Covid-19 là một tác động không nhỏ ảnh hưởng tới tâm lý con người. Hàng ngày chúng ta nghe, đọc rất nhiều thông tin trong nước cũng như trên thế giới về tình hình dịch những ca mắc và tử vong gia tăng. Điều này khiến con người dễ lo lắng, căng thẳng, và dẫn đến trầm cảm.
TS Alex Korb là nhà thần kinh học chuyên nghiên cứu về não bộ. Ông viết nhiều bài báo khoa học về căn bệnh trầm cảm. Vòng xoáy đi lên là một trong những nghiên cứu công phu của ông. Cuốn sách vừa được dịch và có mặt tại Việt Nam.
Triệu chứng của bệnh trầm cảm
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trầm cảm là căn bệnh phổ biến nhất trên toàn thế giới và đứng thứ hai trong gánh nặng bệnh lý toàn cầu (chỉ sau bệnh lý mạch vành). Ước tính có khoảng 350 triệu người bị ảnh hưởng bởi căn bệnh này.
Người bị trầm cảm thường có biểu hiện buồn bã, trống rỗng hoặc thậm chí bực bội trong người. Có người lại mất ngủ, luôn cảm giác tội lỗi; nặng hơn thì sẽ nghĩ tới việc tự tử.
Đã có nhiều lời khuyên để giảm bớt căn bệnh này, nhưng hiệu quả đem lại không quá khả thi. Nếu ví căn bệnh này với một cái hố sâu, và người bệnh là viên bi, thì viên bi sẽ luôn có xu hướng đi về phía cái hố đó.
Với nhiều năm kinh nghiệm trong nghề, TS Alex Korb chỉ ra rằng, có 8 thay đổi trong cuộc sống giúp đảo ngược chiều hướng trầm cảm, để “viên bi” có thể lật ngược tình thế và thoát khỏi “hố sâu” kia. Đó là tập thể dục, giấc ngủ, đưa ra quyết định, thói quen, phản ứng sinh học, lòng biết ơn, đóng góp cho xã hội và trợ giúp từ chuyên gia.
Người mắc trầm cảm thường chỉ muốn ở một mình. Ảnh: bvdklaocai. |
Bí quyết đơn giản để vòng xoáy đi lên
Tạo dựng 8 thay đổi trên không phải vấn đề ngày một ngày hai và càng không đơn giản đối với người bệnh. Họ thường gặp khó khăn khi phải thực hành theo những bảng chỉ dẫn y khoa từ y, bác sĩ. Hiểu được tâm lý của bệnh nhân trầm cảm, TS Alex Korb vạch ra những bí quyết bỏ túi đơn giản để tạo dựng “vòng xoáy đi lên” cho “viên bi”.
Nghĩ tới ký ức vui là một trong những bí quyết hữu hiệu. Theo ông, trước khi đi ngủ, người bệnh hãy nghĩ tới những ký ức vui của bản thân, viết vào nhật ký hoặc đơn giản là hồi tưởng lại.
Một hành động rất đơn giản nữa có thể cải thiện tâm trạng, đó là cười. Tuy nhiên, cười không phải là đứng trước tấm gương lớn và cố ngoác miệng gượng cười. Chỉ cần thư giãn cơ mặt và để cho góc miệng được kéo lên trên khi nghĩ về những chuyện vui trong cuộc sống. Khi ấy, quá trình phản hồi sinh học phức tạp và kỳ diệu sẽ tự diễn ra.
Một sự thật dễ bắt gặp ở người mắc trầm cảm là họ không muốn tiếp xúc với mọi người, nhưng lại rất sợ cô đơn. Vòng xoáy tiêu cực càng dễ xảy ra nếu ở một mình. Vì thế, việc được ở bên cạnh nhiều người trong giai đoạn đó là cần thiết.
Cũng theo TS Alex Korb, ở thời điểm khó tìm thấy niềm vui, cổ vũ cho một đội thể thao là điều được khuyến cáo. Một trong những cách tốt nhất để chống lại trầm cảm là cảm giác mình thuộc về một nhóm nào đó. Ngay cả khi chỉ đóng vai trò là người xem, chiến thắng của đội mà mình cổ vũ cũng làm tinh thần phấn chấn lên rất nhiều. Một đội thể thao thường sẽ có một cộng đồng, nhờ đó ngay cả khi thua, người bệnh cũng sẽ có được một nhóm bạn thân để động viên nhau hy vọng vào trận đấu tiếp theo.
Với những bí quyết đơn giản, dễ thực hiện, Vòng xoáy đi lên khiến người đọc xóa tan nỗi sợ hãi về căn bệnh trầm cảm.
“Qua cuốn sách, bạn sẽ biết được cách thức những vùng não khác nhau phối hợp ăn ý nhằm giúp bạn bớt lo nghĩ và nâng cao sức khỏe toàn diện. Bạn sẽ đảo ngược được vòng xoáy đi xuống của trầm cảm và lo lắng thành vòng xoáy đi lên của niềm vui và sự thông suốt trong cuộc sống”, trích lời Tiến sĩ Y khoa Daniel J. Siegel trong phần nhận xét về cuốn sách.