Connect with us

Sách hay

Cống hiến của văn, nghệ sĩ trong đại dịch

Được phát hành

,

Tổ chức bếp ăn từ thiện, hỗ trợ vận chuyển lương thực, đóng góp lời thơ, tiếng hát là những điều mà nhiều văn, nghệ sĩ đã làm trong mùa dịch.

TP.HCM vừa trải qua những ngày tháng chống chọi dịch bệnh Covid-19 khốc liệt. Trong cuộc chiến ấy, không ít văn, nghệ sĩ đã nhập cuộc cùng chính quyền và nhân dân thành phố ngay từ những ngày đầu.

Nhiều người hẳn không quên hình ảnh giữa sân bệnh viện dã chiến với hàng nghìn bệnh nhân F0 đang điều trị cùng các y, bác sĩ nỗ lực giành giật sự sống. Tiếng kèn và giọng ca của các nghệ sĩ sau lớp khẩu trang đã truyền yêu thương, tinh thần động viên. Âm thanh ấy làm lay động lòng người, thôi thúc ý chí vượt qua nghịch cảnh.

Để khẳng định cống hiến của họ, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP.HCM phối hợp Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM thực hiện tổ chức, biên soạn cuốn sách Cây kèn và chiếc khẩu trang.

Advertisement
Cong hien cua van,  nghe si trong dai dich anh 1

Cuốn sách Cây kèn và chiếc khẩu trang. Ảnh: Quỳnh My.

Văn, nghệ sĩ cũng là chiến sĩ

Ấn phẩm Cây kèn và chiếc khẩu trang tập hợp những sáng tác của văn, nghệ sĩ TP.HCM trong những ngày chiến đấu với dịch bệnh vừa qua.

Cuốn sách gồm 194 tác phẩm thuộc 5 loại hình: Văn học, âm nhạc, sân khấu, mỹ thuật và nhiếp ảnh của 138 tác giả là nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ, đạo diễn, nhạc công…

Trong cuộc chiến ấy, nhiều nghệ sĩ đã quên mình, lăn xả bất chấp hiểm nguy để đem hàng hóa lương thực, bình oxy đến với những khu cách ly. Giữa hàng trăm bếp ăn từ thiện ở khắp thành phố, nhiều căn bếp được dựng lên bởi các nghệ sĩ.

Ở góc độ sáng tác, họ cũng phát huy tối đa năng lượng sáng tạo và trách nhiệm “văn, nghệ sĩ là chiến sĩ” của mình.

Ngay từ đầu tháng 6/2021, khi toàn dân hưởng ứng thông điệp “5K” của thành phố, nhiều tác phẩm nghệ thuật đa thể loại đã được sáng tác, len lỏi qua từng khu phố. Có thể kể đến ca khúc Sài Gòn mùa thương của đạo diễn Xuân Phước, phim tài liệu Ranh giới của VTV…

Advertisement

Những ca khúc, bộ phim, vần thơ, truyện ngắn như một liều thuốc động viên tinh thần lớn tới người dân TP.HCM, góp phần không nhỏ gây dựng niềm tin chiến thắng đại dịch.

Ấn phẩm đặc biệt này cũng là lòng tri ân của giới văn, nghệ sĩ TP.HCM đối với những người đã tham gia vào công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Cong hien cua van,  nghe si trong dai dich anh 2

Một bức ảnh của nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong chụp chiến sĩ đi chợ giúp các gia đình trong những ngày TP.HCM thực hiện Chỉ thị 16. Bức ảnh này được đưa vào cuốn sách Cây kèn và chiếc khẩu trang. Ảnh chụp sách: Quỳnh My.

Bài ca về tình người trong đại dịch

Kêu gọi và thực hiện chỉ trong vài tháng nhưng Cây kèn và chiếc khẩu trang lột tả được phẩm chất cao đẹp của người Việt trong gian khó. Họ đã biết đoàn kết, bảo ban và tự dặn nhau, dặn lòng cùng cố gắng. Mỗi người đóng góp chút ít tâm sức với mong muốn tạo nên “vùng xanh” cho thành phố nói riêng và cả nước nói chung.

Được viết bởi nhiều tác giả, ấn phẩm này cũng thể hiện tình cảm yêu thương, ngợi ca vẻ đẹp về tình người và lòng nhân ái đã tỏa sáng trong những tháng ngày đùm bọc nhau giữa cơn đại dịch.

Cuốn sách gồm 5 phần. Phần 1 – Văn học – tập hợp những bài thơ, truyện ngắn, bút ký của các tác giả như: Bài thơ Sài Gòn những ngày chậm (Hồ Thi Ca), truyện ngắn Và chiến thắng vì tình yêu cuộc sống (Hoài Hương), Viết từ tâm dịch (Trịnh Bích Ngân), bút ký Những nhà văn phía sau mạng xã hội (Trầm Hương).

Advertisement

Ở phần 2 – Âm nhạc – độc giả có thể nhìn lại những ca khúc được sáng tác trong thời điểm TP.HCM bùng dịch như: Đứng dậy đi em (Vũ Hải Long), Sài Gòn mùa thương (Xuân Phước), Ấm áp cây gạo nghĩa tình (Đặng Quang Vinh), Những thiên thần áo trắng (Ngọc Sáng), Đồng đội ơi lên đường (Huy Tập).

Những bức tranh sơn dầu Thắp tin yêu (Trần Văn Mạnh), tranh màu nước Sài Gòn 5K (Đỗ Đình Miền), gốm Trốn Covid (Vũ Dung)… nằm ở phần 3 – Mỹ thuật.

Đến phần 4 – Sân khấu – người đọc có cơ hội tiếp cận những tác phẩm kịch nói Cuộc chiến không cân sức (Lê Thu Hạnh), kịch bản sân khấu Blouse trắng (Miên Thảo) hay kịch Niềm tin chiến thắng (Nguyễn Thanh Bình).

Nhiều bức ảnh chân thật về cuộc chiến chống dịch cũng được ghi lại, nằm ở phần 5 – Nhiếp ảnh. Có thể kể đến bộ ba ảnh Đi chợ giúp các gia đình trong những ngày tháng thực hiện Chỉ thị 16, Tiếp nhận tro cốt của các nạn nhân tử vong vì Covid-19, Vận chuyển lương thực – thực phẩm đến các gia đình khó khăn (Thế Phong); bộ ba ảnh Những đóa hoa mùa dịch, Vaccine đến mọi nhà, Vì dân phục vụ (Võ Quốc Thanh)…

Nhà thơ Lê Tú Lệ – Phó chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật TP.HCM – cho biết chỉ sau hơn ba tuần kêu gọi, tổ chức này đã nhận được gần 300 tác phẩm. Có tác giả gửi về hơn 10 tác phẩm với mong muốn được chọn lọc để đưa vào tập sách ý nghĩa này.

Advertisement

“Bằng ấn phẩm đặc biệt này, chúng tôi xin gửi gắm lòng tri ân vô hạn của giới văn nghệ sĩ TP.HCM đến y, bác sĩ, tình nguyện viên, công an, quân đội, những người tuyến đầu chống dịch đã hy sinh quên mình vì tính mạng, sức khỏe của người dân thành phố”, nhà thơ Lê Tú Lệ chia sẻ.

Cây viết gạo cội này cũng đóng góp những vần thơ trong Cây kèn và chiếc khẩu trang để kể câu chuyện đẹp về người nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn đem tiếng kèn đến bệnh viện dã chiến lúc đêm khuya.

Bà viết: “Giữa cây kèn saxophone và chiếc khẩu trang / Bầy virus đánh đu trên từng nốt nhạc… Sân bệnh viện dã chiến bỗng chốc hóa khán phòng / Muốn ô cửa sáng đèn nghẹn ngào dự khán / Tựa ngàn lá phổi thương đau / Người nghệ sĩ rút hơi mình thổi vào hy vọng / Thổi vào khát vọng sống / Tiếng kèn vút lên kích hoạt tình người”.

Nguồn: https://zingnews.vn/cong-hien-cua-van-nghe-si-trong-dai-dich-post1295523.html

Advertisement
Tiếp tục đọc
Quảng cáo

Sách hay

Kinh tế học thời khó nhọc

Được phát hành

,

Bởi

Trong cuốn sách này, hai tác giả Abhijit V. Banerjee – nhà kinh tế học nổi tiếng xuất thân từ MIT và Esther Duflo đã đem đến cho độc giả một cái nhìn đa chiều hơn về mối liên hệ giữa kinh tế và các vấn đề xã hội. Để giải quyết các vấn đề về kinh tế, các giải pháp đẩy mạnh sản xuất và kinh doanh là chưa đủ, bên cạnh đó cần đẩy mạnh an sinh xã hội.

Giai đoạn 1950-1970 được coi là thời kỳ huy hoàng về phát triển kinh tế ở châu lục già. Các nhà máy mọc lên như nấm, GDP đầu người không ngừng tăng. Kéo theo đó là sự phát triển mạnh mẽ của giáo dục và y tế.

Kinh te hoc anh 1

Ba người đàn ông đang đọc các tin tức về kinh tế trên báo vào đầu năm 1970 tại New York. Ảnh: N.Y.T.

Trong khoảng 30 năm có lẻ giữa thời điểm kết thúc Thế chiến Hai và cuộc khủng hoảng OPEC, tốc độ tăng trưởng kinh tế ở Tây Âu, Mỹ và Canada đạt mức cao chưa từng có trong lịch sử.

Từ năm 1870 đến năm 1929, GDP bình quân đầu người ở Mỹ đã tăng với tốc độ chưa từng thấy bấy giờ là 1,76%/ năm. Trong bốn năm sau năm 1929, GDP bình quân đầu người sụt giảm một mức thảm khốc, 20%, không phải vô cớ mà người ta lại gọi thời kì đó là cuộc Đại Suy thoái, nhưng lại phục hồi khá nhanh.

Advertisement

Tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm trong giai đoạn 1929-1950 thực ra nhỉnh hơn giai đoạn trước đó một chút. Nhưng từ năm 1950 đến năm 1973, tốc độ tăng trưởng hằng năm đã tăng lên 2,5%; giữa 1,76% và 2,5% có nhiều khác biệt hơn ta nghĩ khi thoạt nhìn. Với tốc độ tăng trưởng 1,76%, phải mất 40 năm để GDP bình quân đầu người tăng gấp đôi, nhưng chỉ mất 28 năm với mức 2,5%.

Châu Âu có một lịch sử sáng tối lẫn lộn hơn trước năm 1945, phần vì các cuộc chiến tranh của nó, nhưng sau năm 1945, mọi thứ thực sự bùng nổ. Khi Esther được sinh ra hồi cuối năm 1972, nước Pháp có GDP bình quân đầu người gấp khoảng bốn lần so với thời điểm bà Violaine mẹ cô ra đời năm 1942.

Bấy giờ, đó là chuyện thường đối với các nước Tây Âu. GDP bình quân đầu người ở châu Âu tăng 3,8%/ năm trong giai đoạn 1950-1973. Không phải ngẫu nhiên mà người Pháp gọi 30 năm sau chiến tranh là les Trente Glorieuses(Ba mươi năm huy hoàng).

Tăng trưởng kinh tế được thúc đẩy bởi sự gia tăng nhanh chóng trong năng suất lao động, hay số lượng sản phẩm được sản xuất ra sau mỗi giờ làm việc. Tại Mỹ, năng suất lao động tăng 2,82%/năm, nghĩa là nó sẽ tăng gấp đôi sau mỗi 25 năm.

Mức tăng năng suất lao động này là đủ lớn để thừa sức bù đắp cho sự sụt giảm số giờ làm việc trên đầu người diễn ra trong cùng thời gian này. Ở nửa sau của thế kỉ, tuần làm việc đã giảm 20 giờ ở Mĩ và châu Âu.

Advertisement

Và cuộc bùng nổ trẻ sơ sinh sau chiến tranh đã làm giảm tỉ lệ người trưởng thành trong độ tuổi lao động trong dân số vì thế hệ bùng nổ dân số (1946-1965) hồi đó đang là các… em bé.

Điều gì đã khiến người lao động làm việc hiệu quả hơn? Phần vì họ đã được giáo dục tốt hơn. Một người dân điển hình sinh vào những năm 1880 chỉ học đến lớp bảy, trong khi một người dân điển hình sinh vào những năm 1980 có trung bình hai năm học đại học. Và họ được làm việc với nhiều máy móc cũng như với những máy móc tốt hơn. Đây là thời kì mà điện và động cơ đốt trong dần chiếm lĩnh vai trò trung tâm của chúng.

Bằng cách đặt ra những giả định có phần cường điệu, ta có thể ước đoán được đóng góp của hai nhân tố này. Robert Gordon tính toán rằng trình độ học vấn cao hơn lý giải cho mức tăng năng suất lao động vào khoảng 14% của giai đoạn này, và nguồn vốn đầu tư giúp trang bị cho người lao động những máy móc với số lượng lớn hơn và chất lượng tốt hơn để làm việc đã lý giải thêm 19% mức tăng.

Phần còn lại của sự cải thiện năng suất quan sát được không thể được giải thích bằng thay đổi trong những thứ mà các nhà kinh tế có thể đo lường được.

Để an ủi chính mình, các nhà kinh tế đã đặt tên riêng cho nó: năng suất nhân tố tổng hợp, hay TFP (Total Factor Productivity). (Nhà kinh tế học tăng trưởng nổi tiếng Robert Solow đã định nghĩa TFP là “thước đo cho sự ngu dốt của chúng ta.”)

Advertisement

Tăng trưởng trong năng suất nhân tố tổng hợp là những gì còn lại sau khi chúng ta đã tính đến tất tần tật mọi thứ ta có thể đo lường. Nó khái quát thực tế là những lao động có cùng trình độ học vấn làm việc với cùng những loại máy móc và đầu vào (cái mà các nhà kinh tế gọi là vốn) hôm nay tạo ra nhiều sản lượng/ giờ làm việc hơn so với năm trước.

Điều này rất hợp lý. Chúng ta không ngừng tìm cách sử dụng những nguồn lực hiện có một cách hiệu quả hơn. Điều này phản ánh phần nào trong tiến bộ công nghệ: chip máy tính ngày càng rẻ hơn và nhanh hơn, vì vậy một thư ký giờ đây có thể hoàn thành chỉ trong vài giờ khối lượng công việc mà trước đây phải cần một nhóm nhỏ mới làm xuể; những hợp kim mới được phát minh; những giống lúa mì mới lớn nhanh hơn và cần ít nước tưới hơn được đưa vào gieo trồng.

Nhưng năng suất nhân tố tổng hợp còn tăng khi chúng ta khám phá ra những cách mới để giảm lãng phí hoặc rút ngắn thời gian mà nguyên liệu thô hoặc người lao động buộc phải ngồi không. Các đổi mới trong phương pháp sản xuất như sản xuất theo dây chuyền hoặc sản xuất tinh gọn mang lại tác động tương tự. Những việc như tạo lập một thị trường thuê mướn máy kéo tốt cũng vậy.

Nguồn: https://znews.vn/thoi-ky-tang-truong-huy-hoang-cua-kinh-te-chau-au-post1502909.html

Advertisement
Tiếp tục đọc

Sách hay

Ra mắt sách ‘Kiến trúc Hà Nội – 70 năm Giải phóng Thủ đô (1954-2024)’

Được phát hành

,

Bởi

Cuốn sách nhìn lại chặng đường phát triển của kiến trúc, đô thị Hà Nội từ năm 1954 đến nay và mong muốn xây dựng, phát triển Thủ đô trong tương lai.

Kien truc Ha Noi anh 1

Quang cảnh lễ ra mắt sách.Ảnh: Thụy Du

Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024), ngày 7-10, tại Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội tổ chức lễ ra mắt cuốn sách Kiến trúc Hà Nội – 70 năm Giải phóng Thủ đô (1954-2024). Tiến sĩ, kiến trúc sư Dương Đức Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội dự.

Cuốn sách được UBND thành phố Hà Nội cho chủ trương để Tạp chí Kiến trúc Việt Nam, Viện Kiến trúc quốc gia (Bộ Xây dựng) chủ trì, triển khai tập hợp các chuyên gia, các nhà quản lý biên soạn.

Phát biểu tại lễ ra mắt cuốn sách, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn bày tỏ, mặc dù đã có nhiều tác giả, nhóm tác giả với nhiều ấn phẩm nghiên cứu về Hà Nội ở các góc cạnh khác nhau, nhưng có lẽ điều đó vẫn chưa đủ để có thể hiểu biết hết về Hà Nội, một thành phố phát triển và sở hữu nhiều di sản, đặc biệt trong những giai đoạn phát triển quan trọng.

Advertisement

“Đó cũng là một trong những lý do mà thành phố Hà Nội luôn khuyến khích công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng thực tiễn nhằm bổ sung, bồi đắp thêm những kiến thức, giá trị nghiên cứu khoa học dành cho Hà Nội nói chung cũng như lĩnh vực kiến trúc, đô thị Hà Nội nói riêng”, đồng chí Dương Đức Tuấn nói.

“Cuốn sách Kiến trúc Hà Nội – 70 năm Giải phóng Thủ đô (1954-2024) ra đời là sự nhìn nhận lại chặng đường phát triển của kiến trúc, đô thị Hà Nội từ năm 1954 đến nay và những mong muốn phát triển cho một Hà Nội trong tương lai”, đồng chí Dương Đức Tuấn nhấn mạnh.

Kiến trúc Hà Nội – 70 năm Giải phóng Thủ đô (1954-2024) dày 440 trang, do Nhà Xuất bản Xây dựng ấn hành. Sách gồm 5 phần: “Kiến trúc Hà Nội – Chặng đường 70 năm phát triển”, “Định hướng quản lý và phát triển kiến trúc Hà Nội”, “Kiến trúc đô thị, cảnh quan đô thị Hà Nội, nhận diện bản sắc, kế thừa và phát huy giá trị”, “Kiến trúc Hà Nội – Những góc nhìn cho tương lai”, “Thông tin các văn bản quy phạm pháp lý liên quan đến quy hoạch, kiến trúc Hà Nội”. Mặc dù với mốc thời gian được tính từ năm 1954 đến nay song cuốn sách vẫn có một chương trong phần 1 khái quát về lịch sử cũng như sự hình thành, phát triển của kiến trúc, đô thị Hà Nội từ năm 1954 trở về trước.

Theo Tổng Biên tập Tạp chí Kiến trúc Việt Nam Phạm Thanh Huyền, cuốn sách là tập hợp trí tuệ của gần 30 tác giả đều là những kiến trúc sư đang hoạt động trong lĩnh vực quản lý và nghiên cứu. Cuốn sách đánh giá tổng quan và sâu sắc về các chặng đường phát triển của kiến trúc, đô thị Hà Nội, đặc biệt có những góc nhìn, phân tích và nhận diện sắc nét về bản sắc dân tộc trong kiến trúc và cảnh quan đô thị.

Kien truc Ha Noi anh 4

Cuốn sách nhìn lại chặng đường phát triển kiến trúc, đô thị Hà Nội 70 năm qua. Ảnh: Thụy Du

Cuốn sách có sự tham gia của Giáo sư, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính; Giáo sư, kiến trúc sư Doãn Minh Khôi; PGS.TS, kiến trúc sư Trần Minh Tùng; các Tiến sĩ, kiến trúc sư: Nguyễn Tất Thắng, Trần Thanh Bình, Trương Ngọc Lân, Tạ Quốc Thắng, Nguyễn Minh Đức, Ngô Doãn Đức, Trương Văn Quảng; các kiến trúc sư: Nguyễn Trọng Kỳ Anh, Nguyễn Luận, Phạm Thanh Tùng…

Advertisement

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức – Znews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức – Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: [email protected]. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

Nguồn: https://znews.vn/ra-mat-sach-kien-truc-ha-noi-70-nam-giai-phong-thu-do-1954-2024-post1498856.html

Advertisement
Tiếp tục đọc

Sách hay

Nhà ngoại giao định hình nước Pháp thời hậu Napoleon

Được phát hành

,

Bởi

Nhà ngoại giao Talleyrand là nhân vật gây tranh cãi trong lịch sử Pháp. Bằng những bước đi đầy tính thực dụng, ông đã giữ vững ảnh hưởng của Pháp trên trường quốc tế.

lich su anh 1

Chân dung nhà ngoại giao Talleyrand. Ảnh: History.

Kể từ thế kỷ thứ 19 cho đến nay, nhà ngoại giao Talleyrand của Pháp luôn là nhân vật gây tranh cãi bởi các học giả. Ngay trong thời khắc một chính quyền chuẩn bị suy tàn, ông đã âm thầm thúc đẩy những cuộc lật đổ để khai sinh ra một bộ máy mới.

Dẫu vậy, không ai có thể phủ nhận những đóng góp của ông đã nâng tầm vị thế của nước Pháp trong bối cảnh châu Âu rơi vào các cuộc chiến khốc liệt.

Ngoại giao cửa sau kiểu Talleyrand

Charles Maurice de Talleyrand-Périgord (1754-1838) là một trong những nhà ngoại giao tài ba của Pháp. Ông nổi bật với khả năng tận dụng các mối quan hệ cá nhân trong việc điều hành chính sách đối ngoại. Mục tiêu của ông nhắm đến chính là những người vợ của các chính khách có ảnh hưởng, để đạt được mục tiêu của Pháp.

Advertisement

Talleyrand dùng nhiều cách để lấy lòng Dorothée, vợ của cháu trai ông, và nữ công tước de Dino, chị gái của bà, người có mối quan hệ thân thiết với Metternich – một nhà ngoại giao nổi tiếng của Áo. Nhờ đó, ông Talleyrand có thể gặp và thương lượng một cách không chính thức với Metternich về vai trò của Pháp tại châu Âu. Từ đó tạo lợi thế cho nước mình trên bàn các cuộc đàm phán sau này.

Ngoài ra, ông Talleyrand còn biết khai thác sự ảnh hưởng của các phụ nữ khác trong xã hội thượng lưu. Ông kết thân với bà Fanny von Arnstein, người tổ chức những buổi tiệc xa hoa cho trí thức tại Vienna, nơi nhiều chính khách châu Âu gặp gỡ và thảo luận. Thông qua bà Fanny von Arnstein, nhà ngoại giao Pháp này đã có các cuộc gặp gỡ không chính thức với nhiều tầng lớp thượng lưu. Điều này tạo điều kiện cho ông thuyết phục các đại biểu từ các quốc gia khác thay đổi quan điểm về Pháp, một quốc gia bại trận sau hàng loạt cuộc chiến tranh giành quyền lực cuối thế kỷ 19.

lich su anh 2

Cuốn sách Talleyrand – Bậc thầy của nền ngoại giao chính trị. Ảnh: Nhà xuất bản Tri thức.

Theo các nhà sử học, những nỗ lực trên của ông Talleyrand đều hướng vào Đại hội Vienna (1814-1815), nơi các cường quốc châu Âu quyết định tương lai của lục địa sau sự sụp đổ của Napoleon. Tại sự kiện này, ông Talleyrand đã thành công thuyết phục các cường quốc như Anh, Áo, Phổ và Nga để cho phép Pháp tham gia vào các cuộc thảo luận bí mật, dù ban đầu quốc gia này bị loại khỏi quá trình ra quyết định.

Kết quả là ông bảo vệ quyền lợi của Pháp, không chỉ giữ được ranh giới lãnh thổ trước chiến tranh năm 1792, mà còn tránh cho Pháp phải trả thêm các khoản bồi thường chiến tranh.

“Tại Đại hội Vienna, Talleyrand đã xuất sắc xoay chuyển tình thế để giữ cho Pháp một vị trí quan trọng trong các cuộc đàm phán, ngay cả khi quốc gia này phải đối mặt với sự thất bại quân sự”, tác giả Evgenij Viktorovič Tarle viết trong cuốn sách Talleyrand – Bậc thầy của nền ngoại giao chính trị.

Advertisement

Vai trò của chính trị gia Talleyrand trong giai đoạn này không chỉ dừng lại ở việc bảo vệ lợi ích quốc gia, mà còn tạo ra một hình mẫu về ngoại giao linh hoạt và khôn khéo trong bối cảnh châu Âu đầu thế kỷ 19. Mặc dù sự nghiệp chính trị của ông gặp nhiều sóng gió, đặc biệt sau sự trở lại ngắn ngủi của Napoleon vào năm 1815, Talleyrand vẫn duy trì tầm ảnh hưởng của mình cho đến tận những năm 1830.

Những ảnh hưởng lâu dài của Talleyrand

Những năm cuối trong sự nghiệp ngoại giao của ông Talleyrand đã chứng kiến những nỗ lực không ngừng nghỉ nhằm củng cố vị thế của Pháp trên trường quốc tế. Sau khi bị buộc phải từ chức dưới triều đại vua Louis XVIII vào năm 1815, Talleyrand sống trong sự im lặng một thời gian dài. Nhưng ông vẫn không ngừng theo dõi và can thiệp vào các sự kiện quốc gia. Đến năm 1829, với bản năng chính trị sắc bén, ông dẫn đầu phong trào lật đổ vua Charles X và đưa vị chỉ huy Louis-Philippe lên ngôi, mở ra thời kỳ quân chủ mới vào tháng 7/1830.

Một trong những thành công lớn của chính trị gia Talleyrand trong giai đoạn này là đàm phán với Anh về vấn đề thành lập Vương quốc Bỉ trung lập, đánh dấu sự thay đổi quyền lực quan trọng ở châu Âu. Sự xuất hiện của một vương quốc trung lập nằm giữa hai cường quốc là Pháp và Anh đã giúp duy trì cân bằng quyền lực, đồng thời làm giảm nguy cơ chiến tranh giữa các quốc gia lân cận.

lich su anh 3

Khách sạn Talleyrand là nơi được nhà ngoại giao Talleyrand tiếp các chính khách lớn đầu thế kỷ 19. Nơi đây từng được gia tộc Rothschild mua lại vào thế kỷ 20. Ảnh: WMF.

Nhà ngoại giao Talleyrand đă đặt nền móng cho Hiệp ước Liên minh Bốn nước (Quadruple Alliance) vào ngày 22/4/1834, giữa Pháp, Anh, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Hiệp ước này không chỉ là sự củng cố mối quan hệ giữa các nước lớn ở Tây Âu, mà còn là nỗ lực của Talleyrand trong việc giữ vững hòa bình và ổn định cho khu vực.

Ý nghĩa của Hiệp ước Liên minh Bốn nước rất sâu sắc, vì nó đánh dấu sự đoàn kết giữa các cường quốc châu Âu nhằm duy trì trật tự đã được thiết lập sau Đại hội Vienna và đối phó với những phong trào cấp tiến đe dọa hệ thống quân chủ. Ngoài ra, việc ký kết hiệp ước này còn khẳng định vị thế của Talleyrand như một nhà ngoại giao bậc thầy, người luôn biết cách điều hướng các mối quan hệ quốc tế phức tạp để mang lại lợi ích tối đa cho quốc gia mình.

Advertisement

Có thể thấy cuộc đời và sự nghiệp của nhà ngoại giao Talleyrand là những năm tháng nước Pháp phải đối mặt với nhiều biến cố. Theo tác giả Evgenij Viktorovič Tarle, Talleyrand là người “ngồi bên giường bệnh của mỗi thời đại, mỗi chính phủ, luôn luôn bắt mạch của họ và nhận thấy sớm hơn tất cả bất kỳ ai khác là khi nào thì trái tim họ ngừng đập”.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức – Znews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức – Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: [email protected]. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

Nguồn: https://znews.vn/nha-ngoai-giao-dinh-hinh-nuoc-phap-thoi-hau-napoleon-post1502222.html

Advertisement

Tiếp tục đọc

Xu hướng