Đi tìm nhân dạng được Luigi Pirandello viết trong suốt 15 năm. Cuốn sách không giống bất cứ trước tác nào của ông, khi 15 năm đó là lúc ông ở đỉnh cao về năng lực sáng tạo, cho ra mắt hàng trăm truyện ngắn cũng như hàng chục vở kịch.
15 năm để hoàn thành cuốn tiểu thuyết này như nói mối bận tâm vẫn luôn canh cánh trong lòng Pirandello: Bản chất của danh tính.
Sách Đi tìm nhân dạng do Trần Dương Hiệp dịch, Tao Đàn và NXB Hội Nhà văn phát hành tháng 4. Ảnh: Hạnh Nguyễn. |
Cái tôi có được nhìn nhận đúng?
Bản chất của danh tính là gì? Liệu những gì chúng ta thấy từ bên trong và người khác thấy chúng ta từ bên ngoài có giống nhau? Cách ăn mặc, nói chuyện, cư xử của chúng ta không phụ thuộc suy nghĩ và cảm xúc bên trong mình, cũng như chúng ta không thể áp đặt suy nghĩ của mình lên người khác.
Có thể với người bình thường, điều đó không mấy ảnh hưởng, nhưng với Vitangelo Moscarda, suy nghĩ “cái tôi” đang xây dựng không phải thứ mà người ngoài nhìn thấy, đè nặng lên anh ta đến mức ám ảnh.
Ngay từ đầu trang truyện, ở tuổi 28, người vợ thân yêu nói với Moscarda rằng mũi anh ta hơi nghiêng sang phải. Điều này như cú đả kích mạnh mẽ vào lòng tự tôn của Moscarda. Anh lao vào phòng tắm, đóng sầm cửa và trong suốt một giờ tiếp theo, anh chỉ săm soi mặt mình trong gương.
Cuối ngày hôm đó, khi một người bạn đến thăm để thảo luận về một vấn đề cụ thể có liên quan cá nhân anh ta, Moscarda đã ngắt lời anh bạn giữa chừng và hỏi rằng liệu anh ta có thực sự đang nhìn mũi mình hay không.
Thời gian trôi qua, Moscarda bắt đầu đặt câu hỏi về hình ảnh của chính mình trước người khác, khi anh sợ rằng những người quen đã xây dựng một Moscarda hoàn toàn khác biệt.
Câu chuyện được trình bày dưới dạng những cuộc đối thoại với khán giả, nhân vật chính như đoán trước được phản đề dành cho anh ta.
Cuốn sách là hành trình nội tâm giằng xé sâu sắc, khiến người kể chuyện không thể hoặc không muốn dừng lại, ngay cả khi Moscarda nhận thức được bản chất tự hủy hoại trong hành động của mình.
Việc nhận ra mình vừa là một, vừa không là gì cả và cũng là vô số, khiến nhân vật chính tin rằng anh ta phải phá vỡ các bản thể khác nhau của mình, phá vỡ ấn tượng mà người khác định hình về anh ta.
Cuối cùng, tự hủy bản thân là mong muốn cuối cùng của Moscarda. Anh bị thôi thúc bởi ám ảnh phá vỡ ấn tượng mà người khác nghĩ về mình bằng mọi giá, để chứng minh rằng anh ta không phải như những gì họ nghĩ.
Luigi Pirandello, nhà văn đoạt giải Nobel văn học năm 1934. Ảnh: Oggigiorno. |
Cuốn sách khám phá nội tâm con người
Kế hoạch mà Moscarda tạo dựng đưa đẩy anh ta vào những hành vi phi logic, thậm chí là những hành động sai trái bất khả vãn hồi.
Luigi Pirandello đã tách Moscarda thành một người thu lu trong phòng làm việc và một đứng trong góc sắm vai kẻ ngoài cuộc đang thăm dò; hay anh ta tự đặt mình trước một tấm gương với mục đích bắt gặp chính mình trong những hành động và biểu cảm tự nhiên nhất.
Vậy Moscarda là ai? Anh thừa kế một ngân hàng ở thị trấn Richieri từ người cha; người thích an nhàn tự tại, hoàn toàn phó mặc công việc kinh doanh cho hai người bạn thân thiết: Sebastiano Quantorzo và Stefano Firbo. Thế nhưng, dường như họ không thành công lắm, ngoại trừ việc bắt Moscarda lấy vợ.
Qua những thử nghiệm, Moscarda dần sáng tỏ về quá khứ của mình và nhận thức của mọi người về cung cách kinh doanh của anh. Ở công ty, anh không được mọi người coi trọng như ông chủ doanh nghiệp. Trong gia đình cũng vậy, người vợ vẫn thường gọi anh âu yếm là Gengé, cũng không hề để anh trong lòng.
Càng nghĩ về điều đó, anh càng cảm thấy phẫn nộ với cách người vợ “tạo ra” một phiên bản khác của mình. Thậm chí, Moscarda nổi cơn ghen tuông với “bóng dáng” kẻ dám xen vào giữa hai người họ.
Cao trào đẩy lên khi bạn bè và gia đình anh phản ứng lại bằng cách tuyên bố Moscarda là kẻ bất tài, khiến anh càng điên cuồng vùng vẫy.
Đi tìm nhân dạng có khuynh hướng duy thực, đi sâu vào tâm lý cùng miêu tả về nỗi đau khổ của con người, giống cuốn tiểu thuyết trước đó của Pirandello, Mattia Pascal quá cố.
Cả cuốn sách như một cuộc khủng hoảng hiện sinh, trong bối cảnh trừu tượng đậm nét phi lý, giống tác phẩm của Samuel Beckett. Điều đó khiến cuốn tiểu thuyết không được đón nhận rộng rãi khi phát hành lần đầu tiên vì tư tưởng vượt tầm thời đại bấy giờ.
Luigi Pirandello nổi tiếng với các vở kịch Sáu nhân vật đi tìm tác giả và Henry IV. Năm 1934, ông được trao giải Nobel Văn chương danh giá với những chia sẻ từ Viện hàn lâm Thụy Điển: “Pirandello là nhà đạo đức không mâu thuẫn mà cũng không tiêu cực. Thiện vẫn thiện và ác vẫn ác. Trong thế giới tưởng tượng của ông, hạnh phúc không nhiều, nhưng vẫn có đủ bầu không khí để thở cho những gì đem lại phẩm giá cho đời”.