Cứu quốc, cơ quan tuyên truyền, tranh đấu của Việt Minh, Tuần lễ Vàng năm 1945 được cập nhật khá đầy đủ. Tờ báo này có những bài tường thuật chi tiết không khí tại từng địa điểm tổ chức, cũng như số lượng vàng nhân dân đóng góp mỗi ngày. Bên cạnh đó, tờ báo còn ghi lại cảm xúc của những người đã quyên góp một phần của cải của mình cho Tổ quốc.
Báo Cứu quốc số 45, ra ngày 17/9/1945 có bài bài Tuần lễ Vàng đã bắt đầu cho biết không khí sôi nổi, hăng hái của lễ khai mạc Tuần lễ Vàng ở Nhà hát lớn. Ngay trong ngày khai mạc, ban tổ chức đã thu được tổng cộng số vàng là: 835 lạng 2 đồng cân. Những người đóng góp nhiều nhất trong ngày đầu tiên có thể kể đến là cụ Trịnh Phúc Lợi và ông bà Trịnh Văn Bô 102 lạng, ông bà Lê Cường đóng góp 50 lạng…
Gia đình cụ Trịnh Phúc Lợi và ông bà Trịnh Văn Bô trong lễ khai mạc Tuần lễ Vàng tại Nhà hát Lớn, ngày 17/9/1945. Nguồn: infonet. |
Báo Cứu quốc, số 46, ra ngày 18/9/1945 có bài Ngày thứ hai trong Tuần lễ Vàng 17-9 cho biết Tuần lễ Vàng diễn ra ở Hội Khai trí Tiến Đức. Bài báo tiếp tục nhấn mạnh vai trò đóng góp của những người giàu trong Tuần lễ Vàng.
“Phú hào đó là cái đích của Tuần lễ Vàng trông vào. Cho nên, có những nhà hảo tâm đã mang đến một số vàng lớn, nhìn thấy rất rõ tất cả ý nghĩa thiêng liêng của một tuần lễ đặc biệt để xây dựng nền tảng vững chắc cho Bộ Quốc phòng, còn hứa mang thêm đến nữa”.
“Bao nhiêu cũng là ít! Phải hy sinh tất cả số vàng “có” trong nhà! Nghĩ thế nhiều nhà giàu có đã mang vàng đến Tuần lễ Vàng rồi, vội vã trở về lấy thêm nhiều nữa, có khi lấy tất cả mang đến”, bài báo viết.
Kết quả ngày thứ 2 của Tuần lễ Vàng không nhiều bằng ngày khai mạc khi thu về: 233 lạng 5 đồng cân 4 phân, nhưng bài báo cho biết rất nhiều tấm yêu nước trong Tuần lễ Vàng. “Lòng yêu nước trong Tuần lễ Vàng nhiều lắm, nhiều lắm. Mỗi người mang Vàng đến cúng đã tỏ rõ một tấm lòng yêu nước rồi”, bài báo viết.
Báo Cứu quốc, số 47, ra ngày 19/9/1945 có bài Ngày “Vàng” ở phố Hàng Quạt, cho biết diễn diến của ngày thứ ba Tuần lễ Vàng. Bên cạnh việc tiếp tục ghi nhận các trường hợp sốt sắng giúp nước bài báo còn ghi lại tâm trạng của những người không có vàng đem hiến.
“Em xấu hổ lắm. Đến mà không có vàng cúng thì xấu hổ lắm”. Đó là suy nghĩ của một cô gái trẻ khi đến hội quán. Nét mặt cô gái trẻ này buồn giống nét mặt của một thiếu phụ trong ngày đầu Tuần lễ Vàng. “Chị đến Nhà hát Lớn với mấy trăm bạc giấy. Ngày hôm trước chị mang số tiền đó đi mua vàng. Không đâu có để chị mua cả. Chị đến để xin cúng mấy trăm bạc thay cho Vàng vậy, nhưng Tuần lễ Vàng không nhận tiền cho chị. Chị lủi thủi ra về”, bài báo viết.
Ngoài ra, bài báo cũng cho biết lời của cụ Trịnh Phúc Lợi, người đã đóng góp 102 lạng vàng trong ngày khai mạc. Cụ nói: “Sở dĩ tôi tôi mang cúng một phần gia tài là vì sau này, tôi không muốn con cháu tôi làm nô lệ nữa”.
Cuộc lạc quyên tại Bắc Bộ phủ
Báo Cứu quốc, số 48, ra ngày 21/9/1945 có bài Vài ngày vàng tại sân vận động Hàng Đẫy và quán Trung Đồ. Bên cạnh việc mô tả không khí tại một số địa điểm của Tuần lễ Vàng, bài viết cho biết ban tổ chức đã cho phép nhận tiền thay vàng và kết quả thu được của 3 ngày.
Ngày 18/9: 463 lạng 188 vàng, 5 cân tây 180 bạc, tiền thay vàng 24.103 đồng. Ngày 19/9: 183 lạng 472 vàng, 7 lạng tây 10 bạc, tiền thay vàng 8.608 đồng. Ngày 20/9: 169 lạng 762 vàng, 3 cân tây 460 đồ bạc, tiền thay vàng 12.855 đồng.
Ông Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ (ảnh chụp lại tại di tích nhà số 48 phố Hàng Ngang). Ảnh: M.C. |
Cũng trên số báo này, còn có bài Ai sẽ nhận chức xung phong Tuần lễ Vàng cho biết ngày 18/9 có khoảng 30 nhà giàu đến họp tại Bắc Bộ phủ.
Bài báo viết: “10 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến, nói trong mấy phút, đại ý hô hào các phú gia Hà Nội cố làm cho Tuần lễ Vàng ở thủ đô Bắc bộ kết quả hơn Sài Gòn, và để cho thế giới biết rằng toàn dân nước Việt Nam ai cũng đồng lòng giúp nước… Đoạn cụ lui vào nhường anh Phạm Văn Đồng, Bộ trưởng Bộ Tài chính và ông Trưởng ban tổ chức Nguyễn Hữu Tiệp hội ý với các nhà phú hào”.
Bài báo cũng cho biết chức xung phong Tuần lễ Vàng chưa ai dám nhận, nhưng có một cuộc lạc quyên diễn ra ngay trong buổi họp. Bài báo viết: “Ông Trịnh Văn Bô đã cúng 102 lạng vàng, nhận cúng thêm tiền cho đủ 50 vạn đồng. Ông Đỗ Đình Thiện tức Cát Lợi đã cúng 81 lạng vàng, cúng thêm 1 triệu đồng. Bà Hòa Tường và bà Đức Sinh xin cúng thêm tiền, cộng với số vàng đã cúng cho chẵn 30 vạn bạc mỗi người và hứa cúng thêm 40 vạn nữa cho đủ số 1 triệu. Ông Nguyễn Hữu Tiệp 600 tạ thóc để ở Thanh Hóa, ông Sen Hồ cả số thóc thu trong vụ mùa tới…”.
Báo Cứu quốc, số 49, ra ngày 22/9/1945 có bài Ngày vàng 21/9 tại Đại lý Hoàn Long, ngoại châu khu Hoàng Diệu. Bài viết cho biết kết quả thu được ngày này là 338 lạng 582 vàng, 6 cân 100 bạc, 8.950 đồng bạc giấy. Ông Mai Văn Hàm biếu 1 căn nhà diện tích 1.192 m2 (tương đương 24.726 đồng)…
Báo Cứu quốc số 50 ngày 24/9 cho biết không khí ngày cuối cùng của Tuần lễ Vàng, đồng thời đăng tin Hoãn ngày bế mạc Tuần lễ Vàng chuyển sang chủ nhật, ngày 30/9 ở khu Hoàng Diệu vì mưa bão.
Ai sẽ là người đứng đầu sổ Vàng cứu quốc? là nhan đề bài bình luận đăng trên báo Cứu quốc số 52, ngày 27/9. Bài viết cho biết lý do lập sổ Vàng cứu quốc là: “Muốn nhớ ơn các vị đã nhiệt thành với việc quốc phòng, muốn để đời sau còn biết những phú hào cứu quốc, ban tổ chức đã làm cuốn “sổ Vàng” ghi tên tất cả các vị cúng vàng trong Tuần lễ Vàng”.
Bài báo cũng cho biết kỷ lục 102 lạng vàng của Tuần lễ Vàng đã bị ông Nguyễn Sơn Hà phá, khi ông đóng góp 105 lạng vàng và đưa ra một số dự đoán.
“Dư luận cũng sôn sao [xôn xao] nhiều vị còn đợi ngày bế mạc mới xuất đầu lộ diện. Nhiều người tự hỏi ai sẽ được Chủ tịch tặng huy chương vàng, ai sẽ chụp tấm hình kỷ niệm với Chủ tịch để đứng đầu cuốn sổ Vàng lưu truyền cho hậu thế”.
“Trong khi chờ đợi Quỹ độc lập cũng nhận vàng của những người ở xa, và cam đoan giữ bí mật đến ngày chủ nhật mới tuyên bố”, bài báo viết.