Thời gian gần đây, các cơ quan quản lý đã triển khai nhiều giải pháp để ngăn chặn nhưng hoạt động in lậu, in giả, in nối bản trái phép (gọi chung là in lậu) vẫn diễn ra với quy mô và tính chất ngày càng phức tạp.
Cơ quan quản lý đã triển khai nhiều biện pháp thanh tra, kiểm tra, tuyên truyền cách phân biệt sách giả, sách lậu. Trước tình hình in lậu tinh vi như hiện nay, nhiều đơn vị tự phát triển, sử dụng tem chống giả, trong đó có tem điện tử.
Nhiều vấn đề về sử dụng tem điện tử trong hoạt động xuất bản, in đã được thảo luận tại hội thảo “Ứng dụng tem điện tử vào quản lý sản phẩm in và phòng chống in lậu”. Hội thảo diễn ra chiều 25/10, do Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức.
Ông Nguyễn Nguyên – Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam – tại hội thảo. Ảnh: T. H. |
Bước ngoặt để bảo vệ, phát triển thị trường
Chủ trì hội nghị, ông Nguyễn Nguyên – Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam – nói trong công tác phòng chống in lậu, bên cạnh giải pháp quản lý, thể chế, cần giải pháp kỹ thuật. Ông khẳng định: “Tem công nghệ không chỉ đơn giản là bảo vệ thị trường, đây là bước ngoặt để phát triển thị trường”.
TS Nguyễn Đăng Quang – nguyên Phó giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam – cho biết lượng sách giáo khoa rất lớn, mỗi năm khoảng 200 triệu bản sách ra thị trường.
“Với số lượng lớn như vậy, có theo dõi chặt chẽ cũng không thể quản lý hết được. Cuối cùng, chúng tôi nghĩ ra cách dùng tem”, TS Quang nói.
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đặt in hàng triệu bản, in xong tự dán tem vào sách. Cuốn sách nào không có tem lọt ra ngoài thị trường thì truy ra nhà in; từ đó kiểm soát được việc in nối bản. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã sử dụng tem Hologram (tem 7 màu) đã chục năm nay và đây là phương án được đánh giá khá hiệu quả.
Theo TS Quang, hiện nay, tem Hologram có nhược điểm, khiến người dùng khó phân biệt được bằng mắt thường, dẫn tới đơn vị làm sách giả có thể làm giả cả tem. Điều đó khiến Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam sử dụng tem công nghệ. Sách giáo khoa mới gần đây đã áp dụng tem công nghệ.
Tem công nghệ có năm thông tin và bốn lớp bảo mật. Năm thông tin trên tem công nghệ của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam gồm: Dấu hiệu nhận bết tem (được in chìm, chỉ nhìn được khi chiếu tia cực tím); số serial (16 ký tự) để định danh sản phẩm; trang web để truy xuất thông tin tem; mã QR trỏ vào đường link truy xuất tem; mã bí mật phủ nhũ (16 ký tự) dành cho người dùng để xác thực (chỉ dùng được một lần).
Bốn lớp bảo mật trên tem sách gồm: Lớp bảo mật một là hình dạng, hoa văn và một số đặc điểm bí mật ẩn giấu trong tem; lớp bảo mật hai là dấu hiệu nhận biết tem được in chìm, chỉ nhìn được khi chiếu tia cực tím; lớp bảo mật 3 là số serial (quét mã QR để truy cập trang web tcg-nxbgd.vn); lớp bảo mật 4 là mã số dưới lớp phủ nhũ.
Theo TS Quang, các dấu hiệu trên tem đều dễ dàng bị làm giả. Nên các đơn vị cần lớp bảo mật thứ 4 (lớp dưới phủ nhũ). Khi cào nhũ ra, người dùng nạp dãy số được phủ nhũ để xác thực sản phẩm và truy cập vào sản phẩm giá trị gia tăng (nếu có).
Ông Trịnh Dương – Giám đốc công ty Mã hóa Việt Nam – giới thiệu ứng dụng Vietcheck. Ông Dương cho biết tem Vietcheck có thể tích hợp 6 lớp bảo mật (mã tin nhắn phủ cào, mã vạch ID, QR code phủ cào, mã hóa dữ liệu ẩn in chìm chống sao chép trong tem, số serial, mã vô hình là dữ liệu không thể nhìn thấy bằng mắt thường).
Các đơn vị làm tem điện tử và nhà xuất bản đưa ra nhiều ý kiến tại hội thảo. Ảnh: T. H. |
Cần nâng cao ý thức người tiêu dùng
Đã có nhiều loại tem điện tử nhưng các nhà xuất bản, công ty sách vẫn bàn thảo nhiều vấn đề để ứng dụng vào công tác phòng, chống sách lậu.
Theo TS Nguyễn Đăng Quang, giải pháp dán tem điện tử mới tập trung ở sách giáo khoa, nhiều đầu sách chưa được đầu tư dán tem do e ngại chi phí đầu tư.
Đại diện Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cho biết đơn vị này đang ứng dụng thí điểm xây dựng phần mềm mã QR code trên sách có số bản in lớn (trên 5.000 bản), thường là sách pháp luật, giáo trình, bộ sách lớn. Tuy nhiên, việc dán tem 7 màu hay tem QR code hiện nay chưa thể đưa lên dây chuyền, vẫn do nhân công dán.
Ông Trịnh Dương nói việc dán tem công nghiệp chỉ áp dụng được trên sản phẩm công nghiệp, nhưng với sách, độ dày mỏng khác nhau, mỗi đầu sách có kích cỡ, quy chuẩn khác nhau, nên vẫn phải dán thủ công.
TS Nguyễn Quang Hưng – đại diện Công ty Cổ phần Giải pháp Minh Đức – nói tem QR code đang là xu thế hiện nay. Ông nêu thực trạng: “Tôi thấy cứ khi ta có biện pháp chống giả, đối tượng lừa đảo sẽ có hình thức làm giả biện pháp chống giả điện tử”.
Từ đó, TS Hưng đề xuất biện pháp chống giả kết hợp vật lý và công nghệ: Đơn vị đầu tư vào tem nhãn để người tiêu dùng nhìn, cầm vào có thể cảm nhận được độ thật/giả. Bên cạnh đó, nên chống giả bằng công cụ hiện đại, sử dụng phương tiện kết hợp công nghệ xác thực (QR code, mã ID).
Dù cơ quan quản lý, các đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ và nhà xuất bản, công ty sách đưa ra nhiều ứng dụng tem chống hàng giả, người tiêu dùng vẫn chưa thực sự quan tâm tới vấn đề này.
TS Nguyễn Đăng Quang nói với các mặt hàng khác, hàng giả, hàng thật chênh lệch giá trị rất lớn. Trong khi đó, sách giả, sách thật không chênh lệch là bao, thậm chí nhiều người chỉ cần đọc được nội dung sách. Điều đó khiến nhiều người tiêu dùng chưa thực sự quan tâm tới tem chống sách giả.
“Nếu văn hóa người dùng được nâng lên, chỉ cần 50% người dùng kiên quyết kiểm tra tem, mua sách thật, thì người bán sẽ không dám bán sách giả. Tạo nên văn hóa dùng sách thật, phân biệt sách thật, sách giả là rất quan trọng”, TS Nguyễn Đăng Quang nói.
Ông Nguyễn Nguyên khẳng định vai trò của tem chống sách giả: “Bảo vệ bản quyền là cái gốc của sáng tạo. Thông qua giải pháp công nghệ, chúng ta có thể phát triển thị trường, bảo vệ thị trường. Tem công nghệ là một trong nhiều giải pháp”.
Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành cho biết để chống sách lậu không chỉ có biện pháp duy nhất là tem chống sách giả. Cơ quan quản lý vẫn đồng hành, thực hiện nhiều giải pháp, đặc biệt nâng cao văn hóa người tiêu dùng.