Công tác này đã góp phần làm phân hóa sâu sắc hàng ngũ kẻ thù, khiến tinh thần chiến đấu của địch bị giảm sút, suy yếu, làm thất bại âm mưu thâm độc “dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh” của thực dân Pháp.
Công tác địch vận còn góp phần làm sức mạnh và uy tín cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam ngày càng lên cao, giúp cho nhiệm vụ tác chiến của bộ đội thêm nhiều thuận lợi, tạo sức mạnh tổng hợp tiến lên đánh bại kẻ thù xâm lược.
Trong cuốn Công tác địch vận trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 1945-1954, từ việc tham khảo những nguồn tư liệu nghiên cứu khả tín, nhất là các tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Bộ Quốc phòng, Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, tác giả Lê Văn Cử đã tái hiện tương đối đầy đủ, toàn diện quá trình tiến hành công tác địch vận trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, từ chủ trương cho đến hành động.
Sách Công tác địch vận trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954). |
Công tác địch vận trong những ngày đầu kháng chiến
Tác giả cho biết trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, cùng các hoạt động quân sự, chính trị, ngoại giao, kinh tế, công tác địch vận được sử dụng là mũi tiến công sắc bén vào hàng ngũ kẻ thù.
Tùy từng thời kỳ, công tác này có những tên gọi khác nhau như: Tâm công, binh vận, địch vận, binh – địch vận và tuyên truyền đặc biệt.
Trong kháng chiến chống Pháp, công tác địch vận là bộ phận vận động cách mạng của Đảng, một mũi tiến công của cách mạng, của nghệ thuật quân sự Việt Nam; một mặt của hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Công tác này có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, giáo dục, giác ngộ và tổ chức sĩ quan, binh sĩ quân đội Pháp ủng hộ chính nghĩa, đứng về phía cách mạng, chống lại chiến tranh xâm lược, chiến tranh phi nghĩa, làm cho quân đội Pháp tan rã về chính trị, tư tưởng, tinh thần và tổ chức.
Lực lượng tham gia công tác địch vận gồm cán bộ, chiến sĩ trong các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam và đông đảo quần chúng nhân dân.
Trong cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ và gian khổ chống thực dân Pháp xâm lược, công tác địch vận được Hội nghị Cán bộ Trung ương (7/1947) xác định: “Tác chiến quan trọng thế nào thì địch vận cũng cần như thế”.
Khi cuộc kháng chiến mới nổ ra, thực dân Pháp huy động lực lượng lớn binh lính Âu – Phi, gồm 24 quốc tịch khác nhau. Bên cạnh đó, lực lượng binh lính người Việt cũng góp mặt với số lượng ngày càng tăng. Trọng tâm công tác địch vận lúc ban đầu là tập trung đối tượng này với các hình thức như rải truyền đơn, gọi loa; kẻ, vẽ khẩu hiệu; phát hành báo chí.
Nội dung tuyên truyền vạch rõ âm mưu xâm lược của thực dân Pháp, khẳng định cuộc kháng chiến chính nghĩa của dân tộc Việt Nam nhất định thắng lợi, kêu gọi binh lính địch phản chiến, đòi hồi hương, đào ngũ tập thể…
Vào những ngày đầu kháng chiến, công tác địch vận chưa có cơ quan chuyên trách lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất. Sau khi Phòng Địch vận thuộc Cục Chính trị, Bộ Quốc phòng được thành lập, tháng 6/1947, Nha Thông tin và Cục Chính trị, Bộ Quốc phòng, thống nhất giao hẳn công tác địch vận cho quân đội phụ trách. Từ đây, hệ thống chỉ huy địch vận được hình thành trong toàn quân và cả nước.
Công tác địch vận ngày càng phát triển và hoạt động hiệu quả
Sau thất bại trong cuộc tiến công lên Việt Bắc, thực dân Pháp phải chuyển sang “đánh kéo dài”, thực hiện chính sách “dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”.
Chúng củng cố, bình định những vùng đã chiếm đóng, xúc tiến mạnh việc lập tề, đẩy mạnh xây dựng chính quyền thân Pháp và phát triển nhanh đội quân người Việt.
Căn cứ thành phần đội quân xâm lược Pháp, phương châm địch vận được đề ra đối với binh sĩ Âu – Phi là tiếp tục nêu cao khẩu hiệu “ưu đãi tù binh, hàng binh, thương binh, thả tù binh”.
Ngày 22/9/1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Đông Dương ra chỉ thị về việc thống nhất công tác địch vận. Chủ trương và quyết định thống nhất này của Đảng đã làm cho công tác địch vận được tổ chức và lãnh đạo chặt chẽ, ngày càng hoạt động có hiệu quả, không chỉ ở vùng địch hậu mà còn ngay cả trong các chiến dịch.
Năm 1951, Hội nghị Địch vận phổ biến phương châm vận động lính Âu – Phi tranh đấu là “đòi hồi hương và hòa bình ở Việt Nam”, coi đó là khẩu hiệu trung tâm.
Hội nghị cũng ra Nghị quyết xác định công tác vận động binh lính người Việt trong hàng ngũ địch là công tác trọng yếu. Chủ trương của Chủ tịch Hồ Chí Minh là khoan hồng với những người sớm quy về với Tổ quốc, trọng thưởng người lập công.
Từ giữa năm 1951-1953, công tác địch vận tiếp tục phát triển. Tại các vùng tạm chiếm, vùng tranh chấp ở Đồng Bằng Bắc Bộ, Bình Trị Thiên, Liên khu 5 phát triển mạnh mẽ. Ngành địch vận, thông qua cấp ủy, chính quyền địa phương vận động nhân dân tham gia công tác, tiến hành gọi loa, rải truyền đơn, gặp gỡ, gây nhân mối trong binh lính người Việt. Phong trào đấu tranh chống bắt lính, đòi chồng, đòi con cũng phát triển mạnh mẽ.
Trong các chiến dịch Quang Trung, Hòa Bình Tây Bắc, công tác địch vận được chú trọng và tiến hành có hiệu quả, kể cả việc tuyên truyền và thực hiện chính sách tù binh, hàng binh.
Giữa năm 1953 đến tháng 7/1954, thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Chính phủ công tác địch vận được đẩy mạnh ở khắp các địa phương trên cả nước.
Đảng và chính quyền các địa phương đẩy mạnh công tác binh, địch vận thành cao trào tiến công mạnh mẽ. Theo thống kê chưa đầy đủ, từ tháng 12/1953 đến 5/1954, 35.873 binh lính người Việt rời bỏ hàng ngũ địch trở về quê.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, công tác địch vận vẫn tiếp tục được tiến hành. Kết quả là có thêm hàng nghìn binh lính địch đã nhận ra chính nghĩa, bỏ ngũ trở về nhà.
Cũng trong cuốn sách, tác giả Lê Văn Cử còn phân tích, rút ra đặc điểm, ý nghĩa và một số kinh nghiệm của công tác địch vận trong kháng chiến chống thực dân Pháp có thể tham khảo, vận dụng và phát huy trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.