Ví dụ có lúc anh chàng muốn biểu lộ cái gì đó, hầm hừ, cầm cái điều khiển từ xa của máy điều hòa đang cắm trong giá treo trên tường, cắm ngược đầu xuống dưới. Một hành động cực kỳ vô nghĩa, và ba mẹ của anh ta chỉ biết bấm bụng cười.
Thú vị nhất là anh chàng gần như hoàn toàn mất khả năng sử dụng ngôn ngữ thông thường của loài người, mà phần lớn phát ra những tiếng “gầm gừ” như con thú.
Buổi sáng mẹ anh chàng thường tiễn hai anh em đi học ra đến cổng, có âu yếm anh ta một chút, anh ta cũng chỉ đáp lại “gầm gừ gầm gừ…”.
Mà không phải là tiếng “gờ rừ, gờ rừ” sung sướng đê mê như của con mèo được vuốt ve đâu, nó giống tiếng con hổ của Thế Lữ đang “gặm một mối căm hờn trong cũi sắt”.
Tiếc rằng, con hổ này cầm tinh con gà, nên còn chưa được như con mèo ướt. Nó vẫn là cái con hổ hiền lành, nhân hậu, tốt bụng, chỉ có điều nó đang vào cái giai đoạn dở hơi đầu tiên của cuộc đời nó mà thôi.
Sách Chuyện cha con chúng ta là “đồng bọn”. Nguồn: NXB Phụ nữ Việt Nam. |
Buổi sáng, lúc cậu lục lọi quần áo để chuẩn bị đi học, hỏi cậu ta: “Con không chuẩn bị trước từ tối hôm qua à?”. “Gầm gừ gầm gừ…” – thú dữ trả lời, ý là “Tối qua con có chuẩn bị rồi, nhưng vẫn quên cái này cái khác…”.
Buổi chiều đi học về, hỏi cậu ta: “Hôm nay ở lớp có chuyện gì vui không con?”. “Gầm gừ, gừ gầm gầm…” – thú dữ hấm hứ trong họng, ý là bảo: “Ở lớp vẫn thế, chẳng có chuyện gì”.
Buổi tối, nhắc cậu đang cúi mặt xuống bát ăn đặt trên bàn, “thú dữ” vẫn đáp lại “Gừ gừ, gầm gầm gầm”.
Bây giờ, ba của Nhi Bá trở thành phiên dịch cho cả nhà, từ “tiếng thú dữ” ra tiếng Việt. Ba dịch một lúc, mẹ con Nhi Bôn cười chết sặc, riêng cô bé suýt phun cả cơm ra ngoài.
“Tại sao bây giờ anh Nhi Bá lại nói tiếng thú dữ như thế hả ba?”.
“Tại vì anh ấy đang ở một giai đoạn phát triển hết sức… bình thường, vì ai cũng trải qua giai đoạn đó. Đầu óc loạn xạ, để ở đâu đâu, không tập trung, nên nhiều khi bị hỏi không biết trả lời ra sao. Mà kể cả khi có biết phải trả lời ra sao, thì cũng không muốn trả lời. Suy nghĩ của anh ấy đã khác trước, không còn là trẻ con nữa, nhưng chưa là người lớn.
Hầu hết câu hỏi, anh ấy đều không muốn trả lời, nào là sợ không đúng ý người lớn, hoặc không muốn nói ra những điều đang nhộn nhạo ở trong “bụng” anh ấy. Đồng thời các quan tâm của ba mẹ, người lớn với anh ấy thì lại chưa theo kịp, vẫn coi anh ấy như mấy em bé… Thế nên trả lời bằng cách gầm gừ là tốt nhất”.
Nghỉ nói một chút, ăn thêm mấy miếng, nuốt trôi đàng hoàng rồi ba Nhi Bôn nói tiếp.
“Ba tạm đặt tên cho giai đoạn này của anh con là ‘Tuổi gầm gừ’”.
Nhi Bôn cười ngất, cặp mắt một mí híp tịt lại.
“Con đừng vội cười, rồi con cũng sẽ đến tuổi đó thôi”.
“Thật hả ba?”.
“Thật chứ sao không”.
Các cô gái của chúng ta chưa chắc đã gầm gừ, mà toàn phát ra những tiếng hấm hứ, hoặc xì xèo như mỡ sôi trong chảo. Cũng không sao, chẳng qua là khác nhau như giọng “tê-no” với “bát” thôi mà.
***
Trong câu chuyện với lớp của bạn An Khánh, mình có hỏi rằng ở lớp ta hiện nay có bao nhiêu con thú dữ. Cả lớp cười rộ, và nhiều cặp mắt bối rối, thú nhận hiện nay đang trong giai đoạn “tuổi gầm gừ”. Cũng có mộng mơ, có hoang mang, có tự tin lẫn cả tự ti… nhưng tất cả đều không biết phải được bộc lộ ra bên ngoài như thế nào.
Thôi thì cứ tạm “gầm gừ” cái đã.
***
Sáng nay đi học, mẹ của “thú dữ” lại hỏi cậu ta cái gì đó, và cậu ta lại trả lời: “Gầm gừ, gầm gừ, gầm gầm gừ…”.
“Đúng là mất khả năng diễn đạt bằng tiếng người thật rồi…” – mẹ của thú dữ thở dài, đùa.
“Gừ, gầm gầm…”. “Đâu có phải vậy!” – thú dữ trả lời.
Mình buồn cười quá, kể: “Có một bài hát, trong đó có một câu mà anh ca sĩ thường cứ hát tru tréo lên: “Anh yêu em, anh yêu em như rừng xanh yêu thú dữ!” đấy con ạ. Kể ra làm thú dữ cũng không phải là thảm họa”.
“Thú dữ” bật cười, hỏi: “Có bài đó thật hả ba?”.
Ha ha ha, đấy, hóa ra vẫn chưa quên tiếng người đâu nhỉ!