Vẫy vùng giữa vũng lầy (tên gốc: Skinny Dip) mở đầu bằng một vụ án mạng, nhưng nó không phải tiểu thuyết trinh thám. Không có bí ẩn nào: Thủ phạm được tiết lộ từ dòng đầu tiên của truyện; và động cơ gây án được tiết lộ đâu đó trong một phần tư quyển sách.
Sách Vẫy vùng giữa vũng lầy của Carl Hiaasen, Bình Bồng Bột dịch, NXB Hội Nhà văn và Tao Đàn phát hành. Ảnh: T. Đ. |
Tư tưởng lớn đằng sau câu chuyện tưởng giản đơn
Người Mỹ gọi nó là một “caper novel”, với chữ “caper” có nghĩa gốc là một điệu nhảy vui nhộn – bắt nguồn từ capra, con dê trong tiếng Latinh.
Không cần quá yêu văn chương, bạn hẳn đã bắt gặp cốt truyện kiểu “caper” này trong những bộ phim tội phạm kiểu The Italy Job, Now You See Me hay Ocean’s 11, câu chuyện về tương tác giữa những con người quanh một vụ án mà khán giả có cái nhìn toàn cảnh.
Không có bí ẩn nào, không có cái kết ngã ngửa nào, và cũng không có cảm giác căng thẳng cố đoán xem tác giả đang lừa mình ở đâu, thủ phạm thực sự là ai và câu chuyện ở đây rốt cục là gì.
Khi mới tiếp cận cuốn sách này, cảm giác đầu tiên của tôi là thất vọng. Nếu bạn tiếp cận nó như bất kỳ tiểu thuyết về chủ đề tội phạm nào, bạn sẽ bật ra ngay so sánh với các bậc thầy trinh thám đương thời như Stieg Larsson, Dan Brown hay Jo Nesbo.
Và bạn rút ra kết luận nhanh chóng: Câu chuyện quá giản đơn, vụ án quá nhạt nhẽo, không có gì gọi là “nghẹt thở” và thậm chí bạn gần như không phải “đoán” bất kỳ cái gì – thói quen ưa thích của bạn khi đọc các tác giả trên.
Nhưng tôi đã nhầm.
Carl Hiaasen đã ném vào giữa cuộc sống thường nhật một mâu thuẫn điển hình, như Eris ném lên bàn quả táo. Và rồi để cho những con người – có tính cách rất điển hình – tự tạo ra vòng xoáy của họ.
Chẳng có gì xa lạ trong quyển sách này. Một tay chơi lang chạ hám tiền, một nhà tư bản tìm cách bảo vệ gia sản bằng việc hối lộ, một cô gái ngây thơ mà cuộc sống bị chi phối bởi sự lãng mạn và những cơn hứng tình, một viên cảnh sát yêu nghề nhưng không quá mẫn cán.
Không có một bậc thông minh xuất chúng nào kiểu Harry Hole của Jo Nesbo hay Robert Langdon kiểu Dan Brown. Họ đều là những con người tầm thường đang lầm lũi đi lại trong xã hội. Rồi bỗng một kẻ tầm thường sợ lộ cái bí mật tầm thường của hắn ta, và hắn quyết định hành động.
Hóa ra là chúng ta, trong tư cách những con người, đã thường xuyên giao kết với nhau bằng những thỏa thuận chênh vênh. Tác giả chỉ việc đặt một cây kim mảnh lên một lâu đài xếp bằng lá bài. Trạng thái ổn định sụp đổ.
Mâu thuẫn leo thang. Người ta sẵn sàng giết nhau để cố tìm lấy sự ổn định lúc đầu – mà nó thật ra có tồn tại bao giờ đâu. Các nhân vật nhảy múa. Sân khấu được lấp đầy bằng hành động.
Cây kim ấy, Carl Hiaasen đã nhặt lên từ dưới đầm lầy. Một đầm lầy đang nhiễm độc vì thuốc hóa học trong công viên quốc gia Everglades, Florida.
Nhà văn, nhà báo Carl Hiaasen. Ảnh: Tim Chapman/PRH. |
Nỗi đau của tự nhiên
Carl Hiaasen vốn xuất thân là một nhà báo điều tra, và ông đã dành cả một quãng đời viết về Everglades, một vùng sinh thái đang bị tàn hại bởi lòng tham của con người.
Bạn có thể sẽ gấp sách lại và tưởng rằng mình vừa đọc về một vụ trả thù giữa người với người. Nhưng nếu nghĩ kỹ hơn, bạn sẽ nhận ra rằng đó là một lời cười nhạo của tự nhiên dành cho xã hội con người.
Họ đã dẫm đạp lên hệ sinh thái để xây dựng lâu đài của mình, và ngạo mạn tin rằng nó vững chắc lắm.
Tại sao không vững chắc cơ chứ? Khi mà những nhà khoa học môi trường được đài thọ ăn học bởi những công ty xả thải? Khi mà của cải, quyền lực được tạo ra từ việc lờ đi những nỗi đau của tự nhiên?
Và bạn liệu có biết một kiều nữ thượng lưu có lòng yêu thương chúng sinh vô hạn, sẵn sàng quyên tiền bảo vệ bò tót ở Tây Tạng, nhưng không quan tâm gì đến số phận cái đầm ở gần nhà?
Đó là chuyện của Florida hay là chuyện mà Carl Hiaasen tự tưởng tượng ra? Không, ở cuốn sách này toàn những giao ước quen thuộc của con người ở mọi nơi trên thế giới, kể cả ở quốc gia của bạn. Những giao ước tầm thường.
Và những giao ước ấy, dẫu có được thực hiện trơn tru thế nào, vẫn không bền vững: Chúng được thực hiện dựa trên một lời nói dối vĩ đại, rằng họ đang sống không thẹn với lòng. Nhưng họ ăn cắp của thiên nhiên. Họ sợ hãi thường trực.
Thật kỳ lạ, khi gấp cuốn sách này lại, và nghĩ rằng ngoài kia, trong những phòng họp ở đâu đó rất gần đây, có bao nhiêu gương mặt đang tự tin thuyết trình một dự án vương giả chà đạp hệ sinh thái; không chỉ cố thuyết phục khách hàng và nhà đầu tư, mà còn đang cố thuyết phục bản thân rằng mình là người đàng hoàng. Không ai biết mình là kẻ ăn cắp, ngoại trừ mẹ tự nhiên – cuộc sống giữa loài người mới dễ chịu làm sao.