Đặng Nguyễn Đông Vy là cái tên quen thuộc với độc giả trẻ. Bằng tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, cây bút vừa làm báo, vừa viết văn này đã mang đến cho độc giả những tác phẩm đáng đọc. Có thể kể đến như Hãy tìm tôi giữa cánh đồng, Làm ơn hãy để con yêu, Những lối về ấu thơ và Nếu biết trăm năm là hữu hạn (hai tác phẩm viết cùng Phạm Công Luận, lấy chung bút danh là Phạm Lữ Ân).
Trong đó, Hãy tìm tôi giữa cánh đồng được xuất bản lần đầu năm 2012 và nhanh chóng nhận về sự đón nhận của độc giả, được tái bản nhiều lần.
Ở lần tái bản này, cuốn sách xuất hiện với hình thức bìa độc đáo. Bìa mềm được in đổi chiều hai nửa nội dung (một tản văn, một truyện ngắn). Bản bìa cứng được thiết kế thành hai cuốn sách có bìa nối liền nhau, tạo cảm giác như đang kéo bức bình phong khi lật mở.
Tác phẩm gồm hai phần: Tản văn và truyện ngắn. Từng trang văn sẽ đưa bạn đọc bước vào một khoảng trời chứa đầy ký ức của tác giả. Mảnh ký ức đó là tâm tư riêng của Đặng Nguyễn Đông Vy, nhưng cũng rất đỗi gần gũi với những ai sinh ra tại vùng quê, có một nơi để luôn nhớ thương, hướng về.
Hồi ức tuổi thơ
Ở phần tản văn, tác giả Đặng Nguyễn Đông Vy kể về thuở ấu thơ của mình với những kỷ niệm đan xen dõi theo chị ngay cả khi trưởng thành. Đó là những ký ức đẹp đẽ, không thể nào quên về một thời ngây dại.
Sách được thiết kế như chiếc bình phong. Ảnh: P.N.C. |
Phần này gồm 22 câu chuyện, chất chứa những câu văn mượt mà, đầy xúc cảm trong trẻo, hồn nhiên, đưa độc giả quay lại với những ngày còn bé bỏng, khi cả gia đình quây quần trong căn nhà nhỏ.
Qua trang văn của tác giả, bạn đọc như nhìn thấy hình ảnh người ông móm mém, thích ăn món mãng cầu bơ; người bà phúc hậu, ngồi xỏ mành ốc gạo bên đứa cháu gái nhỏ; người mẹ chăm chỉ lo chuyện vườn tược và người cha cặm cụi quấy hồ dán cho con làm thủ công.
Đặc biệt, chúng ta còn cảm nhận được không khí ngập tràn yêu thương trong ngôi nhà nhỏ nơi ông nội tự tay đào móng, trộn vữa và đặt từng viên gạch. Nơi đây đã đón nhận bao lượt khách lỡ giờ, chậm xe mà không hề tính phí. Trong ký ức của tác giả, đó còn là mái ấm đã giúp đỡ một người đàn bà xa lạ suýt đẻ rơi bình yên hạ sinh con.
Trải qua thời gian, từng lượt người thập phương cứ đến rồi đi, nhưng câu chuyện về lòng nghĩa hiệp, hào sảng, sẵn sàng giúp đỡ người khác cứ thế ngày một chất đầy.
Với tác giả, ngôi nhà không chỉ là ngôi nhà, mà là tổ ấm thương yêu, là kỷ niệm. Nó cũ kỹ đơn sơ nhưng đã che chở cho cả một gia đình, từ khi đứa con con đầu lòng ra đời đến khi đứa út tốt nghiệp đại học. Nó nhỏ bé chật chội song lại luôn mở cửa để chở che cho cả những mảnh đời nào đó tình cờ ghé ngang.
Chia sẻ về quãng thời gian tươi đẹp đó, tác giả Đặng Nguyễn Đông Vy viết: “Đó là khi tôi không phải băn khoăn giữa tham vọng và trách nhiệm, không cảnh giác và dè chừng. Tôi chỉ là chính tôi, đơn sơ và trong trẻo, hồn nhiên và yêu đời như những cô cậu mục đồng khác, chạy lon ton trên cánh đồng trong bộ quần áo lấm lem cũ kỹ, chiếc mũ vải nát nhàu rách rưới, làn da sạm cháy khô sần dưới ánh nắng mùa hè, đôi chân trần nóng bỏng dẫm lên đất đai rơm rạ.
Và hạnh phúc đơn giản chỉ là được ngồi ngất nghểu trên lưng chú bò thân thuộc đã no căng, thổi một khúc ca vui nhộn bằng chiếc kèn lá. Thong dong trở về…”.
Ký ức là của riêng tác giả, nhưng khi đọc những trang văn này, chắc hẳn mỗi người trong chúng ta sẽ tự vẽ nên cho mình một bức tranh thôn quê Việt Nam trong tâm trí, tự tìm về cho mình một miền ký ức riêng để rồi cùng nhau hoài tưởng và thổn thức nhớ về.
Tác giả Đặng Nguyễn Đông Vy. Ảnh: Chiron Dương & Thắng Hoàng/Luxuo. |
Những chuyện tình thuở mộng mơ
Tiếp nối phần tản văn là phần truyện ngắn. Mạch thời gian trong trang sách có sự thay đổi rõ rệt. Nếu như ở phần trước, những câu chuyện trong gia đình được tái hiện qua ký ức tuổi thơ; ở phần này, tác giả tập trung chủ yếu vào những mối tình ngây thơ, vụng dại nhưng lại rất đỗi đẹp đẽ, khó quên.
Đó là nhiều chuyện tình chớm nở trong những năm tháng đầy hoa mộng, bay bổng nhưng đôi lúc cũng phảng phất nỗi niềm riêng và man mác buồn.
Thế nhưng, đó lại là những cung bậc cảm xúc cần có, giúp con người ta thi thoảng có thể nhớ về và đắm chìm trong đó, để rồi khẽ mỉm cười, lấy ký ức làm hành trang và sẵn sàng trưởng thành.
Phần truyện ngắn gồm 11 câu chuyện tình yêu với những màu sắc khác nhau. Có khi là những rung động chớm nở tuổi học trò. Cũng có lúc lại khắc khoải, đau đáu vì chuyện tình chưa kịp nở đã chóng tàn phai.
Những câu chuyện tình đó được tác giả lấy tên thật nhẹ nhàng: Tonic và chocolate nóng, Tạm biệt Rainy, Thánh đường xưa…
Vẻ đẹp trong tác phẩm Hãy tìm tôi giữa cánh đồng không chỉ được thể hiện bởi câu chuyện tinh tế, đa chiều; mà còn toát lên qua cách miêu tả không gian đa sắc màu và thanh âm chân thật. Đó có thể là khu vườn hoa đung đưa trong làn gió nhẹ, cũng có thể là tiếng chuông nhà thờ ngân nga ở Đà Lạt phủ kín sương mù.
Những câu chuyện tình yêu của Đặng Nguyễn Đông Vy làm dịu mát tâm hồn người đọc bởi lối viết nhẹ nhàng, đong đầy cảm xúc. Đọc chúng, ta như cảm nhận được nỗi đau đáu khôn nguôi hay nỗi lòng thổn thức, quay quắt nhớ về mối tình đẹp đẽ đầu đời của chính bản thân mình, để rồi thấy thấm thía hơn cuộc sống hiện tại.