Điều làm cho tuổi già trở thành một bất hạnh, Musonius nói, thường không phải do sự yếu nhược hay bệnh tật đi theo nó, mà chính là viễn cảnh của cái chết đang cận kề. Và tại sao có những người, cả già lẫn trẻ, đều bị phiền nhiễu bởi viễn cảnh của cái chết?
Một số người cảm thấy phiền não vì họ sợ những điều có thể đến sau cái chết. Nhiều người khác phiền não vì họ sợ rằng họ đã sống sai lầm – rằng họ đã sống mà không đạt được những thứ thực sự có giá trị trong cuộc sống. Dĩ nhiên, cái chết sẽ chấm dứt khả năng đạt được những điều đó của họ.
Chuyện này nghe giống như một nghịch lý, nhưng việc có được một hệ thống triết học rành mạch trong cuộc sống, cho dù là chủ nghĩa khắc kỷ hay những chủ nghĩa triết học khác, có thể giúp chúng ta dễ chấp nhận cái chết hơn.
Một người sống với một hệ thống triết học chặt chẽ sẽ ý thức được điều gì trong cuộc sống là đáng để đạt tới, trong giới hạn mà anh ta có thể làm được hoặc anh ta có thể đã đạt được điều đó.
Kết quả là khi thời gian đã điểm đến lúc anh ta phải ra đi, anh ta sẽ không cảm thấy mình bị gian lận. Ngược lại, giống như lời của Musonius, anh ta sẽ, “tự do khỏi nỗi sợ cái chết”.
Tranh Cái chết của Seneca của họa sĩ Manuel Dominguez Sanchez. |
Bằng trí tưởng tượng, hãy cùng nhìn lại những ngày cuối cùng của triết gia khắc kỷ Julius Canus, khi Caligula, người mà Canus đã làm phật lòng, ra lệnh hành quyết ông ta. Canus vẫn giữ vẻ điềm nhiên: “Ngài là vị lãnh chúa tuyệt hảo nhất,” ông nói, “Tôi xin trân trọng biết ơn ngài”.
Mười ngày sau đó, khi một gã đao phủ đến để đưa ông ấy ra pháp trường, Canus đang chơi cờ. Thay vì than trách về số phận hoặc cầu xin tên đao phủ tha mạng cho mình, Canus chỉ cho tên đao phủ thấy ông ấy đã đi trước một nước cờ trong trò chơi – có nghĩa là nếu sau đó đối thủ của ông ta nói anh ta đang thắng thì đúng là hắn đang nói dối.
Trên đường đến pháp trường khi ai đó hỏi ông ta về cảm giác tinh thần hiện tại, Canus đáp lại rằng ông ta đang chuẩn bị để quan sát giây phút của cái chết để biết được liệu khi đó linh hồn có ý thức được nó đang rời khỏi cơ thể hay không. “Và đó”, Seneca nói một cách đồng tình, “chính là sự điềm nhiên giữa cơn bão”. Ông nói thêm rằng “không ai có thể vào vai một triết gia lâu hơn được nữa”.
Trong khi đó những người không sống với một triết lý rành mạch về cuộc đời sẽ điên cuồng để trì hoãn cái chết. Họ có thể muốn trì hoãn cho đến khi họ có thể đạt được điều mà cuối cùng họ phát hiện ra là có giá trị. (Đáng tiếc thay, họ chỉ ngộ ra điều đó quá trễ trong cuộc sống, nhưng như Seneca quan sát, “những điều bạn làm trong quá khứ chỉ hiển bày ra ngay giây phút bạn trút hơi thở cuối cùng”).
Hoặc họ có thể muốn trì hoãn bởi vì triết lý sống mà họ tự đặt để ra đã thuyết phục họ rằng điều đáng giá nhất trong cuộc sống đó là mọi thứ họ có cần được tích lũy thêm nữa, và họ không thể làm điều đó nếu họ chết.
Ở điểm này, độc giả có thể kết luận rằng các nhà khắc kỷ quá ám ảnh với cái chết. Họ khuyên răn chúng ta phải suy nghiệm về cái chết của chính mình. Họ nói chúng ta phải sống mỗi ngày như là ngày cuối cùng. Họ bắt chúng ta phải thực hành chủ nghĩa khắc kỷ đến một chừng mực nào đó để ta không còn sợ hãi cái chết nữa.
Bên cạnh trạng thái luôn có vẻ như chăm chăm vào cái chết trong khi vẫn còn sống, những nhà tư tưởng khắc kỷ thường có một khuynh hướng dị thường đó là chết những cái chết không tự nhiên.
Những nhà tư tưởng Khắc kỷ người Hy Lạp như Zeno và Cleanthes rõ ràng đã chọn cách tự sát, và Cato cũng bị nghi vấn là đã chọn con đường đó. Cái chết của Musonius không rõ ràng nhưng khi còn sống, ông ta là một người ủng hộ việc tự sát.
Cụ thể, ông ấy khuyên những người già “hãy chọn cách chết nhẹ nhàng khi còn có thể”. Ông nói thêm rằng, “thà chết với sự khác biệt còn hơn là sống quá lâu”.
Ngoài ra, nhiều nhà tư tưởng khắc kỷ không chọn cách tự tử trực tiếp nhưng lại làm những việc để cái chết đến với họ sớm hơn. Khi cái chết dường như đã đến cận kề, Marcus chọn cách tuyệt thực. Seneca cố ý hành xử để nhận được án tử hình trong khi ông ta có thể tránh được điều đó, cũng tương tự như nhà tư tưởng khắc kỷ Thrasea Paetus và Barea Soranus.