Molly Ayer 17 tuổi, là đứa trẻ mồ côi “chuyền tay” qua rất nhiều gia đình nhận nuôi. Một ngày đẹp trời, vì “cầm nhầm” quyển Jane Eyre của thư viện mà cô phải trải qua 50 giờ công ích để xóa tội trộm sách của mình.
Qua lời giới thiệu của bạn trai, cô đến dọn dẹp tầng gác mái trong căn nhà của một bà cụ 91 tuổi. Và từ đây, sợi dây liên kết giữa quá khứ và thực tại được nối liền với nhau, mở ra một câu chuyện cảm động trong cuốn sách Chuyến tàu mồ côi.
Cuốn sách Chuyến tàu mồ côi. Ảnh: Ngô Vinh. |
Cuộc gặp gỡ định mệnh của hai tâm hồn đồng điệu
Năm 1929, Niamh Power chỉ mới 9 tuổi và được gửi đến hội bảo trợ trẻ em sau khi gia đình gặp trận hỏa hoạn lớn. Cô bé nhanh chóng cùng những đứa trẻ khác bước lên tàu, xuôi từ New York đến các vùng quê để tìm cho mình một mái ấm từ những gia đình nhận nuôi.
Mỗi một chặng dừng, những đứa trẻ sẽ được một gia đình mới chọn về với những công việc khác nhau từ thêu thùa, làm đồng áng, trông trẻ…
Và từ đây Niamh Power bắt đầu cuộc đời cơ cực của mình. Cô trải qua 4 gia đình với những bài học đầu đời đầy tủi nhục từ việc như một con ở trong một gia đình may quần áo, cơm không đủ no, áo không đủ ấm.
Khi “bố mẹ” nuôi đầu tiên khánh kiệt vì nền kinh tế thay đổi, cô lại bị đẩy vào một gia đình khác với nheo nhóc con cái, cuộc sống duy trì bằng việc săn bắn của người đàn ông duy nhất trong gia đình.
Nơi đây, cô được đi học, được gặp cô giáo như ánh sáng tình thương chiếu rọi. Cũng nơi đây, Niamh lên 10, trốn chạy trong đêm bão tuyết vì chính người nhận nuôi hãm hiếp mình.
Nếu bi kịch và hạnh phúc như một chiếc bánh được cắt đều nhau thì hai gia đình sau đó cho Niamh một cuộc sống mới, tái sinh một cuộc đời mới từ những địa ngục đã đi qua.
Đan xen giữa hiện tại và quá khứ, Chuyến tàu mồ côi đưa hai con người cách biệt rất xa về tuổi tác, không gian sống bện chặt với nhau bằng cuộc gặp gỡ tình cờ để rồi nhận ra nhau bằng hai chữ “mồ côi”.
Nếu cô bé Niamh Power ngày nào đi qua từng gia đình với những tủi nhục và sinh tồn như mục tiêu của cuộc đời mình, thì Molly cũng trở thành “con nuôi” của rất nhiều gia đình và cũng chứng kiến những đứt gãy từ tận bên trong thứ gọi là mái ấm.
Niamh Power đứng lên từ bị kịch và xây dựng một cuộc đời khác từ nước mắt khi gia đình cuối cùng nhận nuôi xem như con gái và đổi tên thành Vivian. Khi được nghe lại câu chuyện đó, Molly đang bất cần, nhiều nông nổi của tuổi trẻ và bắt đầu nhận ra hướng đi cho cuộc đời mình bằng một cuộc gặp gỡ.
50 giờ lao động công ích bên cạnh cụ bà Vivian là khoảng thời gian sắp xếp lại mớ kỷ niệm trong quá khứ của cô bé mồ côi ngày nào. Sự đồng cảm và bài luận cuối cùng về cuộc đời của Vivian đã giúp Molly định ra con đường của cuộc đời mình.
Cuốn sách Anne tóc đỏ dưới chái nhà xanh được trao tay cô bé mồ côi năm nào từ cô giáo thì hôm nay chính cô bé ấy năm xưa, giờ là bà cụ, trao lại cho một đứa trẻ mồ côi khác như một điểm sáng của nghi lễ tâm hồn.
Bước qua bi kịch và tìm cái kết vẹn nguyên
Lật mở những trang đầu của quyển sách, độc giả dễ lầm tưởng khi định hình nhân vật chính là cô bé 17 tuổi mồ côi. Nhưng khi nhìn ngược quá khứ từ hiện tại, cuộc đời trải dài từ khi lên 9 cho đến con số 91 trong tuổi tác, một phiên bản mồ côi khác giữ toàn bộ đường dây câu chuyện gây nhiều xúc động.
Tác giả Christina Baker Kline bóc tách từng lát cắt số phận những con người trên chuyến tàu lịch sử thông qua điểm bắt đầu cho hành trình cuộc đời của một cô bé.
Bi kịch được tạo ra trong suốt những bước đi như những chướng ngại vật để các nhân vật phải vượt qua. Giống như biểu đồ hình sin, cuộc đời ghẻ lạnh bị dìm xuống vùng trũng để dần dần ngoi lên và đi đến đỉnh điểm rực rỡ của một đời người.
Tác giả Christina Baker Kline. Ảnh: Beowulf Sheehan. |
Có thể ví Chuyến tàu mồ côi như một bộ phim với ba hồi rõ rệt, có cả bi kịch và hạnh phúc.
Cụ bà 91 tuổi lần đầu trong cuộc đời sử dụng máy tính. Bà tìm lại đứa con mà bà đã cho đi và cuộc đoàn tụ tình thân như phần thưởng xứng đáng cho một hành trình dài với điểm kết thúc vẹn tròn.
Bằng giọng kể đậm chất nữ tính và những dữ liệu lịch sử mà bà thu được trong quá trình tìm hiểu, Christina Baker Kline mang sự cảm thông bằng cách gieo rắc phép màu vào chính cuộc đời đứt gãy của những đứa trẻ trên chuyến tàu ngày nào.
Tình bạn đan xen tình yêu và tình người như chất xúc tác làm thăng hoa và tái sinh một cuộc đời từ những điều mất mát đi trên dòng chảy lịch sử nước Mỹ.
Chuyến tàu mồ côi mở ra một không gian hoàn toàn khác với chất liệu có sẵn từ những câu chuyện tồn tại trước đó. Có lẽ thứ còn lại sau khi khép lại trang cuối cùng của quyển sách này, chính là tiếp cận câu chuyện bằng một thái độ tích cực.
Đó là đem sự tin yêu gieo rắc và đón chờ sự nảy mầm từ những dưỡng chất của cuộc đời.