PGS.TS Phạm Mạnh Hà, chuyên gia tư vấn hướng nghiệp, Giám đốc Trung tâm hợp tác đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), đưa một tình huống dễ nảy sinh với thí sinh trượt đại học đợt 1.
Bình tĩnh khi chọn phương án 2
Thí sinh tìm mọi cách để được đi học đại học mà không suy tính ngành học đó có phù hợp với mình hay không, uy tín của trường, học phí học tập như thế nào.
Thí sinh thiếu thận trọng, thiếu cân nhắc, cộng với tâm lý nóng vội rất dễ dẫn đến những lựa chọn sai lầm.
Thí sinh cần cẩn trọng khi lựa chọn nguyện vọng 2. |
Giải quyết vấn đề này, PGS Phạm Mạnh Hà cho rằng thí sinh và gia đình cần bình tĩnh, tìm hiểu đầy đủ thông tin, tính toán phương án phù hợp dựa trên các tiêu chí: Ngành học yêu thích, trường học có uy tín, học phí và các hoạt động hỗ trợ của nhà trường cho sinh viên sau tốt nghiệp.
Khi lựa chọn trường đại học để đăng ký lần 2, thí sinh cũng cần tìm hiểu kỹ, trường đó có các ngành mình yêu thích hoặc gần giống với ngành mình mong muốn hay không? Nhà trường có câu lạc bộ sinh viên? Thí sinh có được học song bằng, bằng kép hoặc có thể học liên kết quốc tế hay không? Chuẩn đầu ra các ngành học là gì? Tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm ra sao?
Bên cạnh đó, hiện một số trường đại học lớn, hoặc trường đa ngành mở thêm các chuyên ngành mới. Thí sinh cần thận trọng khi đăng ký, vì nếu bị hấp dẫn bởi tên gọi mà không tìm hiểu sâu ngành đó học cái gì, ra trường làm việc ở đâu, cơ hội việc làm, thu nhập như thế nào thì nguy cơ ra quyết định sai rất cao.
“Các thí sinh trượt đại học lần 1 hãy coi đây là cơ hội để lựa chọn ngành nghề thật chính xác, cũng như suy nghĩ thật kỹ con đường phát triển của mình. Nhiều khi, đại học không phải là con đường duy nhất để đi đến thành công. Cuộc sống có nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác mà các bạn có thể lựa chọn và phát triển. Các em hãy lập cho mình lộ trình thành công thay vì mục tiêu duy nhất là đỗ đại học” – PGS Phạm Mạnh Hà đưa ra lời khuyên.
Vấn đề này, theo chia sẻ từ trải nghiệm thực tế của PGS.TS Trần Trung Kiên – Trưởng phòng Tuyển sinh, ĐH Bách khoa Hà Nội, có một xu hướng được thí sinh lựa chọn là đổ xô vào ngành thời thượng, không quan tâm đến ngành cơ bản hiện thiếu nhiều nhân lực.
Vì vậy, thí sinh suy nghĩ thấu đáo trước khi đăng ký học. Thậm chí, các em học muộn 1-2 năm không quá quan trọng. Điều quan trọng là sự nỗ lực bản thân để đạt nguyện vọng.
ThS Nguyễn Vinh San, Trưởng phòng Công tác Học sinh Sinh viên, phụ trách tuyển sinh, ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) cũng đồng quan điểm và nhắn nhủ thí sinh suy nghĩ kỹ về lựa chọn ngành học của mình, không nên đăng ký “bừa” vào trường nào đó. Sau khi xác định ngành muốn học, thí sinh tìm kiếm các trường đang đào tạo về ngành đó có tuyển sinh bổ sung để đăng ký với mức điểm phù hợp.
Cách “quản lý” cảm xúc tiêu cực
Đưa lời khuyên với thí sinh dưới góc độ là chuyên gia tâm lý, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các khoa học giáo dục, ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) lưu ý thí sinh không nên có suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực khi bản thân đối diện với một nỗi thất vọng lớn. Các em thường nghĩ dù rất cố gắng nhưng vẫn không đạt được điều mình mong đợi là bình thường. Trong thời khắc này, chúng ta thường hay có những giải pháp tiêu cực như trốn chạy, tuyệt vọng và trả thù bản thân.
“Trốn chạy là một trong những biện pháp giải quyết khủng hoảng mà các bạn thường dùng. Đó là cách thoát khỏi một tình thế mà bản thân cảm thấy không thể đương đầu được. Tuyệt vọng cũng là trạng thái thường gặp ở các bạn có kỳ vọng cao, hy vọng lớn, dồn quá nhiều tâm sức, tư tưởng cho mục đích mà cuối cùng không đạt được. Điều này khiến các em cảm giác mất hết ý nghĩa cuộc sống” – PGS Trần Thành Nam phân tích.
Các em nên biết rằng, thành công cuộc sống có nhiều con đường và người thành công trước hết phải là người sống sót đã. Thí sinh nên suy nghĩ rộng hơn, việc không đạt mục tiêu có thể do rất nhiều yếu tố khách quan ngoài tầm kiểm soát của các bạn.
Do đó, các em hãy trì hoãn mọi quyết định gây hại đến bản thân, bao gồm cả kết thúc cuộc sống. Thay vào đó, các em dành thời gian nghĩ việc mình sẽ nhận sự giúp đỡ cần thiết như thế nào và từ đâu.
Thậm chí, thí sinh cần nghĩ đến việc loại bỏ mọi thứ xung quanh có thể sử dụng để gây hại cho bản thân. Thí sinh cũng nên tránh ở một mình, cần ai đó ở cùng cho đến khi suy nghĩ tiêu cực giảm xuống. Đặc biệt, thời gian này, các em hãy tránh sử dụng rượu, cà phê hay các chất kích thích gây nghiện khác, vì nó có thể làm tăng những cảm xúc tiêu cực dẫn đến những quyết định không chuẩn xác.