Cuộc sống, hầu như bất cứ ai, cũng đều trải qua những cung bậc cảm xúc khác nhau của yêu ghét hay hờn giận, buồn vui hay giận dữ.
Xa hơn nữa, ở mức độ khác nhau, chúng ta đều mang trong mình những tổn thương. Để bước tiếp, chúng ta chắc chắn phải có liệu pháp vượt qua những tổn thương ấy.
Với trải nghiệm của bản thân, cùng sự nghiên cứu chuyên sâu, kinh nghiệm đúc kết trong lĩnh vực mình theo đuổi, TS tâm lý học Gail Brenner đã gửi những liệu pháp “chữa lành” dành cho độc giả qua tác phẩm Khổ đau không là điều tất yếu.
Nói cách khác, đây là tác phẩm giúp chúng ta khám phá bản thân ở chiều hướng tích cực nhất.
Tác phẩm Khổ đau không là điều tất yếu do NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành. Ảnh: Trần Đình Ba. |
Tác phẩm được viết ra để “dành cho những tâm hồn bị tổn thương, luôn tin rằng bản thân là người kém cỏi”. Mục đích là qua đó “có thể tìm thấy những lời khuyên thiết thực, các công cụ, cũng như những bài thực hành mà ai cũng có thể áp dụng để tự giải phóng khỏi những dằn vặt đến từ việc phán xét bản thân”, như lời nhận xét của Lori Deschene – người sáng lập chương trình học trực tuyến “Viết nên cuộc đời mới”.
Đọc Khổ đau không là điều tất yếu, chúng ta sẽ nhìn thấy một phần con người mình trong đó, ở góc cạnh nào đó. Và chắc chắn, mỗi độc giả sẽ vui mừng tìm thấy liệu pháp, chỉ dẫn thiết thực cho bản thân để chữa lành những tổn thương, để “khổ đau không là điều tất yếu”.
Trước nhất, tác phẩm hướng đến việc “khám phá sự tự do” trong bản thân mỗi con người với những chỉ dẫn như học cách “quan sát” chính nội tâm của bản thân; buông bỏ suy nghĩ tiêu cực hay hướng tới những cảm xúc mới…
Đây chính là nội dung trọng tâm xuyên suốt của Khổ đau không là điều tất yếu để độc giả “tìm thấy tình yêu dành cho bản thân và sự bình yên trong tâm hồn”.
Thực sự thú vị khi qua tác phẩm này, chúng ta khám phá chính bản thân để xác định mình là ai qua những phân tích, liệu pháp được tác giả xây dựng một cách khoa học.
Bởi lẽ, quan điểm của tác giả đối với bản thể con người là: “Bất kể danh tính kém cỏi có vẻ chân thật đến mức nào, bạn không nhất thiết là người không có giá trị. Bạn không cần phải được định nghĩa bởi danh tính đó”.
Nói cách khác, những liệu pháp này chính là sự giải phóng con người khỏi cảm giác tự ti ở những điểm yếu, khiếm khuyết của bản thân để sống lạc quan, tự do với chính mình, không bị bó buộc những suy nghĩ, hành động tiêu cực hoặc do chính mình, hoặc do nhân tố bên ngoài tác động.
Chẳng hạn, để thực thi được việc tìm đến “không gian bình yên của sự tỉnh thức”, tác giả vạch ra những nguyên tắc căn bản cho người đọc. Đó là việc toàn quyền dịch chuyển sự chú ý đến các phần khác nhau trong trải nghiệm bản thân; đón nhận những trải nghiệm khác nhau thay vì đắm chìm trong suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực bấy lâu…
Đối với tác phẩm này, để thu lượm được những ý nghĩa thiết thực qua từng trang sách, độc giả thực sự cần đọc thật chậm, thật kỹ với tâm thế của sự thư thái.
Đồng thời, đặt bản thân vào chính nội dung tác phẩm để khám phá những ẩn tàng, góc cạnh còn chưa được nhìn nhận thấu đáo của bản thân.
Có như thế, những chiêm nghiệm, kiến thức từ sách mới được cảm thụ thấu đáo mà có thể dùng việc đọc tác phẩm này, cũng như việc tập yoga hay thiền định vậy.
Điều tích cực mà tác phẩm mang đến, được thể hiện qua nhận xét của Nance Guilmartin (tác giả sách Những cuộc trò chuyện chữa lành) là: “Tác giả sẽ cùng bạn học cách an tâm: Bạn không cần phải thay đổi người khác, chỉ cần thay đổi góc nhìn về cuộc đời, thay đổi niềm tin của bạn về bản thân, và rồi bạn sẽ có thể tận hưởng cuộc sống một cách trọn vẹn hơn”.