Năm 2021, các trường ĐH, CĐ tiếp tục tự chủ hơn trong tuyển sinh. Mỗi trường sử dụng trung bình 4-6 phương thức và mở nhiều đợt xét tuyển nhằm tăng thêm cơ hội cho thí sinh, nhất là thí sinh giỏi. Do vậy, dù kỳ thi tốt nghiệp THPT chưa diễn ra, nhiều thí sinh đã được thông báo đạt điểm chuẩn trong các đợt xét từ tháng 3 đến nay.
Hàng loạt thí sinh “trúng tuyển”
Hội đồng tuyển sinh ĐH Nguyễn Tất Thành vừa công bố điểm chuẩn cho phương thức xét học bạ đợt 1 và điểm đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM.
Theo hội đồng tuyển sinh, ở đợt đầu xét tuyển, trường nhận khoảng 5.000 hồ sơ đăng ký vào 48 chương trình ĐH hệ chính quy. Số lượng này tăng hơn hẳn so với những năm trước vì phương thức này nhanh gọn về thủ tục, không áp lực thi cử và một phần ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Trước đó, hội đồng tuyển sinh ĐH Gia Định, ĐH Văn Lang cũng đã công bố danh sách thí sinh đủ điểm xét tuyển vào các ngành theo phương thức xét tuyển học bạ đợt 1, với các mức điểm theo quy định của từng ngành.
Ông Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng ĐH Văn Lang, cho biết đây chỉ là điểm chuẩn xét tuyển. Để trúng tuyển chính thức, thí sinh cần hoàn thành chương trình lớp 12 và tốt nghiệp THPT mới được nhập học.
Riêng thí sinh xét tuyển vào nhóm ngành sức khỏe cần đạt thêm các điều kiện về ngưỡng đảm bảo chất lượng học lực do Bộ GD&ĐT quy định. Thí sinh ở các ngành năng khiếu cần nộp bổ sung điểm thi các môn năng khiếu.
Thí sinh đăng ký xét tuyển tại ĐH Văn Lang những ngày qua. Ảnh: Pháp Luật TP.HCM. |
“Đau đầu” với thí sinh ảo
Phương thức xét học bạ được đánh giá là đơn giản, không áp lực thi cử và nhiều cơ hội trúng tuyển ở nhiều đợt khác nhau. Do đó, nhiều thí sinh tranh thủ cơ hội để đăng ký nộp hồ sơ ở nhiều ngành, nhiều trường để mong trúng tuyển ngành mình yêu thích.
Việc này khiến số lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển ở các trường tăng mạnh, nhất là ở những nhóm ngành “hot”.
Để sàng lọc, nhiều trường buộc phải xét tuyển nhiều đợt hoặc đưa ra những tiêu chí, điều kiện đi kèm để làm sao tuyển được đúng đối tượng và số lượng.
Năm nay, ĐH Văn Lang dự kiến tuyển đến 7.000 chỉ tiêu cho 48 ngành học theo năm phương thức. Trong đó, trường dành đến 60% chỉ tiêu cho phương thức xét học bạ THPT (tức hơn 4.000 chỉ tiêu) và dự trù hơn bốn đợt xét. Thế nhưng chỉ mới ở đợt 1, với điểm chuẩn trường công bố, có đến 31.000 hồ sơ đạt điều kiện điểm này.
Ông Tuấn lý giải trường lấy mức điểm với số lượng hồ sơ này vì để loại trừ thí sinh ảo – là những em đăng ký vào nhiều trường hoặc không đạt đủ các điều kiện. Bởi dù 31.000 hồ sơ đạt điểm chuẩn nhưng chỉ có khoảng 10-15% số đó nhập học. Do đó, trường sẽ xét tuyển nhiều đợt để tuyển được thí sinh.
ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM năm nay tuyển khoảng 3.000 thí sinh (tối đa 50% tổng chỉ tiêu) cho xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT. Hiện tại, trường đã nhận được hơn 32.000 nguyện vọng đăng ký. Tuy nhiên, trường xét tuyển dựa vào điểm trung bình học bạ năm học kỳ (trừ học kỳ II của lớp 12) của từng môn theo tổ hợp môn.
Đại diện trường cho biết thời hạn nộp hồ sơ là ngày 15/6. Sau đó, trường sẽ xét và công bố danh sách trúng tuyển. Mặc dù trường “siết” điều kiện đầu vào nhưng năm nào cũng có tỷ lệ thí sinh trúng tuyển ảo rất lớn, nhất là những em có học lực giỏi vì các em có nhiều lựa chọn vào các trường.
Tuy nhiên, theo vị này, nếu thí sinh nhập học không đủ, trường sẽ nhận hồ sơ tiếp hoặc dồn chỉ tiêu còn thiếu sang phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT.
ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM năm nay cũng tuyển khoảng 1.400 chỉ tiêu cho phương thức xét học bạ (40%). Theo thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông của trường, kết thúc đợt 1, trường nhận được 7.031 hồ sơ đạt điều kiện ban đầu.
Tuy nhiên, theo ông Sơn, trong số này, chỉ khoảng 4.000 thí sinh có nguyện vọng thực sự vào trường và sẽ khoảng 1.500 em trúng tuyển, còn lại là thí sinh nộp cùng lúc nhiều trường.
“Với xét học bạ, trường rất khó để lọc ảo vì đó là cơ hội của các em để lựa chọn ngành, trường phù hợp. Chủ yếu trường dự đoán số ảo để đưa ra mức điểm chuẩn hợp lý, nếu thiếu trường sẽ tiếp tục xét tuyển các đợt sau”, ông Sơn nói.
Không thông báo trúng tuyển khi thí sinh chưa tốt nghiệp THPT
Theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT về hướng dẫn công tác tuyển sinh trình độ ĐH, CĐ ngành giáo dục mầm non năm 2021, các cơ sở đào tạo phải có biện pháp kiểm soát các điều kiện sơ tuyển khi yêu cầu thí sinh trong tuyển sinh, không để có tình trạng thí sinh đã trúng tuyển nhưng bị loại khi nhập học do không đủ điều kiện sơ tuyển, không thông báo thí sinh trúng tuyển dưới mọi hình thức khi thí sinh chưa tốt nghiệp THPT, gây bức xúc xã hội.
Khi đã được thông báo trúng tuyển, thí sinh phải xác nhận nhập học thông qua việc nộp bản chính giấy chứng nhận kết quả thi tốt nghiệp vào trường trong thời hạn do trường đưa ra. Quá thời hạn này, thí sinh không xác nhận nhập học được hiểu là từ chối nhập học và trường được xét tuyển thí sinh khác. Thí sinh đã xác nhận nhập học thì không được tham gia xét tuyển ở các trường khác.