The Economist đề xuất độc giả hai cuốn sách để tham khảo thêm về những hiểm họa và cả nỗi cám dỗ của sự cô đơn: A Biography of Loneliness (Hồi ký Cô đơn) của Fay Bound Alberti và A History of Solitude (Lịch sử Cô độc) do David Vincent viết.
Zing trích dịch bài viết từ The Economist, một lược sử siêu ngắn về nỗi cô đơn.
Trong tác phẩm Politics (Chính trị luận) của mình, triết gia cổ đại Aristotle cho rằng, nhờ có ngôn ngữ mà định mệnh con người bắt họ phải trở thành những sinh vật xã hội lẫn chính trị.
Nhưng dẫu bản năng con người có thôi thúc chúng ta phải ra ngoài giao tiếp xã hội nhiều đến đâu chăng nữa, chúng ta vẫn có nhu cầu thu mình lại trong sự cô độc mang tính cá nhân.
Nhiều người nhận xét họ chỉ chịu đựng nổi xã hội nếu được dành những khoản thời gian nhất định sống với riêng mình.
Những xu hướng phổ biến của xã hội hiện đại đem đến sự làm quen trở lại với những phẩm chất tốt đẹp của sự cô độc: chánh niệm (mindfulness) giúp ta đạt được yên bình và tĩnh lặng. Ảnh: Nick Lowndes/Guardian. |
Cảnh cô độc êm ái
“Nhiều nhà tư tưởng hiện đại nhấn mạnh về sự phụ thuộc của cá nhân đối với xã hội. Ngược lại, sự khai thác cô độc nội tâm, giữa biển đời huyên náo, mới là điều khiến chúng ta chịu đựng được xã hội,” John Cowper Powys, nhà văn Anh chuyên ủng hộ sự cô độc, cho biết.
Giới sử học đa phần cũng là những sinh vật sống một mình. Họ là những người thường chọn đọc sách thay vì tham gia đội thể thao ở trường. Và khi thành người lớn, họ luôn tuyệt vọng trong việc né tránh những hội họp nhằm có thêm thời gian trong thư viện.
Tuy nhiên, họ cũng thường chú trọng đến hoạt động tập thể, chẳng hạn chính trị gia trong những cuộc diễn tập hay đám đông giữa các cuộc tuần hành. Bất chấp xu hướng đó, một vài đầu sách về cách ly xã hội đã xuất hiện đúng lúc thế giới bị phong tỏa vì đại dịch. Fay Bound Alberti đã thử sức mình về chủ đề lịch sử của sự cô đơn. David Vincent tập trung vào người “anh em” thú vị hơn của nỗi cô đơn là sự cô độc.
Cả hai tác giả đều tập trung vào bối cảnh nước Anh hiện đại. Lý do, theo nữ tác giả Alberti, nỗi cô đơn là hiện tượng mới có gần đây và là sản phẩm của công nghiệp hóa lẫn trần tục hóa những tín điều xưa cũ. Còn với Vincent, vì ông đã dành cả đời nghiên cứu lịch sử xã hội hiện đại của đất nước này.
Thế giới Thiên chúa giáo thời trung cổ chứng kiến nhiều cảnh sống cô độc phi thường. Vào cuối thế kỷ thứ ba, thánh Anthony dành nhiều năm trong sa mạc với bọ cạp và dã thú làm bạn. Thánh Jerome cũng thử làm điều tương tự nhưng còn mang theo cả một thư viện lớn bên mình. Thánh Simeon Stylites vượt lên tất cả khi ngồi trên đỉnh một cây cột để được gần hơn với thiên đường.
Các tu viện chứa đầy những người đào tẩu từ thế gian kết hợp giữa sinh hoạt tập thể và cầu nguyện một mình. Thomas Merton, một người ủng hộ hiện đại của chủ nghĩa tu viện, cho rằng “sự cô đơn của con người thật ra là sự cô đơn của Chúa.”
Vào thế kỷ 18 và 19, sự sùng bái cô độc này được tái sinh dưới những hình hài thế tục. Các triết gia theo chủ nghĩa khai sáng cho rằng chìa khóa để văn minh hóa cuộc sống nằm ở việc kết hợp tính xã hội và sự cô độc một cách cân bằng – Nếu bạn chìm đắm quá sâu trong đời sống đô thị, bạn có thể bị loạn thần kinh, nhưng nếu bạn lui về ở ẩn nơi vắng lặng quá lâu, bạn có thể biến thành một gã man rợ.
Người theo chủ nghĩa lãng mạn cho rằng cách tốt nhất để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật vĩ đại là đắm mình giữa thiên nhiên. John Clare mở đầu một bài thơ như sau: “Ôi cảnh cô độc êm ái của người / khỏi những phù phiếm và những nghiệt ngã.” William Wordsworth thì hay lang thang “cô đơn như áng mây.”
Nhờ đi dạo nhiều giờ giữa những nơi chốn hẻo lánh, chẳng hạn khu Quận Hồ (Lake District) hay dãy Alps, bạn có thể trở thành thứ Robert Louis Stevenson sau này gọi là “một ống sáo nổi nhạc cho bất cứ ngọn gió nào.”
Ở Mỹ, công cuộc văn minh hóa tạo ra một sự quan tâm bù trừ dành cho cảnh trí thiên nhiên. Henry David Thoreau thường lui về khu Walden Pond. Khi còn trẻ, Teddy Roosevelt thường tái tạo tâm hồn mình trong hình ảnh một chàng cao bồi viễn tây lang thang khắp vùng Dakotas.
Khi làm tổng thống, ông quy hoạch những công viên quốc gia để giúp người dân Mỹ thoát khỏi áp lực của nền văn minh bằng cách tìm đến một thế giới của những dãy núi và muông thú.
Rất nhiều hình ảnh đặc trưng của nước Mỹ thế kỷ 19 đã nắm bắt được một cảm thức cô độc – hình tượng chàng “cao bồi đơn độc” hay tiếng còi tàu đầy ám ảnh vang lên giữa nơi hoang vu.
Lucky Luke, nhân vật chính trong bộ truyện tranh cùng tên về chàng cao bồi nước Mỹ. |
Lạc lối giữa đám đông
Như Vincent cho biết, xã hội công nghiệp giúp thú vui cô độc gần hơn với tầm tay con người, nhờ vào mức sống được cải thiện và không gian riêng tư được mở rộng. Khi rỗi, phụ nữ thường tham gia những thú vui lúc nông nhàn như nấu ăn, may quần áo và thêu thùa. Đàn ông thì phối giống bồ câu và sưu tập tem thư. Cả hai giới tính đều chơi giải đố và ô chữ (từ những năm 1920).
Sự tôn sùng thú vui cô độc cũng phát sinh nhiều thói quen kém lành mạnh hơn. Charles Kingsley, người ủng hộ “chủ nghĩa thiên chúa nam tính”, xem thuốc lá như chất hỗ trợ lý tưởng cho đời sống cô độc – “bạn đồng hành của người cô độc, bằng hữu của kẻ độc thân, thức ăn cho gã đói, chất an thần cho người buồn, giấc ngủ cho ai thao thức, và lửa cho ai lạnh lẽo.” Nhân vật Sherlock Holmes của nhà văn Arthur Conan Doyle thì thường ngậm tẩu trong lúc điều tra phá án.
Lành mạnh hay không, những thú vui này đã giúp đoàn kết một quốc gia từng bị chia rẽ bởi giai cấp. Trào lưu làm vườn của nước Anh vào năm 1910 giúp nửa triệu người thuộc giai cấp lao động tận hưởng thú vui vườn tược. Đây là loại thú vui kết hợp giữa hoạt động xã hội và sự cô độc. Người hút thuốc chia sẻ sự cô độc cùng nhau trong những phòng dành riêng cho người hút thuốc trong các quán rượu và quán bar.
Dẫu vậy, nền văn minh càng phát triển bao nhiêu, con người càng phải làm nhiều hơn để có được cảm giác đó. Bắt đầu với Joshua Slocum vào năm 1895, giới chèo thuyền một mình bắt đầu dong buồm đi khắp thế giới, đôi khi không cần ai khác giúp đỡ. Robin Knox-Johnston không nói chuyện với ai suốt năm tháng trời.
Năm 2017, Alex Honnold trèo lên đỉnh núi El Capitan ở Yosemite mà không cần bạn đồng hành lẫn giày đinh. Những cuộc chiến phi thường chống lại thiên nhiên kiểu này được truyền cảm hứng bởi niềm tin rằng cách tốt nhất để khám phá cơ thể và linh hồn là lột trần bản thể đến tận gốc. “Ngay nơi đây, giữa sa mạc bạt ngàn của đại dương phương nam,” Bernard Moitessier viết, “là nơi tôi cảm nhận rõ nhất con người vừa là nguyên tử vừa là thượng đế.”
Và khi nền văn minh nhân loại càng trở nên tinh vi bao nhiêu, con người lại càng hăm hở sử dụng thành quả của nó để thoát khỏi xã hội loài người bấy nhiêu. Năm 1900, chỉ 5% hộ gia đình là gia chủ sống một mình.
Ngày nay là 1/4 số hộ gia đình ở Mỹ và 1/3 ở Anh và có lẽ là một nửa tại Thụy Điển. Đôi khi đời sống đơn độc là một lựa chọn (người ta dùng tiền để chia tay một đối tác không làm họ hài lòng) và đôi khi nó là bi kịch (ở Anh, một triệu người cao tuổi cho biết họ luôn thấy cô đơn định kỳ. Đa phần không dám bày tỏ điều này với bạn bè và họ hàng.)
Cô độc và cô đơn là hai khái niệm khác nhau
Cô độc là một lựa chọn. Còn cô đơn thì không. Đời sống cô độc tình nguyện vẫn có thể gây ra bệnh lý tâm thần. Xưa kia, John Evelyn từng cảnh báo sống một mình sẽ “sinh ra phù thủy.” Còn Samuel-Auguste Tissot sợ rằng sống một mình sẽ dẫn đến thủ dâm và tất cả những gì đi kèm theo thủ dâm (“u uất, sầu muộn, nước mắt, hồi hộp, khó thở và ngất.” Cuốn sách lớn đầu tiên viết về đề tài khiêu dâm, bởi bác sĩ riêng của vua George III, Johann Georg Zimmerman, nhan đề “Solitude Considered with Respect to its Dangerous Influence Upon the Mind and Heart” (Xét một cách cẩn trọng sự cô độc với ảnh hưởng nguy hại của nó lên tâm và trí, 1791).
Life of Pi, bộ phim kể về những ngày trôi dạt ở Thái Bình Dương của một cậu bé người Ấn Độ và một con hổ Bengal. |
Alberti cũng nhấn mạnh sự căng thẳng nơi người cô đơn không tình nguyện đã trở thành một vấn đề mang tính chính trị, đặc biệt tại khu vực bắc Âu và những quốc gia Ăng-lô Sắc-xông. Năm 2016, đài BBC ra mắt một phim tài liệu về chủ đề “thời đại cô đơn”. Năm 2017, Vivek Murthy, một bác sĩ phẫu thuật người Mỹ thì tuyên bố về “đại dịch cô đơn.” Năm 2018, Theresa May chỉ định “bộ trưởng cô đơn” đầu tiên của nước Anh, và tuyên bố rằng “một phần năm người lớn nước Anh cảm thấy cô đơn một phần hoặc toàn thời gian.”
Đời cô tịch
Lịch sử của sự cô độc cũng một phần là lịch sử của những thái cực – của những người sẵn lòng ngồi trên đỉnh những cây cột hàng thập niên và của những nhà cải cách ngục tù muốn dùng nỗi cô đơn để bóp nát linh hồn con người. Nhưng nó còn là lịch sử của hành trình tìm kiếm cân bằng.
Hình thức cô độc lành mạnh nhất là khi nó kết hợp một cách hài hòa với xã hội xung quanh khi cần thiết. Công nghệ hiện đại đã khiến việc giữ cân bằng trở nên vừa dễ vừa khó hơn bao giờ hết. Một mặt, công nghệ đã đem đến thứ Vincent gọi là “sự cô độc theo mạng lưới.” Cũng như khi thánh Jerome ngồi giữa cái hang chứa đầy sách của mình, những ẩn sĩ thời hiện đại cũng có thể ngồi giữa căn hộ của mình để tải về sách điện tử, phim ảnh hoặc tán gẫu với bạn bè trên khắp thế giới. Mặt khác, công nghệ cũng khiến người ta khó khăn hơn trong việc tận hưởng lợi ích của sự cô độc. Chỉ một cú click chuột là đủ gây phân tâm.
Cách mà ranh giới giữa sự cô độc và giao tiếp xã hội bị xóa nhà cũng gây ra nhiều vấn đề. Thử ghé một phòng gym và bạn sẽ thấy những người theo chủ nghĩa duy ngã thực hiện những động tác mang tính riêng tư ở nơi công cộng. Trên một chuyến tàu, rất nhiều hành khách tự cách ly bằng tai nghe. Những thiết bị nhan nhản này là những con dao hai lưỡi: Chúng có thể giúp làm đầy trí óc bạn bằng những âm thanh huyên náo, hoặc giúp bạn được chìm trong sự tĩnh lặng tuyệt đối nhờ công nghệ chống tiếng ồn.
Khi hai thái cực này hòa lẫn vào nhau, cuộc tìm kiếm điểm cân bằng trở nên gay cấn hơn. Những xu hướng phổ biến của xã hội hiện đại đem đến một sự làm quen trở lại đối với những phẩm chất tốt đẹp của sự cô độc: chánh niệm (mindfulness) giúp ta đạt được yên bình và tĩnh lặng. Trong khi đó, tại Thung lũng Silicon, nơi không thiếu tiếng ồn và điều gây xao nhãng, một trong những thú tiêu khiển lúc rảnh phổ biến nhất là đi leo núi, tập yoga và thiền định.
Cuộc phong tỏa xã hội bởi dịch Covid-19 đã đặt ra câu hỏi về sự cô độc ở giữa trọng tâm của nền chính trị. Việc giãn cách xã hội đã trở thành bi kịch cho những ai đang sống một mình lẫn (trong một số trường hợp) chết một mình. Nhưng với một bộ phận khác, nó đã trở thành một phước lành dị thường. Những ai đang bị quá tải bởi công việc bỗng được trao cơ hội nghỉ ngơi khỏi cảnh đi đi về về giữa nhà và công sở. Nhiều người khác có thời gian tìm lại những thú vui xưa cũ, chẳng hạn ngồi đánh bài trong vườn nhà.
Sự cô độc bản thân nó là phước lành lẫn lời nguyền lớn nhất dành cho nhân loại – và nhờ loại virus bị lây lan khắp thế giới do sự đi lại của con người, một bộ phận không nhỏ trong chúng ta có cơ hội được trải nghiệm cả hai trạng thái trên của sự cô độc.