Ảnh: Vectorpocket/Freepik. |
Trong một nghiên cứu của công ty tư vấn Ibue Partners, lãnh đạo các nhà xuất bản đồng tình chuyển đổi số là “vấn đề nóng toàn cầu” của ngành xuất bản. Nghiên cứu này được thực hiện từ khảo sát, trò chuyện với 25 vị lãnh đạo cấp cao của các nhà xuất bản.
Tại sao phải chuyển đổi số trong xuất bản?
Ngược về lịch sử ngành xuất bản, việc thu thập, quảng bá thông tin đã có hàng thế kỷ. Thậm chí, một số công ty trong ngành đã hoạt động kinh doanh gần 200 năm.
Tuy vậy, công nghệ mới phát triển đã kết nối khách hàng với nội dung theo nhiều cách mới. Ngành công nghiệp xuất bản bắt đầu tham gia nền kinh tế kỹ thuật số cách đây khoảng 15 năm. Trong bối cảnh số hóa toàn cầu, chuyển đổi số trong xuất bản là yêu cầu cấp thiết.
Hầu hết đại diện các nhà xuất bản tham gia nghiên cứu đều cho rằng chuyển đổi số không chỉ là việc có thêm kênh hay loại sản phẩm mới, sản phẩm số. Nó thiên về thay đổi cơ bản trong mô hình, cách xuất bản, kinh doanh sách.
Nhiều vị lãnh đạo xuất bản cho rằng chuyển đổi số là ứng dụng công nghệ kỹ thuật số để cải thiện khả năng đáp ứng khách hàng và hoạt động kinh doanh. Nó diễn ra trong nhiều năm và sẽ định hình lại ngành xuất bản.
Đối với Nisha Doshi, phụ trách phát triển kỹ thuật số của nhà xuất bản Đại học Cambridge, Anh, chuyển đổi số trong xuất bản là “một thuật ngữ tổng hợp bao gồm quy trình, sản phẩm, mô hình bán hàng, nền tảng xuất bản, cơ hội đổi mới, đáp ứng yêu cầu của người dùng và cung cấp các phương thức để giảm chi phí trong toàn bộ hệ sinh thái”.
Lãnh đạo các nhà xuất bản đã chỉ ra những yếu tố chính cần phải chuyển đổi số. Trong đó, ba động lực hàng đầu của chuyển đổi số trong xuất bản là: Giúp đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng; tạo ra các luồng doanh thu mới; phát triển sản phẩm mới.
73% người được hỏi cho rằng cần chuyển đổi số để tập trung cải thiện khả năng phục vụ độc giả. Giờ đây, bạn đọc mong đợi tiếp cận thông tin, tri thức dễ dàng, ngay lập tức, không tốn kém, nội dung ở nhiều định dạng và có trên nhiều kênh…
Trong quá khứ không xa, các nhà xuất bản được coi là người gác cổng của thông tin. Gần đây, sự nở rộ các khóa học trực tuyến, xu hướng tự xuất bản, các kênh phát hành khác nhau cùng sự xuất hiện các đối thủ kỹ thuật số đang thách thức khả năng phục vụ độc giả của các nhà xuất bản. Các nhà xuất bản phải ngày càng chứng tỏ giá trị của họ trong quá trình số hóa.
50% đại diện nhà xuất bản nói cần tìm cách thay thế hình thức kinh doanh xuất bản phẩm. 41% tìm kiếm, xây dựng sản phẩm mới. Hiện nay, nội dung số dễ dàng phát hành sang các khu vực, quốc gia khác, từ đó mở ra thị trường mới. Nội dung số cũng có thể được tái sử dụng để tạo ra các sản phẩm mới, tác phẩm chuyển thể, phái sinh… Điều đó giúp quá trình sản xuất trong ngành sách ít tốn công hơn, tiết kiệm chi phí hơn.
Các nhà xuất bản đang nỗ lực chuyển đổi số. Ảnh minh họa: Smartertravel. |
5 lĩnh vực chính của chuyển đổi số trong xuất bản
Năm lĩnh vực chính của chuyển đổi số trong xuất bản là: Lưu trữ nội dung, siêu dữ liệu, khả năng khám phá, nội dung linh hoạt, hợp tác tự động. Hơn một nửa trong số 25 vị lãnh đạo các nhà xuất bản tin rằng họ đang nỗ lực để từng bước chuyển đổi số.
Trong những năm qua, các nhà xuất bản đã đầu tư vào khả năng lưu trữ nội dung. 60% các nhà xuất bản tham gia nghiên cứu cho biết họ đang sử dụng các giải pháp lưu trữ đám mây (cloud).
Tuy vậy, các nhà xuất bản không lấy phát triển kho nội dung là yếu tố trọng tâm nữa. Họ tiếp tục đầu tư vào lưu trữ nội dung, nhưng mục tiêu của các nhà xuất bản này đã chuyển sang chủ đề hiện đại hơn của chuyển đổi số: Siêu dữ liệu (metadata).
Giờ đây, “nơi” lưu trữ nội dung không quan trọng bằng “khả năng truy cập nội dung” ấy nữa. Tim Britton, Giám đốc điều hành nhà xuất bản học thuật Springer Nature, nhấn mạnh siêu dữ liệu là vấn đề nóng, là sân khấu chính của chuyển đổi số trong xuất bản. Siêu dữ liệu sẽ là thách thức với ngành xuất bản khi chuyển đổi số trong 5 năm tới. Các tiêu chuẩn không nhất quán, việc cập nhật tài liệu lưu trữ, phụ thuộc vào công ty công nghệ… là những vấn đề khi tạo siêu dữ liệu.
Việc nâng cao kỹ năng, tư duy của nhân viên để mô tả nội dung của họ tốt hơn cũng là vấn đề của ngành xuất bản khi tạo siêu dữ liệu. Nội dung sách, xuất bản phẩm là tài sản lớn nhất của các công ty xuất bản. Hiện nay, hầu hết nội dung được mô tả, gắn thẻ theo cách thủ công. Các nhà xuất bản đang trong giai đoạn đầu đánh giá các công nghệ mới, giúp tự động thêm siêu dữ liệu.
Khó khăn là vậy, song các nhà xuất bản vẫn đầu tư vào siêu dữ liệu, họ kỳ vọng cải thiện đáng kể hoạt động nội bộ và phát triển sản phẩm mới. Một số nhà xuất bản đang tham gia vào các dự án về siêu dữ liệu thực hiện trong nhiều năm.
Nội dung nhanh, linh hoạt (content agility) là mục tiêu, bước cơ bản khi xuất bản chuyển đổi số. Cùng một nội dung, nhà xuất bản có thể khai thác linh hoạt, phát hành trên nhiều kênh, nhiều định dạng, có thể tái sử dụng…
“Nội dung giống những viên Lego có kích thước, màu sắc và hình dạng khác nhau. Chúng có thể kết hợp với nhau để tạo ra các sản phẩm khác nhau”, Peter Marney, Quản lý nội dung và công nghệ của Công ty Xuất bản Wiley, nói.
Khả năng khám phá (discoverability) là bước khó trong quá trình chuyển đổi số của các nhà xuất bản hiện nay. Đối với các nhà xuất bản đã cải thiện khả năng lưu trữ nội dung và siêu dữ liệu, họ cảm thấy tự tin hơn khi triển khai các công cụ, dịch vụ nền tảng, tiện ích… giúp độc giả khám phá nội dung.
Hợp tác tự động (automated collaboration) là bước đi giúp các nhân viên trong nhà xuất bản và giữa nội bộ nhà xuất bản với tác giả được tiến hành thuận tiện hơn.
Ví dụ, khi thực hiện một cuốn sách, không cần phải gửi các bản sao riêng biệt cho các biên tập viên hay các bộ phận trong khâu xuất bản xem xét. Ngày nay, các biên tập viên khác nhau có thể cùng lúc làm việc trên cùng một tài liệu. Cách tiếp cận ấy sẽ đẩy nhanh quá trình xuất bản, cải thiện chất lượng.
Tuy nhiên, công tác này chưa được triển khai hiệu quả. Lãnh đạo các nhà xuất bản sử dụng các thuật ngữ “phân mảnh”, “không nhất quán” và “còn hạn chế” để mô tả khả cộng tác tự động hiện nay. Khó khăn đến từ văn hóa công ty, khoảng cách giữa các thế hệ nhân viên.
Ngoài 5 bước nêu trên, các nhà xuất bản tham gia chuyển đổi số cần lưu tâm tới yếu tố “lấy khách hàng làm trung tâm”. Quy trình xuất bản truyền thống tập trung vào việc làm và đưa sản phẩm ra thị trường.
Ngày nay, khách hàng sử dụng nội dung từ vô số nguồn và mong đợi luồng thông tin nhanh chóng, linh hoạt. Các nhà xuất bản cần hiểu thói quen, tính cách, sở thích của khách hàng để cung cấp nhanh, đúng nội dung họ cần; đồng thời đưa ra mức giá phù hợp với khả năng chi trả của khách.